Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

“Đòn liên hoàn” của Mỹ nhắm vào Trung Quốc và hệ lụy

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-08-24

ⓒ YONHAP News

Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Huawei, phong tỏa nguồn cung chíp bán dẫn


Đại dịch COVID-19 đang có dấu hiệu lan rộng trở lại, đem những đám mây đen bao trùm lên nền kinh tế toàn cầu. Một vấn đề tiêu cực khác là cuộc chiến giằng co giữa Mỹ và Trung Quốc khiến kinh tế toàn cầu vốn khó khăn lại càng chật vật hơn. Ngày 17/8, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei. Giáo sư Kim Gwang-seok từ chuyên ngành Nghiên cứu quốc tế, hệ sau đại học, trường Đại học Hanyang phân tích xung đột sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc và hệ lụy đối với kinh tế Hàn Quốc.


Huawei hiện có 38 công ty con tại 21 quốc gia. Các biện pháp hạn chế gần đây khiến các công ty con của Huawei khó đảm bảo nguồn cung chíp bán dẫn sản xuất dựa trên bằng sáng chế hoặc công nghệ Mỹ. Như vậy, Washington đã ngăn chặn gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tiếp cận các công nghệ của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các biện pháp trừng phạt mới nhất của Washington nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và quyền riêng tư của công dân Mỹ. Rõ ràng, Washington muốn ngăn chặn Huawei thu thập dữ liệu lớn về Mỹ, đề phòng Bắc Kinh sử dụng thiết bị và công nghệ viễn thông để chiếm lợi thế trên lĩnh vực quân sự.


Mỹ gia tăng sức ép với các công ty công nghệ thông tin toàn cầu như TikTok


Các biện pháp trừng phạt mới nhất chặt chẽ đến mức có thể bịt kín mọi kẽ hở mà Huawei có thể khai thác. Khi nguồn cung chíp bán dẫn cạn kiệt, tập đoàn công nghệ Trung Quốc sẽ không thể giữ được vị thế nhà sản xuất thiết bị 5G và điện thoại thông minh hàng đầu. Nguyên nhân đằng sau các biện pháp trừng phạt của Mỹ là nỗ lực cạnh tranh trên lĩnh vực 5G và cuộc đua tranh ngôi vị bá chủ công nghệ toàn cầu. Ngoài những vấn đề liên quan đến Huawei, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc còn xoay quanh TikTok - ứng dụng của Trung Quốc cho phép người dùng tải và chia sẻ các video ngắn thời lượng 15 giây. Nền tảng mạng xã hội cực kỳ phổ biến này đã đạt hơn 2 tỷ lượt tải xuống trên toàn cầu và hơn 165 triệu lượt tải xuống tại Mỹ. Ông Kim Gwang-seok phân tích.


TikTok có hơn 1 tỷ người dùng từ khoảng 150 quốc gia trên thế giới, với 40 triệu người dùng từ Mỹ. Ứng dụng này đứng thứ 4 trong danh sách các ứng dụng iPhone được tải xuống nhiều nhất trong năm 2019. TikTok do công ty công nghệ thông tin Trung Quốc ByteDance ra mắt tháng 9/2016, là ứng dụng chia sẻ video tượng trưng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách cường quốc công nghệ. Mỹ muốn loại bỏ TikTok ra khỏi thị trường với lý do cần bảo vệ thông tin cá nhân của công dân Mỹ. Washington cho rằng nếu nhân viên quốc phòng của Mỹ sử dụng ứng dụng này có thể làm lộ vị trí của quân đội Mỹ và thông tin cá nhân cho Chính phủ Trung Quốc.


