Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

“Kỷ nguyên mới” của Samsung sau sự ra đi của Chủ tịch Lee Kun-hee

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-11-02

ⓒ YONHAP News

Chủ tịch Lee Kun-hee, người đưa Samsung thành tập đoàn hàng đầu thế giới


Chủ tịch tập đoàn số một Hàn Quốc Samsung Lee Kun-hee, người đặt nền móng cho sự phát triển chíp bán dẫn và điện thoại di động, hai mảng trụ cột của Samsung, và gây dựng công ty thành một thương hiệu công nghệ toàn cầu, đã qua đời ngày 25/10 vừa qua. 

Khi ông Lee Kun-hee lên nắm quyền điều hành năm 1987, tài sản vốn hóa của tập đoàn Samsung chỉ dừng ở mức 10.000 tỷ won (8,8 tỷ USD), nhưng đến năm 2019 con số này đã lên tới 803.000 tỷ won (706,5 tỷ USD). Số công ty thành viên cũng tăng từ 37 lên 59. Ông trùm kinh doanh quá cố đã đưa Samsung lên vị trí số một ngành công nghiệp chíp bán dẫn, điện tử gia dụng và điện thoại di động toàn cầu, tạo nền tảng để Hàn Quốc trở thành cường quốc công nghệ thông tin thế giới. Trên thực tế, ban đầu, nhiều người trong ban lãnh đạo của điện tử Samsung đã phản đối mảng kinh doanh chíp bán dẫn với lý do Hàn Quốc là mảnh đất cằn cỗi về lĩnh vực này. Tuy nhiên, cố Chủ tịch Lee Kun-hee vẫn kiên định, tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Điện tử Samsung đã đứng đầu thị trường chíp nhớ DRAM toàn cầu kể từ năm 1992. Thành tựu to lớn này chính là tiền đề cho thành công rực rỡ của dòng smartphone Galaxy của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc. Hôm nay, nhà bình luận kinh tế Choi Young-il, phân tích di sản do cố Chủ tịch Lee Kun-hee để lại và những thách thức đối với người kế vị. 


Samsung đứng thứ 5 về giá trị thương hiệu toàn cầu


Cố Chủ tịch Lee Kun-hee thực sự đã nâng chất lượng sản phẩm của Samsung lên tầm đẳng cấp thế giới. Chỉ vài ngày trước khi ông qua đời, giá trị thương hiệu của Samsung đã được xếp hạng thứ 5 trong danh sách 100 thương hiệu toàn cầu tốt nhất theo đánh giá của Interbrand. Đây là lần đầu tiên Samsung lọt vào top 5 công ty hàng đầu thế giới, xếp ngay sau 4 gã khổng lồ công nghệ của Mỹ là Apple, Amazon, Microsoft và Google. Đây là một thành tích thật đáng kinh ngạc bởi giá trị thương hiệu của Samsung chỉ mới lọt vào top 10 khoảng vài năm trước đây.


Những “quả tiêu cực” mà ông Lee Kun-hee để lại


Bất chấp những đóng góp to lớn của cố Chủ tịch Lee kun-hee đối với sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc, vẫn có những ý kiến trái chiều về thành tựu của ông để lại. Nhiều người chỉ ra rằng ông đã củng cố cho mô hình kinh tế với trọng tâm là tài phiệt đóng vai trò chính, do thành viên gia đình điều hành, và vấp phải những tranh cãi về các vấn đề chung của các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc như quản trị không minh bạch, thông đồng với giới chính trị. Nhà bình luận Choi Young-il cho biết. 


Sự ra đi của cố Chủ tịch Lee đã để lại những di sản cả tích cực lẫn tiêu cực. Ông cũng từng có những khoảnh khắc đáng xấu hổ vào những năm 2000. Chẳng hạn, năm 2008, ông đã bị các công tố viên đặc biệt thấm vấn vì cáo buộc giữ các quỹ đen. Samsung cũng vấp phải chỉ trích do văn hóa kinh doanh không lập tổ chức công đoàn, các cáo buộc che giấu các vụ tai nạn lao động, và các hành vi hối lộ. Samsung dường như phải giải quyết các vấn đề nội bộ trước khi tìm cách đóng góp cho xã hội.     


Trở ngại từ khoản thuế thừa kế và vấn đề pháp lý riêng của ông Lee Jae-yong 


Trên thực tế, Phó Chủ tịch Lee Jae-yong đã lãnh đạo Samsung kể từ khi cố Chủ tịch Lee Kun-hee ngã bệnh năm 2014, nên sẽ không có thay đổi quá lớn nào về chuyển giao quyền điều hành tập đoàn. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo mới sẽ phải đối mặt với những nhiệm vụ đầy thách thức trước mắt, như khoản thuế thừa kế lên tới 10.000 tỷ won (8,8 tỷ USD), cùng những vấn đề pháp lý riêng, vốn là trở ngại lớn đeo bám ông suốt 4 năm qua. Ông Choi Young-il giải thích. 


