Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Các gói hỗ trợ khẩn cấp liên tiếp và hệ lụy với nợ quốc gia

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-03-08

ⓒ YONHAP News

Gói hỗ trợ khẩn cấp lần 4 lên tới 15.000 tỷ won


Ngày 2/3, Chính phủ Hàn Quốc đã mở cuộc họp Nội các, thông qua dự thảo ngân sách bổ sung quy mô 15.000 tỷ won (13,3 tỷ USD) để bù đắp những thiệt hại của người dân từ đại dịch COVID-19. Đây là kế hoạch ngân sách bổ sung quy mô lớn thứ ba trong lịch sử. Cộng với khoản ngân sách bổ sung 4.500 tỷ won (4 tỷ USD) trước đó, gói hỗ trợ khẩn cấp lần 4 có quy mô 19.500 tỷ won (17,3 tỷ USD). Chính phủ dự kiến giải ngân số tiền này từ cuối tháng 3 cho các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh, lao động tự do đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch. Như vậy, đây là lần thứ 5 Seoul thông qua ngân sách bổ sung kể năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, làm dấy lên lo ngại về việc nợ quốc gia tăng. Nếu Chính phủ tiếp tục đề xuất một kế hoạch ngân sách bổ sung khác để đối phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 trong tương lai, nợ quốc gia của Hàn Quốc có thể vượt qua con số 1.000.000 tỷ won (886,4 tỷ USD) trong năm nay. Nhà nghiên cứu Oh Joon-beom từ Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai phân tích. 


Tôi cho rằng quy mô và đối tượng của gói hỗ trợ khẩn cấp lần 4 đã được xem xét ở mức độ phù hợp, thích đáng. Có quy mô lớn nhất trong 4 lần, gói hỗ trợ lần này được kỳ vọng sẽ giảm bớt cú sốc kinh tế từ các biện pháp giãn cách xã hội cứng rắn của Chính phủ bao gồm các lệnh cấm tụ tập, giảm giờ làm việc, nhằm hạn chế virus lây lan. Đáng chú ý là thay vì dành cho mọi đối tượng, gói hỗ trợ mới nhất tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh đang vật lộn với đại dịch và đối tượng lao động tự do dễ bị mất việc. Ngân sách bổ sung lần này còn được dùng để hỗ trợ các biện pháp kiểm dịch và mua vắc-xin COVID-19. 


2.800 tỷ won cho việc làm, 4.100 tỷ won cho cách ly


Chính phủ đang nỗ lực triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp thứ 4 theo hình thức “sâu và rộng”, hướng đến các hộ gia đình thu nhập thấp, vốn chiếm đa số trong xã hội, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả lớn. Theo kế hoạch, phạm vi đối tượng nhận hỗ trợ sẽ được mở rộng, gồm các nhóm đối tượng không được nhận hỗ trợ trước đó, chẳng hạn người bán hàng rong, đối tượng lao động tự do dễ bị mất việc làm, sinh viên đại học có cha mẹ bị mất việc làm. Số lượng người dự kiến được nhận hỗ trợ sẽ lên tới 6,9 triệu người, cao hơn 2 triệu người so với đợt hỗ trợ trước đó. Mỗi người có thể nhận hỗ trợ tối đa 5 triệu won (4.430 USD), cao hơn 3 triệu won (2.660 USD) so với trước đó. Ngoài ra, nhiều chủ cửa hàng cũng sẽ được nhận hỗ trợ. Ngân sách bổ sung lần này còn được phân bổ đáng kể để ổn định việc làm, các biện pháp kiểm dịch và mua vắc-xin COVID-19. Nhà nghiên cứu Oh Joon-beom giải thích.


Ngân sách bổ sung sẽ phân bổ 2.800 tỷ won (2,5 tỷ USD) dành cho các biện pháp ổn định việc làm, trong đó 2.100 tỷ won (1,9 tỷ USD) sẽ được sử dụng để tạo thêm 275.000 việc làm cho thanh niên, phụ nữ và tầng lớp trung niên. Gói hỗ trợ sẽ được cung cấp cho 10 ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch như du lịch, biểu diễn nghệ thuật. Cùng với đó, 4.100 tỷ won (3,6 tỷ USD) sẽ được phân bổ cho các biện pháp phòng chống dịch, gồm 2.700 tỷ won (2,4 tỷ USD) được dùng để mua vắc-xin cho 79 triệu người. Ngân sách bổ sung cũng được sử dụng để hỗ trợ các tổ chức y tế chịu thiệt hại tài chính do đại dịch. 


