Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Xuất nhập khẩu của Hàn Quốc đạt 1.000 tỷ USD năm 2019

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-12-09

© YONHAP News

Xuất khẩu giảm 12 tháng liên tiếp 


Xuất khẩu của Hàn Quốc đã có một năm đầy thách thức do nhiều vấn đề như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, doanh số chíp bán dẫn yếu, và hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với Hàn Quốc. Tuy nhiên, dự kiến Seoul sẽ đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 1.000 tỷ USD năm thứ ba liên tiếp. Xuất khẩu và nhập khẩu của Hàn Quốc đều giảm trong năm 2019. Đặc biệt, xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm 12 tháng liên tiếp kể từ tháng 12 năm ngoái, giai đoạn dài nhất kể từ chuỗi 19 tháng giảm liên tiếp (tháng 1 năm 2015 đến tháng 7 năm 2016). Cụ thể, xuất khẩu giảm 10,2% so với năm ngoái, mức giảm hai con số. Tuy nhiên, trong năm nay, Hàn Quốc vẫn ghi nhận thặng dư thương mại vì xuất khẩu vẫn lớn hơn nhập khẩu, dù quy mô thu hẹp một chút. Ông Kim Dae-ho, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu, phân tích bức tranh xuất khẩu của Hàn Quốc năm 2019. 


Nguyên nhân xuất khẩu của Hàn Quốc chậm chạp


Hầu hết các đơn hàng chíp bán dẫn, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc, đều giảm. Mặc dù số lượng chíp bán dẫn xuất khẩu tăng, nhưng giá chíp giảm khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm. Giá chíp bán dẫn có xu hướng biến động mạnh do môi trường kinh doanh nhạy cảm. Hiện nay, giá mặt hàng này đang ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 2018, một phần do sự trỗi dậy của các nhà sản xuất chíp Trung Quốc. May mắn là tình hình bắt đầu có dấu hiệu tích cực trở lại. Một yếu tố tiêu cực khác là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Hàn Quốc. Bối cảnh này gợi nhớ đến câu nói “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”. Seoul khó tránh khỏi thiệt hại vì đang phụ thuộc quá lớn vào Mỹ và Trung Quốc về thương mại. Không quá ngạc nhiên khi quy mô giao dịch thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm đã khiến xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ và Trung Quốc đều giảm. Nhìn chung, các lô hàng xuất khẩu của Hàn Quốc đều giảm trong năm nay. 


Vị thế của một cường quốc xuất khẩu, không dễ khuất phục trước khó khăn


Hàn Quốc không phải nước duy nhất vật lộn với tình hình xuất khẩu chậm chạp. Xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh kéo dài suốt năm qua khiến 10 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, trừ Trung Quốc, đều sụt giảm xuất khẩu. Tuy nhiên, Seoul chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả vì là nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tình hình kinh doanh chíp bán dẫn cũng phần nào khiến xuất khẩu của Hàn Quốc giảm. Giá chíp nhớ DRAM đã giảm tới 49% trong năm qua, gây thiệt hại nặng nề cho các nhà sản xuất địa phương. Tuy nhiên, một điểm tích cực là quy mô giao dịch thương mại của Seoul dự kiến vẫn vượt 1.000 tỷ USD trong năm nay. Ông Kim Dae-ho cho biết. 


Quy mô thương mại trên 1.000 tỷ USD là một thành tựu đáng lưu ý trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chậm lại; đặc biệt là xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc. Bắc Kinh nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa trung gian của Seoul để xuất khẩu sang Mỹ. Kim ngạch thương mại giữa Bắc Kinh và Washington giảm nên xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc chắc chắn giảm. Hàn Quốc cũng bị rơi vào xung đột thương mại với Nhật Bản trong năm nay. Xung đột nổ ra hồi tháng 7 khi Tokyo áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với các nguyên liệu công nghiệp quan trọng sang Hàn Quốc. Bất chấp môi trường thương mại khắc nghiệt, Seoul dự kiến sẽ ghi nhận quy mô xuất nhập khẩu trên 1.000 tỷ USD, cho thấy nền kinh tế đủ mạnh để đương đầu với khó khăn.


Triển vọng hồi phục xuất khẩu trong năm tới


Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 496,9 tỷ USD, nhập khẩu ở mức 459,6 tỷ USD; như vậy, tổng kim ngạch giao dịch thương mại đạt 956,5 tỷ USD. Nếu tính cả kim ngạch xuất-nhập khẩu tháng 12, Hàn Quốc chắc chắn đạt hơn 1.000 tỷ USD thương mại. Hàn Quốc đã vượt qua nhiều thách thức để trở thành “người chơi” mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu. Điều đáng nói là xuất khẩu của Seoul sang các nước Đông Nam Á chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu. Sẽ công bằng hơn khi nói rằng Hàn Quốc đã đa dạng hóa thành công các điểm đến xuất khẩu. Với phát triển tích cực này, nhiều nhà phân tích chờ đợi xuất khẩu Hàn Quốc phục hồi. Giám đốc Kim Dae-ho đánh giá.


Chính phủ dự đoán xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ chạm đáy trong năm nay và chuyển biến tích cực trong năm 2020. Tất nhiên, hiệu ứng cơ sở của xuất khẩu trì trệ trong năm nay sẽ góp phần đẩy mạnh xuất khẩu năm sau. Tuy nhiên, giá chíp bán dẫn đang tăng và doanh số chíp nhớ cũng tăng. Do đó, xuất khẩu chíp bán dẫn dự kiến sẽ tăng mạnh từ tháng 3 năm sau. Hàn Quốc cũng đã nhận được nhiều đơn đặt hàng đóng tàu hơn, trong khi doanh số ô tô và các sản phẩm hóa dầu ở nước ngoài đang tăng. 


Thách thức với xuất khẩu trong năm 2020


Hiệp hội thương mại Hàn Quốc (KITA) dự báo xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ đạt 561 tỷ USD vào năm tới, tăng 3,3% so với năm nay, còn nhập khẩu sẽ tăng 3,2% lên 522 tỷ USD; và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm tới dự kiến đạt 1.083 tỷ USD. Dự báo này dựa trên nhu cầu gia tăng đối với thiết bị viễn thông thế hệ thứ năm, tức 5G, sự phục hồi của đơn giá chíp bán dẫn, đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu và gia tăng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp mới. Tất nhiên, sẽ vẫn còn một số yếu tố rủi ro. Ông Kim Dae-ho nhận định.


Phần đáng lo ngại nhất là xuất khẩu ô tô. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét liệu ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc có đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ, theo Điều 232 của Đạo luật mở rộng thương mại hay không. Mỹ đang hướng đến kế hoạch đánh thuế ô tô nhập khẩu. Tuy nhiên, Hàn Quốc ít có hành vi bất công ảnh hưởng đến ngành ô tô nội địa của Mỹ, và Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn-Mỹ đã ghi rõ không áp thuế nhập khẩu đối với ô tô Hàn Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn duy trì cam kết mạnh mẽ để bảo vệ ngành ô tô trong nước, và Seoul cần để mắt đến điều này trong năm tới. 


Mỹ vẫn chưa quyết định có đánh thuế 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản, EU và Hàn Quốc hay không. Tuy nhiên, với Hàn Quốc, vấn đề này như một quả bom hẹn giờ, có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Seoul nên cảnh giác với những bất ổn kéo dài như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và bảo hộ thương mại trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu Hàn Quốc tiếp tục khai thác thêm thị trường xuất khẩu và vượt qua thách thức trong năm tới, như đã làm được trong năm nay, xuất khẩu của Hàn Quốc chắc chắn sẽ trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy nền kinh tế.

Lựa chọn của ban biên tập