Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Biến động trên thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-03-22

ⓒ YONHAP News

Bối cảnh của thương vụ mua lại eBay Korea


Thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc đang trải qua một cơn địa chấn. Sau khi gã khổng lồ thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang niêm yết thành công trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ), nhà điều hành cổng thông tin điện tử lớn nhất Hàn Quốc Naver đã bắt tay với Tập đoàn Shinsegae, đơn vị sở hữu công ty điều hành chuỗi siêu thị lớn nhất Hàn Quốc Emart, thành lập nên một liên minh chống lại Coupang. Vào ngày 16/3 vừa qua, cùng với Shinsegae, tập đoàn bán lẻ Lotte, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông số một Hàn Quốc SK Telecom và công ty cổ phần MBK Partners - quỹ đầu tư tư nhân, cổ đông lớn nhất của chuỗi siêu thị Homeplus đều nộp hồ sơ dự thầu sơ bộ để mua lại eBay Korea, hãng thương mại điện tử lớn thứ ba Hàn Quốc. Các doanh nghiệp bán lẻ lớn và các công ty công nghệ thông tin Hàn Quốc đang chạy đua khốc liệt để chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử trong nước. Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun Lee In-chul, phân tích bối cảnh và sự chuyển dịch cơ cấu ngành bán lẻ Hàn Quốc. 


eBay Korea là nền tảng thương mại điện tử số ba tại Hàn Quốc, chỉ sau Naver (17% thị phần) và Coupang (13% thị phần). Hiện tại, trung tâm mua sắm trực tuyến SSG.com của Shinsegae chỉ chiếm 3% thị phần trên thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc; nhưng nếu mua lại eBay Korea, thị phần của hãng sẽ tăng lên thành 15%, trở thành nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử lớn thứ hai. Trong khi đó, Lotte cũng cần đối phó với Shinsagae trước nguy cơ bị biến mất khỏi thị trường nếu thất bại trong thương vụ mua lại eBay Korea. SK Telecom, nhà điều hành trung tâm mua sắm trực tuyến “Phố 11” (11st), rất hào hứng với việc mua lại eBay Korea. Dù là kẻ đi sau, song SK Telecom sẽ có cơ hội chiếm vị trí số một với 18% thị phần nếu mua lại eBay Korea thành công. Công ty MBK Partners cũng muốn mua lại eBay Korea, trước cơ hội mở rộng phạm vi kinh doanh của chuỗi cửa hàng Homeplus của hãng này. 


Coupang chứng minh tiềm năng của thương mại điện tử


Thế mạnh lớn nhất của eBay Korea là tổng giá trị giao dịch đạt tới 18 tỷ USD trong năm ngoái. Do đó, bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ nào cũng hy vọng tạo ra sức mạnh tổng hợp nếu được tiếp quản hãng này. Trên thực tế, ban đầu, giá bán 4,4 tỷ USD do eBay Korea đề ra được cho là quá cao. Song sự ra mắt thành công của Coupang trên Sàn giao dịch chứng khoán New York đã lôi kéo nhiều công ty dự thầu sơ bộ, nâng giá trị của eBay Korea lên đáng kể. Giám đốc Lee In-chul giải thích.


Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Coupang Kim Bom-suk đã gióng hồi chuông mở màn tại Sở giao dịch chứng khoán New York vào ngày 11/3 vừa qua. Trong ngày đầu tiên niêm yết, cổ phiếu của Coupang đã đóng cửa ở mức 49 USD/phiếu, tăng 41% so với giá chào bán ban đầu (35 USD/phiếu). Theo đó, giá trị vốn hóa của Coupang đã vượt qua 88 tỷ USD, trở thành công ty lớn thứ hai Hàn Quốc, chỉ sau hãng điện tử Samsung. Gã khổng lồ thương mại điện tử Hàn Quốc đã huy động được 4,42 tỷ USD từ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO), trở thành thương vụ IPO của doanh nghiệp nước ngoài lớn thứ nhì tại Mỹ kể từ khi hãng Alibaba của Trung Quốc ra mắt sàn chứng khoán Mỹ năm 2014. Coupang dự kiến sẽ đầu tư, mở rộng các trung tâm giao hàng. Không quá ngạc nhiên khi các đối thủ cạnh tranh đang nỗ lực kiềm chế Coupang.


