Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Chính phủ Hàn Quốc ưu tiên chính sách “tăng trưởng đổi mới” năm 2020

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-02-24

© YONHAP News

Báo cáo của Chính phủ về tăng trưởng đổi mới


Ngày 17/2, bốn bộ, ngành phụ trách kinh tế trong Chính phủ Hàn Quốc đã trình bày kế hoạch chung, đặt “tăng trưởng đổi mới” và tạo ra các ngành công nghiệp mới làm trọng tâm năm 2020. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, Giáo sư Choi Bae-geun, khoa Kinh tế trường Đại học Konkuk, phân tích trọng tâm chính sách kinh tế của Chính phủ trong năm nay.


Trọng tâm trong chính sách kinh tế của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in là tăng trưởng lấy thu nhập làm chủ đạo. Kinh tế công bằng và tăng trưởng đổi mới là hai phương diện quan trọng để đạt mục tiêu đó. Đến nay, Chính phủ đã tập trung chủ yếu vào chính sách kinh tế công bằng thông qua các biện pháp hỗ trợ người lao động thu nhập thấp. Tuy nhiên, Chính phủ nhận ra rằng khó có thể thúc đẩy kinh tế mà không dựa vào tăng trưởng sáng tạo. Nói cách khác, có thể ví kinh tế công bằng như chân trái và tăng trưởng sáng tạo là chân phải. Để theo đuổi chính sách tăng trưởng lấy thu nhập làm chủ đạo, hai chân cần song hành tiến lên phía trước. Nếu chỉ thực thi chính sách kinh tế công bằng, nền kinh tế có thể tiến thêm một bước, nhưng khó đi xa hơn. Do đó, Chính phủ đã lấy tăng trưởng sáng tạo làm chính sách trọng tâm trong năm nay.


Tập trung vào công nghiệp dữ liệu, mạng nơ-ron, trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn


Trong bối cảnh xu thế tăng trưởng thấp có khả năng kéo dài do xuất khẩu, đầu tư giảm và tiêu dùng yếu, Chính phủ đang chuyển trọng tâm sang tăng trưởng sáng tạo để phục hồi kinh tế. Với mục tiêu đó, Chính phủ sẽ đưa ra đối sách mạnh tay và chủ động. Giáo sư Choi Bae-geun giải thích.


Kinh tế Hàn Quốc đã và đang phụ thuộc chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế tạo, nhưng các ngành này không thể tăng quy mô sản xuất mãi được. Trên thực tế, ngành công nghiệp sản xuất đã bị khủng hoảng trong một thời gian dài nên Seoul cần động lực tăng trưởng mới để thay thế. Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất kế hoạch thúc đẩy ngành công nghiệp dữ liệu (data), mạng nơ-ron (neural) và trí tuệ nhân tạo (AI), gọi tắt là DNA; và ba ngành công nghiệp mới, trong đó có chíp bán dẫn hệ thống và sức khỏe sinh học. Nói về chíp bán dẫn, động lực tăng trưởng quốc gia, Hàn Quốc đã trở thành cường quốc về chíp nhớ. Tuy nhiên, chúng ta cần chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu bán dẫn (post-semiconductor) từ bây giờ. Một trong những kế hoạch của Chính phủ là nuôi dưỡng lĩnh vực chíp bán dẫn hệ thống không có đặc tính nhớ.


Nhóm công ty công nghệ FAANG đại diện cho nền kinh tế Mỹ


Bộ kế hoạch và tài chính Hàn Quốc đã đưa ra khẩu hiệu “một sự cất cánh mới, một tương lai mới”, và chiến lược “4+1”. Bước đầu tiên là tìm kiếm đổi mới trong ngành công nghiệp và thị trường truyền thống. Thứ hai là khai thác các ngành công nghiệp và thị trường mới. Thứ ba là đảm bảo các công nghệ tiên tiến, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D). Và cuối cùng, Chính phủ sẽ nuôi dưỡng tài năng, thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo. Chính phủ cũng sẽ cải cách hệ thống và cơ sở hạ tầng để thực hiện hiệu quả 4 sáng kiến này. Cụ thể, Chính phủ sẽ giới thiệu công nghệ thông minh trong các ngành công nghiệp chủ chốt, tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế dữ liệu, tăng cường hỗ trợ để thúc đẩy đầu tư mạng di động thế hệ thứ năm (5G), tăng quy mô đầu tư cho nghiên cứu và phát triển lên 22 tỷ USD. Tất cả các kế hoạch này đều nhằm mục đích đảm bảo các công nghệ đẳng cấp thế giới, phát triển động lực tăng trưởng cho tương lai. Tại Mỹ, các công ty công nghệ thông tin có thế mạnh về công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang dẫn đầu nền kinh tế. Ông Choi Bae-geun lý giải.


