Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Đường lối chính sách của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ và tác động

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-10-05

ⓒ YONHAP News

Hai ứng viên đều theo đuổi chính sách kiềm chế Trung Quốc


Chỉ còn 30 ngày nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra, kết quả bầu cử không chỉ tác động đến nước Mỹ nói riêng mà còn đến toàn thế giới nói chung. Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa và cựu Phó Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ, dù ai chiến thắng thì Washington cũng dự kiến tăng cường chính sách kiềm chế Bắc Kinh, theo đuổi lợi ích quốc gia. Nói cách khác, dù ông Biden thắng cử, Mỹ vẫn có khả năng theo đuổi chính sách thương mại hiện thời và yêu cầu các đồng minh tăng cường hợp tác để kiểm soát Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Moon Jong-cheol từ Viện Kinh tế công nghiệp và thương mại Hàn Quốc (KIET) phân tích triển vọng kinh tế của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và những thay đổi đối với môi trường thương mại toàn cầu. 


Về mặt kinh tế nội địa, Tổng thống Trump cho rằng Chính phủ nên giảm thiểu can thiệp vào các hoạt động kinh tế, còn cựu Phó Tổng thống Biden nhận định Chính phủ cần có các hoạt động kinh tế chủ động để tạo ra kết quả tốt nhất. Về vấn đề thương mại toàn cầu, ông Trump theo đuổi chính sách “chủ nghĩa cô lập mới” trên nền tảng “chủ nghĩa ưu tiên nước Mỹ”, và hiện thực hóa bằng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch; còn ông Biden có xu hướng coi trọng vị thế và vai trò của nước Mỹ với tư cách nước đứng đầu trong quan hệ với các đồng minh. Cựu Phó Tổng thống Mỹ coi thương mại là phương tiện để tăng cường mối liên minh giữa Mỹ và các đồng minh, đồng thời theo đuổi thịnh vượng chung. 


Chính quyền Trump theo đuổi chính sách hiện thời, Mỹ có thể rút khỏi WTO


Trong 4 năm qua, Tổng thống Trump đã theo đuổi “chủ nghĩa ưu tiên nước Mỹ” với khẩu hiệu “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại”, và liên tục gây áp lực thương mại không chỉ với Trung Quốc mà cả các đồng minh lâu năm như Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn-Mỹ là “không công bằng” và hối thúc sửa đổi hiệp định này. Washington còn đe dọa rút khỏi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), và đã tiến hành đàm phán lại FTA Mỹ-Canada-Mexico theo hướng có lợi cho Mỹ. Nếu tái đắc cử, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ duy trì lập trường trên. Ông Moon Jong-cheol phân tích.


Nếu tái đắc cử, khả năng cao Tổng thống Trump sẽ theo đuổi chính sách kinh tế hiện tại. Nói cách khác, môi trường thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như đã trải qua trong 4 năm vừa rồi. Trong bối cảnh xung đột giữa Mỹ và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) gia tăng, chính quyền Trump có thể rút khỏi WTO. Washington có thể kêu gọi các biện pháp bảo hộ thương mại như thuế chống bán phá giá theo Điều 232 Đạo luật mở rộng thương mại hoặc Điều 301 Đạo luật thương mại. Những biện pháp này sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác thương mại. Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán thương mại với Nhật Bản và Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Kết quả đàm phán có thể ảnh hưởng đến thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc. Nếu Tokyo và Bắc Kinh đạt thỏa thuận thương mại với Washington với các điều khoản có lợi hơn so với Seoul, Hàn Quốc có thể mất đi lợi thế cạnh tranh dựa trên FTA Hàn-Mỹ hiện nay.


Seoul có thể phải chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc nếu ông Biden đắc cử


Ngược lại, nếu ông Biden thắng cử và tin tưởng vào quan hệ đồng minh chiến lược lâu năm giữa Washington và Seoul, quan hệ thương mại giữa Hàn Quốc và Mỹ có thể “dễ thở” hơn so với thời Tổng thống Trump. Khi chủ nghĩa thương mại đơn phương của ông Trump chấm dứt, Seoul sẽ có nhiều không gian hơn để đàm phán thương mại với Mỹ. Nhưng vấn đề đặt ra là ông Biden có thể dùng chính sách thương mại để củng cố quan hệ với đồng minh, kèm theo điều kiện là các nước đồng minh phải về phe Mỹ trong cuộc chiến kiềm chế Trung Quốc. Là Phó Tổng thống Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Biden luôn ủng hộ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước châu Á-Thái Bình thương. Nếu ông này tìm cách đưa Mỹ trở lại TPP, Hàn Quốc sẽ phải lựa chọn có tham gia TPP hay không. Trên thực tế, nhiều nước đã thiếu chuẩn bị cho kịch bản ông Trump thắng cử năm 2016, và đã gặp nhiều khó khăn trước những quyết định táo bạo, bất ngờ của chính quyền Trump. Không muốn lặp lại sai lầm tương tự, các nước cần phân tích các yếu tố có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này để chuẩn bị chiến lược phù hợp đối với từng ứng viên. Trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang tới gần, hai ứng viên đều bận rộn với các chiến dịch cam go. Nhà nghiên cứu Moon Jong-cheol giải thích. 


Các biến số trong 30 ngày cuối của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 


Khi các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc gia tăng ở Mỹ, tỷ lệ ủng hộ ông Biden dẫn trước ông Trump 15% trong nhiều cuộc thăm dò khác nhau. Nhưng kể từ tháng 9, khoảng cách bắt đầu bị thu hẹp. Hiện rất khó dự đoán diễn biến của cuộc bầu cử. Trong một tháng còn lại, cần xem xét liệu chính quyền Trump có đưa ra bất kỳ chính sách sai lầm hoặc sai sót trong quản lý tình hình dịch COVID-19 hay không. Một yếu tố then chốt khác là những người ủng hộ đảng Dân chủ sẽ triển khai chiến dịch chống lại chính quyền Trump như thế nào, bên cạnh diễn biến tại bang tranh chấp Florida. Thêm vào đó, việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ xác nhận nhiễm COVID-19 đã trở thành biến số lớn trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, tạo lợi thế cho đối thủ Joe Biden. Song, vẫn còn quá sớm để khẳng định chiến thắng cho ứng cử viên của đảng Dân chủ. 


Hàn Quốc cần giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, đa dạng hóa điểm đến xuất khẩu


Viện Kinh tế, công nghiệp và thương mại Hàn Quốc cho rằng Seoul cần giảm phụ thuộc thương mại vào Bắc Kinh và đa dạng hóa các điểm đến thương mại dù ai thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.  Ông Moon Jong-cheol nhận định.  


Bất kể ai lên nắm quyền, Washington sẽ tiếp tục tăng cường kiềm chế Bắc Kinh và xung đột thương mại Mỹ-Trung vẫn leo thang. Do đó, Seoul cần tìm ra biện pháp thích hợp. Cả ông Biden lẫn ông Trump đều kêu gọi chuyển chuỗi cung ứng bên ngoài Mỹ về nước Mỹ. Nếu Washington áp dụng chính sách nội địa hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Bắc Kinh cần đại tu chính sách thương mại hiện thời, đa dạng hóa các đối tác thương mại, và tăng cường hợp tác với các nước ngoài Trung Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập