Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Các chính sách kinh tế của Mỹ, Trung Quốc hậu COVID-19

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-03-15

ⓒ Getty Images Bank

Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay


Quốc hội Mỹ gần đây đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, trong khi Trung Quốc đã tổ chức hai hội nghị lớn là Hội nghị toàn thể thường niên Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc – cơ quan lập pháp chính của Đảng cộng sản Trung Quốc, và Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc – cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu nước này. Hàng năm, các nước đều hướng về hai sự kiện này bởi chúng quyết định đường lối chính sách chung của Bắc Kinh. Sự kiện năm nay càng thu hút bởi Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng trong đại dịch COVID-19 năm 2020. Ông Cho Yong-chan, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Mỹ-Trung phân tích. 


Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay, con số khiêm tốn so với dự đoán của các cơ quan quốc tế (8%). Có 4 lý do đằng sau việc này. Đầu tiên, Mỹ có thể trả đũa thuế quan với Trung Quốc nếu nước này không thực hiện đúng cam kết giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại song phương. Thứ hai, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng cao, chính quyền địa phương có thể đề ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn, theo đuổi tăng trưởng và kêu gọi đầu tư ồ ạt, kéo theo các tác động tiêu cực như lạm phát, bong bóng nhà đất, nợ nần chồng chất, rủi ro tài chính và báo cáo sai sự thật. Thứ ba, Bắc Kinh từng đặt mục tiêu tăng trưởng cao để tạo ra nhiều việc làm, nhưng chính sách này không còn cần thiết khi số người trong độ tuổi lao động dự kiến sẽ giảm từ 896 triệu năm 2019 xuống 700 triệu năm 2050. Cuối cùng, quan điểm tăng trưởng của các nước hiện nay là chú trọng tăng trưởng chất lượng hơn số lượng sau khi trải qua thời kỳ bùng phát đại dịch. 


Trung Quốc nỗ lực phát triển kinh tế, công nghệ, kiềm chế công kích Mỹ


Trong bài báo cáo trước Chính phủ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh đến tăng trưởng ổn định. Năm nay, Bắc Kinh sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba kể từ năm 2022. Do đó, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng ổn định trong giai đoạn hiện nay. Bắc Kinh cũng đặt tỷ lệ thâm hụt tài khóa trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của năm 2021 ở mức 3,2%, thấp hơn 0,4% so với con số 3,6% của năm ngoái, một động thái rõ ràng nhằm quản lý nền kinh tế sau đại dịch. Đáng chú ý, Trung Quốc dường như không muốn khiêu khích không cần thiết với Mỹ. Giám đốc Cho Yong-chan giải thích.


Trong Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 14, hướng tới mục tiêu dài hạn đến năm 2035, Bắc Kinh đề ra mục tiêu thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa, còn gọi là “chiến lược tuần hoàn kép” (dual circulation). Ngoài ra, nước này còn có kế hoạch tăng chi tiêu ngân sách cho nghiên cứu và phát triển hơn 7% mỗi năm, nhằm tự chủ về công nghệ. Song các bản báo cáo gần đây không đề cập đến mục tiêu cụ thể về xuất-nhập khẩu, tỷ giá hối đoái, và cũng ít đề cập đến vấn đề tranh chấp thương mại với Mỹ. Trung Quốc cũng không công khai thể hiện các thành tựu về công nghệ mới hay các ngành công nghiệp tiên tiến như những năm trước. Rõ ràng, Bắc Kinh không muốn khiến Washington khó chịu. 


Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD


Năm 2015, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (made in China 2025), biến Trung Quốc trở thành siêu cường sản xuất toàn cầu vào năm 2025. Tuy nhiên, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho rằng các kế hoạch của Bắc Kinh được đặt ra nhằm bảo hộ các doanh nghiệp nước này thông qua các khoản trợ cấp, bóp méo thị trường, do đó cáo buộc Trung Quốc vi phạm quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nhận thức được vấn đề này, Trung Quốc đã tập trung nhiều hơn vào khoa học và công nghệ thay vì sản xuất. Song Bắc Kinh dường như vẫn tích cực chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại với Washington. Trong hai phiên họp gần nhất, Chính phủ Trung Quốc một lần nữa cam kết nuôi dưỡng các ngành công nghệ cốt lõi thế hệ tiếp theo như chíp bán dẫn và pin nhiên liệu. Để tăng cường khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất, Bắc Kinh đã quyết định sẽ hỗ trợ 8 ngành công nghiệp trọng điểm như ngành công nghiệp phương tiện chạy nhiên liệu mới, đồng thời tiết lộ kế hoạch đầu tư vào 7 lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học. Trong khi đó, Washington sẽ thực hiện gói kích thích kinh tế khổng lồ. Ông Cho Yong-chan cho biết. 


