Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Căng thẳng Mỹ-Trung về vấn đề Hong Kong và hệ lụy

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-06-08

ⓒ YONHAP News

Hong Kong đối diện nguy cơ sụt giảm kinh tế


Ngày 28/5, phiên họp của đảng Cộng sản Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua luật An ninh quốc gia áp dụng cho Hong Kong với số phiếu áp đảo. Bất chấp những cảnh báo từ phía Washington, Bắc Kinh đã đi trước một bước, thúc đẩy hệ thống tư pháp. Ngay ngày hôm sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ chấm dứt đặc quyền giao thương với Hong Kong. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, giáo sư Kim Gwang-seok chuyên ngành nghiên cứu quốc tế hệ Sau đại học, trường Đại học Hanyang, phân tích tác động của xung đột Mỹ-Trung về vấn đề Hong Kong đối với kinh tế Hàn Quốc.


Đặc quyền giao thương của Mỹ cho phép Hong Kong hưởng các chế độ ưu đãi về thị thực, đầu tư, thực thi pháp luật, đã áp dụng từ thời kỳ Hong Kong là thuộc địa của Anh. Nếu mất đi đặc quyền này, Hong Kong có thể bị hạn chế thị thực, khó thu hút đầu tư. Vai trò của Hong Kong, một trong những trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính toàn cầu, có thể suy yếu đáng kể; vốn đầu tư có thể tháo chạy khỏi thị trường này. Nói tóm lại, mất đi đặc quyền giao thương sẽ có thể khiến kinh tế Hong Kong sụt giảm nghiêm trọng.


Xuất khẩu Hàn Quốc bị ảnh hưởng nếu Hong Kong mất đặc quyền giao thương


Theo Đạo luật Chính sách Mỹ-Hong Kong năm 1992, Mỹ đối xử với Hong Kong khác với Trung Quốc đại lục về thương mại, đầu tư, với điều kiện tiên quyết là Hong Kong thực thi quyền tự trị. Đặc quyền giao thương này đã đóng góp không nhỏ đưa Hong Kong trở thành trung tâm tài chính và hậu cần của châu Á. Nếu mất đi các ưu đãi, hàng hóa từ Hong Kong xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 25% như từ Trung Quốc đại lục. Về lâu dài, Hong Kong có thể đánh mất vị thế của một trung tâm tài chính châu Á. Khoảng 30% công ty của Mỹ đang xem xét chuyển các chi nhánh tại Hong Kong đến các khu vực khác. Với Seoul, bước đi của Washington cũng sẽ giáng một đòn mạnh vào xuất khẩu. Ông Kim Gwang-seok phân tích.


89% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hong Kong là tái xuất khẩu, với một nửa số hàng hóa sang Trung Quốc đại lục. Hàn Quốc cũng sử dụng Hong Kong làm đầu mối trung gian để xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc bởi nhiều lợi thế như thuế doanh nghiệp thấp và giao dịch tiền tệ ổn định. Nếu Hong Kong mất đặc quyền giao thương, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ phải chịu gia tăng chi phí hậu cần.


Tác động của lệnh trừng phạt với thị trường bán dẫn Hàn Quốc?


Hong Kong là điểm đến xuất khẩu thứ tư của Hàn Quốc, sau Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam. Năm ngoái, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Hong Kong đạt 31,9 tỷ USD, thặng dư 30,1 tỷ USD. Năm 2018, 82,6% hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc sang Hong Kong được tái xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu Hong Kong không còn được hưởng quy chế đặc biệt và bị đối xử như các địa phương khác ở Trung Quốc, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ phải thay đổi chiến lược xuất khẩu. Đặc biệt, ngành công nghiệp chíp bán dẫn, đang chiếm 69,8% các lô hàng xuất khẩu của Hàn Quốc tới Hong Kong, chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng báo động.


Năm ngoái, xuất khẩu chíp bán dẫn sang Hong Kong đạt 22,2 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang thị trường này (31,9 tỷ USD), và hơn 90% số hàng này đã được tái xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu mất đặc quyền giao thương, Hong Kong sẽ không còn là điểm trung chuyển xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc. Thay vào đó, các nhà xuất khẩu Hàn Quốc có thể xuất khẩu trực tiếp sang thành phố Thâm Quyến, thủ phủ của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, hoặc gián tiếp qua Đài Loan. Mặc dù xung đột Mỹ-Trung về vấn đề Hong Kong gây ra nhiều rủi ro, nhưng cũng có một số điểm tích cực với Hàn Quốc. Giáo sư Kim Gwang-seok cho biết.


Một số điểm thuận lợi đối với Hàn Quốc


12% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là thông qua Hong Kong. Vị thế thay đổi của Hong Kong chắc chắn sẽ khiến xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ sụt giảm. Nhờ đó, các sản phẩm Hàn Quốc sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Hiện nay, Seoul và Bắc Kinh đang ganh đua trên nhiều lĩnh vực như điện thoại thông minh, thiết bị viễn thông và hàng điện tử. Các sản phẩm “made in Korea” có thể lấp đầy khoảng trống mà các doanh nghiệp Trung Quốc để lại. Ngành hóa dầu, thiết bị y tế, thép và nhựa cũng có thể được hưởng lợi.


Lựa chọn của Seoul trong cuộc chiến tranh giành ngôi vị bá chủ giữa Washington và Bắc Kinh


Bên cạnh Singapore, Seoul đang nổi lên như một ứng viên tiềm năng thay thế cho vị trí trung tâm tài chính châu Á của Hong Kong. Tuy nhiên nhìn chung, xung đột Mỹ-Trung kéo dài sẽ không tốt đẹp gì. Ngày 3/6, Washington đã cấm các chuyến bay chở khách từ Trung Quốc. Rõ ràng, mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày một gia tăng. Trong bối cảnh hiện nay, Hàn Quốc cần tìm kiếm một chiến lược hiệu quả. Giáo sư Kim Gwang-seok nhận định.


Điểm mấu chốt hiện nay là Hàn Quốc cần tìm ra một bước đột phá về mặt ngoại giao hơn là kinh tế để cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Một mặt, Hàn Quốc cần duy trì liên minh quân sự Hàn-Mỹ, mặt khác cần thúc đẩy hợp tác kinh tế Hàn-Trung. Seoul cần tích cực khẳng định vị thế của mình với Bắc Kinh, và nỗ lực ngoại giao để khơi gợi một thỏa thuận hợp tác kinh tế song phương Hàn-Trung.


Ngày 30/5, Tổng thống Trump tiết lộ với các phóng viên về ý định mời thêm 4 nước, trong đó có Hàn Quốc, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay, và Tổng thống Moon Jae-in đã chấp nhận lời mời này. Đây là cơ hội để Seoul củng cố vị thế, nhưng cũng cần cẩn trọng với các động thái của đối tác thương mại lớn nhất là Bắc Kinh. Mắc kẹt giữa hai siêu cường, Hàn Quốc cần đưa ra các biện pháp ngoại giao đúng đắn để tối ưu hóa lợi ích.

Lựa chọn của ban biên tập