Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Chỉ số KOSPI liên tục tăng điểm

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-08-17

ⓒ YONHAP News

Chỉ số KOSPI tăng trở lại sau 5 tháng


Chỉ số thị trường chứng khoán Hàn Quốc (KOSPI) đang tiếp tục đà tăng điểm. Nhiều nhà phân tích từng cho rằng chỉ số này sẽ hồi phục theo đường chữ W, phản ánh những thăng trầm trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng trái với dự đoán, thị trường chứng khoán Hàn Quốc lại hồi phục theo hình chữ V. Cụ thể, ngày 11/8, chỉ số KOSPI đóng cửa phiên giao dịch với 2.418,67 điểm, vượt mốc 2.400 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 6/2018. Ngày 13/8, chỉ số này tăng thêm 5 điểm, cán mốc 2.437 điểm, mức cao thứ hai trong hai năm qua. Như vậy, chỉ số KOSPI đã tăng 66% so với con số 1.457 điểm hồi trung tuần tháng 3, thời điểm chỉ số này rơi xuống mức thấp nhất một năm qua trước lo ngại dịch COVID-19 bùng phát. Cùng ngày, chỉ số sàn giao dịch KOSDAQ cũng tăng 9,17 điểm, đóng cửa phiên giao dịch ở mức 854 điểm. Xu hướng tăng trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc là do ảnh hưởng từ đợt phục hồi trên thị trường chứng khoán Mỹ, với ba chỉ số chính đều tăng điểm. Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư cá nhân mua ròng cổ phiếu cũng thúc đẩy chỉ số KOSPI tăng điểm. 


Thị trường chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh hơn Mỹ


Trong khi thị trường chứng khoán châu Âu, bao gồm cả Đức, vẫn có xu hướng giảm, thị trường chứng khoán Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc đều có dấu hiệu khởi sắc. Trên thực tế, thanh khoản dồi dào đã dẫn dắt đà tăng điểm của các mã cổ phiếu. Theo đó, Chính phủ các nước đang tích cực mở rộng chi tiêu tài chính, giải ngân một lượng tiền khổng lồ để hạn chế tác động của đại dịch COVID-19. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã bơm một lượng tiền lớn vào thị trường, trong khi Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) lần đầu tiên cắt giảm lãi suất cơ bản xuống gần 0%. Ông Lee In-chul từ Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun phân tích.


Nhiều thị trường chứng khoán lớn trên toàn cầu đang có xu hướng tăng điểm do Chính phủ các nước đổ tiền vào thị trường. Chỉ số NASDAQ (Mỹ) đã vượt qua mức 11.000 điểm lần đầu tiên kể từ khi mở cửa năm 1971. Tính đến ngày 4/8, thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh nhất với mức tăng hai con số. Hàn Quốc đứng thứ hai, tăng 3,7% so với đầu năm nay. Chỉ số Dow Jones (Mỹ) tăng 2,7%, trong khi chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 4,6%. 


“Kiến Donghak”, nhân vật chính trong xu hướng tăng điểm trên sàn chứng khoán


Đáng chú ý là thị trường chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh hơn thị trường chứng khoán Mỹ, nguyên nhân đằng sau là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, còn gọi là “những chú kiến Donghak”. Các nhà đầu tư cá nhân ở Hàn Quốc thường được ví von là “kiến” bởi vai trò nhỏ bé trên thị trường. Thuật ngữ “kiến Donghak” ra đời khi đại dịch COVID-19 lan rộng đầu năm nay. Tương tự cuộc nổi dậy Donghak (Đông học) do nông dân Hàn Quốc lãnh đạo năm 1894 chống lại ảnh hưởng của nước ngoài, ví là Seohak (Tây học), các nhà đầu tư cá nhân đang mua cổ phiếu của các tổ chức đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài, duy trì đà tăng điểm trên thị trường. Kết quả là cổ phiếu do các nhà đầu tư cá nhân mua đã đạt mức cao kỷ lục theo ngày; tiền gửi của họ tại các công ty môi giới chứng khoán đạt mức cao nhất trong lịch sử. Con số đăng ký mua ròng của các nhà đầu tư cá nhân cũng cao kỷ lục. Giám đốc Lee In-chul cho biết. 


Các nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đà tăng điểm trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc, khi họ mua một lượng lớn cổ phiếu bị các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo. Các nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng gần 40.000 tỷ won (33,8 tỷ USD) cổ phiếu trong nửa đầu năm nay, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài bán ra 26.000 tỷ won (21,9 tỷ USD). Trào lưu mua cổ phiếu này chủ yếu được dẫn dắt bởi những nhà đầu tư trẻ độ tuổi 20, 30. Có lẽ họ đã chuyển hướng sang đầu tư chứng khoán, lĩnh vực không đòi hỏi vốn lớn như đầu tư bất động sản. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục vào nửa cuối năm nay, vì chỉ trong tháng 7, các nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng 3.800 tỷ won  (3,21 tỷ USD). Tổng giá trị giao dịch trên ba sàn giao dịch chứng khoán KOSPI, KOSDAQ, KONEX đã vượt qua con số 20.000 tỷ won (16,9 tỷ USD). Các nhà đầu tư cá nhân đã tăng cường phạm vi hiện diện trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc khi vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài giảm sút. 


