Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-03-29

Seoul phóng thành công vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh tầm trung

ⓒ Getty Images Bank

Ngày 22/3, Hàn Quốc đã phóng thành công vệ tinh quan sát mặt đất tầm trung thế hệ mới đầu tiên. Đây là một bước tiến lịch sử đối với ngành công nghiệp vũ trụ Hàn Quốc, cho thấy Seoul đã sẵn sàng bắt kịp với xu thế toàn cầu về khám phá vũ trụ. Thế giới đang hướng đến kỷ nguyên “Không gian mới” (New Space), và không gian vũ trụ đang nổi lên như một miền đất hứa. Trong quá khứ, khám phá vũ trụ là biểu tượng của khoa học, công nghệ, niềm tự hào của một quốc gia. Ngày nay, các quốc gia đã thấy được giá trị kinh tế khổng lồ từ ngành công nghiệp vũ trụ; và đang hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để phát triển ngành này. Chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin phân tích cuộc chạy đua khốc liệt trong ngành công nghiệp vũ trụ và nỗ lực của Seoul.


Vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh cỡ trung thế hệ mới số 1 nặng khoảng 500 kg. Được trang bị một máy ảnh quang điện độ chính xác cao, vệ tinh này có thể chụp ảnh xe ô tô ở độ cao 500 km so với bề mặt Trái đất. 4 năm tới, vệ tinh này sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như quản lý tài nguyên, kiểm soát thiên tai. Thông thường, phải mất hơn 270 triệu USD, và thời gian 7 năm để phát triển một vệ tinh ở trình độ như vậy, nhưng Seoul chỉ mất 140 triệu USD trong thời gian 5 năm. Đáng chú ý, 91% linh kiện chủ chốt của vệ tinh được sản xuất bằng công nghệ “made in Korea”, thiết kế phần thân và hệ thống của vệ tinh đều dựa trên công nghệ nội địa. Tôi muốn nói rằng đây thực sự là một vệ tinh “cây nhà lá vườn”.


Phóng tên đẩy Nuri vào tháng 10, độc lập về công nghệ tên lửa


Kể từ khi bắt đầu phát triển vệ tinh từ những năm 1990, Hàn Quốc đã sản xuất 16 vệ tinh cỡ nhỏ. Tuy nhiên, lần này, Seoul đã sản xuất thành công vệ tinh cỡ trung, với sự hợp tác của Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI), một cơ quan Nhà nước, và các doanh nghiệp tư nhân. Dựa trên chuyển giao công nghệ từ KARI, Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình phát triển và phóng một vệ tinh cỡ trung khác dự kiến vào nửa đầu năm sau. Seoul cũng có kế hoạch phóng tên lửa đẩy gắn vệ tinh đầu tiên vào tháng 10 năm nay. Nếu phóng thử thành công, Hàn Quốc sẽ trở thành nước thứ 7 trên thế giới sở hữu công nghệ phóng vệ tinh vào không gian, sau Mỹ, Nga, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Ông Chung Chul-jin giải thích.


Nuri là tên lửa đẩy ba tầng được phát triển bằng công nghệ nội địa. Tầng đẩy thứ nhất sử dụng 4 động cơ; tầng thứ hai và ba sử dụng ba động cơ. 30 doanh nghiệp Hàn Quốc, bao gồm Công ty hàng không vũ trụ Hanwha, đã tham gia vào dự án này. Việc phóng thành công tên lửa đẩy này sẽ đưa công nghệ vũ trụ của Hàn Quốc lên một tầm cao mới, bất chấp việc vẫn còn một chặng đường dài phía trước để thực sự đạt ngang tầm thế giới.


Giá trị kinh tế vũ trụ ngành càng tăng


Không gian và ngành công nghiệp vũ trụ thường được xem là tương lai xa; nhưng công nghệ liên quan không xa vời như chúng ta tưởng tượng. Hàng ngày, vệ tinh địa tĩnh vẫn cung cấp thông tin dự báo thời tiết, hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) giúp chúng ta tìm đường. Dự kiến các chuyến bay dân sự vào không gian sẽ được tiến hành trong năm nay. Dọn dẹp không gian, phân phối không gian, quảng cáo không gian đều có thể thành hiện thực. Với tiềm năng gần như không giới hạn, các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc đã mở rộng đầu tư vào ngành này. Chuyên gia Chung Chul-jin cho biết. 


