Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Ba nước Đông Bắc Á đàm phán FTA thứ 16 tại Seoul

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-12-02

© MOTIE

Vòng đàm phán FTA Đông Bắc Á bắt đầu năm 2012


Từ 27-29/11, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã tổ chức vòng đàm phán thứ 16 về Hiệp định thương mại tự do (FTA), 7 tháng sau vòng đàm phán tại Tokyo hồi tháng 4. Đã có nhiều lo lắng về các cuộc đàm phán trong bối cảnh quan hệ Hàn-Nhật xấu đi thời gian qua. May mắn là các cuộc đàm phán mới nhất được cho là đã đạt được một số bước tiến. Trên thực tế, 15 nước, gồm cả ba nước Đông Bắc Á, đã đạt được nhất trí về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đầu tháng 11. Trong quá trình hình thành khối thương mại châu Á - Thái Bình Dương, ba nước Đông Bắc Á đã thúc đẩy thỏa thuận thương mại riêng để mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ; thúc đẩy hợp tác ba chiều ở các lĩnh vực đầu tư, luật nguồn gốc xuất xứ, đơn giản hóa thông quan và thương mại điện tử.

Tại cuộc đàm phán lần thứ 16 này, Seoul nhận định thương mại toàn cầu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng, qua đó kêu gọi ba nước tiến đến một Hiệp định thương mại tự do cao hơn Hiệp định RCEP. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đàm phán thương mại trước đây. Trong khi đó, Tokyo lưu ý nền kinh tế thế giới đang ở ngã ba đường, và nhất trí rằng các điều khoản chi tiết của FTA ba bên cần cao hơn RCEP. Như vậy, cả ba nước cùng kêu gọi tự do hóa thị trường, tương tự mục tiêu của các cuộc đàm phán đầu tiên. Trong mục “Tiêu điểm kinh tế” tuần này, Giáo sư Kim Gwang-seok, chuyên ngành nghiên cứu quốc tế, hệ sau đại học, trường Đại học Hanyang phân tích các cuộc đàm phán vừa qua. 


Khi bắt đầu các cuộc đàm phán FTA năm 2012, ba nước Đông Bắc Á chiếm 21,5% dân số thế giới, 20,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 17,5% thương mại toàn cầu. Nếu Hiệp định thương mại tự do ba bên được ký kết, một khối thương mại khổng lồ sẽ được thiết lập. Các viện nghiên cứu kinh tế dự báo nếu mở cửa các lĩnh vực khác nhau, gồm cả ngành sản xuất và nông nghiệp, hiệu quả kinh tế sẽ lên tới 16,3 tỷ USD trong 10 năm đầu tiên sau khi FTA ba bên có hiệu lực. Ngoài kinh tế, Seoul, Bắc Kinh và Tokyo có thể chia sẻ lợi ích chung về đối ngoại và an ninh. Đáng tiếc là trong 6 năm qua, các vòng đàm phán thương mại chỉ đạt được một số bước tiến nhỏ do các bên khó thu hẹp bất đồng quan điểm ở các vấn đề gai góc. Tuy nhiên, rõ ràng ba nước đang bày tỏ quyết tâm đẩy nhanh quá trình đàm phán. Tôi cho rằng đây là điểm rất quan trọng.


Nguyên nhân các vòng đàm phán không đạt nhiều tiến triển


Nếu thành hiện thực, FTA Hàn-Trung-Nhật sẽ thiết lập nên liên minh kinh tế lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ thành một trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới; Nhật Bản sản sinh ra 16 người đạt giải Nobel về vật lý, hóa học, và luôn tự hào với lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ về vật liệu công nghệ cao; và Hàn Quốc đứng thứ 12 trên bảng xếp hạng GDP các nước năm 2018. Rõ ràng, hợp tác xuyên biên giới giữa ba nước sẽ mang lại tiến bộ không chỉ về kinh tế mà cả về quan hệ đồng minh, các vấn đề ngoại giao và an ninh. Mặc dù vậy, ba nước vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể nào trong các cuộc đàm phán FTA 6 năm qua.  Giáo sư Kim Gwang-seok cho biết. 


