Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Đối sách kinh tế khẩn cấp của Hàn Quốc nhằm đối phó với dịch corona-19

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-03-02

© YONHAP News

Chính phủ ban hành các biện pháp hỗ trợ tài chính, thuế


Ngày 28/2, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố gói cứu trợ đặc biệt nhằm giảm thiểu tác động của virus corona-19 tới nền kinh tế. Các đối sách mới nhất này cho thấy sự trăn trở của Chính phủ làm sao để kích thích nền kinh tế trong bối cảnh niềm tin của người dân suy giảm khi số lượng ca lây nhiễm virus corona-19 gia tăng chóng mặt. Cụ thể, Chính phủ sẽ giải ngân hơn 16 tỷ USD để hỗ trợ tài chính, cắt giảm thuế, cho các doanh nghiệp nhỏ vay lãi suất thấp và cung cấp thêm vốn thông qua các tổ chức tài chính nhà nước.


Hỗ trợ chủ nhà, giảm thuế VAT cho doanh nghiệp nhỏ


Mục đích chính của các đối sách mới là thúc đẩy tiêu dùng. Thuế mua ô tô sẽ giảm 70% từ tháng 3 đến tháng 6. Cùng thời điểm đó, khấu trừ thuế cho chi tiêu qua thẻ sẽ tăng gấp đôi từ 30 - 80%, áp dụng cho thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Nếu người dân mua các thiết bị gia dụng hiệu suất tiết kiệm điện cao sẽ được hoàn 10% thuế giá trị gia tăng (VAT). Người lao động có con nhỏ dưới 8 tuổi sẽ được Chính phủ hỗ trợ tiền nghỉ phép để chăm sóc gia đình, do các trung tâm giữ trẻ đóng cửa để ngăn chặn virus lây lan. Để khuyến khích tiêu dùng, Chính phủ sẽ cung cấp các loại phiếu giảm giá ở nhiều lĩnh vực như việc làm, kỳ nghỉ, văn hóa, du lịch và chăm sóc gia đình cho nhiều đối tượng và mở rộng mức trần. Gói cứu trợ cũng bao gồm các biện pháp hỗ trợ chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Lee In-chul, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun, phân tích các đối sách toàn diện của Chính phủ.


Chính phủ sẽ cắt giảm thuế giá trị gia tăng đến cuối năm đối với các doanh nghiệp có doanh thu từ 50.000 USD trở xuống. Dự kiến sẽ có khoảng 900.000 người tiết kiệm được từ 160 đến 660 USD, và nguồn thu thuế sẽ giảm 720 triệu USD trong hai năm tới. Để khuyến khích chi tiêu, Chính phủ sẽ phát hành phiếu quà tặng (voucher) tổng trị giá 5 tỷ USD, và 2,5 tỷ USD chứng từ tiền mặt có thể giao dịch tại các chợ đầu mối truyền thống. Đối với các chủ sở hữu bất động sản giảm giá thuê nhà cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch corona-19, Chính phủ sẽ khấu trừ 50% thuế thuê nhà.


Kinh tế Hàn Quốc bị đóng băng do virus corona-19


Gói hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tăng lên mức 570 triệu USD, phạm vi chi trả bảo hiểm trái phiếu doanh thu cho các doanh nghiệp này cũng tăng lên 1,8 tỷ USD. Chính phủ sẽ giải ngân thêm 5,8 tỷ USD dưới dạng ưu đãi thuế, và 7,5 tỷ USD sẽ được cung cấp thông qua các tổ chức tài chính và cơ quan nhà nước. Nếu cộng thêm nguồn hỗ trợ 3,3 tỷ USD đang huy động thì tổng số tiền bơm vào thị trường dự kiến lên tới 20.000 tỷ won (16 tỷ USD). Ông Lee In-chul lý giải.


