Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hàn Quốc khởi động đàm phán FTA với Campuchia trong tháng 7

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-06-22

ⓒ YONHAP News

FTA Hàn-Campuchia, một phần chính sách “Phương Nam mới”


Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki ngày 15/6 cho biết Chính phủ sẽ xúc tiến đàm phán để tiến đến ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Campuchia trong tháng 7. Đây là một phần chính sách “Phương Nam mới” của Chính phủ, nhằm tăng cường hợp tác chính trị và kinh tế với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Cụ thể, Seoul đang nỗ lực nâng quan hệ với ASEAN lên ngang tầm quan hệ với 4 cường quốc là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, và Nga. Trên thực tế, FTA giữa Hàn Quốc và ASEAN đã có hiệu lực từ năm 2007. Tuy nhiên, mức độ áp dụng và mở cửa của hiệp định này vẫn còn rất thấp. Một nửa kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN đang tập trung vào Việt Nam, và ba đối tác lớn nhất của Hàn Quốc trong ASEAN là Việt Nam, Singapore và Malaysia chiếm hơn 70% kim ngạch thương mại. Seoul cần đa dạng hóa đối tác kinh tế, khám phá thị trường tiêu dùng, cơ sở sản xuất mới, và quốc gia giàu tiềm năng Campuchia đáp ứng được yêu cầu này. Bà Kim Hyun-su, nhà nghiên cứu chính của Viện Thương mại quốc tế thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) thảo luận về bối cảnh đàm phán FTA Hàn-Campuchia.


Campuchia –thị trường giàu tiềm năng với “Ba Không”


Campuchia là một nền kinh tế mới nổi tại châu Á, tốc độ tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm trong 20 năm qua. Với hơn nửa dân số dưới 25 tuổi, quốc gia Đông Nam Á này đang được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ. Nhu cầu cơ sở hạ tầng xã hội ở nước này rất cao do còn nhiều thiếu thốn. Campuchia không có quy chế về vốn nước ngoài, rủi ro ngoại hối và thuế nhập khẩu. Chính phủ nước này cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chỉ cần đăng ký là có thể tiến hành đầu tư ngay lập tức. Giao dịch thương mại cũng được thực hiện qua đồng đô-la Mỹ thay vì đồng nội tệ, giúp giảm thiểu rủi ro về giao dịch tiền tệ. Campuchia cũng miễn thuế doanh nghiệp và thuế nhập khẩu trong vòng 9 năm đối với nguyên liệu thô và cơ sở vất chất. Những lợi ích này lý giải tạo sao Campuchia được coi là điểm đầu tư hấp dẫn. 


Tình hình thương mại Hàn-Campuchia 


Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa bình quân đầu người của Campuchia năm ngoái chỉ là 1.500 USD/người. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này có nhiều điểm tham quan hấp dẫn như Angkor Wat, sở hữu lực lượng lao động dồi dào (16,5 triệu người), và có nhiều chính sách thân thiện, hỗ trợ đầu tư nước ngoài. Một điểm mạnh khác là lương nhân công ở Campuchia khá thấp, mức lương tối thiểu trong ngành dệt may năm 2019 là 182 USD/tháng, bằng 60% của nước láng giềng Thái Lan. Campuchia cũng có tỷ lệ lao động tham gia nền kinh tế cao nhất trong ASEAN. Đặc biệt, là một nước đang phát triển, Campuchia được hưởng Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), tức miễn hoặc giảm thuế khi xuất khẩu sang các nước phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Không có gì quá ngạc nhiên khi Campuchia được coi là viên ngọc thô của Đông Nam Á. Nhà nghiên cứu Kim Hyun-su giải thích mối quan hệ Hàn-Campuchia. 


