Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hàn Quốc tích cực phát triển vắc-xin và thuốc điều trị dịch COVID-19

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-06-15

ⓒ YONHAP News

Mục tiêu sản xuất thuốc điều trị vào năm 2021, vắc-xin năm 2024


Nhóm nghiên cứu hội tụ CEVI thuộc Viện khoa học và công nghệ quốc gia Hàn Quốc và các viện nghiên cứu do Chính phủ góp vốn đang tiến hành nghiên cứu sâu rộng thuốc điều trị và vắc-xin COVID-19. CEVI là tên viết tắt của nhóm nghiên cứu hội tụ về lây nhiễm virus mới nổi (Convergence Emerging Virus Infection). Ngày 9/6, nhóm này đã bàn giao một loại thuốc điều trị virus cho công ty LegoChem BioSciences, và một vắc-xin kháng nguyên tổng hợp cho công HK inno.N, trước là công ty chăm sóc sức khỏe CJ Healthcare. Thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 trên tế bào thận của khỉ đã cho thấy những kết quả khả quan, kháng thể mới có khả năng chống virus cao hơn 50 lần so với Remdesivir, một loại thuốc chống virus được sử dụng để điều trị COVID-19. Hàn Quốc đặt mục tiêu sản xuất thuốc điều trị tại nhà vào năm tới, và sản xuất vắc-xin vào năm 2024. Cuộc cạnh tranh phát triển thuốc điều trị và vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu, với sự tham gia của Hàn Quốc, đang ngày càng gay cấn. Chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin phân tích bối cảnh và tiềm năng kinh tế của thuốc điều trị và vắc xin COVID-19. 


Cuộc chạy đua phát triển thuốc điều trị, vắc-xin COVID-19


Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản đang gấp rút phát triển thuốc điều trị và vắc-xin COVID-19. Công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) đã tìm ra các kháng thể vắc-xin tổng hợp đầu tiên, đặt mục tiêu tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cuối năm nay, và sản xuất vắc-xin ra thị trường năm 2021. Trong khi đó, công ty dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca (Anh) đã hợp tác với đại học Oxford để sản xuất vắc-xin COVID-19. Công ty cho biết các thử nghiệm giai đoạn 1 đã thành công và sẽ công bố các kết quả rõ rệt vào tháng 9. Trung Quốc cũng đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập đến thành tựu quốc gia về phát triển vắc-xin tại hai kỳ họp thường niên quan trọng nhất trong nước là Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc và Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, và tại kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA).


Thuốc điều trị và vắc-xin COVID-19 - “con gà đẻ trứng vàng” 


Các cường quốc trên thế giới đang nỗ lực phát triển thuốc điều trị và vắc-xin COVID-19 trong bối cảnh hoạt động chính trị, xã hội và kinh tế toàn cầu đang đình trệ do đại dịch chưa từng có trong lịch sử. Ngày 10/6, Chính phủ Mỹ cho biết công ty Moderna sẽ bắt đầu thử nghiệm vắc-xin giai đoạn 3 vào tháng 7. Liên minh hợp tác giữa đại học Oxford và công ty AstraZeneca sẽ tiến hành thử nghiệm vào tháng 8, và công ty Johnson & Johnson (Mỹ) vào tháng 9. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 là giai đoạn cuối cùng để kiểm tra độ an toàn và tính hiệu quả của một vắc-xin trước khi đưa ra thị trường. Ngày 8/6, nước khởi phát virus là Trung Quốc đã báo cáo lên Viện vi sinh thuộc Viện Hàn lâm khoa học nước này là đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người đối với kháng thể mới. Một cường quốc khoa học khác là Nga cũng đang đẩy mạnh phát triển vắc-xin. Quốc gia chiến thắng trong cuộc chạy đua này có thể nâng cao vị thế kinh tế và xã hội một cách đáng kể. Chuyên gia Chung Chul-jin phân tích.  


Phát triển thành công các loại thuốc điều trị COVID-19 sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế to lớn, nâng cao vị thế, thương hiệu quốc gia. Đây được xem là lĩnh vực “gà đẻ trứng vàng”. Nhìn lại quá khứ, công ty Gilead, một doanh nghiệp nhỏ trước khi đại dịch cúm H1N1 bùng phát năm 2009, đã tăng trưởng đáng kể chỉ với loại thuốc chống virus Tamiflu. 


Thành công của K-quarantine, hướng đến K-bio 


Chỉ là một công ty liên doanh nhỏ thành lập năm 1987, nhưng nhờ phát triển thành công thuốc Tamiflu, công ty Gilead (Mỹ) đã đạt giá trị vốn hóa lên tới 96 tỷ USD tính đến ngày 5/6. Hàn Quốc đang được thế giới ca ngợi là đối phó hiệu quả với COVID-19. Nếu phát triển thành công thuốc điều trị và vắc-xin cho loại virus dễ lây lan này, Hàn Quốc sẽ có thể trở thành cường quốc về sức khỏe y sinh học toàn cầu. Ông Chung Chul-jin cho biết.


Nhiều nước đánh giá cao cách tiếp cận toàn diện đối phó với dịch COVID-19 của Hàn Quốc. Tất nhiên, giá trị gia tăng của “Phòng dịch kiểu Hàn Quốc (K-quarantine) là rất đáng kể, nhưng giá trị của công nghệ y sinh “made in Korea” K-bio còn lớn hơn nhiều. Xuất khẩu Hàn Quốc đã vấp phải khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, nhờ các nỗ lực đối phó dịch thành công mà các loại thuốc, vật tư y tế và thậm chí cả mỹ phẩm Hàn Quốc đã bán rất chạy trên thị trường. Điều này cho thấy “Phòng dịch kiểu Hàn Quốc” đã giúp nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia cũng như thương hiệu của các doanh nghiệp, và cả chất lượng sản phẩm. Nếu phát triển được thuốc điều trị và vắc-xin COVID-19, Hàn Quốc sẽ có thể tìm ra động lực tăng trưởng mới ngoài chíp bán dẫn. 


Chính phủ, các tổ chức cá nhân và viện nghiên cứu cần hợp tác 


Nhờ những phản ứng nhanh chóng và hiệu quả, ngành vật tư y tế Hàn Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ giữa đại dịch. Theo Cơ quan hải quan Hàn Quốc (KCS), xuất khẩu thuốc và vật tư y tế đã tăng trưởng 136% trong 10 ngày đầu tháng 6. Hàn Quốc cần hết sức nỗ lực để phát triển thành công thuốc điều trị và vắc-xin COVID-19, tiến tới khai tác động cơ tăng trưởng mới. Ông Chung Chul-jin nhận định.  


Chính phủ, các tổ chức tư nhân và viện nghiên cứu cần hợp tác, và tất nhiên cần cả những nỗ lực phi thường. Tuy nhiên, có vẻ tình hình tài chính và vốn liên quan chưa đáp ứng được mục tiêu. Do đó, Chính phủ cần thực hiện những biện pháp hỗ trợ kịp thời, táo bạo.

Lựa chọn của ban biên tập