Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

OECD giảm nhẹ triển vọng tăng trưởng của Hàn Quốc xuống -1,1%

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-12-07

ⓒ YONHAP News

OECD dự đoán GDP Hàn Quốc năm 2020 tăng trưởng -1,1%


Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã giảm nhẹ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm nay, khi làn sóng dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong thời gian gần đây. Song, tương tự dự báo của OECD công bố trong tháng 9 vừa qua, triển vọng tăng trưởng của Hàn Quốc vẫn cao hơn tất cả các nước thành viên tổ chức này. Ông Bae Min-geun, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu kinh tế LG phân tích báo cáo của OECD công bố hôm 1/12.


OECD dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc sẽ tăng trưởng -1,1% trong năm nay, giảm nhẹ so với con số -1% đưa ra hồi tháng 9 vừa qua, nhưng sẽ phục hồi về mức 2% trong năm tới. Tiêu dùng cá nhân dự kiến giảm 4,1% trong năm nay, trong khi tỷ lệ lạm phát được dự đoán lần lượt là 0,5% và 0,6% cho năm nay và năm tới, cho thấy tình trạng lạm phát vẫn ở mức thấp. Tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc năm 2020 ước tính là 3,8%, thấp hơn của các nền kinh tế lớn khác, nhưng vẫn ở mức cao kỷ lục. Tỷ lệ thất nghiệp được cho là sẽ giảm nhẹ trong năm tới. OECD nhận định biện pháp hỗ trợ tài chính của Chính phủ Hàn Quốc đã phần nào kích thích tiêu dùng, và ngành chíp bán dẫn đã góp phần phục hồi xuất khẩu.


Hạ triển vọng tăng trưởng của Hàn Quốc năm tới xuống còn 2,8%


OECD đánh giá Seoul đã có các biện pháp phòng dịch hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, nên Hàn Quốc sẽ là nước có tỷ lệ tăng trưởng đứng đầu trong số 37 nước thành viên, và đứng thứ hai trong Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), chỉ sau Trung Quốc. Các tổ chức tài chính trong và ngoài nước khác cũng đưa ra dự đoán tương tự, trung bình ở mức -1%. Trong đó, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã nâng dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc từ -1,3% lên -1,1%, và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán là -1,9%.

Ngoài ra, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng -4,2% trong năm nay, tăng 0,3% với con số dự đoán -4,5% công bố hồi tháng 9. OECD dự đoán tốc độ tăng trưởng của Mỹ năm nay sẽ đạt -3,7%, tăng 0,1% so với dự đoán trước đó, và Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng tích cực trong năm nay (1,8%). Khu vực đồng tiền chung châu Âu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, được dự báo sẽ tăng trưởng -7,5%, tăng 0,4% so với dự báo của tháng 9. Ngoài ra lần này, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế đã hạ triển vọng tăng trưởng của Hàn Quốc năm sau xuống còn 2,8%. Nhà nghiên cứu Bae Min-geun phân tích.


Việc điều chỉnh của OECD phản ánh những lo ngại rằng đợt tái bùng phát dịch COVID-19 gần đây, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu, có thể ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và đà tăng trưởng của Hàn Quốc. Trong năm nay, các biện pháp hỗ trợ tài chính của Seoul đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn đà suy thoái, nhưng sang năm tới, các biện pháp này sẽ giảm tính hiệu quả, và gánh nặng tài chính có thể khiến lãi suất cơ bản tăng, gây bất lợi cho tăng trưởng của Hàn Quốc.


Dự đoán nền kinh tế thế giới năm sau tăng trưởng -4,2%


OECD tin rằng nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi nhờ nỗ lực của Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước, bất chấp nền kinh tế thế giới đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng kể từ tháng 2 vừa qua do dịch COVID-19 bùng phát. Dự đoán này cũng thể hiện sự kỳ vọng gia tăng về vắc-xin sẽ làm giảm mối lo ngại về dịch bệnh, thúc đẩy mọi người tích cực tham gia vào các hoạt động kinh tế.


Dù vậy, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế đã giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới từ 5% xuống 4,2%, trước những lo ngại về làn sóng lây lan mới của dịch COVID-19 ở Mỹ và châu Âu trong quý IV. Tổ chức này dự đoán sẽ có 5 nước thành viên đạt tăng trưởng tích cực trong năm tới gồm Hàn Quốc, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Lithuania và Thụy Điển. Ngày 1/12, BOK cho biết GDP của Hàn Quốc đã tăng trưởng 2% trong quý III, một tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh GDP đã tăng trưởng âm trong quý I và quý II. Nếu xu hướng này tiếp tục duy trì trong quý IV, Hàn Quốc sẽ đạt được mức tăng trưởng tương tự con số dự đoán của OECD và BOK. Trong đại dịch COVID-19, mức tăng trưởng -1% là một con số tương đối tốt. Nhà nghiên cứu Bae Min-geun giải thích. 


Ý nghĩa của mức tăng trưởng -1,1%


Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc tăng trưởng âm sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á những năm cuối 1990. Đương nhiên điều này là một cú sốc lớn với Seoul, nhưng không nghiêm trọng bằng tác động đối với các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu. Mặt khác, Hàn Quốc là một cường quốc về sản xuất, và các công nghệ liên quan đến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vẫn tiếp tục thu hút đầu tư như chíp bán dẫn và màn hình. Điều này cho thấy lĩnh vực sản xuất vẫn đóng vai trò nền tảng cho nền kinh tế Hàn Quốc, một điều mà tôi cho rằng cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay. 


OECD kỳ vọng “tương lai tươi sáng” bất chấp dịch COVID-19 tái bùng phát


Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận kinh tế Hàn Quốc đã thực sự chạm đáy trong quý II. Cụ thể, sự phục hồi trong quý III được cho là “hiệu ứng cơ sở” (base effect; hiện tượng các chỉ số có thể bị sai lệch đi so với giá trị thực tế tùy theo thời điểm được lấy làm căn cứ để tính các chỉ số đó), và  nhờ những tác động từ các gói kích thích kinh tế của Chính phủ. Trên thực tế, những bất ổn vẫn còn tồn tại trong nền kinh tế Hàn Quốc nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung. Ông Bae Min-geun nhận định.  


Dịch COVID-19 bùng phát trở lại là yếu tố chính tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dường như thế giới đã tìm ra vắc-xin cho COVID-19, nhưng khả năng sản xuất và phân phối vắc-xin, cũng như hiệu quả của nó trong việc bình thường hóa các hoạt động kinh tế vẫn còn để ngỏ. Nếu đại dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, nền kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ khó tăng trưởng. Những rủi ro như vậy vẫn còn tồn tại.


Trong báo cáo mới nhất này, OECD nhận định “lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, nền kinh tế thế giới đã chứng kiến những dấu hiệu lạc quan”. Mặc dù dịch COVID-19 có thể lan rộng trở lại tại một số khu vực, nhưng báo cáo của OECD vẫn lạc quan cho rằng kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục phục hồi, nhờ việc phân phối vắc-xin và các biện pháp điều trị. Đây cũng là thời điểm Chính phủ Hàn Quốc phải trăn trở về chính sách quản lý hiệu quả nền kinh tế vốn đang có dấu hiệu hồi phục nhẹ. 

Lựa chọn của ban biên tập