Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Chuyển giao quyền lực từ thế hệ thứ hai sang thế hệ thứ ba trong các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-10-19

ⓒ YONHAP News

Tập đoàn ô tô Hyundai có lãnh đạo mới sau 20 năm


Ngày 14/10, Tập đoàn ô tô Hyundai đã mở cuộc họp của Hội đồng quản trị, bầu Phó Chủ tịch Chung Eui-sun làm tân Chủ tịch tập đoàn, mở ra một kỷ nguyên mới của thế hệ lãnh đạo đời thứ ba của tập đoàn ô tô số một Hàn Quốc. Tân Chủ tịch tập đoàn ô tô Hyundai, Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong, Chủ tịch tập đoàn SK Chey Tae-won và Chủ tịch tập đoàn LG Koo Kwang-mo đều còn khá trẻ, chỉ ngoài 40, 50 tuổi, dự báo về một sự thay đổi lớn trong cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, năng lực quản lý của các nhà lãnh đạo trẻ vẫn còn để ngỏ. Hôm nay, Chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin phân tích bối cảnh chuyển giao quyền lực tại các tập đoàn lớn tại Hàn QUốc.  


Tập đoàn ô tô Hyundai đã chính thức có lãnh đạo mới sau 20 năm trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang thay đổi nhanh. Khái niệm về ô tô đang dần thay đổi từ “động cơ” (motor) bằng “di chuyển” (mobility). Xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch đang dần bị loại bỏ, nhường chỗ cho xe chạy pin nhiên liệu hydro hay xe điện tự lái. Theo đó, tân Chủ địch Chung Eui-sun cần phải đối phó với những thay đổi trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, song song với cải tổ cơ cấu tổ chức trong nội bộ tập đoàn.  


Tân Chủ tịch của ô tô Hyundai tích cực thúc đẩy các loại phương tiện tương lai


Cha của ông Chung Eui-sun, ông Chung Mong-koo, từng giữ chức Chủ tịch tập đoàn trong 20 năm, và được công nhận rộng rãi là một trong những người góp công lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc. Ông đã ra mắt một tập đoàn chuyên về ô tô đầu tiên tại Hàn Quốc, mang đến những bước tăng trưởng thần kỳ của ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng. Năm 2010, ô tô Hyundai đã vượt mặt hãng Ford (Mỹ), trở thành một trong 5 tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới. Năm ngoái, gã khổng lồ ô tô Hàn Quốc tiếp tục giữ vững vị trí thứ 5 thế giới về doanh số bán hàng. Tài sản vốn hóa của ô tô Hyundai đã tăng gấp gần 10 lần trong 19 năm qua. Cựu Chủ tịch Chung Mong-koo trở thành người Hàn Quốc đầu tiên được giới thiệu vào Đại lộ danh vọng về ô tô của Mỹ vào tháng 2 năm nay. Giờ đây, tân Chủ tịch Chung Eui-sun sẽ gánh vác trọng trách nặng nề, chuyển đổi từ một doanh nghiệp ô tô truyền thống thành nhà cung cấp giải pháp “di chuyển” thông minh. Hoạt động đầu tiên trên cương vị mới của ông Chung Eui-sun là tham dự cuộc họp của Ủy ban kinh tế hydro của Chính phủ hôm 15/10 vừa qua. Ông Chung Chul-jin phân tích.


Để chế tạo xe tự lái chạy bằng điện, pin thứ cấp, các thiết bị điện tử và chíp bán dẫn đóng vai trò rất quan trọng, chiếm hơn 40% của ô tô. Tập đoàn ô tô Hyundai cần hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để quá trình chuyển đổi từ xe chạy nhiên liệu hóa thạch sang xe chạy điện hay nhiên liệu hydro diễn ra suôn sẻ. Tân Chủ tịch Chung Eui-sun được đánh giá là người dễ giao tiếp, cùng với tinh thần đổi mới, nỗ lực nắm bắt và dẫn đầu xu thế thị trường, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh doanh cho ô tô Hyundai trong tương lai. 


Chuyển giao quyền lực ở các tập đoàn kinh tế lớn


Trở thành tân Chủ tịch tập đoàn ô tô Hyundai, ông Chung Eui-sun còn một bài toán nữa là thừa kế cổ phần từ cha trong các công ty con chủ chốt của tập đoàn. Do gia đình ông Chung chỉ nắm giữ một số lượng nhỏ cổ phần trong các công ty con chủ lực của tập đoàn, nên để duy trì ổn định việc điều hành và đảm bảo quyền lực của tân Chủ tịch tập đoàn cần được tái cơ cấu. Trên thực tế, trong 2 năm qua, Tập đoàn ô tô Hyundai đã vấp phải chỉ trích từ các nhà đầu tư về mô hình quản trị. Ông Chung Eui-sun cũng sẽ phải đối mặt với một vấn đề gai góc là trả thuế thừa kế, cùng các nhiệm vụ lớn khác như phục hồi doanh số bị sụt giảm do dịch COVID-19, đối phó với những tranh cãi về độ an toàn của xe điện. Thế hệ các nhà lãnh đạo trẻ đang thổi một làn gió mới vào các tập đoàn. Chuyên gia Chung Chul-jin cho biết. 


