Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Luật kinh tế hydro đầu tiên trên thế giới chính thức có hiệu lực tại Hàn Quốc

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-02-08

ⓒ Getty Images Bank

Nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia


“Luật kinh tế hydro” đầu tiên trên thế giới đã chính thức có hiệu lực từ ngày 5/2 vừa qua, chỉ một năm sau khi được ban hành và hai năm sau khi Chính phủ Hàn Quốc công bố lộ trình phát triển kinh tế hydro. Theo đó, cơ sở hạ tầng kinh tế hydro sẽ được mở rộng, các chính sách kinh tế hỗ trợ liên quan sẽ được thực hiện nghiêm túc. Trong bối cảnh các vấn đề môi trường như bụi mịn và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, hydro được coi là nguồn năng lượng mới; các nước trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang cạnh tranh khốc liệt, tăng cường đầu tư xây dựng nền kinh tế hydro. 


Thúc đẩy nền kinh tế hydro thông qua “Luật kinh tế hydro”


Là nguồn năng lượng vô tận, hydro có thể dễ dàng thu thập, không gây ô nhiễm, và được coi là nguồn năng lượng thế hệ tiếp theo. Tháng 7 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố chiến lược hydro, với kế hoạch đầu tư 75 tỷ euro để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế hydro, nỗ lực tăng tỷ trọng sử dụng nguyên liệu hydro từ 3% hiện nay lên 14% vào năm 2050. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, Mỹ được kỳ vọng sẽ theo đuổi nền kinh tế hydro. Nhật Bản đã chính thức tuyên bố chuyển đổi sang nền kinh tế hydro từ năm 2014; Australia cũng đang mở rộng thị phần xuất khẩu hydro nhờ giàu tài nguyên. Thậm chí, các quốc gia Trung Đông, đặc biệt là Ả-rập Xê-út cũng sử dụng tiền thu được từ dầu mỏ để tái đầu tư vào năng lượng hydro, nhằm giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường năng lượng toàn cầu trong kỷ nguyên hậu nhiên liệu hóa thạch. Hôm nay, ông Lee In-chul, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun, sẽ phân tích bối cảnh nền kinh tế hydro ở trong và ngoài nước, cùng nhiệm vụ đặt ra để thúc đẩy nền kinh tế hydro đối với Hàn Quốc. Trước hết là những nỗ lực của Seoul nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế hydro.


Là một nước nghèo tài nguyên, Hàn Quốc phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Do đó, Seoul muốn chủ động trong nền kinh tế hydro. Chính phủ đang nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon xuống 0% vào năm 2050 vì một xã hội trung hòa carbon. Tháng 1 năm 2019, Chính phủ đã công bố lộ trình thúc đẩy nền kinh tế hydro, đặt mục tiêu đến năm 2040 sẽ sản xuất 6,2 triệu xe chạy bằng pin nhiêu liệu hydro, xây dựng 1.200 trạm sạc hydro. Năm ngoái, Chính phủ đã thành lập Ủy ban kinh tế hydro, đưa ra kế hoạch tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo lên 20% tổng sản lượng điện vào năm 2030, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng sạch.  


Hyundai sản xuất ô tô chạy bằng hydro, Hanwha xây dựng nhà máy nhiên liệu hydro


Các ngành liên quan đến hydro đã tăng trưởng mạnh trong hai năm qua kể từ khi Chính phủ Hàn Quốc công bố lộ trình xây dựng hệ sinh thái hydro. Số lượng xe chạy nhiên liệu hydro đã tăng từ 893 chiếc năm 2018 lên 10.900 chiếc năm 2020; số lượng trạm nạp hydro đã tăng từ 14 lên 70; sản xuất pin nhiên liệu hydro cũng tăng trưởng gấp đôi. Đằng sau sự phát triển nhanh chóng trong các ngành liên quan đến hydro là sự ra đời của hệ thống cơ sở pháp lý và luật liên quan. Doanh nghiệp và Chính phủ Seoul đang nỗ lực để phát triển nền kinh tế hydro. Ông Lee In-chul cho biết. 


