Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Những thị trường xuất khẩu triển vọng hậu COVID-19

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-06-01

ⓒ Getty Images Bank

Khủng hoảng xuất khẩu và yêu cầu cấp thiết về một bước đột phá


Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 28/5 nhận định Hàn Quốc có khả năng chỉ tăng trưởng 0,2% trong năm nay, giảm mạnh so với mức dự báo 2,1% trước đó, phản ánh mức độ tàn phá khủng khiếp của dịch COVID-19. Nghiêm trọng hơn, xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ đạt 36,5 tỷ USD trong tháng 4, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, Hàn Quốc đã chứng kiến thâm hụt thương mại lần đầu tiên trong vòng 99 tháng. Thêm vào đó, xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 5 được cho là sẽ giảm 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế bắt đầu rõ nét. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đều dự báo triển vọng kinh tế và thương mại toàn cầu sẽ xấu đi. Các nước trên thế giới đang nỗ lực tìm kiếm đột phá, và các lĩnh vực xuất khẩu tiềm năng cũng bắt đầu được quan tâm. Một báo cáo của Viện nghiên cứu thương mại quốc tế thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) đã mô tả các lĩnh vực này bằng từ khóa HOUSE. Tác giả báo cáo Sohn Chang-woo, nhà nghiên cứu chính tại Viện nghiên cứu thương mại quốc tế, phân tích từ khóa này. 


Từ khóa HOUSE chỉ những thị trường xuất khẩu triển vọng


Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cuộc sống và tiêu dùng, đặc biệt là các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (Healthcare), trực tuyến (Online), dịch vụ không tiếp xúc (Un-tact services), cơ sở hạ tầng thông minh (Smart infrastructure), và kinh tế gia đình (Homeconomy). Từ khóa HOUSE được kết hợp từ các chữ cái đầu của từ tiếng Anh chỉ 5 lĩnh vực trên. Các biện pháp bơm tiền của Chính phủ các nước chủ yếu nhằm cải thiện hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe, mở rộng cơ sở hạ tầng thông minh, thúc đẩy tự động hóa văn phòng. Phân tích dữ liệu tìm kiếm Google Trends cho thấy trong tháng 3, tháng 4 khi dịch COVID-19 lây lan nhanh trên toàn cầu, các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới là cách ly (quarantine), chăm sóc sức khỏe (healthcare), y tế (medical), các hoạt động giải trí tại nhà, và tiêu dùng không tiếp xúc. Các viện nghiên cứu, cơ quan truyền thông lớn trong và ngoài nước đều đề cập đến nhu cầu gia tăng ở các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân, các dịch vụ liên quan đến chăm sóc trẻ em, thú cưng, mở rộng kinh tế gia đình, làm việc thông minh, và các dịch vụ không tiếp xúc. Điều này cho thấy dịch COVID-19 đã thay đổi căn bản lối sống của mọi người và tạo ra xu hướng tiêu dùng mới. 


Thị trường thiết bị gia dụng, các sản phẩm văn phòng gia đình, dịch vụ không tiếp xúc nở rộ tại Mỹ


Trong tháng 2, tháng 3, khi dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, xuất khẩu thiết bị gia dụng, nhu yếu phẩm và thực phẩm chế biến của Hàn Quốc tăng trưởng mạnh. Thị trường cho giáo dục và chăm sóc trẻ em cũng tăng lên đáng kể vì nhiều người phải làm việc tại nhà và các trường học hoãn khai giảng. Nhiều chuyên gia cho rằng Hàn Quốc cần thâm nhập các thị trường này mạnh mẽ hơn khi dịch bệnh thuyên giảm. Một số mặt hàng xuất khẩu theo từng khu vực cũng được đề xuất. Ông Sohn Chang-woo phân tích.  