Không chỉ các vụ phóng tên lửa hay tàu vũ trụ có người lái, ngành công nghiệp vũ trụ hiện đang được nhìn nhận từ quan điểm kinh doanh. Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley ước tính quy mô ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu sẽ lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2040. Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi xướng chương trình Artemis, đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng. Các công ty tư nhân như SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk, hay công ty Virgin Galactic và tập đoàn Boeing đang rất tích cực khám phá không gian. Nhờ sự phát triển của các công nghệ liên quan, taxi vũ trụ hay du lịch vũ trụ sẽ không còn là sự hiếu kỳ của số ít mà sẽ dần trở nên phổ biến, như một dịch vụ dành cho công chúng. Trung Quốc và Nga đang nỗ lực xây dựng một trạm vũ trụ chung để bay lên Mặt trăng, hợp tác khám phá Mặt trăng, sao Hỏa. Mỹ, Australia và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang hợp tác phát triển không gian vũ trụ. Đây là một cuộc “Chiến tranh lạnh” trong ngành công nghiệp vũ trụ. 


Đối sách của Seoul trước cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp vũ trụ?


Không chỉ các cường quốc, nhiều quốc gia như các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi trở thành nước thứ 5 trên thế giới có vệ tinh tiến vào quỹ đạo của sao Hỏa. Luxembourg đã công bố “Kế hoạch sử dụng các tài nguyên vũ trụ” như một động lực tăng trưởng kinh tế quốc gia vào năm 2017. Anh công bố “Chiến lược tăng trưởng và đổi mới không gian”, với mục tiêu chiếm 10% thị phần ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu vào năm 2030. Hàn Quốc cũng đang tăng tốc để phát triển công nghệ vũ trụ riêng. Chính phủ Seoul ngày 25/3 đã công bố chiến lược phát triển không gian, đặt mục tiêu trở thành nước phát triển không gian thứ 7 trên thế giới. Hàn Quốc có kế hoạch đưa vệ tinh vào quỹ đạo Mặt trăng lần đầu tiên vào năm tới và hiện thực hóa giấc mơ hạ cánh xuống Mặt trăng nào năm 2030. Chuyên gia Chung Chul-jin nhận định.


Các cường quốc trên thế giới đang lao vào cuộc cạnh tranh trong ngành công nghiệp không gian, với mục tiêu khám phá không gian trong kỷ nguyên mới. Anh và Nhật Bản có kế hoạch tham gia chương trình Artemis của Mỹ để khám phá Mặt trăng. Hy vọng Hàn Quốc cũng trở thành một thành viên trong chương trình này. Ngân sách phát triển không gian của Hàn Quốc là 500 triệu USD, khá khiêm tốn so với con số 3 tỷ USD của Nhật Bản. Hàn Quốc cần đầu tư nhiều hơn vào phát triển công nghệ, đặc biệt là thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vũ trụ và tăng cường năng lực của khối tư nhân. Các công ty tư nhân như SpaceX và tàu vũ trụ Crew Dragon của Elon Musk, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon cũng đang để mắt tới ngành công nghiệp vũ trụ, góp phần mở rộng ngành công nghiệp vũ trụ ở Mỹ, thúc đẩy các công ty tư nhân thống lĩnh thị trường. Hàn Quốc cũng nên ghi nhận những nỗ lực tương tự. Seoul cần nuôi dưỡng ngành công nghiệp này do khu vực tư nhân dẫn dắt, thực hiện các biện pháp hỗ trợ như bãi bỏ các quy định liên quan.


Không gian từ lâu đã được coi là lĩnh vực của Chính phủ và các cơ quan tình báo, quân sự; nhưng giờ đây đang được tiếp cận dưới góc độ kinh tế và thương mại. Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc công bố tháng này, Seoul có thể tạo ra 534.300 việc làm mới, nếu tăng thị phần trong ngành hàng không vũ trụ toàn cầu từ 0,8% hiện nay lên 7%, tương tự ngành công nghiệp ô tô. Đã đến thời điểm Seoul coi ngành công nghiệp vũ trụ như một động lực tăng trưởng mới của quốc gia. Chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân cần thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ đầy đủ cho ngành.

Lựa chọn của ban biên tập