Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường pin xe điện toàn cầu

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-09-28

ⓒ YONHAP News

Thị trường pin xe điện dự kiến khan hiếm trong tương lai


Cùng với sự phát triển của xe điện (EV) và thị trường xe điện, thị trường pin xe điện toàn cầu cũng tăng trưởng nhanh chóng. Pin là một trong những bộ phận then chốt của xe điện. Được xem là “ngành công nghiệp bán dẫn thứ hai” và “động lực tăng trưởng thế hệ tiếp theo”, công nghiệp pin xe điện dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều từ sự tăng trưởng của ngành công nghiệp xe điện. Xu hướng này đã được minh chứng khi sự kiện “Ngày pin” (Battery Day) do Công ty ô tô Tesla (Mỹ) tổ chức ngày 22/9 vừa qua đã thu hút đông đảo sự chú ý từ công chúng, cụ thể là 270.000 người theo dõi trực tuyến, bởi những công nghệ mới của gã khổng lồ công nghệ mới nổi của Mỹ chắc chắn sẽ tác động mạnh đến ngành công nghiệp ô tô và pin toàn cầu. 

Tuy nhiên, trái với nhiều dự đoán, Tesla đã không công bố kế hoạch tham vọng nào mà chỉ thông báo phát triển một loại pin mới có tuổi thọ cao hơn với giá chỉ bẳng một nửa, và ra mắt trong ba năm tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia công nghệ, hoàn thành dây chuyền sản xuất pin quy mô lớn trong thời gian ngắn gần như vậy là nhiệm vụ bất khả thi. Do đó, tuyên bố lần này của Tesla thể hiện quyết tâm giảm thiểu phụ thuộc vào các nhà cung cấp pin hiện nay bằng cách tăng cường năng lực sản xuất. Một ngày trước sự kiện, Giám đốc Elon Musk cho biết đến năm 2022, dự kiến thị trường pin sẽ thiếu nguồn cung, và Tesla sẽ tăng cường mua pin từ các nhà sản xuất pin xe điện Hàn Quốc, bao gồm cả Công ty hóa chất LG Hàn Quốc. Giáo sư Kim Pil-soo từ khoa Kỹ thuật ô tô, Đại học Daelim phân tích cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường pin xe điện toàn cầu. 


Doanh số bán xe điện toàn cầu đã tăng trưởng từ 25%-50% mỗi năm, dự kiến tăng từ 2 triệu chiếc năm 2019 lên 3,5 đến 4 triệu chiếc trong năm nay, và lên 6 triệu chiếc trong năm tới. Điều đó đồng nghĩa với việc số lượng pin xe điện sẽ tăng lên đáng kể bất chấp khủng hoảng đại dịch toàn cầu. Mặc dù đã khắc phục nhiều hạn chế nhưng xe điện vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện như kéo dài lộ trình cho mỗi lần sạc pin và các bộ sạc tốc độ cao. Người mua xe điện hiện nay đang được Chính phủ hỗ trợ. Nhưng 5 năm tới, nhu cầu xe điện chắc chắn sẽ lớn hơn nhu cầu xe chạy nhiên liệu hóa thạch, có khả năng cạnh tranh cao mặc dù không còn được Chính phủ hỗ trợ. 


Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản cạnh tranh khốc liệt trên thị trường pin xe điện


Tính đến năm 2019, tổng số xe điện bán ra trên toàn cầu đạt 7,17 triệu chiếc, tăng 40,3% so với năm trước. Quy mô thị trường xe điện toàn cầu tăng gấp hơn hai lần, từ 15 tỷ USD năm 2016 lên 38,8 tỷ USD năm ngoái. Ước tính thị trường xe điện sẽ đạt 93,9 tỷ USD năm 2026, tăng 526,7% so với năm 2016. Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đang cạnh tranh khốc liệt, chiếm hơn 90% thị phần pin xe điện thế giới. Đặc biệt, ba nhà sản xuất pin xe điện lớn của Hàn Quốc là Công ty hóa chất LG, Công ty Samsung SDI và Công ty SK Innovation đã và đang mở rộng thị trường, tăng gấp gần 4 lần từ 9,5% năm 2016 lên 34,5% trong 6 tháng đầu năm nay, vượt qua các đối thủ đến từ Trung Quốc và Nhật Bản. Giáo sư Kim Pil-soo cho biết. 