Kim ngạch giao dịch Hàn-Campuchia đạt 1 tỷ USD năm 2019, trong đó Seoul xuất khẩu 700 triệu USD, nhập khẩu 300 triệu USD, trong khi tổng giao dịch với các nước ASEAN là 150 tỷ USD. Seoul chủ yếu xuất khẩu xe đã qua sử dụng và xe tải chở hàng, đồ uống và vật liệu dệt; và nhập khẩu quần áo và giày dép từ Phnom Penh. Một số công ty dệt may Hàn Quốc đã mở nhà máy tại Campuchia để nhập khẩu hàng hóa tại quốc gia Đông Nam Á này. Gần đây, các công ty Hàn Quốc đã sản xuất số lượng lớn linh kiện dây cáp nối trong xe ô tô tại Campuchia.


Campuchia không phải thị trường toàn “màu hồng”


Hàn Quốc và Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1970, đến năm 1975 bị gián đoạn do vấn đề chính trị tại Campuchia. Năm 1997, Seoul và Phnom Penh nối lại quan hệ ngoại giao và bắt đầu phát triển quan hệ hợp tác. Campuchia là thị trường xuất khẩu đồ uống lớn thứ ba của Hàn Quốc. Bacchus của công ty dược phẩm DongA là mặt hàng nước tăng lực phổ biến nhất tại quốc gia Đông Nam Á này. Nếu FTA song phương được ký kết, dự kiến ngành công nghiệp sản xuất Hàn Quốc sẽ được miễn thuế 100%, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi tương đương 33 triệu USD. Tuy nhiên, tương lai không hoàn toàn màu hồng. Bà Kim Hyun-su cho biết.


GDP của Campuchia là 26,7 tỷ USD, chưa bằng một phần 50 GDP của Hàn Quốc. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nắm quyền 35 năm qua, kể từ năm 1985. Năm 2018, ông đã phải giải tán đảng đối lập, mở đường cho chiến thắng của đảng cầm quyền, và chế độ độc tài sẽ tiếp tục đến năm 2023. Campuchia liên tục bị chỉ trích vì vấn nạn tham nhũng, vi phạm quyền dân chủ và nhân quyền. Ngoài ra, mức lương tại nước này đang tăng vọt hàng năm. Lương tối thiểu hàng tháng trong ngành dệt may đã tăng từ 61 USD năm 2012 lên 140 USD năm 2016 và 190 USD năm 2020, tức tăng gấp ba lần chỉ trong vòng 8 năm. Mức lương tăng vọt đặt gánh nặng đáng kể lên các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Campuchia, và cũng là yếu tố quan trọng cần cân nhắc đối với những doanh nghiệp có kế hoạch tiến vào quốc gia Đông Nam Á này. 


Thách thức từ Trung Quốc và Nhật Bản 


Năm 2018, Campuchia xếp thứ 133 về thị trường lao động cạnh tranh, một trong những nước thấp nhất trên thế giới. Thủ tướng Hun Sen đã hứa hẹn nâng lương tối thiểu lên 250 USD/tháng năm 2023. Thêm vào đó, Hàn Quốc không phải nước duy nhất để mắt tới thị trường Campuchia. Nhà nghiên cứu Kim Hyun-su nhận định.  


Hàn Quốc không phải nước duy nhất quan tâm đến Campuchia, nên cần cẩn trọng đánh giá các đối thủ đã và đang làm được gì tại quốc gia Đông Nam Á này. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Campuchia, chiếm tới 35% kim ngạch nhập khẩu của nước này. Phnom Penh và Bắc Kinh cũng đã bắt đầu đàm phán FTA song phương. Trong khi đó, Nhật Bản đã xây dựng các cơ sở sản xuất ô tô, thiết bị điện tử trong khu vực ASEAN, gồm cả Thái Lan. Cơ hội hội nhập kinh tế và miễn thuế quan trong của ASEAN đã giúp Tokyo tăng khả năng cạnh tranh. 


FTA Hàn-Campuchia song phương hứa hẹn cả cơ hội lẫn rủi ro đầu tư. Khi các cuộc đàm phán thương mại bắt đầu vào tháng tới, hai nước cần đưa ra các chiến lược thông minh, hiệu quả, tăng cơ hội và giảm thiểu rủi ro hướng đến phát triển và thịnh vượng chung.

Lựa chọn của ban biên tập