Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Virus corona chủng mới bùng phát và nỗi lo bao trùm nền kinh tế

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-02-03

© YONHAP News

Virus corona “lây lan” sang nền kinh tế


Ngày 30/1, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu trước sự bùng phát của virus corona chủng mới. Đây là mức báo động cao nhất của WHO, làm dấy lên lo ngại về sự lây lan rộng rãi của loại virus chết người này. WHO không khuyến nghị hạn chế đi lại, giao thương với Trung Quốc, nơi bắt nguồn của virus corona. Tuy nhiên, việc virus corona chủng mới bùng phát tại Trung Quốc sẽ giáng một đòn mạnh vào kinh tế Hàn Quốc, bởi Bắc Kinh chiếm tới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Seoul, và du khách Trung Quốc chiếm tới 34% lượng khách quốc tế tới Hàn Quốc. Hôm nay, Chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin phân tích rủi ro kinh tế trước sự bùng phát của virus corona chủng mới.


Cho đến nay, dịch bệnh vẫn chưa tác động đáng kể đến nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, có thể nhận thấy dấu hiệu lo lắng trên thị trường chứng khoán và ngoại hối, bằng chứng là sự sụt giảm của thị trường chứng khoán tại các nước châu Á như Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Đặc biệt, giá dầu thế giới đã giảm 10%, phản ánh lo ngại về sự lao dốc của nền kinh tế Trung Quốc, công xưởng của thế giới. Nếu virus corona không ngừng lây lan, thị trường Mỹ và liên minh châu Âu (EU) sẽ chịu cú sốc lớn. Trung Quốc hiện chiếm 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Do đó, có thể dễ dàng hình dung sự lây lan nhanh chóng của virus corona chủng mới tại Trung Quốc sẽ tác động lớn đến mức nào đối với Hàn Quốc và phần còn lại của thế giới. 


Virus corona tấn công ngành du lịch 


Virus corona chủng mới khởi phát ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) dường như đang “lây lan” sang cả kinh tế. Tuần trước, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell bày tỏ lo ngại virus này bùng phát có thể gây tổn hại cho Trung Quốc và kinh tế thế giới. Trích dẫn dự báo của một viện nghiên cứu kinh tế tại Anh, tờ thời báo Hong Kong cảnh báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm 5% trong năm nay. Năm 2003, thời điểm Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) bùng phát, Trung Quốc chỉ chiếm 4,3% GDP toàn cầu. Tuy nhiên năm ngoái, quốc gia Đông Á này chiếm tới 16,3% GDP toàn cầu, do đó, tác động của virus corana lên kinh tế thế giới có thể lớn hơn. Hàn Quốc đã bắt đầu cảm nhận được tác động của loại virus này. Ông Chung Chul-jin giải thích.


Du lịch là ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng đầu tiên, và đúng như dự báo, tỷ lệ hủy các tour du lịch đến Trung Quốc là 100%. Các hãng hàng không Hàn Quốc cũng gặp nhiều khó khăn khi ngày càng có nhiều cuộc gọi báo hủy lịch trình. Tất nhiên, giá dầu thế giới hạ là một tin tức đáng mừng cho ngành hàng không. Nhưng nếu đại dịch bùng phát trên toàn cầu, và tình hình không được kiểm soát trong vòng trên dưới một tháng, ngành du lịch thế giới sẽ tụt dốc.


Tác động của virus mới có thể lớn hơn của SARS và MERS


Tuần trước, các công ty du lịch lữ hành đã hủy toàn bộ các tour đến Trung Quốc. Trước tình trạng virus corona chủng mới lây lan với tốc độ đáng báo động, các hãng hàng không lớn trên thế giới đã đình chỉ các chuyến bay đến Trung Quốc. Các hãng hàng không Hàn Quốc cũng quyết định tạm dừng hoặc giảm một số chuyến bay đến Trung Quốc, phủ bóng đen lên triển vọng kinh doanh trong năm nay. Nếu virus corona tiếp tục lây lan, các nhà phân tích dự đoán tác động đối với nền kinh tế Hàn Quốc có thể lớn hơn tác động do sự bùng phát của Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) và Hội chứng viêm viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) trong quá khứ. Chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin lý giải. 