Thị trường pin xe điện toàn cầu bị thống trị bởi ba nhà sản xuất pin Hàn Quốc cùng 4, 5 công ty Trung Quốc như CATL và BYD, và Panasonic của Nhật Bản. Hiện nay, pin Lithium-polymer (LiPo) đang là loại pin có mật độ năng lượng cao nhất. Tuy nhiên, pin thể rắn (all-solid-state) có thể ra mắt trong 4, 5 năm tới. Quan trọng là ai sẽ dẫn dắt thị trường này. Trung Quốc, Nhật Bản đang nỗ lực phát triển loại pin hiệu suất cao, nhưng Hàn Quốc cũng sở hữu công nghệ ngang tầm. Doanh nghiệp Hàn Quốc chắc chắn đủ năng lực để dẫn đầu thị trường pin mới, dù quá trình này có thể tốn thời gian.  


Chiến lược của các nước đối với ngành công nghiệp pin xe điện


Cuộc cạnh tranh về pin giữa Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như rủi ro đầu tư, trợ cấp Chính phủ và các vấn đề thương mại toàn cầu. Do đó, thị phần của các doanh nghiệp có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Còn quá sớm để các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể “kê cao gối”. Hiệu suất của các doanh nghiệp trong hai, ba năm tới dự kiến sẽ định hình bức tranh toàn cảnh của ngành. Ba nước đang bận rộn xây dựng chiến lược để dẫn đầu cuộc cạnh tranh. Trung Quốc đang tìm cách đảm bảo nguồn nguyên liệu cần thiết bằng chiến lược ngoại giao tài nguyên, còn Nhật Bản tăng cường kiểm soát nguồn dự trữ chiến lược với 34 loại kim loại quý hiếm như đất hiếm, coban. Các chuyên gia đang kêu gọi Hàn Quốc chủ động, nỗ lực hơn ở cấp Chính phủ. Ông Kim Pil-soo giải thích. 


Các loại pin LiPo hiệu suất cao đang được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Nhưng Hàn Quốc không có các nguyên liệu kim loại cần thiết như niken, coban, mangan, và phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu. Tất nhiên, chất lượng và khả năng sản xuất đại trà là rất quan trọng, nhưng đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu cũng cực kỳ cần thiết. Trong khi đó, Trung Quốc may mắn sở hữu nhiều mỏ kim loại, nguyên liệu phong phú, có loại nắm giữ hơn 50% nguồn nhiên liệu thế giới, và thậm chí còn áp dụng chiến lược tài nguyên. Trước tiên, Hàn Quốc cần chủ động đối phó với vấn đề mua nguyên liệu, bởi bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào cũng có thể gây khó khăn cho quá trình sản xuất pin. Thứ hai, cần phát triển công nghệ để thay thế các kim loại hiếm bằng vật liệu khác. Như vậy, Seoul mới có thể giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu, dẫn đầu cuộc cạnh tranh khốc liệt, biến ngành công nghiệp pin thành động cơ tăng trưởng tương lai. 


Thách thức đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc để duy trì vị trí dẫn đầu thị trường?


Các nhà sản xuất ô tô đang chuyển hướng sang tự sản xuất pin để nắm quyền chủ động trên thị trường xe điện. Không chỉ Tesla, hãng BMW (Đức) đã đầu tư 200 triệu euro vào phát triển pin thương hiệu riêng trong 4 năm qua. Hãng Toyota của Nhật Bản cũng có kế hoạch đầu tư 13,3 tỷ USD để phát triển pin riêng. Trong nửa đầu năm nay, Phó Chủ tịch tập đoàn ô tô Hyundai Chung Eui-sun đã có cuộc gặp với lãnh đạo ba nhà sản xuất pin hàng đầu Hàn Quốc. Các nhà phân tích tin tưởng rằng hợp tác giữa công ty ô tô Hyundai và ba nhà sản xuất pin sẽ tạo nên một liên minh toàn diện trong ngành. Giáo sư Kim Pil-soo nhận định.  


Hàn Quốc có nhiều nhiệm vụ cần thực hiện. Chính phủ nên nới lỏng các hạn chế về chính sách để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ nhiều rào cản pháp lý, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Các nhà sản xuất pin Hàn Quốc cần đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển, thuê thêm nhiều chuyên gia để đảm bảo các công nghệ then chốt. Nếu không, Hàn Quốc có thể bị tụt lại trong cuộc đua. Trong tương lai, ô tô có thể vượt ra ngoài phạm vi của phương tiện di chuyển, trở thành một không gian sống di động. Với khái niệm này, các bộ ban ngành, viện nghiên cứu và Chính phủ cần phối hợp, nỗ lực dựa trên sự ủng hộ của cộng đồng. 

Lựa chọn của ban biên tập