Quốc hội Mỹ đã công bố gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, bao gồm 1.400 USD để hỗ trợ từng người dân. Theo ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, gói kích thích kinh tế sẽ giúp Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,6%, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 4,5% trong năm nay. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ đến năm 2023 và Washington cũng đang chuẩn bị cho các kế hoạch kích thích kinh tế bổ sung. Sau khi bắt đầu tiêm chủng vắc-xin COVID-19, số ca nhiễm mới tại Mỹ đã giảm. Theo một báo cáo, gói kích thích kinh tế sẽ nhằm mục đích kích thích tiêu dùng nội địa, thúc đẩy các hoạt động giải trí, thư giãn, ăn uống, vốn bị hạn chế trong năm qua. Sự hồi sinh của nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Hàn Quốc sang nước này. 


Xung đột Mỹ-Trung dự kiến khốc liệt hơn hậu COVID-19


Về đối ngoại, Washington đang nỗ lực mở rộng sự ảnh hưởng của cơ chế đối thoại 4 nước bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, còn được gọi là QUAD (Nhóm Bộ tứ kim cương). Nhiều ý kiến cho rằng cơ chế đối thoại này được thiết lập nhằm mục đích kiểm soát Bắc Kinh. Lãnh đạo 4 nước đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh bốn bên lần đầu tiên vào hôm 12/3 vừa qua. Dự kiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thể hiện tầm nhìn kiềm chế Trung Quốc một cách nghiêm túc thông qua QUAD. Giám đốc Cho Yong-chan giải thích.


Trong thời kỳ hậu COVID-19, Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ cạnh tranh khốc liệt trong 7 lĩnh vực như thương mại, công nghệ, nhân quyền, tài chính, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, ngoại giao và quân sự. Mỹ đang gấp rút thiết lập các liên minh chống lại sự nổi lên của Trung Quốc, thể hiện tầm nhìn D-10 mới gồm 10 nước dân chủ trên thế giới. Washington đang chuẩn bị các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan tới cuộc đàn áp của Bắc Kinh với dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương, phía Tây Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc sẽ triển khai đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trước Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, một động thái có thể làm rung chuyển vai trò của đồng đô-la Mỹ hiện nay. Bắc Kinh có thể hạn chế xuất khẩu đất hiếm và bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ. Nếu chiến tranh lạnh kiểu mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra, xu hướng đồng đô-la Mỹ mạnh sẽ tiếp tục, thúc đẩy dòng vốn nước ngoài chảy khỏi thị trường các nền kinh tế mới nổi, khiến đầu tư giảm và gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. 


Đối sách của Seoul trước tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa hai siêu cường


Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trong tuần này. Chuyến thăm Đông Bắc Á của hai quan chức cấp cao Mỹ được cho là thông điệp thành lập liên minh chống lại Trung Quốc. Nếu Seoul từ chối tham gia liên minh, quan hệ đồng minh lâu năm giữa Hàn Quốc và Mỹ chắc chắn xấu đi, và Hàn Quốc có thể bị đẩy ra ngoài cuộc đàm phán hạt nhân với Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, Seoul có thể phải chịu các đòn thuế quan của Washington như biện pháp áp thuế với ô tô nhập khẩu từ Hàn Quốc. Ngược lại, nếu đứng về phía Mỹ và quay lưng với Trung Quốc, Seoul có thể phải hứng chịu các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh như hạn chế xuất khẩu đất hiếm hay trả đũa kinh tế như khi Seoul triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc. Rõ ràng, Hàn Quốc có lý do để lo lắng về tình thế tiến thoái lưỡng nan. 


Đối với Seoul, điểm mấu chốt là làm thế nào ứng phó với xung đột giữa Washington và Bắc Kinh, không tạo thêm kẻ thù. Đáng tiếc là Chính phủ Hàn Quốc dường như chưa có chiến lược rõ ràng để cân bằng cán cân mong manh giữa hai siêu cường thế giới, trong khi các doanh nghiệp đang chờ đợi liệu có nên đầu tư mới, hợp tác công nghệ, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, mở rộng thị trường và việc làm. Chính phủ Hàn Quốc cần nhanh chóng xây dựng chiến lược bảo vệ nhiều tầng, tạo các kênh liên lạc đa phương với cả Mỹ và Trung Quốc, xây dựng chuỗi cung ứng mới cho các ngành công nghiệp chủ chốt, đưa ra chiến lược dài hạn, tối đa hóa lợi ích quốc gia.

Lựa chọn của ban biên tập