Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Các thành phố châu Á chạy đua thời kỳ “hậu Hong Kong”

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-07-27

ⓒ YONHAP News

Khó tránh khỏi viễn cảnh Hong Kong mất vị thế trung tâm tài chính châu Á


Trong nhiều thập kỷ qua, Hong Kong là một trong những trung tâm tài chính của châu Á, nơi đặt trụ sở nhiều cơ quan truyền thông quốc tế, nhờ chính sách cởi mở với doanh nghiệp nước ngoài và quan hệ mật thiết với Trung Quốc đại lục. Được biết, khoảng 1.500 doanh nghiệp toàn cầu đang có trụ sở tại Hong Kong, 18-20% trong đó đến từ Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia áp dụng với Hong Kong đầu tháng này, tình trạng bất ổn chính trị tại Hương Cảng gia tăng khiến nhiều doanh nghiệp phải tìm cách rút khỏi thành phố này. Trên thực tế, giá thuê văn phòng tại các quận chính ở Hong Kong đang biến động. Nếu quan hệ Mỹ-Trung không có dấu hiệu cải thiện, Hong Kong có thể mất đi vị thế tài chính khu vực, và dòng vốn đầu tư và nhân sự có thể tháo chạy khỏi thị trường này.


Cuộc cạnh tranh thời kỳ hậu Hong Kong bắt đầu nóng lên


Các trang mạng xã hội gần đây đã đăng tải nhiều bài viết về quá khứ tươi đẹp của Hong Kong, có vẻ vị trí trung tâm tài chính hàng đầu châu Á của đặc khu hành chính này đang lùi dần vào dĩ vãng. Các thành phố châu Á đã sẵn sàng “cất cánh”, nắm lấy cơ hội từ những rắc rối của Hong Kong. Cuộc cạnh tranh thay thế Hong Kong đang dần nóng lên. Chuyên gia kinh tế Chung chul-jin phân tích thời kỳ “hậu Hong Kong” và chiến lược của Seoul. 


Một số thành phố châu Á đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp rời khỏi Hong Kong. Singapore hưởng lợi nhiều nhất nhờ các điều kiện ngôn ngữ, thời tiết và môi trường tương tự Hong Kong. Theo Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) (tương đương Ngân hàng trung ương), lượng tiền gửi của người không cư trú tại Singapore đã tăng 44% trong tháng 4, mức tăng cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê liên quan năm 1991, cho thấy các nhà đầu tư đã rút vốn tại Hong Kong chuyển đến Singapore. Đài Loan cũng nỗ lực thu hút các doanh nghiệp từ Hong Kong. Nhiều nhà phân tích dự đoán doanh nghiệp Mỹ sẽ ưu tiên Đài Loan hơn Singapore. Nhật Bản cũng là một ứng cử viên nặng ký. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã công khai quảng bá thế mạnh của Tokyo như một trung tâm tài chính thay thế vai trò của Hong Kong. Trung Quốc cũng có kế hoạch riêng, tích cực quảng bá thành phố Thượng Hải và Thâm Quyến thông qua nới lỏng các quy định. Các doanh nghiệp được cho là rất quan tâm đến các thành phố của Trung Quốc.  


Động thái của Chính phủ


Một số doanh nghiệp đã để mắt tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc như một ứng cử viên thay thế Hong Kong. Phóng viên Thời báo New York (NYT) tại chi nhánh Hong Kong đã bắt đầu tìm hiểu về bất động sản, điều kiện giao thông, điều kiện giải trí tại một số quận ở thủ đô Seoul như Gangam, Itaewon. Ngày 14/7, Thời báo New York tuyên bố chuyển một phần ba đội ngũ làm báo điện tử từ trụ sở Hong Kong sang Seoul. Giải thích cho sự lựa chọn này, tờ báo đánh giá Tokyo, Bangkok và Singapore cũng là ứng viên, nhưng Seoul hấp dẫn hơn nhờ những chính sách thân thiện với doanh nghiệp nước ngoài, tự do báo chí, và cũng là thành phố lớn về tài chính, truyền thông châu Á. Liệu trường hợp của Thời báo New York có khuyến khích các doanh nghiệp toàn cầu chọn Seoul? Chuyên gia Chung chul-jin phân tích. 


Hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc được cho là không quá tích cực lôi kéo các doanh nghiệp nước ngoài rời Hong Kong. Nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ nên thu hút lượng tiền khổng lồ chảy khỏi Hong Kong thông qua bãi bỏ các quy định và tăng cường ưu đãi thuế. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa nhóm họp tổng thể để chính thức công bố bất kỳ kế hoạch nào. Trên thực tế, thành phố Seoul và Busan của Hàn Quốc đã nỗ lực trở thành trung tâm tài chính châu Á từ đầu những năm 2000. Nhưng cho đến nay, kế hoạch này vẫn chưa hiệu quả. Đáng lo ngại hơn, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã rời khỏi Hàn Quốc trong thời gian vừa qua.  


Lý do Seoul không phải lựa chọn hấp dẫn thời kỳ hậu Hong Kong 


Nhiều chuyên gia phân tích Seoul tỏ ra khá thụ động, và đang tụt lại phía sau trong cuộc đua giành lấy vị trí của Hong Kong. Theo báo cáo của Tập đoàn tư vấn Z/Yen (Anh) và Trung tâm tài chính Qatar (QFCA), năm ngoái Seoul chỉ xếp thứ 33 về chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI), giảm mạnh từ vị trí thứ 6 của năm 2015. Mặc dù được cho là một ứng cử viên thay thế Hong Kong, nhưng đáng tiếc là Seoul không phải lựa chọn hấp dẫn. Ông Chung chul-jin cho biết.


Một trong những thế mạnh lớn của Hong Kong là ngôn ngữ, bởi tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức. Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế về tài chính, thương mại, nhưng Hàn Quốc không phải một nước nói tiếng Anh. Bên cạnh đó, Seoul luôn bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên. Bán đảo Hàn Quốc không có chiến tranh nhiều thập kỷ qua, và người dân tin rằng họ đang sống trong thời bình. Nhưng dưới con mắt của nhà đầu tư nước ngoài, quan điểm của quân đội hay bất kỳ động thái khiêu khích quân sự nhỏ nào cũng đều là rủi ro nghiêm trọng. Thứ ba là các quy chế về tài chính. Dù Hàn Quốc đã gỡ bỏ rất nhiều, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều quy chế bất cập. Thêm vào đó, nếu Chính phủ nới lỏng các quy định cho doanh nghiệp nước ngoài, các công ty địa phương chắc chắn sẽ phàn nàn về vấn đề phân biệt đối xử.


Chiến lược cho Seoul


Tương tự Seoul, các thành phố khác cũng có điểm mạnh lẫn điểm yếu. Singapore có môi trường tài chính thuận lợi tương tự Hong Kong, Đài Loan có ngành công nghiệp liên quan mật thiết với Trung Quốc, nhưng cả hai thị trường chứng khoán này đều có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Hong Kong. Thị trường chứng khoán Nhật Bản đủ lớn, nhưng Nhật Bản cũng không phải nước nói tiếng Anh và dễ bị thiên tai. Hàn Quốc cần đưa ra chiến lược thông minh để tối đa hóa các điểm mạnh, khắc phục những thiếu sót. Chuyên gia Chung chul-jin nhận định.  


Trước tiên, Hàn Quốc cần nhanh chóng quyết định có tham gia cuộc chạy đua thu hút vốn, doanh nghiệp rời khỏi Hong Kong hay không. Nếu tham gia cuộc đua, Seoul cần cải tạo môi trường, định hướng sử dụng tiếng Anh như thành lập các trường học, bệnh viện quốc tế. Ngoài các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc cần tăng cường bãi bỏ các quy định, thu hút nhiều chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực luật và tài chính như luật sư, kế toán, tạo môi trường hấp dẫn như một trung tâm tài chính châu Á. Trên hết, Seoul cần có chương trình nghị sự và kế hoạch cụ thể ở cấp Chính phủ thay vì thu hút một vài doanh nghiệp cụ thể. 

Lựa chọn của ban biên tập