Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Kinh tế thuê bao tăng trưởng trong bối cảnh dịch corona-19 bùng phát

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-03-09

© Netflix

Kinh tế thuê bao hưởng lợi từ dịch corona-19, tăng trưởng mạnh trên toàn cầu


Dịch corona-19 lây lan nhanh đang làm thay đổi cuộc sống thường nhật của người dân Hàn Quốc. Các trường học đã hoãn lễ khai giảng, người dân hạn chế ra ngoài, ngày càng nhiều nhân viên văn phòng làm việc tại nhà. Một số ngành công nghiệp hài lòng với sự thay đổi này, trong khi một số khác lại không. Chẳng hạn, các nhà kinh doanh thuê bao (mô hình kinh doanh dựa trên đăng ký thuê bao và trả phí theo tần suất nhất định (subscription)) đang được hưởng lợi trong thời kỳ virus bùng phát, trong khi các dịch vụ chia sẻ lại hứng chịu đòn đau.

Mô hình kinh doanh thuê bao tiêu biểu nhất chính là Netflix. Báo cáo Nghiên cứu Dữ liệu lớn toàn cầu (The global Big Data Research) phân tích 12 kênh chia sẻ video, âm thanh trực tuyến, trong đó có Youtube, từ ngày 15/2 - 28/2, cho thấy lượng sử dụng dịch vụ phát trực tuyến Netflix tăng mạnh. Theo đó, cổ phiếu của hãng Netfix đã tăng 6% trong tháng 2 khi dịch corona-19 bắt đầu lan rộng trên toàn cầu. Doanh thu của các rạp chiếu phim và số lượt người xem phim tại Hàn Quốc từ ngày 1/1 đến 2/3 đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, lượng sử dụng các dịch vụ video trực tuyến (OTT) đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại nhiều nước trên thế giới do người dân ở nhà nhiều hơn vì lo ngại dịch corona-19 lây lan. Ông Lee In-chul, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun, phân tích nền kinh tế thuê bao đang đi sâu vào cuộc sống hàng ngày.


Theo Ngân hàng đầu tư Thụy Điển Credit Suisse, quy mô kinh tế thuê bao toàn cầu đạt 420 tỷ USD năm 2015, và dự kiến sẽ đạt 530 tỷ USD năm 2020. Theo Tạp chí Harvard Business Review, các công ty kinh doanh thuê bao đã thu hút được hơn 11 triệu thuê bao tại Mỹ năm 2017. Hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu Gartner từng dự đoán đến năm 2023, 75% các công ty bán hàng trực tiếp sẽ cung cấp các dịch vụ đăng ký thuê bao. Theo chỉ số kinh tế thuê bao của công ty Zuora (Mỹ), doanh thu của các công ty kinh doanh thuê bao tăng nhanh gấp 9 lần doanh thu của S&P 500 - 500 công ty lớn nhất của Mỹ trên sàn chứng khoán, và gấp hơn 4 lần doanh thu bán lẻ tại Mỹ.


Chìa khóa của kinh tế thuê bao là công nghệ AI và dữ liệu lớn


Trong nền kinh tế truyền thống, người tiêu dùng chỉ có thể sử dụng hàng hóa khi mua chúng về. Tuy nhiên, với kinh tế thuê bao, người tiêu dùng trả tiền để sử dụng hàng hóa hay dịch vụ thay vì sở hữu. Đây không phải là khái niệm mới. Chẳng hạn, nhiều người có thể đăng ký nhận sữa hoặc báo giao tận nhà. Tuy nhiên, kinh tế thuê bao đang ngày càng thu hút sự chú ý khi nhiều người thích trải nghiệm dịch vụ một khoảng thời gian ngắn thay vì sở hữu. Ví dụ, Netflix cho phép người dùng truy cập nhiều nội dung sau khi đăng ký thuê bao và trả tiền hàng tháng. Đằng sau sự phát triển của kinh tế thuê bao là sự phát triển của ngành công nghệ thông tin. Ông Lee In-chul lý giải.