Nhiều người thừa kế thế hệ thứ ba, thứ tư đang lãnh đạo các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc. Ví dụ, Chủ tịch tập đoàn Shinsegae Lee Myung-hee đã trao 8% cổ phần tại chuỗi bán lẻ Emart cho con trai Chung Yong-jin hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch tập đoàn, và 8% cho con gái Chung Yoo-kyung đang là Chủ tịch chuỗi trung tâm mua sắm Shinsegae. Trong khi đó, ông Kim Dong-gwan, con trai cả của Chủ tịch tập đoàn Hanwha Kim Seung-yeun được cho là sẽ tiếp quản công ty hóa chất của tập đoàn này. Tại tập đoàn GS, ông Huh Tae-soo sẽ trở thành Chủ tịch tập đoàn, thay thế cho anh trai Huh Chang-soo, nhưng đây chỉ là bước đệm trước khi chuyển giao quyền lực cho cháu trai lớn Huh Yun-hong, Phó Chủ tịch của công ty xây dựng GS E&C. Trước đó, ông Koo Kwang-moo đã trở thành Chủ tịch tập đoàn LG vào tháng 6 năm 2018 sau khi cha ông, cựu Chủ tịch Koo Bon-moo, qua đời. Tương tự, ông Cho Won-tae đã trở thành Chủ tịch tập đoàn Hanjin sau khi cha ông Cho Yang-ho qua đời. 


Sự thay đổi phong cách quản lý của các nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba, thứ tư 


Các nhà lãnh đạo trẻ tuổi tại các tập đoàn đang phải đối mặt với môi trường kinh doanh không mấy thuận lợi, suy thoái kéo dài do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, và đại dịch COVID-19. Họ thậm chí phải đối mặt với cảm giác khủng hoảng khi bất kỳ một sai lầm nhỏ nào cũng có thể khiến họ phải trả giá. Rõ ràng phong cách lãnh đạo của các nhà lãnh đạo trẻ khác biệt với những người tiền nhiệm. 


Những người sáng lập hay lãnh đạo thế hệ đầu tiên đã điều hành công ty dựa trên tài năng kinh doanh bẩm sinh và bản lĩnh, chẳng hạn như người sáng lập tập đoàn Hyundai Chung Ju-yung, người sáng lập tập đoàn Samsung Lee Byung-chul và người sáng lập tập đoàn Lotte Shin Kyuk-ho. Tiếp bước cha anh, các nhà lãnh đạo thế hệ thứ hai cũng thể hiện phong cách làm việc theo cách táo bạo, sáng tạo, mạo hiểm, tự đưa ra những quyết định quan trọng. Tuy nhiên, phong cách đó không còn đúng với thế hệ lãnh đạo thế hệ thứ ba, thứ tư. Rõ ràng văn hóa quản lý tại các tập đoàn đang thay đổi theo hướng lắng nghe các chuyên gia, giao tiếp với mọi người nhiều hơn. 


Tăng cường điểm mạnh của mô hình quản lý “cha truyền con nối”


Trong khi một số người đặt kỳ vọng vào sự đổi mới kinh doanh của thế hệ lãnh đạo trẻ tuổi, thì số khác lại chỉ trích và tỏ ra lo lắng về những tiêu cực của hình thức chuyển giao quyền lực “cha truyền con nối”. Tranh cãi vẫn còn tiếp diễn, với các vấn đề như sở hữu chéo cổ phần, các hình thức kinh doanh không công bằng của các công ty lớn như trao các hợp đồng béo bở cho các công ty con, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thừa kế quản lý. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng điều quan trọng là cải thiện những điểm thiếu sót, phát triển hình thức chuyển giao quyền lực theo hướng tích cực. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo trẻ duy trì mối quan hệ thân thiết, hứa hẹn tạo ra sự hợp tác giữa các tập đoàn, nuôi dưỡng các động lực tăng trưởng thế hệ tiếp theo. Chuyên gia Chung Chul-jin nhận định.  


Tôi cho rằng các nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba, thứ tư sẽ là những nhà lãnh đạo cuối cùng thừa kế quyền quản lý tập đoàn bởi thuế kế thừa cho con cái sẽ lên tới trên 50%. Không giống như các Chủ tịch tập đoàn lớn ở Mỹ và châu Âu là những giám đốc chuyên kinh doanh, các lãnh đạo trẻ của các doanh nghiệp Hàn Quốc có quan hệ thân mật với nhau, thậm chí tổ chức các cuộc họp riêng. Cá nhân tôi hy vọng điểm đặc biệt này sẽ giúp họ sẽ hợp tác trong lĩnh vực ô tô, pin thứ cấp, thiết bị điện hay chíp bán dẫn để đưa Hàn Quốc dẫn đầu thị trường xe ô tô điện toàn cầu. Văn hóa doanh nghiệp độc đáo của Hàn Quốc có thể được phát triển theo hướng tích cực. 

Lựa chọn của ban biên tập