Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Triển vọng, ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh Hàn-ASEAN tại Busan

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-11-25

© YONHAP News

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-ASEAN lần thứ ba


Lãnh đạo 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có mặt tại thành phố cảng Busan (Hàn Quốc) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn-ASEAN. Hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Seoul và ASEAN, khu vực có dân số lên tới 650 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 3.000 tỷ USD. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin phân tích ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh Hàn-ASEAN năm nay.


Hàn Quốc đang duy trì quan hệ chặt chẽ với ASEAN. Đây là lần thứ ba Seoul tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn-ASEAN sau lần đầu tiên tại đảo Jeju năm 2009 và lần thứ hai tại thành phố Busan năm 2014. Hàn Quốc là nước đối tác duy nhất của ASEAN tổ chức nhiều Hội nghị thượng đỉnh với khối này như vậy. Đặc biệt, sự kiện năm nay còn nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại Hàn-ASEAN. Sự kiện này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách phương Nam mới mà chính quyền Tổng thống Moon Jae-in theo đuổi, với mục tiêu tăng cường quan hệ với ASEAN.


ASEAN nổi lên như một thị trường thay thế tiềm năng


Sau Hội nghị thượng đỉnh Hàn-ASEAN ngày 25-26/11, Hội nghị thượng đỉnh giữa Seoul và năm nước khu vực tiểu vùng sông Mekong, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar, sẽ diễn ra tại thành phố Busan ngày 27/11. Khác với các cuộc thảo luận cấp bộ trưởng trước đây, Hội nghị lần này đã được nâng tầm thành Hội nghị thượng đỉnh. Rõ ràng, các cuộc thảo luận đa phương sẽ mở ra cơ hội lớn cho Seoul, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang và căng thẳng Hàn-Nhật nổ ra gần đây. Ông Chung Chul-jin lý giải. 


ASEAN được thành lập tháng 8 năm 1967 khi năm nước Indonesia, Singapore, Phillipines, Thái Lan và Malaysia gặp gỡ và ký thỏa thuận. Hiện nay, khối này đã mở rộng thành 10 thành viên, gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Phillipines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam. Các nước ASEAN có tốc độ tăng trưởng kinh tế 5-6%. Đặc biệt, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 6-8%. Quy mô kinh tế của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Phillipines và Brunei cũng đang mở rộng đáng kể. Không quá ngạc nhiên khi không chỉ Hàn Quốc mà nhiều quốc gia khác cũng đang để mắt đến tiềm năng lớn của ASEAN. 


ASEAN là đầu cầu của Chính sách phương Nam mới 


ASEAN là thị trường lớn thứ ba thế giới chỉ sau Trung Quốc (1,4 tỷ dân) và Ấn Độ (1,3 tỷ dân). Các nước ASEAN đều có dân số trẻ với độ tuổi trung bình khoảng 30 tuổi, điều kiện sản xuất lý tưởng và thị trường giàu tiềm năng. ASEAN có thể là lời giải cho bài toán xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ và Trung Quốc của Seoul. Ngay từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Moon Jae-in đã đặc biệt chú ý đến khu vực ASEAN. Chuyên gia Chung Chul-jin cho biết thêm. 


Trước đây, Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào chính sách phương Bắc, thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Moon lại hướng về phương Nam, cụ thể là ASEAN, và đã giới thiệu Chính sách phương Nam mới tháng 11 năm 2017. Tổng thống Moon đã có các chuyến thăm chính thức tới Phillipines, Việt Nam, Singapore, Campuchia và Brunei. Hội nghị thượng đỉnh lần này dự kiến sẽ thúc đẩy quan hệ song phương Hàn-ASEAN, và tăng cường cho Chính sách phương Nam mới. 


Trận chiến của ba quốc gia trên thị trường ASEAN 


Quan hệ đối thoại Hàn-ASEAN chính thức được thiết lập năm 1989. Đôi bên đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện năm 2004, và nâng tầm quan hệ thành đối tác chiến lược năm 2010. Năm 2017, Hàn Quốc đã công bố Chính sách phương Nam mới, với tầm nhìn đưa ASEAN và Ấn Độ thành hai trong bốn đối tác quan trọng bên cạnh Mỹ và Trung Quốc. Seoul cũng tích cực tiếp cận thị trường ASEAN, như ký Thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện với Indonesia tháng trước, và hiện đang nỗ lực xúc tiến Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Malaysia và Phillipines. Hợp tác kinh tế Hàn-ASEAN cũng ngày càng mở rộng, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 159 tỷ USD trong năm ngoái, gấp nhiều lần con số 2,6 tỷ USD của năm 1980. Tuy nhiên, Hàn Quốc không phải nước duy nhất quan tâm đến thị trường ASEAN. Ông Chung Chul-jin cho biết.


Ngoài Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản cũng hiểu rõ tiềm năng của ASEAN. Trong khi Tokyo tích cực thúc đẩy thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư với ASEAN, Bắc Kinh lại mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực. Do đó, Seoul cần cạnh tranh quyết liệt với hai nước láng giềng để có mối quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN. May mắn là Seoul đang có lợi thế nhờ sự phổ biến của làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu. Các sản phẩm làm đẹp, nội dung văn hóa Hàn Quốc hay K-pop rất được ưa chuộng tại các nước ASEAN.  


Biến thách thức thành cơ hội hợp tác thực sự với ASEAN 


ASEAN đang tích cực thu hút đầu tư nước ngoài nhằm phát triển nông nghiệp và mở rộng cơ sở hạ tầng. Nhật Bản và Trung Quốc đã tận dụng chính sách này để tăng cường hiện diện trong khu vực. Hàn Quốc lại biết tận dùng “quyền lực mềm” từ sự bùng nổ văn hóa Hallyu. Tuy vậy, Seoul cũng cần tận dụng các lợi thế khác để tăng cường hợp tác với ASEAN. Chuyên gia Chung Chul-jin đánh giá.


Các cuộc họp thượng định tất nhiên rất quan trọng, nhưng Seoul cũng cần thu hút chú ý thông qua các sự kiện văn hóa, kinh tế bên lề hội nghị. Ví dụ, lãnh đạo các doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô hơn 1 tỷ USD từ Hàn Quốc và ASEAN đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong phiên họp riêng. Một sự kiện khác là Hội nghị thượng đỉnh đổi mới văn hóa ASEAN-ROK, quy tụ những tên tuổi hàng đầu về đổi mới văn hóa, như Giám đốc kiêm người đồng sáng lập Netflix Reed Hastings, và Giám đốc Công ty giải trí Big hit Bang Shi-hyuk, cha đẻ của nhóm nhạc nam BTS, biểu tượng của K-pop thế hệ mới. Các sự kiện này giúp nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của trao đổi kinh tế, văn hóa Hàn-ASEAN. Bên cạnh đó, Seoul cần tăng cường quảng bá hình ảnh và trao đổi nhân lực với ASEAN để vượt qua Tokyo và Bắc Kinh chiếm trọn trái tim người dân bản địa. Tôi hy vọng Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là bước đi vững chắc đầu tiên hướng đến mục tiêu đó.


Khẩu hiệu của Hội nghị thượng đỉnh Hàn-ASEAN lần này là “Hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng cho người dân”, phản ánh những nỗ lực và kỳ vọng xây dựng con đường thịnh vượng chung của các nước ASEAN và Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập