Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Những biến động trên thị trường bán dẫn toàn cầu

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-09-21

ⓒ YONHAP News

Biến động trên thị trường bán dẫn toàn cầu sau thương vụ thế kỷ?


Nhà sản xuất card đồ họa Nvidia (Mỹ) đã thông báo mua lại ARM, nhà sản xuất chíp hàng đầu thế giới đến từ Anh, thành lập năm 1990 và chuyên thiết kế các công nghệ lõi và bán bản quyền thiết kế. Đây được xem là “hợp đồng thế kỷ” trong ngành công nghiệp bán dẫn, trị giá 40 tỷ USD, hứa hẹn tạo ra một “gã khổng lồ” mới trong ngành. Theo đó, Nvidia sẽ trả cho SoftBank (Nhật Bản) 21,5 tỷ USD cổ phiếu và 12 tỷ USD tiền mặt. Năm 2016, SoftBank đã mua lại ARM với giá 32 tỷ USD, trở thành thương vụ công nghệ lớn nhất thời điểm đó. Nhưng thương vụ mua lại ARM lần này đã phá kỷ lục trên. Trước đây, ARM luôn đứng trung lập về mặt chính trị, nhưng nhiều người lo ngại sau khi doanh nghiệp này thuộc về một công ty Mỹ sẽ có thể trở thành công cụ trong thương chiến Mỹ-Trung. 

Hiện tại, ARM đang chiếm 95% tổng lượng chíp xử lý ứng dụng di động trên toàn cầu hoặc các ứng dụng trên smartphone. Nói một cách đơn giản, ARM đang nắm giữ “bộ não” của các điện thoại thông minh. Khoảng 1000 công ty, bao gồm cả Điện tử Samsung, Apple và Qualcomm (Mỹ) đang trả tiền bản quyền cho ARM. Mặc dù Nvidia đang phải giải quyết những vấn đề pháp lý như tiến trình phê duyệt từ các cơ quan thương mại hoặc thẩm định độc quyền trước khi hoàn thành thương vụ, nhưng khi vụ sáp nhập này hoàn tất, Nvidia sẽ trở thành công ty bán dẫn mạnh nhất thế giới. Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế - Viện kinh tế và công nghiệp Hàn Quốc Kim Gwang-seok phân tích.


Nvidia hiện là nhà sản xuất card đồ họa (GPU) hàng đầu thế giới. Sau khi mua lại ARM, công ty này có thể vượt ra khỏi thị trường card đồ họa, mở rộng sự hiện diện sang cả các chíp xử lý trí tuệ nhân tạo (AI), mạng internet vạn vật (IoT), chíp xử lý cho trung tâm dữ liệu và thị trường chíp xử lý hệ thống (CPU), từ đó tạo ra nền tảng AI tốt nhất thế giới. Nvidia cho biết sẽ tiếp tục duy trì các mô hình kinh doanh cấp phép mở và vị thế trung lập của ARM với khách hàng trên toàn cầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp này có thể thay đổi lập trường, tăng tiền bản quyền, hoặc từ chối cung cấp thiết kế cho một số công ty cụ thể. Nếu không có những bản thiết kế từ ARM, sẽ mất rất nhiều thời gian để phát triển chíp bán dẫn cho điện thoại thông minh. Các nhà sản xuất chíp trên thế giới, bao gồm cả Hàn Quốc, cần có các biện pháp giảm thiểu lệ thuộc vào ARM. 


Tác động đối với các nhà sản xuất chíp bán dẫn Hàn Quốc


Các nhà sản xuất chíp bán dẫn Hàn Quốc như Công ty Điện tử Samsung, SK Hynix đang rất chú ý đến thương vụ này. Đối với Samsung, rủi ro có thể không quá lớn bởi ARM bị Nvidia mua lại chứ không phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Apple. Ngoài ra, Nvidia và Samsung đang là đối tác chặt chẽ do Samsung được ủy thác sản xuất card đồ họa của công ty này. Nhưng về lâu dài, Nvidia, với tham vọng lấn sân sang thị trường di động, có thể là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của các nhà sản xuất chíp Hàn Quốc. Ông Kim Gwang-seok cho biết. 


Thương vụ giữa Nvidia và ARM đang là mối đe dọa lớn cho các công ty chíp nhớ dẫn đầu thị trường thế giới như Điện tử Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc. Đó là bởi giờ đây, Nvidia sẽ có thể tự thiết kế chíp bán dẫn cho máy tính, thiết bị di động, và đảm nhận cả khâu sản xuất. Suy cho cùng, Samsung và SK Hynix cần tăng cường khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng. Hiện nay, các công ty sản xuất chíp nhớ thường phụ thuộc lẫn nhau và có quan hệ hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài. Chẳng hạn, các công ty Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào Nhật Bản trong lĩnh vực bán dẫn, nên phải cạnh tranh công ty tự chịu trách nhiệm từ khâu thiết kế tới sản xuất như Nvidia sau khi sáp nhập. Nếu ARM chỉ cung cấp các thiết kế cho một số công ty hoặc tăng tiền bản quyền, chắc chắn các nhà sản xuất chíp bán dẫn toàn cầu khó có thể cạnh tranh về giá.     


Điện tử Samsung và SK Hynix đứng trước nguy cơ giảm doanh thu


Kể từ 15/9, Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Huawei. Theo đó, các công ty bán dẫn sử dụng phần mềm, bằng sáng chế hay thiết bị của Mỹ sẽ không được phép bán sản phẩm cho gã khổng lồ điện tử Trung Quốc. Năm ngoái, xuất khẩu của Điện tử Samsung và SK Hynix sang Huawei chiếm lần lượt 3,2% và 11% doanh thu. Theo các lệnh trừng phạt mới, hai nhà sản xuất chíp Hàn Quốc chắc chắn sẽ chịu thiệt hại lớn, mất đi đơn hàng giá trị lên tới 9 tỷ USD trong năm ngoái. Trưởng phòng Kim Gwang-seok giải thích. 


Ngành bán dẫn chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, là ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia. Huawei là một trong những khách hàng lớn của ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc. Đáng tiếc là các doanh nghiệp sử dụng công nghệ của Mỹ không được phép cung cấp chíp bán dẫn cho Huawei, đồng nghĩa các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ mất đi một khách hàng lớn, giáng một đòn mạnh vào xuất khẩu của Hàn Quốc. Ngoài ra, phía Trung Quốc đang tích cực “trải thảm đỏ” mời các chuyên gia về thiết kế và sản xuất chíp từ Hàn Quốc để đảm bảo ngành bán dẫn hoạt động ổn định, độc lập. Rõ ràng, Seoul có thể bị lôi kéo vào thương chiến giữa Washington và Bắc Kinh. Đây không chỉ là vấn đề xuất khẩu hay kinh tế mà còn liên quan tới chính trị.


Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần phản ứng như thế nào?


Sau khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt với Huawei, giá chíp nhớ DRAM cho máy chủ có dấu hiệu biến động. Một số chuyên gia dự đoán giá chíp DRAM có thể giảm 18% so với quý trước. Nếu nhận định này thành hiện thực, Điện tử Samsung và SK Hynix sẽ khó cải thiện kết quả kinh doanh trong giai đoạn cuối năm, và xuất khẩu của Hàn Quốc chắc chắn bị ảnh hưởng. Rõ ràng, các biện pháp đối phó khẩn cấp là hết sức cần thiết. Ông Kim Gwang-seok nhận định.  


Về cơ bản, Hàn Quốc cần nội địa hóa sản xuất các vật liệu và thiết bị phục vụ sản xuất chíp bán dẫn. Năm ngoái, ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc đã gặp trở ngại lớn khi Nhật Bản áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với ba vật liệu chính trong sản xuất bán dẫn sang Hàn Quốc. Ngay lập tức, Seoul đã thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tự sản xuất vật tư, linh kiện, thiết bị. Chính sách này cần được thực hiện nhất quán, bất kể ai lên nằm quyền. Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường kinh doanh chíp không có đặc tính nhớ, đặc biệt là chíp bán dẫn hệ thống để tăng cường sức cạnh tranh, mở rộng thị phần trên toàn cầu. Nhiều công ty toàn cầu đang tranh giành các chuyên gia bán dẫn Hàn Quốc, do đó Chính phủ cần ngăn chặn hiện tượng chảy máu chất xám, giữ vững đội ngũ nhân lực công nghệ cao. Nói tóm lại, Hàn Quốc cần tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp chíp bán dẫn phát triển, không bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài vốn luôn biến động.

Lựa chọn của ban biên tập