Mỹ hoãn vô thời hạn các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc


Trong bối cảnh này, Tổng thống Donald Trump ngày 18/8 tuyên bố quyết định hoãn lại tất cả các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Động thái này cho thấy cả Bắc Kinh cũng cho rằng tổ chức các cuộc đàm phán thương mại lúc này không hữu ích và không có nhiều ý nghĩa. Trước đó, hai nước đã lên kế hoạch xem xét thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn I, vốn có hiệu lực từ tháng 2, với lộ trình 6 tháng/lần. Cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên vốn dự kiến diễn ra ngày 15/8 theo hình thức họp trực tuyến, nhưng Mỹ đã tuyên bố hoãn vô thời hạn, để gây sức ép buộc Bắc Kinh bán lại quyền điều hành TikTok tại Mỹ cho công ty Mỹ tới 15/9. Trong khi hai nước nảy sinh nhiều xung đột từ ngoại giao, an ninh, nhân quyền đến quyền sở hữu trí tuệ, thỏa thuận thương mại giai đoạn I được cho là đóng vai trò cầu nối, giúp hai bên nối lại quan hệ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã để ngỏ khả năng hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận, và ám chỉ khả năng áp đặt biện pháp hạn chế với một công ty Trung Quốc khác. Một số ý kiến suy đoán mục tiêu tiếp theo là Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc, cho rằng động thái này sẽ tối đa hóa ý nghĩa biểu tượng của cuộc tấn công nhắm vào Bắc Kinh của Washington. Tuy nhiên, những đòn đánh liên tiếp của Mỹ nhắm vào Trung Quốc sẽ không chỉ gây thiệt hại cho các công ty Trung Quốc mà còn cho cả các công ty Mỹ. Ông Kim Gwang-seok giải thích.


Các công ty Mỹ cũng chịu thiệt hại do xung đột Mỹ-Trung kéo dài


Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các quan chức Mỹ đã duy trì lập trường “diều hâu” đối với Trung Quốc cả về thương mại, kinh tế, ngoại giao và an ninh. Các cuộc tấn công nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc có thể kéo dài cho đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Nhưng các biện pháp của Washington cũng gây thiệt hại cho chính các công ty Mỹ. Ví dụ, chính quyền Tổng thống Trump ra lệnh cho Apple xóa các ứng dụng Trung Quốc là TikTok và WeChat thì người tiêu dùng Trung Quốc sẽ không còn lý do mua iPhone, khiến doanh số iPhone của Apple có thể giảm từ 25-30%. Tất nhiên, Trung Quốc sẽ kịch liệt phản đối động thái này ở cấp Chính phủ.


Đứng vững bên cạnh tâm bão xung đột thương mại Mỹ-Trung


Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Huawei sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Hàn Quốc như thế nào? Huawei vừa là đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc về chíp bán dẫn, vừa là đối thủ cạnh tranh trên thị trường điện thoại thông minh. Trong khi một số ngành có thể hưởng lợi từ xung đột thương mại Mỹ-Trung, một số ngành khác có thể chịu thiệt hại. Nhiều nhà phân tích kêu gọi Hàn Quốc cần chủ động đi tiên phong trên thị trường. Giáo sư Kim Gwang-seok nhận định.


Hàn Quốc nên chuẩn bị các biện pháp chủ động để thúc đẩy các ngành công nghiệp triển vọng như dạy học từ xa, khám bệnh từ xa, chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, công nghiệp di động (mobility). Hàn Quốc đã đi trước các quốc gia khác về các thiết bị tích hợp như đồ gia dụng đa chức năng. Seoul có thể tận dụng tối đa khả năng cạnh tranh về công nghệ để thay thế các công ty Trung Quốc trên lĩnh vực đầy triển vọng này. Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc đang chiếm gần 40% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Hàn Quốc đang ở tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Seoul cần đề ra chiến lược ngoại giao cân bằng, tránh thiên vị, giảm thiểu tác động của xung đột thương mại Mỹ-Trung đến nền kinh tế Hàn Quốc.


Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung ngày càng sâu sắc, Washington chắc chắn sẽ tăng cường sức ép đối với Seoul trong chiến lược chống Bắc Kinh. Do đó, Hàn Quốc cần chuẩn bị các biện pháp đối phó chiến lược hơn trên các mặt trận ngoại giao và kinh tế để khéo léo vượt qua tình huống khó xử này.

Lựa chọn của ban biên tập