Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Đối sách thương mại của Hàn Quốc trong kỷ nguyên Chính phủ Tổng thống Mỹ mới

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-01-25

ⓒ YONHAP News

Tổng thống Biden nhấn mạnh thương mại công bằng, đa phương


Ngày 20/1 (giờ địa phương), ông Joe Biden đã tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Sự thay đổi lãnh đạo của nền kinh tế số một thế giới chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến trật tự toàn cầu; các nước nói chung và Hàn Quốc nói riêng sẽ phải đối mặt với những thay đổi mới. Nhiều người cho rằng chính sách kinh tế mới của Chính phủ Biden sẽ tập trung phục hồi kinh tế trong nước, thiết lập trật tự thương mại toàn cầu thông qua hợp tác với các nước đồng minh. Chính quyền của tân Tổng thống Biden dự kiến sẽ khôi phục lại vị thế “anh cả” của nước Mỹ thông qua các tổ chức quốc tế như Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Theo đó, chuỗi cung ứng toàn cầu ở khu vực Đông Bắc Á sẽ chứng kiến nhiều thay đổi lớn. Ông Song Yeong-kwan, nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc (KDI) phân tích một số đối sách của Hàn Quốc trong kỷ nguyên Biden. 


Dựa theo bài báo của ông Biden đăng trên tạp chí Foreign Affairs mùa xuân năm ngoái, chúng ta có thể nhận thấy 4 điểm chính trong chính sách thương mại của tân Tổng thống Mỹ. Đầu tiên, Chính phủ của Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ theo đuổi chủ nghĩa đa phương, tuân thủ các quy tắc quốc tế. Thứ hai, Mỹ sẽ yêu cầu khắt khe hơn với các tiêu chuẩn về lao động và môi trường trong các hiệp định thương mại. Thứ ba, Chính quyền Biden sẽ củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ. Cuối cùng, Washington sẽ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Như vậy, so với chính sách của chính quyền tiền nhiệm, ba chính sách đầu tiên rõ ràng là hoàn toàn khác biệt, chỉ có chính sách với Bắc Kinh là khá tương tự với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. 


Trung Quốc giảm ảnh hưởng trong chuỗi cung ứng toàn cầu


Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã ký Sắc lệnh hành chính, chỉ thị đưa nước Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, dừng quy trình rút khỏi Tổ chức y tế thế giới (WHO), đảo ngược một số chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Mặc dù vậy, Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Washington cam kết đi đầu trong các công nghệ đặc biệt, như mạng viễn thông di động thế hệ thứ năm (5G), trí tuệ nhân tạo (AI). Xung đột ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc có thể dẫn tới sự thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu tại khu vực Đông Bắc Á. Nhà nghiên cứu Song Yeong-kwan phân tích.


Chính sách kinh tế mới của chính quyền Biden chắc chắn ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực đến Seoul. Điểm đáng chú ý đầu tiên là sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu tại khu vực Đông Bắc Á, trong đó xuất khẩu hàng hóa trung gian và đầu tư nước ngoài là các yếu tố quan trọng. Chẳng hạn, Apple không trực tiếp sản xuất ra iPhone, mà Foxconn, một công ty Đài Loan, sản xuất các mẫu điện thoại này tại các nhà máy ở Trung Quốc. Trong số hàng nghìn linh kiện cần thiết để sản xuất iPhone, một số được sản xuất ngay tại Trung Quốc, nhưng một số khác lại nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Sau đó, những chiếc điện thoại iPhone thành phẩm sẽ được xuất khẩu khắp thế giới, gồm cả Mỹ. Nói cách khác, quy trình sản xuất, phân phối iPhone đã tạo ra chuỗi cung ứng toàn cầu gồm nhiều quốc gia như Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Seoul phụ thuộc vào chuỗi cung ứng này để xuất khẩu chíp bán dẫn. Song vai trò của Bắc Kinh trong chuỗi cung ứng toàn cầu dự kiến sẽ giảm trong tương lai.


Quy tắc xuất xứ tích lũy hoàn toàn


Sự chi phối của Trung Quốc ở khu vực Đông Bắc Á đã giảm đi bởi chiến lược tăng trưởng hướng đến tiêu dùng nội địa nhiều hơn xuất khẩu. Cụ thể, Bắc Kinh đã thay đổi cơ cấu kinh tế, dẫn đến sự thu hẹp quy mô giao dịch thương mại, góp phần nới lỏng chuỗi cung ứng ở khu vực Đông Bắc Á. Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được xem là một nhân tố khác có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu ở khu vực. CPTPP do Nhật Bản đứng đầu, có hiệu lực từ năm 2018, vốn dựa trên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, nhằm tạo ra một khối thương mại mới với Mỹ là trung tâm. Ông Song Yeong-kwan cho biết. 