Do dịch COVID-19, thị trường các dịch vụ không tiếp xúc tại Mỹ tiếp tục mở rộng, các đơn hàng trên trang mua hàng trực tuyến Amazon và dịch vụ chuyển đồ ăn tăng mạnh. Các chuỗi bán lẻ lớn như Walmart bắt đầu khai thác mảng giao hàng tạp hóa; và số người dùng các dịch vụ đặt đồ ăn qua ứng dụng như Uber Eats tăng đều đặn. Nhu cầu giao hàng của các dịch vụ không tiếp xúc cũng mở ra cơ hội kinh doanh cho các dịch vụ sử dụng phương tiện tự lái, máy bay mini không người lái (drone) và rô-bốt. Ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhiều người đã chọn tập thể dục tại nhà thay vì tới các phòng tập. Lượng người dùng các chương trình tập luyện tại nhà nổi tiếng như Beachbody đã tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Quả tạ, thảm yoga, xe đạp tập thể dục vẫn nằm trong danh mục tìm kiếm hàng đầu trên Google và Amazon. Ở phân khúc thiết bị gia dụng, nhu cầu về các sản phẩm văn phòng gia đình cũng gia tăng để đáp ứng ngày càng nhiều người làm việc tại nhà. Doanh số bán máy tính của 80 doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu ở Mỹ đã tăng 40% so với giai đoạn dịch COVID-19 chưa bùng phát.  


Thị trường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và nội dung trực tuyến tại Trung Quốc 


Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ, đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc sau Trung Quốc, đạt 73,3 tỷ USD trong năm ngoái, chiếm 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Để tăng cường xuất khẩu sang nước này, Seoul cần tập trung vào các dịch vụ không tiếp xúc, văn phòng phẩm tại nhà và các thiết bị gia dụng. Còn thị trường Trung Quốc thay đổi như thế nào? Nhà nghiên cứu Sohn Chang-woo cho biết.


Trung Quốc đã quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng để bù đắp hậu quả kinh tế do dịch COVID-19. Trong phiên họp Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị ngày 4/3, Bắc Kinh tuyên bố sẽ đầu tư hạ tầng vào 7 lĩnh vực mới là mạng viễn thông thế hệ thứ năm 5G, thiết bị truyền tải điện cao thế, hệ thống đường sắt nội thị, trạm sạc xe điện, trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet công nghiệp. Theo đó, Hàn Quốc có thể tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng công nghệ thông tin, truyền thông như chíp modem, linh kiện bán dẫn, linh kiện mạng phục vụ xây dựng mạng 5G và lưới điện thông minh. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người Trung Quốc chọn ở nhà sau giờ học hay giờ làm việc, nên thị trường nội dung giải trí và giáo dục cũng được quan tâm. Thông qua những người nổi tiếng tại Trung Quốc, Hàn Quốc có thể bán các sản phẩm giáo dục và sản phẩm liên quan như sách, đồ chơi trẻ em.


Cách tiếp cận thị trường xuất khẩu triển vọng 


Sau cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19, Trung Quốc đang quan tâm nhiều hơn đến y tế từ xa. Dịch vụ này ra mắt tại Trung Quốc năm 2014, và dự kiến đạt quy mô 94,8 tỷ nhân dân tệ (13,2 tỷ USD) năm 2025. Tại Nhật Bản, nơi có số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh, dự kiến thị trường các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và dịch vụ không tiếp xúc sẽ tăng trưởng. Tại châu Âu, người dân có thể sẽ tiêu thụ nhiều đồ bếp núc và sản phẩm cho vật nuôi hơn, trong khi nhu cầu các sản phẩm y tế, vệ sinh và công nghệ thông tin ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng mạnh. Ở Trung Đông, cơ sở hạ tầng giao thông và thiết bị xây dựng có thể là thị trường xuất khẩu đầy hứa hẹn. Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang chú ý đến những thị trường này và chuẩn bị cho nền kinh tế hậu COVID-19, Hàn Quốc cần đưa ra chiến lược hiệu quả. Ông Sohn Chang-woo nhận định.  

Bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng dự kiến sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc trong tìm kiếm thị trường nước ngoài. Quan trọng nhất là phải tiếp cận các thị trường phù hợp, xem xét xu hướng toàn cầu và các mặt hàng triển vọng cho từng khu vực. Dự kiến nhiều nước sẽ tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nên Hàn Quốc có thể xuất khẩu mô hình tư vấn chính sách và các hệ thống liên quan thông qua hợp tác công hoặc tư nhân. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tổ chức các buổi gặp mặt, xúc tiến hợp tác đầu tư ở nước ngoài. Các doanh nghiệp công nghệ cần tập trung vào công nghệ liên quan đến y tế từ xa, dịch vụ không tiếp xúc, tận dụng thông tin và các chương trình hỗ trợ xuất khẩu của Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) và Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA).

Lựa chọn của ban biên tập