Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Các nước đối mặt với tỷ lệ nợ tồi tệ nhất từ Thế chiến II

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-08-31

ⓒ YONHAP News

Tỷ lệ nợ trên GDP của các nền kinh tế phát triển lên tới 128%


Chính phủ các nước trên thế giới đã tăng cường chi tiêu ngân sách để ngăn chặn nền kinh tế rơi vào suy thoái do hậu quả của đại dịch COVID-19. Trích dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tạp chí phố Wall (Wall Street Journal) báo cáo tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế lớn đã lên tới 128%, vượt qua con số kỷ lục 124% năm 1946, hậu Thế chiến II. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu đang đối mặt với vấn đề hoàn toàn khác so với những năm 1950, và khó có thể trông đợi vào một cuộc bùng nổ kinh tế thời kỳ hậu chiến. Chỉ trong nửa đầu năm nay, Mỹ đã 4 lần đưa ra các biện pháp tài chính mở rộng, bơm 3.000 tỷ USD vào nền kinh tế. Liên minh châu Âu (EU) cũng thực hiện kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ euro. Tuy nhiên, không chắc những khoản nợ công này có thể trả hay không. Sau Thế chiến II, các nước tiên tiến đã nhanh chóng giảm nợ nhờ những phát triển kinh tế vượt bậc thời hậu chiến. Cuối những năm 1950, Pháp và Canada đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 5%, Ý 6%, Đức và Nhật Bản hơn 8%, Mỹ cũng tăng trưởng hơn 4%. Trái với xu thế đó, những năm 2010, tăng trưởng GDP của Mỹ, Anh và Đức thường chỉ ở mức 2%, trong khi Nhật Bản và Pháp thậm chí chưa đạt 1%. Trên thực tế, ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín đã hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của các nước phát triển, trong đó có Nhật Bản. Chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin phân tích mức độ nghiêm trọng của tình hình nợ công trên toàn cầu.


Các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của các nước phát triển


Từ tháng 2 đến tháng 4, châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 khiến nền kinh tế khu vực bị tê liệt. Cùng thời điểm, một số quốc gia Nam Âu như Ý, Tây Ban Nha đã bị hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Hãng Fitch đã điều chỉnh triển vọng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Nhật Bản vào cuối tháng 7 bởi nền kinh tế suy thoái mạnh do đại dịch COVID-19. Kinh tế Nhật Bản tưởng như đã hồi phục phần nào sau khi Chính phủ Thủ tướng Abe Shinzo bơm một lượng tiền khổng lồ, nhưng rốt cuộc vẫn không thể hồi sinh. Mùa hè năm 2011, hãng Standard & Poor’s (S&P) đã cắt giảm tín nhiệm quốc gia của Mỹ, một động thái chưa từng có, khiến thị trường chứng khoán sụp đổ. Lần này, có thể Fitch sẽ hạ xếp hạng nhiệm quốc gia của Mỹ sớm nhất là từ 3 đến 6 tháng tới. Rõ ràng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ giảm là do vấn đề nợ công.


Tỷ lệ nợ trên GDP của các nền kinh tế mới nổi tăng 62,8%


Các thị trường mới nổi thậm chí phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng hơn các nước tiên tiến. IMF dự báo tỷ lệ nợ trên GDP của 40 nền kinh tế mới nổi sẽ tăng mạnh trong năm nay. Ông Chung Chul-jin cho biết.


Ở các thị trường mới nổi, tỷ lệ nợ trên GDP đã tăng lên gần 63%. Đặc biệt, tình hình nợ của Trung Quốc nghiêm trọng đến mức không quá ngạc nhiên nếu điều tồi tệ nhất xảy ra với nước này vào ngày mai. Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã vượt qua 300%. Nói tóm lại, không chỉ các nền kinh tế tiên tiến mà cả các nền kinh tế mới nổi đều chìm trong nợ nần. Nợ nần chồng chất thường dẫn đến mất giá trị đồng tiền, thị trường ngoại hối bất ổn và các cú sốc kinh tế. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng peso của Mexico, đồng rúp của Nga đều giảm giá gần đây. Còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác do hầu hết các nước trên thế giới đang bơm tiền vô điều kiện để đảm bảo tính thanh khoản. Khi cuộc khủng hoảng đại dịch một phần được kiểm soát và các nước phát triển ngưng nới lỏng tiền tệ, các nền kinh tế mới nổi có thể sẽ phải chịu rủi ro nợ lớn hơn.