Không dễ tiến đến thỏa thuận làm hài lòng tất cả do sự khác biệt quá lớn về cơ cấu công nghiệp của ba nước, và mỗi bên đều có những ngành nhạy cảm. Chẳng hạn, Seoul không muốn mở cửa thị trường nông sản do lo sợ nông sản giá rẻ từ Bắc Kinh sẽ giáng một đòn mạnh vào ngành nông nghiệp trong nước. Ngược lại, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có “số má” trong ngành công nghiệp ô tô, đóng tàu và sản xuất thép. Mở cửa thị trường sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, và các nhà sản xuất sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. 


Kết luận từ Hiệp định RCEP đẩy nhanh FTA ba bên


Trở ngại lớn nhất trong các cuộc đàm phán thương mại ba bên là khác biệt về cơ cấu kinh tế và thương mại. Hàn Quốc và Trung Quốc đang do dự về việc mở cửa thị trường sản xuất, lĩnh vực Nhật Bản có khả năng cạnh tranh cao. Seoul và Tokyo cũng lo ngại về dòng sản phẩm nông nghiệp và thủy sản giá rẻ của Bắc Kinh. Ở lĩnh vực dịch vụ, Hàn Quốc và Nhật Bản ủng hộ mức tự do hóa cao, nhưng Trung Quốc yêu cầu mở cửa theo giai đoạn. Tóm lại, ba nước đều có những toan tính riêng trên các lĩnh vực nhạy cảm. Hiện vẫn chưa có FTA song phương như Hàn-Nhật hay Trung-Nhật mặc dù Seoul và Bắc Kinh đã cố gắng ký kết. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán gần đây đã có một số diễn biến tích cực, tiếp nối kết quả của Hiệp định RCEP đạt được đầu tháng 11. Ông Kim Gwang-seok đánh giá.


10 nước thành viên ASEAN và năm nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand đã nhất trí về các điểm chính của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực ngày 4/11. Nếu Ấn Độ cũng đồng ý ký kết thỏa thuận này, Hiệp định thương mại tự do giữa 16 quốc gia sẽ được hoàn tất. Do có sự tham gia của nhiều nước nên RCEP được coi là FTA siêu lớn, liên kết khá lỏng lẻo. Tuy nhiên, Hiệp định FTA Hàn-Trung-Nhật trong khuôn khổ RCEP có thể quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn. 


Cơ hội cải tổ ngành công nghiệp


Kết luận cuối cùng và hiệu quả của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực sẽ kéo Seoul, Bắc Kinh và Tokyo vào một vành đai thương mại tự do. RCEP là nền tảng quan trọng để ba nước xúc tiến ký kết FTA riêng, thúc đẩy hợp tác kinh tế và thịnh vượng chung khu vực Đông Bắc Á. Tất nhiên, ba nước cần tiếp tục thảo luận sau vòng đàm phán tuần trước. Trong quá trình đó, Seoul cần cải cách cơ cấu các ngành công nghiệp. Giáo sư Kim Gwang-seok nhận định.


Trong quá trình đàm phán FTA Đông Bắc Á và thúc đẩy Chính sách phương Nam mới, tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, Seoul cần xem xét lại cơ cấu ngành công nghiệp. Kết luận của FTA đa phương mở ra cơ hội lớn cho một số ngành, nhưng cũng đòi hỏi tái cơ cấu các ngành kém cạnh tranh, ví dụ như ngành nông nghiệp. Nói cách khác, FTA có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực. Hàn Quốc cần cơ cấu lại các ngành công nghiệp để chia sẻ lợi ích từ mở cửa thị trường với các ngành dễ bị tổn thương; từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế, tránh xảy ra xung đột lớn giữa các ngành. 

Lựa chọn của ban biên tập