Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

BOK tăng lãi suất cơ bản lần đầu sau 2 năm 9 tháng

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-08-30

ⓒ Getty Images Bank

Đi trước một bước chặn dòng vốn đầu tư tháo chạy khi Mỹ tăng lãi suất


Ngày 26/8, Ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã mở cuộc họp định kỳ, quyết định nâng 0,25% lãi suất cơ bản từ 0,5% lên 0,75%/năm. Đây là lần nâng lãi suất cơ bản đầu tiên kể từ tháng 11/2018. Việc tăng lãi suất báo hiệu sự chấm dứt của chính sách lãi suất siêu thấp nhằm kích thích kinh tế, đối phó với dịch COVID-19. Dù một số nền kinh tế mới nổi như Brazil đã nâng lãi suất cơ bản trong năm nay, nhưng Hàn Quốc là nước châu Á đầu tiên có động thái này. 


Một trong những nguyên nhân khiến BOK nâng lãi suất là do áp lực lạm phát ngày càng tăng. Giá tiêu dùng đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mục tiêu kiềm chế lạm phát ở ngưỡng 2% của Chính phủ. Ngoài ra, trước xu hướng lãi suất thấp, nhiều người Hàn Quốc đã vay tiền đầu tư vào bất động sản và cổ phiếu, làm dấy lên lo ngại về bong bóng tài sản và gia tăng nợ hộ gia đình. Tính đến cuối quý II năm nay, nợ hộ gia đình của Hàn Quốc đã lên tới 1.805.000 tỷ won (khoảng 1.544 tỷ USD), mức cao kỷ lục kể từ khi bắt đầu thực hiện thống kê liên quan năm 2003, và tăng gần 170.000 tỷ won (145 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Một yếu tố khác đằng sau việc tăng lãi suất cơ bản là niềm tin vào nền kinh tế Hàn Quốc, dự kiến sẽ tăng trưởng trên 4% trong năm nay nhờ xuất khẩu mạnh mẽ. Cụ thể, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc nhận định nền kinh tế trong nước sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi vững chắc, giúp hạn chế cú sốc từ việc tăng lãi suất. Bên cạnh các vấn đề trong nước, các yếu tố bên ngoài cũng ảnh hưởng đến quyết định tăng lãi suất của BOK. Ông Kim Dae-ho, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu phân tích tác động từ động thái nâng lãi suất của BOK.


Theo biên bản cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) để ngỏ sẽ siết tốc độ mua tài sản trước tình hình giá nhà đất, lạm phát và nợ hộ gia đình tăng. Đồng đô-la Mỹ mạnh lên trong tháng qua, khiến tỷ giá hối đoái của đồng won so với đồng USD tăng, tức giá trị đồng won giảm. Do đó, để giảm biến động về tỷ giá hối đoái, BOK đã đi trước một bước là tăng lãi suất cơ bản. Đó là bởi nếu FED tăng lãi suất, dòng vốn đầu tư trên thế giới có thể tháo chạy vào Mỹ; nên động thái tăng lãi suất của BOK có thể thu hút một phần vốn đầu tư. Có thể xem đây là một phần nguyên nhân đằng sau chiến lược tăng lãi suất phủ đầu của BOK.


1.806.000 tỷ won nợ hộ gia đình là gánh nặng lớn cho quốc gia


Theo đà tăng lãi suất ở Hàn Quốc, người đi vay sẽ phải gánh thêm gánh nặng trả lãi. Các ngân hàng thương mại đã nâng đáng kể lãi suất cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và lạm phát tăng. Sau khi lãi suất cơ bản tăng, các cơ quan tài chính đã thắt chặt quy định cho vay đối với hộ gia đình, và lãi suất cho vay tăng nhanh hơn. Đáng lo ngại là có tới 73% các hộ gia đình đi vay theo lãi suất thả nổi thay vì lãi suất cố định, đồng nghĩa lãi suất chịu ảnh hưởng bởi lãi suất cơ bản. Giám đốc Kim Dae-ho giải thích.


Tổng nợ hộ gia đình, nợ doanh nghiệp và nợ quốc gia của Hàn Quốc đã lên tới 5.000.000 tỷ won (4.276 tỷ USD), nên nâng lãi suất cơ bản sẽ dẫn đến tiền lãi tăng theo. Thật không may, nhiều người kinh doanh tự do vốn đã gặp khó khăn trong việc trả nợ và tiền thuê mặt bằng do dịch COVID-19, lại phải đối mặt với gánh nặng trả lãi nặng nề hơn. Đối với các công ty xuất khẩu, lãi suất tăng sẽ khiến họ mất đi khả năng cạnh tranh về giá cả so với khi còn lãi suất thấp.


Khả năng BOK nâng tiếp lãi suất cơ bản


Nhiều chuyên gia dự đoán việc tăng lãi suất sẽ không kìm hãm được nợ hộ gia đình và giá bất động sản sẽ tăng ngay lập tức; bởi nhiều hộ gia đình vay vốn vì nhiều lý do khác nhau, trong khi kỳ vọng tăng giá tài sản như bất động sản vẫn đủ lớn để bù đắp gánh nặng trả lãi từ việc lãi suất cơ bản tăng thêm 0,25%. Song một số khác lại cho rằng cần xem xét ảnh hưởng của quyết định tăng lãi suất khi đây là tín hiệu rõ ràng về việc chấm dứt thời kỳ lãi suất siêu thấp. Hơn nữa, có nhiều dự đoán về các đợt tăng lãi suất bổ sung. Ông Kim Dae-ho lý giải.


Thống đốc BOK Lee Ju-yeol đã bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ về việc nâng tiếp lãi suất, đồng thời nhận định mức lãi suất 1,25%/năm như trước đại dịch là phù hợp. Để đạt được mức này, Ngân hàng trung ương cần tiếp tục tăng lãi suất hai lần nữa. Song Thống đốc Lee cũng cho biết BOK sẽ xem xét thời điểm thích hợp và mức độ điều chỉnh lãi suất dựa trên nhiều yếu tố bao gồm cả diễn biến của đại dịch và chiến dịch tiêm chủng. Một yếu tố quan trọng là những biến động trong chính sách tiền tệ của Washington. Nếu Mỹ chấm dứt nới lỏng định lượng sớm hơn dự kiến, Hàn Quốc buộc phải tăng lãi suất theo. Ngược lại, nếu Washington tăng lãi suất từng bước, thì Seoul có thể điều chỉnh theo từng bước.


Cần các biện pháp hạ cánh mềm, hỗ trợ doanh nghiệp và đối tượng yếu thế


Rõ ràng cả Washington và Seoul đều đang thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ. Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới kết thúc năm 2010, BOK đã tăng lãi suất cơ bản 5 lần chỉ trong một năm; và cơ quan này có thể thực hiện động thái tương tự hậu đại dịch COVID-19. Chính phủ và các cơ quan tài chính Hàn Quốc cần đưa ra các biện pháp hạ cánh mềm để giảm cú sốc cho thị trường trong thời kỳ lãi suất tăng cao. Ông Kim Dae-ho nhận định.


Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng tình rằng việc tăng lãi suất là không thể tránh khỏi trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô và tình hình kinh tế toàn cầu. Song ngay cả khi nền kinh tế Hàn Quốc cải thiện, một số chủ thể kinh doanh đã phải chịu tổn thất ngoài dự đoán do dịch COVID-19. Vì vậy, ngoài việc tăng lãi suất, trong quá trình khắc phục hậu quả sau đại dịch và bình thường hóa nền kinh tế, Chính phủ và các cơ quan tài chính cần tính toán, cân nhắc các đối sách thích hợp để giải quyết bài toán khó khăn cho các nhóm đối tượng nêu trên như gia hạn thời gian trả nợ. Điều quan trọng là tăng lãi suất từng bước để tránh một cú sốc quá lớn đối với thị trường. Khi hoạch định chính sách tiền tệ, các cơ quan tài chính cần xem xét các nguy cơ đối với nợ hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ những đối tượng này chuyển từ các khoản vay với lãi suất nổi, sang lãi suất cố định.

Lựa chọn của ban biên tập