Naver và Coupang hoán đổi cổ phần trị giá 250 tỷ won


Coupang thành lập năm 2010 với số vốn 2,7 triệu USD. Với giá trị vốn hóa 63 tỷ USD, Coupang đã có màn ra mắt lịch sử trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. Các số liệu cho thấy giá trị của doanh nghiệp đã tăng 24.000 lần so với khi thành lập. Bất chấp thành công đã đạt được, Coupang vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ Amazon được thành lập năm 1994 khi khái niệm “mua sắm trực truyến” còn xa lạ với mọi người. Người sáng lập hãng Jeff Bezos đã mua lại một số công ty có tiềm năng trở thành đối thủ, trong quá trình mở rộng kinh doanh, biến Amazon trở thành nền tảng mua sắm không thể thiếu với người Mỹ. Song hiện nay, Coupang có nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh, người tiêu dùng cũng đã quen thuộc với mua sắm trực tuyến, và thường so sánh giữa 4, 5 nhà cung cấp. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp trong nước đang xây dựng liên minh chống Coupang. Giám đốc Lee In-chul cho biết. 


Hai hãng Naver và Shinsegae đã đồng ý thỏa thuận hoán đổi cổ phiếu trị giá 250 tỷ won (221 triệu USD). Cụ thể, Naver trao đổi cổ phần trị giá lần lượt là 150 tỷ won (133 triệu USD) và 100 tỷ won (88 triệu USD) với hai công ty con tập đoàn Shinsegae, để sở hữu 2,96% cổ phần của Emart và 6,85% cổ phần của Shinsegae International; trong khi hai công ty này sẽ nắm giữ tổng cộng 0,4% cổ phần của Naver. Giao dịch hàng năm của Shinsegae và Naver đạt khoảng 44 tỷ USD, với số lượng khách hàng giao dịch lần lượt là 20 triệu và 54 triệu người. Rõ ràng, liên minh giữa Shinsegae và Naver là một nỗ lực đối phó với Coupang, làm rung chuyển thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc.


Thị trường 270.000 tỷ won và cuộc cạnh tranh khốc liệt.


Theo Cục Thống kê quốc gia, giao dịch mua sắm trực tuyến tại Hàn Quốc đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2020, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Do dịch COVID-19, nhiều người dân phải ở nhà, khiến nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng theo. Đây không được cho là một xu hướng nhất thời. Mặc dù thị trường thương mại điện tử ngày càng mở rộng, thị phần của các nhà khai thác đều không vượt quá 20%, cơ hội vẫn mở ra cho tất cả các doanh nghiệp. Tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp đang tích cực mở rộng thị phần bởi người chiến thắng cuối cùng sẽ chiếm thị phần toàn diện. Giám đốc Lee In-chul giải thích.


Năm ngoái, thị trường thương mại điện tử của Hàn Quốc đứng thứ 5 trên thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ, Anh và Nhật Bản. Song theo ước tính, thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc sẽ vươn lên đứng thứ ba trên thế giới trong ba năm tới chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Ngành thương mại điện tử Hàn Quốc đang phát triển nhanh nhờ công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng trực tuyến, kết hợp với các gã khổng lồ bán lẻ được trang bị vốn và năng lực giao hàng mạnh mẽ. Sau khi mua lại eBay Korea, các công ty lớn sẽ dẫn dắt thị trường, tạo điều kiện cho tăng trưởng tương lai. Trong số 10 thị trường thương mại điện tử toàn cầu, Hàn Quốc và Nga là những thị trường không bị kiểm soát bởi hai gã khổng lồ thương mại điện tử toàn cầu là Amazon của Mỹ và Alibaba của Trung Quốc.


Tác dụng phụ đăng sau thương mại điện tử tập trung, độc quyền


Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bán lẻ sẽ cho phép người tiêu dùng mua sắm với mức giá hợp lý hơn trong một thời gian nhất định; song câu hỏi đặt ra là liệu xu thế này kéo dài đến bao lâu. Các nền tảng mua sắm trực tuyến có xu hướng tập trung và độc quyền, gây lo ngại về những tác dụng phụ. 


Đó là bởi khả năng hình thành nên cấu trúc thị trường độc quyền sau khi các thương vụ mua và sáp nhập được hoàn tất là rất cao. Sau đó, tác dụng phụ có thể kể đến như việc tăng phí, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng. Ngoài ra, một vấn đề khác là điều kiện làm việc khó khăn của các nhân viên giao hàng, khi cường độ và khối lượng công việc giao hàng quá lớn. Người lao động, các nhà quản lý và Chính phủ cần nhìn ra mặt tối của thị trường thương mại điện tử, hợp tác để tìm ra giải pháp lâu dài. 

Lựa chọn của ban biên tập