Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Chính sách kinh tế của Nhật Bản thời kỳ hậu Abe

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-09-07

ⓒ YONHAP News

Chính sách kinh tế Abenomics và bối cảnh kinh tế Nhật Bản


Ngày 28/8, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã tuyên bố từ chức do sức khỏe không đảm bảo. Trong ba cái tên được nhắc đến để kế vị Thủ tướng Abe, Chánh văn phòng Nội các Suga Yoshihide nổi lên như một đối thủ nặng ký. Theo hệ thống chính trị của Nhật Bản, lãnh đạo đảng cầm quyền, hiện là đảng Dân chủ tự do, sẽ trở thành Thủ tướng Nhật Bản. Trước cuộc bỏ phiếu tìm người lãnh đạo của đảng này, Chánh văn phòng Nội các Suga nhận được sự ủng hộ của 5 trên 7 phe phái lớn trong đảng. Hôm nay, ông Cho Yong-chan, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Mỹ-Trung, phân tích tương lai chính sách kinh tế của ông Abe (còn được gọi là Abenomics) và liệu căng thẳng kinh tế giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có thay đổi sau khi Thủ tướng Abe rời ghế quyền lực.


Dưới thời Thủ tướng Abe cầm quyền, giá cổ phiếu đã tăng gấp đôi, giá trị đồng yên Nhật giảm và tỷ lệ thất nghiệp giảm một nửa. Tuy nhiên, nhìn chung, nền kinh tế Nhật Bản không mấy sáng sủa với tốc độ tăng trưởng tồi tệ nhất trong 65 năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 2%. Chỉ số lạm phát giá tiêu dùng vẫn giậm chân ở mức 0%, cách xa mục tiêu 2%. Thị trường việc làm đã bị đóng băng, lương bình quân đầu người giảm 3,5%. Nền kinh tế Nhật Bản đang chìm trong tình trạng giảm phát và sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 600.000 tỷ yên (5.650 tỷ USD) năm 2020. Cho dù tân Thủ tướng lên nắm quyền, chính sách kinh tế của Nhật Bản cũng khó có thể cải tổ mạnh mẽ. Đó là bởi thời gian cầm quyền của tân Thủ tướng quá ngắn. Đặc biệt, giữa cuộc khủng hoảng của đại dịch COVID-19, khó có thể trông chờ vào một vòng tuần hoàn đạo đức như chính sách Abenomics theo đuổi, trong đó thu nhập của doanh nghiệp được cải thiện dẫn đến lương nhân viên tăng, thúc đẩy tiêu dùng.


Những hạn chế của chính sách kinh tế Abenomics


Nhiều chuyên gia công nhận chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe đã thổi một luồng sinh khí mới vào nền kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên các biện pháp kích thích cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong đại dịch COVID-19. Điểm cốt lõi của chính sách Abenomics là tạo nên vòng tuần hoàn kinh tế như thành tích khả quan của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ làm tăng thu nhập lao động, giúp tăng chi tiêu và đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ lợi nhuận của các doanh nghiệp không thực sự dẫn đến tăng thu nhập, thậm chí thu nhập bình quân đầu người đã giảm, chỉ số vật giá cũng giậm chân tại chỗ. Để tránh suy thoái kinh tế, Tokyo đã ban hành hai chính sách bổ sung sửa đổi. Chi tiêu của Chính phủ Nhật Bản năm nay dự kiến đạt con số kỷ lục 160.300 tỷ yên (1.500 tỷ USD). Tỷ lệ nợ trên GDP của Nhật Bản dự kiến lên tới 56,3%, cao nhất từ trước đến nay; thâm hụt tài khóa dự đoán từ 2,6% năm ngoái lên tới 12,6% GDP. Ông Cho Yong-chan phân tích.


Chính sách kinh tế Abenomics đặt ra “ba mũi tên” gồm nới lỏng định lượng, triển khai chi tiêu tài khóa chủ động và chiến lược tăng trưởng phục hồi đầu tư tư nhân thông qua cải cách cơ cấu. Thật không may, cả ba mũi tên phóng ra đang đi quá xa mục tiêu. Và mũi tên thứ tư, kế hoạch tổ chức Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 đã rơi trước khi chạm tới mục tiêu. Trong kịch bản tốt nhất, GDP của Nhật Bản sẽ tăng trưởng -6%, và trường hợp tồi tệ nhất là tăng trưởng -16%. 30% doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Nhật Bản đang chứng kiến lợi nhuận kinh doanh giảm. Xét theo năng suất lao động bình quân đầu người, Nhật Bản chỉ đứng thứ 21 trên 36 nước thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 2018, giảm liên tục kể từ khi chính sách kinh tế Abenomics ra đời năm 2012.


