Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

BTS đứng số 1 bảng xếp hạng Billboard Hot 100 và hiệu ứng kinh tế

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-09-14

ⓒ Big Hit Entertainment

Hiệu ứng dây chuyền từ ngôi vị số 1 trên Billboard Hot 100 của BTS 


Nhóm nhạc nam K-pop đình đám Đoàn thiếu niên chống đạn (BTS) đã gây sốt khi giành vị trí Quán quân bảng xếp hạng âm nhạc Billboard Hot 100 hai tuần liên tiếp với bản hit mới nhất “Dynamite”. Hot 100 là bảng xếp hạng âm nhạc tiêu chuẩn của Billboard, xếp thứ hạng các ca khúc được yêu thích nhất hàng tuần tại Mỹ dựa trên các chỉ số lượt phát radio, doanh số bán album và lượt nghe trực tuyến. BTS đã trở thành nghệ sĩ Kpop đầu tiên dẫn đầu bảng xếp hạng danh tiếng này. Trong 43 ca khúc dẫn đầu Hot 100 ngay trong tuần ra mắt, trong đó có cả các ca khúc của Vua nhạc pop Michael Jackson và diva Mariah Carey, chỉ có 20 ca khúc duy trì vị trí Quán quân hai tuần liên tiếp, và “Dynamite” là một trong số đó. Quả thực, BTS đã làm nên cột mốc lịch sử cho Kpop. Ông Lee In-chul, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun, phân tích hiệu ứng kinh tế từ thành công vang dội của BTS. 


Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và Viện nghiên cứu Văn hóa và du lịch Hàn Quốc, ước tính sự kiện BTS đạt Quán quân bảng xếp hạng Billboard Hot 100 sẽ tạo ra 1.200 tỷ won (1 tỷ USD) hiệu ứng sản xuất và 480 tỷ won (400 triệu USD) về giá trị gia tăng. Dự kiến tổng hiệu ứng kinh tế do BTS mang lại đạt 1.700 tỷ won (1,4 tỷ USD). Ước tính xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng liên quan như mỹ phẩm, thực phẩm và quần áo sẽ tăng 312 triệu USD. Thành tích của BTS cũng dự kiến tạo thêm 7.928 việc làm. Những con số cụ thể này dựa trên kết quả phân tích kinh doanh của Công ty giải trí Big Hit Entertaiment, thống kê của Tổng cục Hải quan Hàn Quốc, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) và số liệu tham khảo Google Trends.  


Xuất khẩu mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo tăng trưởng


Ước tính doanh thu toàn cầu của “Dynamite” đạt 245,7 tỷ won (207 triệu USD), dựa trên doanh thu từ album trước đó của BTS là “Map of the Soul: Persona”, từng đứng đầu bảng xếp hạng Billboard 200 năm 2019. Con số này không bao gồm số liệu kinh doanh từ các concert trực tiếp, nhưng có tính doanh thu từ các buổi biểu diễn trực tuyến do dịch COVID-19. Ngoài doanh số bán hàng liên quan, thành công của BTS cũng tác động đáng kể đến các ngành công nghiệp. Ông Lee In-chul phân tích.


Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai dựa trên dữ liệu tìm kiếm trên Google Trends, khi mức độ phổ biến của BTS tăng một điểm phần trăm, xuất khẩu mỹ phẩm của Hàn Quốc tăng 0,72 điểm phần trăm, xuất khẩu thực phẩm và quần áo tăng lần lượt 0,45 và 0,18 điểm phần trăm. Phân tích cho thấy BTS có thể giúp tăng doanh số bán mỹ phẩm Hàn Quốc ở nước ngoài tăng thêm 276 tỷ won (232,3 triệu USD), thực phẩm thêm 74 tỷ won (62,3 triệu USD), quần áo thêm 21 tỷ won (17,7 tỷ USD). Hiệu quả sản xuất trên ba mảng này lần lượt là 595 tỷ won (500,8 tỷ USD), 178 tỷ won (149,8 tỷ USD) và 40 tỷ won (33,7 tỷ USD).  


Nâng cao hình ảnh văn hóa Hàn Quốc Hallyu trên toàn cầu


Tuy nhiên, nghiên cứu chưa tính đến tác động đối với ngành du lịch, bởi dịch COVID-19 khiến di chuyển bị hạn chế. Xét tới các chuyến lưu diễn của BTS trong tương lai, hiệu ứng thu hút khách du lịch nước ngoài và hình ảnh thương hiệu của Hàn Quốc được nâng cao, hiệu quả kinh tế từ ngôi vị số 1 của BTS dự kiến sẽ vượt xa con số ước tính (1,5 tỷ USD). 


Theo một báo cáo do Quỹ Giao lưu văn hóa quốc tế Hàn Quốc công bố, nhờ sức hút của nhóm BTS, lượng khách du lịch thăm Hàn Quốc tăng 7,6% hàng năm, gần 800.000 người nước ngoài đến Hàn Quốc bởi các lý do liên quan đến BTS trong vòng 5, 6 năm gần đây, kể từ khi nhóm bắt đầu hoạt động nghiêm túc năm 2014. Hiệu quả thúc đẩy sản xuất hàng năm của nhóm nhạc này ước tính đạt 3,6 tỷ USD, trong đó giá trị gia tăng là 1,2 tỷ USD.


BTS, phim ảnh đưa Hàn Quốc vào top 10 về chỉ số sáng tạo toàn cầu 


Trong khi đó, ngày 8/9, nhóm nhạc nữ Kpop BLACKPINK đã đạt thứ hạng 13 trên Billboard Hot 100 với ca khúc “Ice Cream”, trở thành nhóm nhạc nữ Kpop đạt vị trí cao nhất trong lịch sử trên bảng xếp hạng âm nhạc danh tiếng này. Một số ca khúc của BLACKPINK đã từng lọt vào bảng xếp hạng này như “Sour Candy”, “How You Like that” hồi đầu năm nay. Theo Billboard, BLACKPINK là nhóm nhạc nữ đầu tiên sở hữu ba ca khúc liên tiếp lọt top 40 trên Hot 100 sau nhóm nhạc nữ Fifth Harmony (Mỹ) năm 2016. Hiệu ứng kinh tế do các nghệ sĩ Kpop mang lại sẽ còn lớn hơn nữa, tương ứng với những màn trình diễn xuất sắc của họ trên sân khấu âm nhạc toàn cầu. Với những thành tích của BTS, BLACKPINK, và bộ phim đoạt giải Oscar “Ký sinh trùng”, Hàn Quốc đã tăng một bậc từ vị trí số 11 của năm ngoái lên số 10 về Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII) 2020 do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hôm 2/9. Giám đốc Lee In-chul giải thích. 


Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc lọt top 10 quốc gia đứng đầu về chỉ số sáng tạo. Tính riêng khu vực châu Á, Hàn Quốc chiếm vị trí số 2 sau Singapore, hiện đang đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng này. Hàn Quốc vẫn đứng thứ 10 về hạng mục “Đầu vào sáng tạo” (Innovation Input), nhưng đã leo từ vị trí thứ 13 lên thứ 10 về “Đầu ra sáng tạo” (Innovation Output). Về hạng mục “Các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo”, Hàn Quốc tăng 23 bậc từ số 42 lên 19, cho thấy ngành công nghiệp văn hóa của “xứ sở kimchi” đã đạt được những tiến bộ đáng kể.   


Định hướng phát triển để duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu?


Chỉ số sáng tạo toàn cầu được giới thiệu năm 2007 với mục đích đánh giá khả năng đổi mới của các quốc gia, một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế. Do đó, chỉ số này cung cấp các thông tin cần thiết để hoạch định chính sách công và chiến lược kinh doanh hiệu quả. Hàn Quốc lọt top 10 năm nay cho thấy nỗ lực nhất quán nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia đã mang lại hiệu quả. Trong đó, Kpop, phim truyền hình và điện ảnh đã khẳng định vai trò không thể chối cãi. Ông Lee In-chul nhận định.  


Ngành công nghiệp văn hóa chỉ chiếm 3,7% GDP Hàn Quốc năm 2000, nhưng tới năm 2019 đã tăng lên 5%. Nói cách khác, ngành này đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trên toàn bộ nền kinh tế. Các nhà phân tích cho rằng cần tăng cường khả năng cạnh tranh của các nền tảng nội dung văn hóa để tiến xa hơn nữa. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai, ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc hiện đứng thứ 7 thế giới nhờ sự ủng hộ vững chắc của người hâm mộ Kpop và sự mở rộng quyền sở hữu trí tuệ nội dung văn hóa Hàn Quốc trên toàn cầu. Tuy nhiên, viện này chỉ ra rằng Hàn Quốc thiếu các nền tảng nội dung toàn cầu như Netflix, và năng suất lao động trong ngành công nghiệp này còn khá thấp. Để phát triển làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu thành một xu hướng công nghiệp, Hàn Quốc cần tăng cường các sản phẩm văn hóa, phát triển dịch vụ và thúc đẩy tiếp thị trên toàn cầu. 

Lựa chọn của ban biên tập