Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Thị trường việc làm Hàn Quốc đang hồi phục

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-06-14

ⓒ YONHAP News

Thêm 619.000 lao động có việc làm trong tháng 5


Thị trường việc làm Hàn Quốc đã tăng trưởng kể từ tháng 3 vừa qua, sau 12 tháng giảm liên tiếp so với cùng kỳ năm trước. 


Theo Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc, số lao động có việc làm trong tháng 5 là 27,55 triệu người, tăng 619.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, hai tháng liền vượt ngưỡng 600.000 người. Trong khi đó, số người thất nghiệp là 1,15 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 5,7% của tháng 1 xuống dưới 4% trong tháng 5. Nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi nhờ xuất khẩu mạnh mẽ, do nhu cầu chíp bán dẫn và các sản phẩm công nghệ thông tin trên thị trường toàn cầu tăng cao, cũng như việc triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 đã giảm bớt nỗi lo của người dân về đại dịch, góp phần phục hồi tiêu dùng. Theo đánh giá từ các số liệu thống kê được điều chỉnh theo mùa, chỉ so sánh giữa số liệu theo tháng, thì thị trường việc làm tháng 5 đã phục hồi đến 80% so với tháng 2 năm ngoái, ngay trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Tháng trước, tỷ lệ việc làm ở nhiều nhóm tuổi đều tăng, đặc biệt là ở tầng lớp thanh niên. Nhà nghiên cứu Bae Min-geun từ Viện nghiên cứu kinh tế LG sẽ phân tích tình hình việc làm ở Hàn Quốc và một số nhiệm vụ trong tương lai. 


Tỷ lệ thanh niên có việc làm tháng 5 đạt mức cao nhất trong 16 năm


Số lượng người có việc làm trong độ tuổi 15 đến 29 đã tăng 138.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, con số đáng khích lệ khi số người ở độ tuổi này trên thực tế giảm 136.000 người so với một năm trước. Tỷ lệ thanh niên có việc làm đạt 44,4%, cao nhất trong 16 năm kể từ năm 2005; tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này đạt 9,3%, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Dường như việc làm mới cho thanh niên đang được bổ sung tại các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng. Nhóm ngành dịch vụ tiếp xúc trực tiếp cũng dần hồi phục kể từ mùa xuân, tạo ra nhiều việc làm. 


Việc làm tăng ở nhóm trên 60 tuổi, giảm ở nhóm 30, 40 tuổi


Số lao động có việc làm ở nhóm người từ 60 tuổi trở lên đã tăng 455.000 người, chiếm hơn 70% mức tăng việc làm ở tất cả các nhóm tuổi. Song, đây chủ yếu là các công việc ngắn hạn từ các chương trình hỗ trợ việc làm bằng ngân sách Chính phủ. Nói cách khác, số lượng việc làm tăng nhưng chất lượng không tăng. Số lao động có việc làm ở nhóm tuổi 30, 40 đã giảm lần lượt 69.000 và 6.000 người. Khác với nhóm lao động nghỉ hưu, chủ yếu làm các công việc thời vụ ngắn hạn, nhóm người 30, 40 tuổi thường là nhân viên chính thức trong các ngành công nghiệp chủ chốt như sản xuất. Như vậy, số lượng việc làm chất lượng đã bị giảm. Ngoài ra, một số người đã chọn “nghỉ việc” thường không được tính là thất nghiệp, tức là có việc làm nhưng chủ động nghỉ mà không có lý do nhất định. Số lượng người “nghỉ việc” ở độ tuổi 30 tăng mạnh, cho thấy nhiều người không tìm được công việc mong muốn. Nhà nghiên cứu Bae Min-geun giải thích. 


Là trụ cột của lực lượng lao động, những người ở độ tuổi 30, 40 đóng vai trò quan trọng trong các công ty, tổ chức. Tình trạng mất việc làm ở nhóm tuổi này làm dấy lên lo ngại động lực của nền kinh tế đang suy yếu, tức khả năng cạnh tranh công nghiệp và tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của quốc gia có thể không còn vững chắc như trước. Việc làm giảm ở những người làm việc chủ chốt cũng là vấn đề lớn ngay cả trước đại dịch. Đây không phải là vấn đề riêng của thị trường việc làm. Về tổng thể, Hàn Quốc đang gặp khó khăn trong việc tạo dựng, phát triển các ngành công nghiệp và doanh nghiệp mới. Thêm vào đó, năng suất cải thiện nhờ đổi mới công nghệ cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu về lực lượng lao động giảm.   


Kinh tế có dấu hiệu phục hồi


Xét theo ngành nghề, số lượng việc làm tăng ở lĩnh vực y tế, phúc lợi xã hội, xây dựng và quản lý cơ sở kinh doanh; song tình hình việc làm ảm đạm ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và các ngành khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Mặc dù sự phục hồi việc làm không đồng đều giữa các độ tuổi và ngành nghề, nhưng thị trường việc làm tổng thể hồi phục là tin đáng mừng. Các chỉ số kinh tế chính như xuất khẩu, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và việc làm đang được cải thiện, báo hiệu nền kinh tế Hàn Quốc đang có dấu hiệu hồi phục sau đại dịch. Ông Bae Min-geun lý giải.


Hiệu ứng cơ sở từ sự suy giảm kinh tế trong nửa đầu năm ngoái đã tác động đến các chỉ số mới nhất. Song so với các nước khác, tốc độ phục hồi của nền kinh tế Hàn Quốc còn nhanh hơn hẳn. Nhờ các biện pháp phòng dịch hiệu quả của Chính phủ như cách ly xã hội, kinh tế Hàn Quốc ít chịu thiệt hại hơn các nước khác, và phục hồi nhanh hơn. Tôi cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc đang hoạt động hiệu quả hơn các nền kinh tế khác.  


Việc làm tăng trưởng 3 tháng liền, xem xét tăng trưởng về chất


Trong một báo cáo lạc quan khác của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố ngày 9/6, GDP quý I đã tăng trưởng 1,7% so với quý trước. Nếu xu hướng này tiếp tục được duy trì, Hàn Quốc dự kiến sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm, mức cao nhất trong 11 năm qua. Tổng thu nhập bình quân đầu người (GNI) vốn giảm hai năm liên tiếp dự kiến sẽ bắt đầu tăng trở lại trong năm nay. Mặc dù nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu phục hồi với đà tăng trưởng nhanh hơn dự kiến nhưng nhiều người chỉ ra rằng vẫn còn quá sớm để lạc quan. Đặc biệt, thị trường việc làm vốn liên quan trực tiếp đến sinh kế của người dân là bài toán cần được giải quyết cấp bách. Nhà nghiên cứu Bae Min-geun nhận định.  


Rõ ràng thị trường việc làm đã bắt đầu phục hồi sau cú sốc đại dịch. Song nhìn xa hơn, tự động hóa và hệ thống không người lái đang được ứng dụng rộng rãi không chỉ trong các khu công nghiệp mà cả trong cuộc sống hàng ngày, khiến nhu cầu về sức lao động con người sẽ giảm. Đây là thách thức đối với thị trường việc làm. Chính phủ cần vạch ra các chính sách tạo ra nhiều ngành công nghiệp và việc làm mới. Trước thực tế số lượng việc làm chắc chắn tiếp tục giảm, Chính phủ cần xây dựng các biện pháp chuyển dịch mềm như mở rộng các chương trình phúc lợi xã hội bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp, tạo ra nhiều việc làm có chất lượng, giúp người dân thực sự cảm nhận được lợi ích của phục hồi kinh tế. 

Lựa chọn của ban biên tập