Chìa khóa của kinh tế thuê bao là cung cấp các tùy chọn cho các cá nhân, bài toán đòi hỏi sự kết hợp của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data). KT, một trong các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất tại Hàn Quốc, đã giới thiệu một dịch vụ nội dung video di động mới sử dụng công nghệ AI, phân tích biểu cảm khuôn mặt của người dùng như buồn hay vui để đề xuất nội dung phù hợp. Nhà điều hành cổng thông tin điện tử lớn nhất Hàn Quốc Naver đã ra mắt dịch vụ đề xuất âm nhạc VIBE dựa trên công nghệ AI. Sử dụng công nghệ học sâu (deep learning), VIBE phân tích sở thích của người dùng theo danh sách các bài hát từng nghe và đề xuất các bài hát theo sở thích cá nhân.


Kinh tế thuê bao phát triển để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng


Con người hiện đại luôn bận rộn với công việc, chăm sóc gia đình, phát triển bản thân và nhiều thứ liên quan. Ngày nay, thời gian đôi khi còn quan trọng hơn tiền bạc. Điều này lý giải tại sao nhiều người đang tìm kiếm hàng hóa, dịch vụ tiết kiệm thời gian. Để thu hút người tiêu dùng không ưa những thứ phiền phức, phức tạp, tốn thời gian, các doanh nghiệp đang hướng đến mô hình kinh doanh thuê bao. Giám đốc Lee In-chul cho biết.


Kinh tế thuê bao đang phát triển để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chẳng hạn, dịch vụ giao đồ ăn Market Curly đã chú trọng các mặt hàng thực phẩm tươi sống có chu kỳ đặt hàng ngắn hơn các sản phẩm khác. Tuy nhiên, người tiêu dùng thường cảm thấy gánh nặng về chi phí giao hàng do họ chỉ mua khối lượng ít thực phẩm tươi sống vì không thể bảo quản lâu dài. Do đó, Market Curly đã cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí với hóa đơn từ 15.000 won (13 USD) trở lên. Người tiêu dùng được quyền truy cập dịch vụ này không giới hạn nếu chấp nhận trả phí thuê bao hàng tháng là 4,500 won (4 USD).


Thách thức, cơ hội biến kinh tế thuê bao thành động lực tăng trưởng mới?


Những chiếc áo sơ mi công sở gọn gàng sạch sẽ được giao đến tận nhà khách hàng vào ngày cố định trong tuần, chăn gối cũng được giặt giũ sạch sẽ định kỳ là những ví dụ của loại hình dịch vụ thuê bao mới đầy thuận tiện. Kinh tế thuê bao đang làm phong phú thêm trải nghiệm của người tiêu dùng. Ví dụ, công ty khởi nghiệp Universal Yums (Mỹ) gửi tới khách hàng một hộp đồ ăn nhẹ từ một quốc gia khác nhau mỗi tháng. Tất nhiên, kinh tế thuê bao cũng tồn tại những hạn chế. Ông Lee In-chul đánh giá.


Hình thức tiêu dùng mới này cũng có vấn đề. Thuê bao là hình thức mượn hoặc sử dụng hàng hóa tạm thời thay vì sở hữu. Do đó, dù có vẻ tiết kiệm so với mua quyền sở hữu, loại hình này có thể khiến người tiêu dùng đăng ký quá nhiều dịch vụ và dẫn tới chi tiêu quá mức. Cụ thể, với đăng ký thuê bao trực tuyến, hóa đơn được thanh toán tự động thay vì trực tiếp gửi tiền hàng tháng. Dù hình thức này rất thuận tiện nhưng có thể khiến người tiêu dùng chi tiêu quá tay. Đã có nhiều ý kiến kêu gọi Chính phủ tăng cường kiểm soát, bổ sung chính sách với kinh tế thuê bao. Chính phủ cần đưa ra các đối sách chính xác, toàn diện để mở rộng thị trường cho kinh tế thuê bao, tăng cường tiềm năng kinh doanh.


Với doanh nghiệp, kinh tế thuê bao là một phương tiện hiệu quả để giữ chân khách hàng lâu dài, tạo ra doanh thu ổn định. Kinh tế thuê bao đang trở thành xu hướng lớn hiện nay. Nếu tận dụng tối đa lợi thế và khắc phục thiếu sót, mô hình kinh doanh mới này sẽ có thể trở thành động lực tăng trưởng mới của quốc gia.

Lựa chọn của ban biên tập