Cùng với xe điện, xe chạy bằng nhiên liệu hydro đang trở thành chủ đề nóng trong ngành công nghiệp ô tô. Theo công ty tư vấn nghiên cứu SNE Research, tính đến cuối quý III năm ngoái, gã khổng lồ ô tô Hyundai của Hàn Quốc chiếm tới 73,8% thị phần xe điện chạy pin nhiên liệu hydro trên toàn cầu, dẫn đầu thế giới ở lĩnh vực này. Ngoài ra, tập đoàn Hanwha cũng đang chú ý đến nhiên liệu hydro. Hanwha Energy, công ty con về năng lượng của tập đoàn này, đã xây dựng nhà máy sản xuất pin nhiên liệu hydro sử dụng nhiên liệu phụ (byproduct hydrogen) tại khu công nghiệp phức hợp Daesan, tỉnh Nam Chungcheong vào năm ngoái. Công ty con khác là Hanwha Total được cung cấp nguyên liệu liên quan để sản xuất hydro đủ cung cấp cho 160.000 hộ gia đình. Trong khi đó, tập đoàn SK đã mua lại 9,9% cổ phần của Plug Power, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty pin nhiên liệu Mỹ. Ba hãng đóng tàu lớn của Hàn Quốc là công ty công nghiệp nặng Hyundai, công ty đóng tàu và hải dương Daewoo, và công ty công nghiệp nặng Samsung đã bắt đầu sản xuất tàu chạy bằng nhiên liệu hydro. Các nhà sản xuất thép như POSCO hay công ty thép Hyundai cũng tiến vào thị trường giàu tiềm năng này do có thể dễ dàng thu được hydro khổng lồ trong quá trình sản xuất các sản phẩm liên quan đến thép.   


Nhiệm vụ đặt ra để đưa nhiên liệu hydro vào đời sống


Sở dĩ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang tích cực mở rộng kinh doanh hydro là vì khi nhận thấy tiềm năng lớn trên thị trường. Theo một báo cáo của công ty vấn toàn cầu McKinsey & Company với tựa đề “Mở rộng quy mô hydro 2017”, thị trường liên quan đến kinh tế hydro được ước tính sẽ tạo ra 2.500 tỷ USD và 30 triệu việc làm cho đến năm 2050. Mặc dù vậy, còn nhiều thách thức để giúp hydro thực sự bén rễ trong cuộc sống hàng ngày Ông Lee In-chul giải thích.


Mặc dù hydro được xem như là nguồn nhiên liệu vô hạn, nhưng quá trình khai thác hydro tốn nhiều chi phí và có thể phá hủy môi trường. Hydro có thể được sản xuất như một sản phẩm phụ trong quá trình lọc hóa dầu, chiết xuất trực tiếp từ khí tự nhiên, hay thu thập trong quá trình điện phân tách hydro và oxy trong nước. Ba phương pháp nêu trên đều có ưu điểm lẫn nhược điểm. Chìa khóa thành công là công nghệ sản xuất hydro xanh, sạch với chi phí thấp, tỷ lệ thất thoát năng lượng thấp.  

 

Hợp tác, xây dựng tiêu chuẩn để thúc đẩy nền kinh tế hydro


Có ba loại hydro là hydro xám, hydro xanh lam và hydro xanh lục. Trong đó, hydro xanh lục là sạch nhất, được coi là nhiên liệu quan trọng để dẫn dắt nền kinh tế không khí thải trong 10 năm tới, nhưng đòi hỏi chi phí sản xuất cao bởi đây là sản phẩm được chiết xuất trong quá trình sản xuất năng lượng hóa thạch. Bên cạnh vấn đề sản xuất, việc vận chuyển nhiên liệu hydro đường dài cũng là vấn đề cấp thiết. Ông Lee In-chul nhận định.  


Nền kinh tế hydro đã bắt đầu, nhưng còn nhiều vấn đề nan giải cần giải quyết. Trở ngại lớn nhất là vấn đề chi phí để đưa hydro trở thành nhiên liệu hàng ngày. Hơn nữa, Hàn Quốc cần phát triển công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu, bởi nếu các quốc gia áp dụng các tiêu chuẩn sử dụng hydro khác với Hàn Quốc, chẳng hạn quá trình sạc, thì công nghệ của Hàn Quốc dù có tốt cũng khó có thể áp dụng, và Seoul cũng khó dẫn đầu thị trường nền kinh tế hydro. Chính phủ Hàn Quốc cần ban hành các chính sách, khuyến khích các ngành công nghiệp liên quan phát triển công nghệ sản xuất hydro hiệu suất cao, chi phí thấp. 


Nền kinh tế hydro cần đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng ổn định, không gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Chính phủ cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đạt được mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia không khí thải vào năm 2050, dẫn đầu thị trường toàn cầu trong nền kinh tế hydro.   

Lựa chọn của ban biên tập