Các công ty công nghệ nổi tiếng, gọi tắt là FAANG, bao gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google, đang dẫn đầu nền kinh tế Mỹ. Các công ty này xuất hiện từ những năm 1990. Vào thế kỷ XX, kinh tế Mỹ vốn được dẫn dắt bởi ngành công nghiệp sản xuất. Tuy nhiên năm 2018, tập đoàn GE, biểu tượng của ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ, đã bị xóa tên khỏi sàn giao dịch chứng khoán Dow Jones, cho thấy bản đồ công nghiệp Mỹ đang thay đổi. Các ngành công nghiệp truyền thống được thay thế bằng các công ty kinh doanh nền tảng công nghệ (platform), xây dựng hệ sinh thái kỹ thuật số mới. Đây chính là con đường Hàn Quốc phải đi theo.


Nới lỏng, gỡ bỏ các quy định chặt chẽ


Kinh tế Mỹ phát triển khá tốt trong những năm gần đây. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu FAANG đã tạo ra động cơ mới, giúp thị trường chứng khoán New York tiếp tục tăng trưởng kỷ lục. Một số công ty công nghệ thông tin phát triển nhanh tới mức đã được niêm yết trên sàn chứng khoán dù thành lập chưa tới 10 năm. Với hiệu suất tuyệt vời của các công ty công nghệ, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng trưởng 3,2% trong quý I năm 2019. Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn phụ thuộc chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất. Đáng tiếc là ngành công nghiệp sản xuất đang dần mất đi lợi thế cạnh tranh. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, thị phần của hàng hóa Hàn Quốc trên thị trường nước ngoài, trừ chíp bán dẫn, vẫn “dậm chân tại chỗ”. Hàn Quốc đang rất cần động cơ tăng trưởng mới.


Định hướng chính sách đúng đắn, và quan trọng là thực tiễn


Để thúc đẩy tăng trưởng đổi mới hiệu quả, Chính phủ sẽ quyết liệt gỡ bỏ các quy định cản trở phát triển các ngành công nghiệp mới. Công nghệ mới sẽ tạo ra các sản phẩm, ngành công nghiệp mới, từ đó hình thành nên thị trường mới. Tuy nhiên, các công nghệ mới có thể sẽ “đụng chạm” đến các sản phẩm hiện có. Chẳng hạn, khi ô tô xuất hiện đã làm nảy sinh xung đột với xe ngựa, và rõ ràng cần nới lỏng các quy định liên quan cản trở sự phát triển của ngành sản xuất ô tô. Nếu xung đột không được giải quyết hợp lý, sẽ tốn nhiều thời gian hơn để đổi mới công nghệ và mở ra thị trường mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sáng tạo có thể bị kìm hãm, không thể tiến ra thị trường toàn cầu. Chính vì thế, Chính phủ cần nới lỏng quy chế. Trong nỗ lực này, Chính phủ đã đề xuất “mô hình một bước”, khuyến khích các ngành “lùi một bước” để đạt thỏa hiệp. Để thúc đẩy tăng trưởng đổi mới, Chính phủ sẽ mở rộng cơ sở hạ tầng liên quan, tận dụng triệt để ngân sách, thuế, tài chính và nhân lực. Giáo sư Choi Bae-geun đánh giá.


Chính phủ đã xây dựng định hướng chính sách chính xác. Tuy nhiên sẽ rất khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng thông qua đổi mới và tạo ra hệ sinh thái kinh tế mới hoàn toàn khác biệt với ngành sản xuất truyền thống. Hệ sinh thái của khu vực sông Amazon (Nam Mỹ) hoàn toàn khác biệt sa mạc về khí hậu, thổ nhưỡng, nhiệt độ, động thực vật. Tương tự, hệ sinh thái công nghiệp mới mà Chính phủ đang theo đuổi cũng khác hoàn toàn so với ngành công nghiệp sản xuất. Tạo ra một hệ sinh thái mới là không hề dễ dàng, bởi nó giống như tạo ra một thế giới hoàn toàn mới. Các chính sách liên quan nên được thực hiện có hệ thống dựa trên hiểu biết đầy đủ về hệ sinh thái mới. Nếu chuẩn bị không đầy đủ, chính sách sẽ trở thành một khẩu hiệu đơn thuần.


Tăng trưởng sáng tạo sẽ không thể đem lại hiệu quả trong “một sớm một chiều”. Chính phủ đã ưu tiên tăng trưởng sáng tạo là chủ đề kinh tế lớn của năm nay, nhưng điều quan trọng hơn cả là thực hiện các kế hoạch một cách nhất quán, có hệ thống.

Lựa chọn của ban biên tập