Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Một năm Seoul đối phó với các hạn chế xuất khẩu của Tokyo

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-07-06

ⓒ YONHAP News

Các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc


Đã một năm kể từ khi Nhật Bản đột ngột áp đặt biện pháp hạn chế xuất khẩu ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc, gồm khí ăn mòn, nhựa nhiệt dẻo và chất cản màu, đều là những vật liệu quan trọng trong sản xuất chíp bán dẫn và màn hình. Trái với những lo ngại ban đầu về nguy cơ ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc sụp đổ, Seoul đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, phát triển công nghệ lĩnh vực vật liệu, linh kiện và thiết bị nội địa. Giáo sư Kim Gwang-seok, chuyên ngành Nghiên cứu quốc tế, hệ sau đại học, trường Đại học Hanyang phân tích biện pháp đối phó của Seoul với các hạn chế xuất khẩu của Tokyo trong năm qua.


Ngày 1/7/2019, Nhật Bản công bố kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với một số vật liệu công nghiệp sang Hàn Quốc. Đến ngày 4/7, Tokyo chính thức hành động, áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. Rõ ràng, Nhật Bản tin rằng động thái này sẽ cắt đứt chuỗi cung ứng cho các ngành công nghiệp chủ chốt Hàn Quốc, từ đó làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Seoul. Tuy nhiên, trái với mong đợi, chính Nhật Bản lại phải chịu hậu quả. Tokyo đã mất đi khách hàng lớn là Seoul, trong bối cảnh Hàn Quốc đang dẫn đầu ngành chíp bán dẫn và màn hình hiển thị toàn cầu. Hơn nữa, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã chủ động tự phát triển công nghệ để củng cố ngành công nghiệp vật liệu, phụ tùng và thiết bị. 


Seoul đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, tăng cường nội địa hóa


Những biện pháp trả đũa kinh tế của Nhật Bản chưa dừng lại ở đó. Ngày 28/8 năm ngoái, Tokyo đã loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” các đối tác thương mại được hưởng ưu đãi xuất khẩu. Cụ thể, các nhà xuất khẩu Nhật Bản phải xin phép Tokyo phê duyệt hơn 1.100 mặt hàng xuất khẩu sang Seoul. Ước tính các đối sách này có thể khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc giảm 2,8% về doanh số, giảm 1,9% về lợi nhuậnkinh doanh. Tuy nhiên, tình hình đã đảo ngược trong năm qua. Nhìn chung, các doanh nghiệp Hàn Quốc không chịu thiệt hại đáng kể từ các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản. Ngược lại, Seoul đã tìm cách giảm phụ thuộc vào các vật liệu và linh kiện từ Tokyo. Giáo sư Kim Gwang-seok phân tích.


Hàn Quốc đã phụ thuộc rất nhiều vào Nhật Bản về các vật liệu chủ chốt, khiến nhiều người lo ngại về kịch bản tồi tệ nhất là các dây chuyền sản xuất chíp bán dẫn của Hàn Quốc phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, Seoul đã đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu chính trong sản xuất chíp bán dẫn, đồng thời phát triển thành công các nguyên liệu trong nước. Đặc biệt, Hàn Quốc đã giảm đáng kể phụ thuộc vào Nhật Bản đối với khí ăn mòn, mặt hàng rủi ro gây thiệt hại nặng nhất do các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản. Trong một cuộc khảo sát do Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) thực hiện với 149 doanh nghiệp Hàn Quốc nhập khẩu nguyên vật liệu từ Nhật Bản, hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng khả năng cạnh tranh của họ đã cải thiện. Theo kết quả khảo sát, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đã tăng lên, đặc biệt đối với linh kiện điện tử, máy tính, thiết bị video, thiết bị âm thanh, thiết bị truyền thông như chíp bán dẫn và màn hình. 


Nhật Bản thiệt hại cả về lý lẫn kinh tế 


Năm 2018, 93% thâm hụt thương mại của Seoul với Tokyo đến từ nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng và thiết bị. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã đẩy nhanh tiến trình phát triển độc lập ở ba lĩnh vực này. Chính phủ cam kết nuôi dưỡng các ngành công nghiệp liên quan và các doanh nghiệp địa phương cũng tích cực đa dạng hóa nhà cung cấp nguyên liệu, tự sản xuất nguyên liệu nội địa. Hàn Quốc đã đảm bảo nguồn cung khí ăn mòn từ các nhà cung cấp Mỹ và Trung Quốc, nguồn cung từ Nhật Bản giảm chỉ bằng một phần tư so với trước khi Tokyo áp đặt hạn chế xuất khẩu. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã nhanh chóng tìm ra nguồn cung chất cản màu từ Bỉ, dù đây được coi là nguyên liệu phụ thuộc nhiều vào Nhật Bản. Còn nguyên liệu sản xuất màn hình linh hoạt là nhựa nhiệt dẻo lại không hề đáng lo ngại, bởi Seoul đã đạt được những tiến bộ đáng kể, có thể tự sản xuất trước khi Tokyo áp đặt hạn chế. Ông Kim Gwang-seok giải thích.  