CPTPP bao gồm 11 quốc gia trong đó có Nhật Bản, Việt Nam, Canada, Australia và New Zealand. Điểm khác biệt của CPTPP so với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác là quy tắc xuất xứ áp dụng khái niệm tích lũy hoàn toàn. Chẳng hạn, một công ty của Canada đặt nhà máy tại Việt Nam có thể nhập khẩu linh kiện từ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc để sản xuất hàng hóa và xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP. Tuy nhiên, nếu nhập khẩu linh kiện từ Nhật Bản, một nước thành viên CPTPP, nhà máy này sẽ được hưởng ưu đãi thuế, nhưng ngược lại, nếu nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc sẽ không được ưu đãi thuế do Seoul không phải là thành viên của hiệp định này. Nếu các linh kiện xuất xứ Nhật Bản và Hàn Quốc không khác gì về giá cả và chất lượng, thì khả năng cao những nhà máy này sẽ không chuộng sản phẩm của Hàn Quốc. Các yêu cầu về xuất xứ có thể tạo ra chuỗi cung ứng toàn cầu mới giữa các nước thành viên CPTPP. 


Đa dạng hóa điểm đến xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh


Những ảnh hưởng của Bắc Kinh bị thu hẹp lại có thể tác động tiêu cực trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành công nghiệp chính của Seoul như điện tử, hóa chất, phụ tùng, linh kiện ô tô. Song, sự xuất hiện của một chuỗi cung ứng toàn cầu mới giữa các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là cơ hội để Seoul khám phá thị trường mới. Việc trở thành thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không chỉ là biện pháp đối phó khi Trung Quốc có các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng của Hàn Quốc mà còn sẽ làm sáng tỏ triển vọng xuất khẩu của Seoul, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất hàng hóa trung gian. KDI cũng chỉ ra rằng Hàn Quốc không cần quá lo lắng về các vấn đề nảy sinh khi tham gia CPTPP như mở cửa thị trường, trợ cấp ngành công nghiệp thủy sản. Seoul hiện đã ký kết FTA với tất cả các nước trong CPTPP trừ Mexico, và mức độ mở cửa của các nước thành viên hiệp định này gần tương đương FTA. Nói cách khác, dù tham gia CPTPP, thì tác động tiêu cực của hiệp định này đối với Hàn Quốc cũng khá hạn chế, ngay cả trong các lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp hay thực phẩm. KDI cũng nhấn mạnh đến nhu cầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Những áp lực lớn hơn từ Chính phủ Mỹ mới đối với Bắc Kinh, có thể khiến dòng vốn đầu tư rút khỏi thị trường Trung Quốc; và Seoul cần xem xét thu hút nguồn tiền này. Song song với đó, Chính phủ cần bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình mở cửa thị trường. Nhà nghiên cứu Song Yeong-kwan nhận định.  


Tác động không mong muốn từ mở cửa thị trường, áp dụng chính sách phúc lợi nội địa hơn là giữ hàng rào thuế quan


Thúc đẩy tự do thương mại sẽ mang lại lợi ích trên nhiều lĩnh vực, nhưng cũng có thể gây tổn hại cho một số lĩnh vực khác. Một phần vì lý do đó, Seoul đã không mấy tích cực trong việc bãi bỏ hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, tôi cho rằng đã đến lúc cần giải quyết những thiệt hại tiềm tàng bằng các chính sách phúc lợi thay vì việc duy trì hàng rào thuế quan. Các chính sách phúc lợi liên quan như hỗ trợ điều hành thương mại cho ngành dịch vụ, hay chương trình thanh toán trực tiếp vì mục đích công cộng cho ngành nông nghiệp. Chính phủ cần cắt giảm hỗ trợ, thanh lý các công ty không hoạt động hiệu quả, tăng cường hỗ trợ người lao động. Chính phủ cũng cần thực hiện hiệu quả chính sách thứ hai, giúp các hộ nông dân duy trì thu nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, đối phó với kỷ nguyên Chính phủ Mỹ của ông Joe Biden. 

Lựa chọn của ban biên tập