Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-01-20

© YONHAP News

Washington, Bắc Kinh ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một sau 18 tháng tranh chấp 


Ngày 15/1 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một tại Nhà Trắng, một bước tiến quan trọng nhằm hạ nhiệt thương chiến Mỹ-Trung kéo dài suốt 18 tháng qua. Dư luận Hàn Quốc cũng hết sức chú ý đến diễn biến của thỏa thuận thương mại này. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, ông Kim Dae-ho, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu, phân tích nội dung và ý nghĩa của thỏa thuận thương mại vừa được ký kết giữa Washington và Bắc Kinh. 


Thỏa thuận thương mại lần này thực chất là thỏa thuận “đình chiến” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Lễ ký kết thỏa thuận tại Nhà Trắng tuần trước thực sự có ý nghĩa lớn, bởi tranh chấp thương mại giữa hai nước đã giáng một đòn nghiêm trọng vào nền kinh tế thế giới và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Nhiều ý kiến lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể khiến tự do thương mại đình trệ, tăng cường chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch do các nước đấu tranh vì lợi ích sinh tồn. May mắn là hai nước G2 đã tìm cách giải tỏa căng thẳng thương mại song phương, vốn khiến nhiều người lo ngại có thể leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện. 


Nội dung thỏa thuận thương mại giai đoạn một 


Nhiều người tin rằng thỏa thuận thương mại lần một đã ngăn chặn Washington và Bắc Kinh đẩy cuộc chiến thương mại leo thang, trong bối cảnh đôi bên đã gây tổn thương nghiêm trọng cho đối phương kể từ khi Mỹ áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc vào tháng 7 năm 2018. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,8% trong quý I năm 2018, nhưng chỉ đạt 6% trong quý III. Tương tự, nền kinh tế Mỹ từng tăng trưởng 3,5% trong quý II năm 2018, đến quý III năm 2019 chỉ đạt 2,1%. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới suy sụp kéo theo biến động lớn trên thị trường toàn cầu. Cứ sau mỗi đợt áp thuế của Washington và Bắc Kinh, thị trường chứng khoán toàn cầu lại đỏ lửa. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nước G2 thực sự là một tin tốt lành. Ngày 15/1, chỉ số công nghiệp Down Jones lần đầu tiên đóng cửa ở mức trên 29.000 điểm. Ông Kim Dae-ho giải thích.


Theo thỏa thuận mới ký, Trung Quốc cam kết mua ít nhất 200 tỷ USD sản phẩm, dịch vụ của Mỹ trong hai năm tới. Rõ ràng, điểm này hướng đến vành đai nông nghiệp Trung-Tây nước Mỹ, nơi nông dân địa phương ủng hộ Tổng thống Donald Trump. Đổi lại, Mỹ quyết định không gia hạn thuế quan đối với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng thời cắt giảm thuế từ 15% xuống còn 7,5% đối với 120 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu khác. Tuy nhiên, Washington vẫn duy trì mức thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh. Các chính sách cắt giảm thuế quan tiếp theo sẽ được quyết định khi Trung Quốc bắt đầu thực thi thỏa thuận.  


Ảnh hưởng tích cực đối với kinh tế Hàn Quốc


Tháng 12 năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí các vấn đề thương mại liên quan đến 8 lĩnh vực, trong đó có sở hữu trí tuệ, nông sản, dịch vụ tài chính, tiếp cận thị trường. Hiệp ước dài 96 trang đã nêu các số liệu chi tiết trong từng danh mục. Tuy nhiên, Mỹ sẽ vẫn giữ mức thuế cao cho đến khi hai nước ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn hai, nghĩa là Washington có thể tăng thuế bất cứ lúc nào nếu Bắc Kinh không giữ đúng lời hứa. Mặc dù thỏa thuận lần một chưa đề cập đến vấn đề trợ cấp chính phủ của Trung Quốc với các doanh nghiệp, nhưng có vẻ hai bên đã “đụng chạm” đến các vấn đề cấp bách nhất. Tất nhiên, đây là tin tức đáng mừng đối với nền kinh tế Hàn Quốc. 


Thách thức từ cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Bắc Kinh


Xuất khẩu của Hàn Quốc năm 2019 chỉ đạt 542,4 tỷ USD, giảm 10% so với năm trước, do hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, Hàn Quốc ghi nhận mức giảm xuất khẩu lên tới hai con số. Trong bối cảnh Trung Quốc nhập tới 30% các lô hàng xuất khẩu của Hàn Quốc, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung lần này thực sự là một dấu hiệu tích cực. Dự kiến nhu cầu về vận tải hàng không, tàu thương mại, ô tô và hàng điện tử sẽ tăng. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để lạc quan rằng Bắc Kinh sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa của Mỹ đúng như cam kết. Giám đốc Kim Dae-ho cho biết thêm.


Thật khó để nói rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ đem lại lợi ích cho nền kinh tế Hàn Quốc trong tất cả các lĩnh vực. Bắc Kinh hứa nhập khẩu nông sản của Washington không phải là vấn đề đối với Seoul, nhưng hàng công nghiệp thì khác. Xuất khẩu chíp bán dẫn của Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng. Ví dụ, Trung Quốc có thể chọn các nhà xuất khẩu chíp bán dẫn như Intel của Mỹ thay vì Samsung của Hàn Quốc. Do đó, Seoul cần kiểm tra kỹ lưỡng xem mặt hàng nào sẽ nằm trong 200 tỷ USD hàng hóa Bắc Kinh dự định mua; từ đó đưa ra đối sách phù hợp. 


Lịch trình, thách thức của các cuộc đàm phán thương mại giai đoạn hai?


Theo một báo cáo công bố tháng 11 năm ngoái, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính xuất khẩu của Hàn Quốc có thể giảm 46 tỷ USD nếu Trung Quốc tăng cường nhập khẩu từ Mỹ ở 10 lĩnh vực, trong đó có hàng điện tử, máy móc và ô tô. Ngày 15/1, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Washington và Bắc Kinh đã bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại cho giai đoạn hai. Tuy nhiên, thách thức vẫn ở phía trước khi hai bên phải giải quyết các vấn đề tranh chấp kéo dài. Giám đốc Kim Dae-ho nhận định.


Sau lễ ký kết thỏa thuận giai đoạn một, các cuộc đàm phán thỏa thuận giai đoạn hai đã bắt đầu. Vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ có thể được đặt lên bàn đàm phán. Cho đến nay, các doanh nghiệp Mỹ vẫn phàn nàn là các công ty Trung Quốc gây thiệt hại bằng cách sao chép, kinh doanh trái phép ý tưởng và công nghệ của họ. Theo thỏa thuận thương mại gần đây, Bắc Kinh đã nhất trí tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vào đầu tháng hai. Ngoài ra, dự kiến hai bên sẽ tiếp tục cuộc chiến căng thẳng trên bàn đám phán về các vấn đề trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc cho các công ty nhà nước, chuyển giao công nghệ bắt buộc, mở cửa thị trường ngành dịch vụ tài chính Trung Quốc, và các chính sách tiền tệ của Bắc Kinh. 


Mặc dù đã mở đường cho các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp, nhưng Washington và Bắc Kinh vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Nền kinh tế Hàn Quốc dù đã phần nào thở phào nhẹ nhõm, nhưng vẫn cần cảnh giác với mọi rủi ro có thể xảy ra. 

Lựa chọn của ban biên tập