Hội chứng SARS xuất hiện từ Trung Quốc vào tháng 12 năm 2002, năm Seoul và Tokyo đồng tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup, và bùng phát rộng rãi từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2003. Do ảnh hưởng của hội chứng này, GDP của Hàn Quốc tính theo quý giảm 1% và GDP cả năm giảm 0,25%. Năm 2015, MERS bùng phát với tỷ lệ tử vong cao hơn SARS. Trên thực tế, MERS ảnh hưởng tới thị trường nội địa hơn ngành xuất khẩu. Khi đó, người dân hạn chế xuất hiện ở những nơi tập trung đông người như nhà hàng lớn, nhà hát, rạp chiếu phim... Hệ quả là các buổi hòa nhạc, show trình diễn bị hủy, kéo theo doanh số của các doanh nghiệp nhỏ giảm hẳn một nửa. 


Nỗi lo về dịch bệnh bao trùm phủ bóng đen lên tốc độ tăng trưởng


Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), sự bùng phát của MERS năm 2015 đã khiến GDP của Hàn Quốc giảm 0,2%. Tháng 6 năm 2015, lượng du khách quốc tế thăm Hàn Quốc giảm xuống còn 750.000 người, bằng khoảng một nửa so với con số 1,33 triệu người của tháng trước đó. Chịu ảnh hưởng nặng nề, kinh tế Hàn Quốc quý II năm 2015 chỉ tăng trưởng 0,4%. Hiện nay, virus corona chủng mới được cho là có thể lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh 14 ngày, tốc độ lây lan nhanh hơn SARS. Nhiều người tin rằng hậu quả của nó sẽ nghiêm trọng tương tự, hoặc hơn hậu quả của SARS. Chính phủ Hàn Quốc đang đứng trước nhiệm vụ đầy thách thức là làm thế nào đạt mục tiêu tăng trưởng 2,4%. 


Chính phủ nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona


Năm 2014, 2015, lượng du khách Trung Quốc tới Hàn Quốc lên tới 5, 6 triệu người, góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Năm ngoái, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc. Đến năm nay, Seoul cũng mong đợi chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nửa đầu năm nay sẽ mang tới những tín hiệu tích cực, như việc gỡ bỏ lệnh cấm làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu tại Trung Quốc, khuyến khích du khách Trung Quốc tới thăm Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là nếu kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, Seoul sẽ phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng; và mục tiêu đón 20 triệu du khách quốc tế trong năm 2020 chắc chắn bị đe dọa. Kể từ ngày 27/1, Bắc Kinh đã cấm công dân đi du lịch nước ngoài theo đoàn. Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực đối phó với tình hình. Chuyên gia Chung Chul-jin đánh giá.


Quan trọng hơn cả là Chính phủ cần đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người dân. Chính phủ sẽ giải ngân 17,6 triệu USD cho các biện pháp kiểm dịch, đồng thời theo dõi sát sao thị trường chứng khoán và thị trường ngoại hối nhằm giảm thiểu lo ngại do virus. Chính phủ sẽ nỗ lực hạn chế tối đa tác động đối với các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể đang vật lộn với tình hình. Có thể nói, vai trò của Chính phủ lúc này là rất quan trọng.


Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sẽ giảm 0,15% nếu virus được kiểm soát trong tháng 4 và tháng 5; và giảm tối đa 0,2% nếu virus không được kiểm soát tới tháng 8. Chính phủ cần giảm thiểu tác động của sự bùng phát virus đối với nền kinh tế, ổn định thị trường tài chính.

Lựa chọn của ban biên tập