Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Luật đặc biệt tăng cường khả năng cạnh tranh ba phân ngành vật liệu, linh kiện và thiết bị có hiệu lực

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-03-30

ⓒ YONHAP News

Luật đặc biệt về ba phân ngành công nghiệp chủ chốt có hiệu lực từ 1/4


Luật đặc biệt về vật liệu, linh kiện và thiết bị công nghiệp chiến lược sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4. Năm ngoái, đạo luật này đã được sửa đổi để đối phó hiệu quả hơn với các biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc của Tokyo. Luật đặc biệt về vật liệu, linh kiện và thiết bị được ban hành năm 2001 và có hiệu lực đến hết năm 2021, với trọng tâm nuôi dưỡng các doanh nghiệp ở ba phân ngành này. Để tạo ra cơ sở pháp lý hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa, đẩy nhanh tiến trình thoát khỏi phụ thuộc vào vật liệu, linh kiện và thiết bị nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã bắt tay bổ sung và sửa đổi nội dung để biến đạo luật này thành bộ luật mẹ, quy định cách thức áp dụng công nghệ lõi, lựa chọn và quản lý các nhà sản xuất nhỏ dẫn dắt xu thế. Dự luật liên quan đã được Quốc hội thông qua tháng 12 năm ngoái, và công bố trước cố vấn pháp luật và tham vấn của các bộ liên quan. Trong phần một của chuyên mục, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun Lee In-chul sẽ giới thiệu về luật đặc biệt này. 


Động lực bắt nguồn từ các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản


Ngày 4/7 năm ngoái, Nhật Bản áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với ba nguyên liệu quan trọng trong sản xuất bán dẫn và màn hình là nhựa nhiệt dẻo, chất cản màu và khí ăn mòn. Ngày 28/8, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” gồm các quốc gia được hưởng ưu đãi xuất khẩu của Tokyo. Hành động của Tokyo là cú sốc với Seoul, bởi Hàn Quốc đang phụ thuộc nhiều vào Nhật Bản về các vật liệu công nghiệp quan trọng này. Tuy nhiên, cũng chính động thái này đã thúc đẩy Seoul đặt mục tiêu giảm phụ thuộc vào Tokyo và phát triển các công nghệ thay thế. Đầu tháng 8, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ ngân sách, thuế và tài chính cho các ngành để giải quyết khó khăn trước mắt, tăng cường khả năng cạnh tranh dài hạn. Chính phủ cũng cam kết hỗ trợ đầy đủ cho các nghiên cứu và phát triển, theo đuổi mục tiêu tăng trưởng chất lượng các ngành công nghiệp mới. 


Sự phụ thuộc vào Nhật Bản đối với ba phân ngành công nghiệp chính 


Nhật Bản đang chiếm 70-90% thị trường toàn cầu về ba nguyên liệu trên. Do đó, nếu việc cung cấp các vật liệu công nghệ cao này bị gián đoạn, ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc sẽ chịu tổn thất nặng nề. Tokyo đã đi xa đến mức loại Seoul ra khỏi Danh sách trắng. Theo đó, các doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất 1.120 mặt hàng chiến lược buộc phải xin giấy phép cá nhân để xuất khẩu sang Hàn Quốc, quy trình tốn nhiều thời gian hơn. Đáp lại, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố chọn 100 mặt hàng chịu tác động mạnh nhất từ quy chế xuất khẩu của Nhật Bản và tìm cách nội địa hóa trong vòng 5 năm. Ngày 11/10 năm ngoái, một ủy ban thuộc phủ Tổng thống đã được thành lập để thúc đẩy quá trình giành “độc lập” cho các ngành công nghiệp linh kiện, vật liệu và thiết bị của Hàn Quốc. Rõ ràng, các biện pháp này đều nhằm mục đích giảm sự lệ thuộc vào Nhật Bản. Ông Lee In-chul lý giải. 


Thực tế, Hàn Quốc chưa bao giờ ghi nhận thặng dư thương mại đối với Nhật Bản trong 50 năm qua, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1965. Điều này phản ánh Seoul đang phụ thuộc nhiều vào Tokyo về vật liệu và linh kiện công nghiệp. Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong ngành công nghiệp bán dẫn, Hàn Quốc vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề về các vật liệu, linh kiện chủ chốt của Nhật Bản để sản xuất chíp. Theo Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc, thâm hụt thương mại của Seoul đối với Tokyo trong lĩnh vực vật liệu và linh kiện là 15,1 tỷ USD năm 2018, 76,2 tỷ USD trong giai đoạn 2014 - 2018; chiếm hai phần ba tổng thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản. Đặc biệt, thâm hụt thương mại về linh kiện điện tử và sản phẩm hóa học là rất lớn.  