Các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Tokyo là nhằm trả đũa phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc, yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong nội bộ Nhật Bản cho rằng đối sách này có thể gây thiệt hại cả về lý lẫn kinh tế cho chính Tokyo. Thậm chí, các hạn chế xuất khẩu sẽ khiến linh kiện Nhật Bản không còn hiện diện nhiều trong ngành công nghiệp chíp bán dẫn, màn hình đang phát triển mạnh mẽ của Hàn Quốc. Trong quá khứ, khi các ngành công nghiệp Seoul tăng trưởng, các đối tác Tokyo cũng tăng trưởng theo. Nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản hiện tại không được tận hưởng thuận lợi này, dù các ngành công nghiệp Hàn Quốc vẫn tiếp tục phát triển. Ngoài ra, từ tháng 7 năm ngoái, người dân Hàn Quốc đã tẩy chay các sản phẩm Nhật Bản, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thời trang, thực phẩm và du lịch nước này, thậm chí khiến một số doanh nghiệp Nhật Bản như các nhà sản xuất ô tô phải đóng cửa nhà máy tại Hàn Quốc. Rốt cuộc, Tokyo đã chịu thiệt hại do chính các hạn chế xuất khẩu của mình, lâm vào tình cảnh “gậy ông đập lưng ông”. 


Cuộc chiến pháp lý, đưa khiếu nại về hạn chế xuất khẩu ra WTO


Trong phong trào tẩy chay hàng Nhật Bản tại Hàn Quốc, lợi nhuận ròng của hãng thời trang bán lẻ Nhật Bản Uniqlo đã giảm 11,9%, các tour du lịch từ Hàn Quốc đi Nhật Bản giảm hơn một nửa kể từ tháng 7 năm ngoái. Thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản cũng giảm đáng kể còn 19,1 tỷ USD trong năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 2004. Mặc dù vậy, vẫn còn quá sớm để Seoul có thể “kê cao gối”. Ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào Nhật Bản về nhiều mặt hàng, và số lượng mặt hàng bị Tokyo kiểm soát xuất khẩu có thể tăng lên do quan hệ hai nước xấu đi. Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho rằng Tokyo có thể áp đặt bổ sung hạn chế xuất khẩu đối với các mặt hàng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Nhật Bản như dầu gốc (base oil), thiết bị sản xuất chíp, các sản phẩm nhựa, và lan sang cả các mặt hàng khác. Có thể nói biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản bỗng trở thành phước lành đối với Hàn Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực phát triển là chưa đủ để đại tu cơ cấu thương mại giữa hai nước, mặc dù Seoul chưa bao giờ ghi nhận thặng dư thương mại với Tokyo kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1965. Cuộc chiến pháp lý giữa hai quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng là một trở ngại mà hai bên cần vượt qua. Giáo sư Kim Gwang-seok nhận định.  


Hàn Quốc đệ đơn khiếu nại về các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản lên WTO tháng 9 năm ngoái, nhưng đã tạm dừng quy trình khởi kiện vào tháng 11 do hai bên nhất trí giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Sau đó, Hàn Quốc đã nỗ lực cải thiện những lý do Nhật Bản nêu ra để áp đặt hạn chế, như sửa đổi Luật Thương mại quốc tế. Đổi lại, Seoul cũng yêu cầu Tokyo đề xuất biện pháp giải quyết tới tháng 5 năm nay. Song Nhật Bản đã không có bất cứ phản hồi nào, nên Hàn Quốc lại đưa vụ việc này lên WTO, yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới đứng ra mở hội đồng giải quyết tranh chấp. Cuộc chiến pháp lý giữa hai bên sẽ còn tiếp diễn. 


Đã một năm kể từ khi xung đột thương mại giữa Seoul và Tokyo nổ ra. Đáng tiếc là hai bên vẫn tồn tại nhiều vấn đề ngoài thương mại. Trên thực tế, trước mắt hai nước còn rất nhiều vấn đề phải chung tay hợp tác, như tái thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch COVID-19, đối phó chung với vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhật Bản nên rút lại các hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc càng sớm càng tốt, và tìm kiếm hợp tác thông qua đối thoại.

Lựa chọn của ban biên tập