Số ca lây nhiễm virus corona-19 tăng chóng mặt làm gia tăng mối lo về tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm gần hai con số, cụ thể là hơn 9%, trong khi tiêu dùng nội địa vẫn trì trệ. Đường phố yên tĩnh, các cửa hàng vắng vẻ ngay cả dịp cuối tuần. Người dân không muốn đến các nơi đông đúc, tập trung quá nhiều người như trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng giảm giá lớn hay rạp chiếu phim. Ngành hàng không, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi các doanh nghiệp nhỏ cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Do lo ngại virus lây lan, hầu hết các trường học đều hủy lễ tốt nghiệp và lễ khai giảng, hệ lụy là nhu cầu về hoa giảm mạnh. Các trang trại trồng hoa và cửa hàng hoa đang đối mặt với những rắc rối tài chính lớn vào mùa cao điểm truyền thống này. Các quán ăn nhỏ cũng không phải ngoại lệ khi giá nguyên liệu thực phẩm tăng vọt do nguồn cung từ Trung Quốc khó khăn. Tệ hơn nữa, người dân đang hạn chế ăn uống bên ngoài, khiến các nhà hàng đối mặt với khó khăn chồng chất. Có vẻ dịch corona-19 đang tấn công hầu hết các ngành công nghiệp.


Ảnh hưởng kinh tế nếu tình trạng tiếp tục kéo dài?


Hàn Quốc đang đối mặt với khủng hoảng thực sự khi cả xuất khẩu và tiêu dùng nội địa cùng đi xuống. Dự kiến xuất khẩu sẽ giảm 15 tháng liên tiếp kể từ tháng 2 năm ngoái. Doanh thu của ngành du lịch cũng sẽ giảm trong năm nay, do số lượng khách du lịch Trung Quốc giảm mạnh. Nhiều chủ doanh nghiệp cá nhân tại thành phố Daegu, nơi có số ca nhiễm bệnh vượt mốc 1.000 người, thậm chí còn xem xét đến khả năng dừng kinh doanh. Khu chợ nổi tiếng Seomun của thành phố Daegu cũng tạm thời đóng cửa lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi bắt đầu mở cửa dưới triều đại Joseon. Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người Hàn Quốc, khiến các công ty Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc đầu tư ở nước ngoài. Ngược lại, người nước ngoài cũng gặp khó khăn khi đầu tư tại Hàn Quốc. Tình cảnh của Hàn Quốc đang xấu đi trông thấy. Câu hỏi đặt ra là tình trạng này sẽ kéo dài trong bao lâu? Giám đốc Lee In-chul cho biết.


Nhiều người đang tỏ ra bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm nay. Một số ý kiến dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc có thể dưới 2% và thậm chí là 0% trong kịch bản tồi tệ nhất. Hãng Standard & Poor’s (S&P) đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc từ 2,1% xuống còn 1,6%, giảm 0,5%. Cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc gia hàng đầu thế giới này chỉ ra rằng kinh tế Hàn Quốc rất “nhạy cảm” khi chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đầu bởi Trung Quốc bị gián đoạn. Công ty cổ phần chứng khoán Nomura (Nhật Bản) dự đoán tăng trưởng của Hàn Quốc sẽ giảm 0,5% nếu chuỗi cung ứng toàn cầu do Trung Quốc dẫn đầu không hoạt động bình thường trở lại vào cuối tháng 6. Hãng Morgan Stanley (Mỹ) dự báo kinh tế Hàn Quốc chỉ tăng trưởng 0,4%-1,3% trong kịch bản tồi tệ nhất.


Chính phủ đệ trình Quốc hội kế hoạch ngân sách bổ sung


Năm 2003, Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) tấn công Hàn Quốc đã khiến kinh tế tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. Năm 2015, Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) bùng phát đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Hàn Quốc, khiến tăng trưởng quý II chỉ đạt 0,2%. Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki cho biết trong tuần này, Chính phủ sẽ đệ trình Quốc hội kế hoạch ngân sách bổ sung quy mô 6.200 tỷ won (5,2 tỷ USD) để đối phó với dịch corona-19. Ông Lee In-chul đánh giá.


Với kế hoạch ngân sách bổ sung 5,2 tỷ USD và các đối sách hỗ trợ quy mô 16 tỷ USD, dự kiến Chính phủ sẽ giải ngân tổng cộng 30.000 tỷ won (21 tỷ USD). Hiện nay, nhiệm vụ của Chính phủ là chủ động tái cơ cấu, thực hiện các kế hoạch tài chính, quyết tâm cải tạo nền kinh tế. Chính phủ cần thể hiện rõ cam kết cải cách để các biện pháp đặc biệt này chứng minh tính hiệu quả, đem lại đột phá kinh tế.


Các chính sách kinh tế cần được thực hiện đúng thời điểm. Trong bối cảnh virus corona-19 lây lan nhanh chóng, Chính phủ cần ưu tiên các đối sách kịp thời, thực hiện có trọng điểm, giảm thiểu cú sốc kinh tế.

Lựa chọn của ban biên tập