Kỳ vọng của đạo luật đặc biệt 


Nhiều người cho rằng Hàn Quốc tụt hậu so với Nhật Bản và Đức về công nghệ lõi liên quan đến các ngành công nghiệp chủ chốt, và Seoul buộc phải nhập khẩu do sẽ mất nhiều thời gian và công sức để tự phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, đồng thời chủ động sản xuất thành công một số mặt hàng từng phải nhập từ Nhật Bản. Năm ngoái, xu hướng nhập siêu của Seoul với Tokyo đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm. Trong bối cảnh đó, các ngành công nghiệp mới càng thêm kỳ vọng vào đạo luật đặc biệt sửa đổi. Giám đốc Lee In-chul cho biết.


Chính phủ nhấn mạnh luật đặc biệt sẽ cung cấp nền tảng pháp lý và thể chế để phát triển ngành công nghiệp vật liệu, linh kiện và thiết bị, và đây là nhiệm vụ quốc gia. Cho đến nay, các nhà sản xuất nhỏ ở các ngành này đã gặp khó khăn trong mở rộng kinh doanh dù sở hữu công nghệ đẳng cấp thế giới. Các doanh nghiệp kỳ vọng luật đặc biệt sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nơi các doanh nghiệp được đánh giá dựa trên doanh số bán hàng thay vì năng lực kỹ thuật. Cụ thể, các doanh nghiệp nhỏ đủ năng lực cạnh tranh dự kiến sẽ được nhận hỗ trợ rộng rãi. 


Tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ 


Khi luật mới có hiệu lực, những doanh nghiệp nhỏ trong ba phân ngành công nghiệp nêu trên, các doanh nghiệp phụ thuộc nhu cầu nội địa do các thỏa thuận độc quyền với các doanh nghiệp lớn, và những doanh nghiệp sở hữu ít bằng sáng chế ở nước ngoài có thể tăng cường năng lực cạnh tranh. Có thể nói, trong cái rủi lại có cái may. Mặc dù vậy, Chính phủ cần thực hiện nhất quán các chính sách. Ông Lee In-chul đánh giá.


Đây mới chỉ là khởi đầu chứ chưa phải kết thúc. Về mặt luật pháp, Chính phủ sẽ công bố lộ trình tăng cường năng lực cạnh tranh của các phân ngành vật liệu, linh kiện và trang thiết bị trong năm nay. Lộ trình dự kiến bao gồm kế hoạch trung và dài hạn để đạt được độc lập về công nghệ, đảm bảo nguồn cung ổn định. Chính phủ sẽ tích cực tìm cách xây dựng mạng lưới toàn cầu để khuyến khích các doanh nghiệp nội địa khám phá thị trường nước ngoài. Hàn Quốc đã có nhiều nỗ lực tăng xuất khẩu, luôn đi tiên phong trên thị trường tương lai, đồng thời giảm phụ thuộc thương mại vào một quốc gia cụ thể. Để hợp tác quốc tế trong ngành công nghiệp vật liệu, linh kiện và thiết bị, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy nghiên cứu và phát triển chung với Mỹ, Israel và Nga. Seoul sẽ xây dựng mạng lưới hợp tác với các đối tác nước ngoài để chia sẻ công nghệ và thông tin, khởi động các dự án chung, khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tiến hành kinh doanh tại các quốc gia nêu trên. Luật đặc biệt chắc chắn sẽ mở đường cho những sáng kiến này, đẩy nhanh quá trình độc lập công nghệ của Hàn Quốc. 


Seoul đang biến rủi ro từ Tokyo thành cơ hội để nâng cao trình độ công nghệ. Hàn Quốc và Nhật Bản có thể hoặc không thể giải quyết tranh chấp song phương. Dù kết quả ra sao, Seoul cũng cần có biện pháp hỗ trợ ba phân ngành công nghiệp chủ chốt một cách kiên định như một chiến lược quốc gia.

Lựa chọn của ban biên tập