Nguy cơ khủng hoảng ngoại hối và vỡ nợ chính phủ thấp


Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã chứng kiến mức giảm kỷ lục trong quý II năm nay. Đây là lần đầu tiên GDP của Nhật Bản giảm ba quý liên tiếp kể từ năm 2011, thời điểm diễn ra trận động đất kinh hoàng ở phía Đông nước này. Một nền kinh tế được coi là suy thoái nếu tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. Nhật Bản dường như đang rơi vào suy thoái nhanh hơn các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Trung Quốc. Mặc dù vậy, thế mạnh của Tokyo là không phải lo ngại về khủng hoảng ngoại hối và vỡ nợ chính phủ. Ông Cho Yong-chan cho biết.


Nợ công của Nhật Bản đã vượt quá 1.100.000 tỷ yên (10.350 tỷ USD) trong khi tiền thuế thu được chỉ là 62.000 tỷ yên (580 tỷ USD), tức chỉ bằng một phần 18 số nợ. Nếu gặp phải tình cảnh tương tự, một doanh nghiệp tư nhân chắc chắn sẽ bị phá sản ngay lập tức. Song Tokyo chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng tiền tệ do dự trữ ngoại hối lên tới 1.370 tỷ USD, lớn nhất thế giới. Trái phiếu Chính phủ Nhật Bản đang được lưu hành là khoảng 964.000 tỷ yên (9.070 tỷ USD); 90% trong số đó do các doanh nghiệp và người dân nắm giữ. Ngay cả khi một số ngân hàng lớn phá sản, Tokyo vẫn có thể cho vay tiền bằng cách cho phép Ngân hàng trung ương in thêm tiền, tức Nhật Bản có rủi ro tín dụng thấp.


Chính sách kinh tế của tân Thủ tướng Nhật Bản


Tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ chỉ nắm quyền trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ ông Abe Shinzo. Trong tuyên bố ứng cử chức Thủ tướng ngày 2/9 vừa qua, Chánh văn phòng Nội các Suga Yoshihide khẳng định sẽ tiếp tục kế thừa chính sác kinh tế Abenomics. Theo nhiều chuyên gia, chính quyền tân Thủ tướng khó mà thừa nhận thất bại của chính sách Abenomics. Đó là bởi đảng cầm quyền Dân chủ tự do nhận thức được rằng việc thừa nhận thất bại có nghĩa là chính sách Abenomics đã khiến người dân Nhật Bản nghèo đi.

Có thể, Chánh Văn phòng Suga sẽ tiết lộ chiến lược kích thích các nền kinh tế địa phương, một chính sách mà ông coi trọng từ trước. Ông cũng dự kiến sẽ đề xuất cắt giảm phí viễn thông, điều từng được nhấn mạnh năm 2018. Với Hàn Quốc, vấn đề đáng quan tâm là liệu xung đột kinh tế giữa Seoul và Tokyo có được giải quyết hay không. Trong khi Thủ tướng Abe theo đuổi tư tưởng và quan điểm chính trị cứng rắn, thì Chánh văn phòng Suga lại được đánh giá là một chính khách thực tiễn. Ông Cho Yong-chan nhận định.


Tương lai của xung đột kinh tế Hàn-Nhật


Lấp chỗ trống của ông Abe để lại trong một năm, tân Thủ tướng Nhật Bản dự kiến sẽ tập trung vào các biện pháp đối phó với đại dịch COVID-19. Ngay cả khi một vị Thủ tướng mới được bầu vào tháng 10 năm sau, mục tiêu hàng đầu vẫn là khắc phục tình trạng giảm phát. Tân Thủ tướng chắc chắn sẽ phải sử dụng các chính sách kích cầu nội địa thông qua nới lỏng tiền tệ hoặc các biện pháp tài khóa chủ động. Bất kỳ ai trở thành Thủ tướng cũng sẽ không có cách tiếp cận mềm mỏng với Hàn Quốc. Các thành viên nặng ký trong đảng cầm quyền Dân chủ tự do đều phản đối Hàn Quốc tham gia Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). Họ cũng nhấn mạnh phải có biện pháp mạnh mẽ chống lại Hàn Quốc nếu Seoul bán tài sản của các doanh nghiệp Nhật Bản liên quan đến cưỡng ép lao động thời chiến. Với những người lãnh đạo theo đường lối cứng rắn, chính quyền mới của Nhật Bản chắc chắn sẽ là phiên bản thứ hai của chính quyền Abe.


Một số nhà phân tích dự đoán quan hệ Hàn-Nhật sẽ khó có bước thay đổi đột phá sau khi Chính phủ Suga lên nắm quyền. Tuy nhiên, khả năng cao sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tokyo và Seoul bởi  Hàn Quốc đang thúc đẩy Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật vào cuối tháng 11. Một số khác tỏ ra lạc quan về triển vọng của ngành công nghiệp ô tô, chíp bán dẫn và điện thoại di động của Hàn Quốc trên thị trường toàn cầu, tận dụng khả năng cạnh tranh về giá cả do xu thế đồng yên mạnh. Trong kỷ nguyên của tân Thủ tướng Nhật Bản, Seoul và Tokyo hy vọng có thể tìm kiếm lối thoát để chấm dứt xung đột kinh tế giữa hai nước.

Lựa chọn của ban biên tập