Nợ quốc gia tăng thêm 9.900 tỷ won, đạt gần 966.000 tỷ won


Ngân sách bổ sung dự kiến khiến nợ quốc gia tăng thêm 9.900 tỷ won (8,77 tỷ USD), lên tới 965.900 tỷ won (hơn 8.500 tỷ USD) . Tỷ lệ nợ quốc gia trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến sẽ tăng từ 47,3% lên 48,2%. Năm ngoái, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã cảnh báo xếp hạng tín nhiệm của Hàn Quốc có thể bị hạ nếu tỷ lệ nợ trên GDP tiếp tục vượt qua 46%. Ông Oh Joon-beom cho biết. 


Tỷ lệ nợ quốc gia trên GDP của Hàn Quốc vẫn thấp hơn của Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, vấn đề là tốc độ nợ quốc gia của Seoul tăng quá nhanh, tăng hơn 200.000 tỷ won (177,3 tỷ USD) trong hai năm qua. Tính lành mạnh tài chính bị suy giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, một số nước đã chứng kiến nợ quốc gia tăng vọt và xếp hạng tín nhiệm quốc gia bị hạ một vài bậc. Mặc dù tỷ lệ nợ trên GDP của Hàn Quốc đang được coi là ổn định so với một số nước tiên tiến, nhưng tốc độ tăng nợ quốc gia rất đáng báo động và tình hình có thể tồi tệ hơn trong tương lai. Không loại trừ khả năng các hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế sẽ hạ tín nhiệm quốc gia của Hàn Quốc. Nếu kịch bản này xảy ra, vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy khỏi thị trường Hàn Quốc. Cùng với tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa, Seoul cũng khó thu thêm thuế. Gánh nặng tài chính của Chính phủ càng nặng nề, khiến tiền đầu tư cho các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng bị giảm.  


Tăng thuế để giải quyết bài toán tài chính đối phó COVID-19?


Một điểm đáng lo ngại khác là lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại tăng, cùng với đó là việc Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu để tăng ngân sách. Lãi suất cho vay cao hơn sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho cả doanh nghiệp lẫn hộ gia đình. Lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 1,28% năm ngoái, đã tăng lên 1,97% vào tháng 2 năm nay. Lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm cũng tăng mạnh từ 1,03% lên 1,45% trong cùng thời điểm. Do đó, lãi suất khoản vay thế chấp do Chính phủ cung cấp cho người dân, vốn biến động theo tỷ lệ lãi suất trái phiếu 5 năm, cũng sẽ tăng vọt. Trong bối cảnh đại dịch có thể kéo dài, Chính phủ chắc chắn sẽ phải tăng chi tiêu ngân sách và phát hành trái phiếu, gây lo ngại về việc tăng thuế. 


Kế hoạch ngân sách bổ sung phù hợp, cân nhắc tới tài chính


Hiện nay, Seoul chưa tính đến phương án tăng thuế, trong khi xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về phương thức và tiến độ tăng thuế. Một số ý kiến cho rằng cần tăng thuế gián tiếp như thuế giá trị gia tăng; một số khác lại cho rằng Chính phủ nên tăng thuế thu nhập và thuế tài sản để phân bổ tài sản tốt hơn. Hàn Quốc không phải nước duy nhất đối mặt với khả năng ngân sách cạn kiệt do đại dịch COVID-19. Chính phủ một số nước đang xem xét đến phương án tăng thuế để giảm nợ. Anh đã quyết định tăng thuế doanh nghiệp từ 19% hiện nay lên 25% vào năm 2023, lần tăng thuế doanh nghiệp đầu tiên trong 47 năm qua. Đây chắc chắn là động thái đáng chú ý bởi đảng cầm quyền Bảo thủ nước này vốn ủng hộ quan điểm cắt giảm thuế. Tại Mỹ, một số ý kiến đề suất tăng thuế 3% hàng năm với tài sản trên 1 tỷ USD. Sau khi chi một lượng tiền khổng lồ để cứu vãn nền kinh tế, Chính phủ các nước đang nỗ lực thu thêm tiền thuế từ người dân. Ông Oh Joon-beom nhận định.  


Xét tới những khó khăn kinh tế nghiêm trọng do đại dịch gây ra, các biện pháp tài khóa mở rộng được coi là khó tránh khỏi trong thời điểm hiện tại. Nhưng việc tiêm chủng vắc-xin đang nuôi hy vọng phục hồi kinh tế, và chúng ta cần thảo luận các biện pháp quản lý tài chính trong thời kỳ hậu COVID-19, cũng như thực hiện các biện pháp tài khóa hiệu quả hơn để ngăn chặn lãng phí ngân sách. Dựa trên sự đồng thuận xã hội, Chính phủ cần đưa ra chính sách thuế phù hợp, đảm bảo phúc lợi người dân, tính đến những tác động từ tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ sinh thấp.   

Lựa chọn của ban biên tập