Cổ phiếu BBIG dẫn dắt thị trường chứng khoán Hàn Quốc


Đà tăng điểm của chỉ số KOSPI gần đây được dẫn dắt bởi các mã cổ phiếu BBIG, viết tắt của các lĩnh vực biotechnology (công nghệ sinh học), battery (pin), Internet, và game (trò chơi). Những cổ phiếu này gây chú ý trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến người dân quan tâm hơn đến sức khỏe, các dịch vụ không tiếp xúc, và công nghệ thân thiện với môi trường. Cụ thể, 10 mã cổ phiếu có đà tăng vốn hóa trong nửa đầu năm nay hầu hết đều thuộc các doanh nghiệp BBIG. Có vẻ đại dịch COVID-19 đang đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu công nghiệp, vốn không phải một hiện tượng mới. Trước cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á những năm 1990, Tổng công ty điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã dẫn đầu thị trường trên sàn chứng khoán. Nhưng sau đó, công ty Điện tử Samsung đã vươn lên, trở thành doanh nghiệp tiêu biểu của Hàn Quốc, tiến ra thị trường toàn cầu. Xung quanh cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, Chính phủ các nước đã bơm tiền trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội để vượt qua khủng hoảng khiến ngành ô tô, hóa chất và lọc dầu nổi lên như các ngành công nghiệp triển vọng. Thời điểm đó, công ty Ô tô Hyundai đã phát triển rất nhanh. Trong đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp BBIG đang tăng trưởng mạnh, đe dọa vị thế dẫn đầu của ngành công nghiệp chíp bán dẫn và ô tô. Ông Lee In-chul giải thích. 


BBIG7 gồm 7 mã cổ phiếu vốn hóa lớn của Công ty dược phẩm sinh học Samsung Biologics, Công ty dược phẩm sinh học Celltrion, Công ty hóa chất LG Chem, Công ty Samsung SDI, Tập đoàn Naver, Công ty phần mềm NCSoft. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này đã tăng hơn 80% trong năm nay, hưởng lợi từ xu hướng phổ biến các dịch vụ không tiếp xúc. Các nhà phân tích dự đoán những mã cổ phiếu này sẽ tiếp tục dẫn dắt đà tăng điểm trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc tới khi dịch COVID-19 kết thúc. 


Triển vọng tăng điểm của chỉ số KOSPI?


Có nhiều dự đoán về xu hướng của chỉ số KOSPI trong tương lai. Một số ý kiến cho rằng chỉ số này vẫn có thể tiếp tục tăng điểm do nguồn thanh khoản dồi dào. Một số khác lại nhận định đợt tăng điểm mạnh trong thời gian ngắn là không thể tránh khỏi. Các yếu tố chính có thể ảnh hưởng đến thị trường là làn sóng COVID-19 thứ hai, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, và việc mở rộng khung thời gian của lệnh cấm bán khống trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Giám đốc Lee In-chul nhận định.  


Để giảm bớt bong bóng tài sản, ngân hàng trung ương các nước, gồm cả Mỹ, cần chấm dứt nới lỏng định lượng vô thời hạn. Nhưng điều này khó xảy ra nếu nhìn vào tình hình kinh tế Mỹ hiện nay. Mặc dù vậy, chúng ta không thể loại trừ khả năng bong bóng có thể vỡ trước lo ngại về một cuộc suy thoái kép tại Mỹ. Mặc dù thanh khoản trên thị trường dồi dào, rất ít nhà phân tích lạc quan về triển vọng dài hạn của nền kinh tế. Các nhà đầu tư cần tìm ra những cổ phiếu có thể tồn tại trong môi trường kinh tế hậu COVID-19. Nếu thị trường chứng khoán duy trì đà tăng điểm, đó là điều đáng mừng. Nhưng nếu thị trường bắt đầu tự điều chỉnh, các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những người vay tiền đầu tư chứng khoán, có thể bị lỗ. 


Các nhà đầu tư cá nhân tại Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng mạnh từ diễn biến của chỉ số KOSPI. Các cá nhân cần đưa ra chiến lược thông minh, Chính phủ và các tổ chức đầu tư cũng cần chuẩn bị các biện pháp an toàn. 

Lựa chọn của ban biên tập