Tỷ lệ nợ công tăng nhanh, nợ hộ gia đình trên 1.000 tỷ USD


Hàn Quốc khó có thể thoát khỏi tình cảnh nợ nần. Bộ Kế hoạch và tài chính ước tính tỷ lệ nợ trên GDP của Hàn Quốc sẽ đạt 43,5% trong năm nay. Tỷ lệ này có vẻ không cao so với các nền kinh tế lớn, nhưng đang tăng nhanh và cần đặc biệt lưu ý. Cụ thể, tỷ lệ nợ trên GDP của Hàn Quốc chỉ ở mức 17,2% vào năm 2001 đã tăng lên 30,3% năm 2011, và hơn 40% trong năm nay. Ngoại trừ các quốc gia bị khủng hoảng tài chính, khó có quốc gia nào chứng kiến tốc độ tăng nợ đáng báo động như vậy. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng chịu rủi ro ngoại hối. Mỹ và Nhật Bản là hai nước phát hành tiền tệ phổ biến trên thế giới là đô-la Mỹ và đồng yen, có thể thoải mái in và phân phối tiền và không cần quá quan tâm đến tỷ lệ nợ, nhưng Hàn Quốc không thể. Ông Chung Chul-jin giải thích.


So với các đơn vị tiền tệ lớn như đồng đô-la Mỹ, đồng euro và đồng yên, đồng won Hàn Quốc không đủ mạnh. Đó là lý do tại sao Seoul phải luôn để ý đến nợ công. Đáng lo ngại là tỷ lệ nợ của Hàn Quốc đang tăng quá nhanh, mức tăng hai chữ số những năm gần đây. Một vấn đề nghiêm trọng khác là nợ hộ gia đình, lên tới 1.630.000 tỷ won (1.380 tỷ USD), chiếm 96% GDP. Đây là tỷ lệ nợ hộ gia đình cao nhất trên thế giới. Nếu thị trường bất động sản co hẹp sẽ tác động tiêu cực đến nợ hộ gia đình và các tổ chức tài chính. Mức nợ hộ gia đình cao là gánh nặng lớn cho nền kinh tế.


Các quốc gia ngập trong nợ nần


Theo một số nhà phân tích, tình trạng nợ công khổng lồ tại các nền kinh tế lớn là một dấu hiệu “bình thường mới” (New normal) trong thời kỳ COVID-19.  Họ giải thích nợ chính phủ không thực sự là gánh nặng nghiêm trọng bởi ngân hàng trung ương các nước đã cắt giảm lãi suất dài hạn, mua trái phiếu để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu đại dịch còn kéo dài hơn nữa, các nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương về tài chính, từ đó có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác. Chuyên gia Chung Chul-jin nhận định.


Mức nợ sau Thế chiến II khá cao, nhưng sau cuộc chiến tàn khốc, các khoản vay được dùng để xây dựng nhà cửa, đường sá, khôi phục các tuyến đường sắt để thúc đẩy tăng trưởng. Còn hiện tại, nhiều ý kiến hoài nghi về khả năng khoản nợ có thể góp phần tăng trưởng kinh tế. Thực hiện các biện pháp kiểm dịch hiệu quả và kiểm soát hoàn toàn đại dịch COVID-19 là nhiệm vụ cấp thiết nhất hiện nay. Sau khi cuộc chiến với dịch bệnh thành công, các nhà chức trách cần đề ra kế hoạch dài hạn về cách trả nợ.


Nhiều nước tin rằng nợ công chồng chất là khó có thể tránh khỏi để phục hồi kinh tế. Dù vậy, nợ công lớn chắc chắn đi kèm với rủi ro lớn, có thể trở thành gót chân Achilles của nền kinh tế toàn cầu, như IMF từng cảnh báo nợ công là yếu tố dự báo quan trọng nhất về các cuộc khủng hoảng tài chính.

Lựa chọn của ban biên tập