Đầu tiên, Phó Chủ tịch Lee Jae-yong sẽ phải đối mặt với hai phiên tòa. Nếu bị kết tội, ông sẽ phải chấp nhận ngồi tù hoặc trả tiền phạt. Dù theo hình thức nào, ông sẽ phải trả giá thích đáng cho những việc đã làm, giải quyết những rủi ro pháp lý một cách thích hợp. Chỉ sau khi hoàn tất quá trình này, ông Lee mới có thể xóa được vết đen quá khứ, từ đó tuân thủ pháp luật, đóng góp cho xã hội, và tìm kiếm những mô hình kinh doanh trong tương lai. Sự trung thực và trong sạch mới giúp Samsung nâng cao được giá trị doanh nghiệp của mình. 


Những thách thức với tân Chủ tịch tập đoàn Samsung 


Bên cạnh đó, ông Lee Jae-yong cũng cần tìm ra động cơ tăng trưởng mới ngoài chíp bán dẫn và điện thoại thông minh, đồng thời đưa ra chiến lược củng cố vai trò lãnh đạo của bản thân thời hậu Lee Kun-hee. Tân lãnh đạo của điện tử Samsung đã sắp xếp hợp lý các lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn, bán đi những mảng kinh doanh ngoài ngành như hóa chất, các đơn vị quốc phòng, để tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh mới như chíp bán dẫn hệ thống, thiết bị mạng viễn thông di động thế hệ thứ 5 (5G), trí tuệ nhân tạo (AI) và các sản phẩm sinh học. Ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tương sinh và hợp tác. Điện tử Samsung đã hỗ trợ công nghệ cho các nhà sản xuất bộ kít chẩn đoán COVID-19, cung cấp khẩu trang ở trong và ngoài nước để ngăn chặn dịch bệnh. Trong khi các công ty lớn ở Hàn Quốc đều giảm nhân viên do môi trường kinh doanh xấu đi, thì ngược lại Samsung đã tạo thêm việc làm. Ông Lee đã mở rộng các hoạt động xã hội của doanh nghiệp, cho rằng chia sẻ và phát triển cùng cộng động, xã hội là nhiệm vụ của doanh nghiệp để trở thành một công ty trăm tuổi. Nhà bình luận Choi Young-il nhận định.  


So với nhà sáng lập Lee Byung-chul hay người cha Lee Kun-hee, được biết đến với khả năng mạnh mẽ trong việc tìm kiếm động cơ tăng trưởng bên ngoài, ông Lee Jae-yong được cho là không có điểm nổi bật. Tuy nhiên, đây là thời đại nhấn mạnh đến yếu tố chi tiết và tinh tế. Tôi cho rằng phong cách của ông Lee Jae-yong phù hợp với những yếu tố này. Ngoài ra, giá trị xã hội đang ngày càng trở nên quan trọng. Tất nhiên, đối với doanh nghiệp, lợi nhuận là quan trọng, nhưng đóng góp cho xã hội và mối quan hệ thân thiết, bền vững với khách hàng cũng quan trọng không kém. Cơ sở hạ tầng của Samsung được tối ưu hóa cho việc này. Vấn đề là tân Chủ tịch tập đoàn Samsung sẽ xây dựng sự đồng cảm với công chúng như thế nào. Ông Lee từng mô tả tầm nhìn mới của công ty là “đồng hành”. Việc tập đoàn Samsung thực hiện giá trị doanh nghiệp như thế nào phụ thuộc vào khả năng giao tiếp với công chúng của ông Lee Jae-yong.


Tuần trước, công ty điện tử Samsung đã công bố báo cáo doanh thu quý III năm nay đạt 66.960 tỷ won (58,9 tỷ USD), với lợi nhuận kinh doanh đạt 12.350 tỷ won (hơn 10,8 tỷ USD), kết quả tốt nhất trong hai năm qua. Đây là thành tích rất đáng khen ngợi, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài. Rõ ràng, tiềm năng mạnh mẽ của Điện tử Samsung đang hỗ trợ nền kinh tế Hàn Quốc. Đó là lý do tại sao nhiều người đặt kỳ vọng vào lãnh đạo mới của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc, người phải gánh trên vai trọng tách nặng nề. Trong kỷ nguyên với tân Chủ tịch Lee Jae-yong, hy vọng Samsung sẽ trở thành doanh nghiệp toàn cầu cao cấp, trở thành doanh nghiệp trăm tuổi, thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc đạt được những bước nhảy vọt trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập