Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hàn Quốc công bố dự thảo ngân sách kỷ lục năm 2022

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-09-06

ⓒ Getty Images Bank

Lần đầu tiên dự thảo ngân sách vượt qua mốc 600.000 tỷ won


Ngày 31/8, Chính phủ Hàn Quốc đã mở phiên họp Nội các, thông qua dự thảo ngân sách năm 2022 với quy mô 604.400 tỷ won (522,95 tỷ USD), tăng 8,3% so với năm nay. Dù kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2021 và phục hồi nhanh chóng trong năm sau, song Chính phủ giải thích ngân sách “siêu khủng” nhằm mục đích thu hẹp phân cực kinh tế và xã hội do hậu quả của dịch COVID-19, chuẩn bị cho các động lực tăng trưởng tương lai. Tuy nhiên, việc Chính phủ liên tục mở rộng tài khóa mạnh mẽ trong những năm gần đây đã làm tăng mạnh nợ quốc gia, trong khi dân số thuộc độ tuổi lao động đang giảm do tỷ lệ sinh thấp, dân số già hóa đang gây lo ngại trầm trọng về thâm hụt ngân sách và tính lành mạnh tài chính. Ông Kim Gwang-seok, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế và công nghiệp Hàn Quốc phân tích chi tiết dự thảo ngân sách năm 2022 của Chính phủ Hàn Quốc. 


Năm nay, Hàn Quốc đã tập trung khắc phục khủng khoảng dịch COVID-19, và đặt mục tiêu đưa nền kinh tế trở lại bình thường, giảm phân cực trong năm 2022. Do đó, điều quan trọng là mở rộng hỗ trợ cho các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, và quan điểm này đã được phản ánh rõ rệt trong kế hoạch ngân sách năm 2022 với ngân sách phân bổ cho y tế, phúc lợi và việc làm lên tới gần 217.000 tỷ won (187,76 tỷ USD), chiếm 35,7% ngân sách. 


Tăng cường đầu tư vào ngành công nghiệp cốt lõi


Đây là lần đầu tiên ngân sách cho phúc lợi và việc làm vượt 200.000 tỷ won (173,05 tỷ USD) để hỗ trợ các đối tượng yếu thế đang liên tiếp chịu cú sốc lớn từ đại dịch. Trong số này, 72 tỷ USD sẽ được phân bổ để giải quyết phân cực về thu nhập đang tăng, 26 tỷ USD nhằm tạo ra thêm 2,11 triệu việc làm; và Chính phủ sẽ lần đầu tiên thử nghiệm hệ thống trợ cấp ốm đau phiên bản Hàn Quốc, cho phép người lao động hưởng 60% lương tối thiểu nếu nghỉ làm do bệnh tật hay thương tật. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ 3,3 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn do đại dịch. Về các biện pháp chống dịch, Chính phủ sẽ chi 5 tỷ USD để mua vắc-xin, chiến dịch tiêm chủng và điều trị COVID-19. Trong khi đó, 29 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các dự án trong “Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc” (Korean New Deal) nhằm đảm bảo động lực tăng trưởng tương lai. Ngân sách dành cho “Chính sách kinh tế mới kỹ thuật số 2.0” cũng tăng 35,7% so với năm nay, nhằm thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng di động thế hệ thứ 5 (5G), cơ sở hạ tầng dữ liệu nhằm nâng cao năng lực an ninh mạng để ứng phó với những mối đe dọa ngày càng tăng trong môi trường kỹ thuật số. Ngoài ra, khoảng 25 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các dự án nghiên cứu và phát triển, và khoảng 10 tỷ USD sẽ dành cho mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Chính phủ sẽ phân bổ 23,7 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng và 45 tỷ USD nhằm phát triển cân bằng giữa các khu vực, mức cao chưa từng có. Ngoài ra, 5 tỷ USD sẽ được đầu tư vào ba ngành công nghiệp chủ chốt bao gồm chíp bán dẫn, y sinh học, ngành công nghiệp ô tô tương lai và mảng vật liệu, phụ tùng, thiết bị. Giám đốc Kim Gwang-seok giải thích.


Chính phủ Seoul đã đầu tư mạnh mẽ để tự chủ về sản xuất vật liệu, phụ tùng và thiết bị kể từ năm 2020, và sẽ tiếp tục phân bổ ngân sách đáng kể cho các lĩnh vực này trong năm tới. Bên cạnh “Chính sách kinh tế kỹ thuật số mới”, Seoul cũng đầu tư mạnh cho các dự án thuộc “Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc” và “Chính sách kinh tế mới xanh”. Với mục tiêu trung hòa carbon cho đến năm 2050, Chính phủ sẽ dành một khoản ngân sách lớn cho các sáng kiến xanh. Ngoài ra, Chính phủ sẽ đảm bảo ngân sách lớn cho giáo dục, hỗ trợ trẻ em thuộc nhóm lao động dễ bị tổn thương. 


Nợ quốc gia lần đầu vượt 1.000.000 tỷ won (hơn 865 tỷ USD)


Một số ý kiến cho rằng ngân sách đã tăng quá nhanh trong những năm gần đây, hơn 8% mỗi năm kể từ năm 2019. Ngân sách đã tăng gần 150 tỷ USD so với 4 năm về trước (370 tỷ USD năm 2018), khiến ngân khố quốc gia gần như cạn kiệt. Chính phủ dự kiến sẽ thu khoảng 548.000 tỷ won (473 tỷ USD) tiền thuế, song dự thảo ngân sách lên tới 604.400 tỷ won (523 tỷ USD); đồng nghĩa năm thứ ba liên tiếp thâm hụt ngân sách. Ông Kim Gwang-seok lý giải.


Nợ quốc gia của Hàn Quốc đã đạt mức cao kỷ lục; và đáng báo động hơn là tốc độ tăng chóng mặt kể từ năm 2020, khiến tỷ lệ nợ quốc gia trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể vượt qua 50% lần đầu tiên trong lịch sử. Chính phủ đang không kìm hãm đà mở rộng tài chính trong tình hình nguy cấp hiện nay, dẫn đến nợ quốc gia tăng cao. Song điều gì sẽ xảy ra nếu Seoul đối mặt với một cuộc khủng hoảng bất ngờ khác vào năm 2022? Chính phủ Hàn Quốc cần chuẩn bị các phương án ứng phó với mọi tình huống.


Tài khóa mở rộng, phục hồi kinh tế, tăng thuế - vòng tuần hoàn tăng trưởng tốt


Nếu ngân sách năm 2022 được phân bổ đúng như dự thảo, nợ quốc gia của Hàn Quốc sẽ lên tới 1.068.300 tỷ won (922,1 tỷ USD), tương đương 50,2% GDP, mức chưa từng có trong lịch sử. Đây thực sự là một hồi chuông cảnh báo về tính lành mạnh tài chính quốc gia, bởi mỗi người dân Hàn Quốc sẽ phải gánh khoản nợ hơn 20 triệu won (17.800 USD), một con số kỷ lục. Chính phủ giải thích ngân sách mở rộng sẽ tạo ra một vòng tuần hoàn lành mạnh do thanh khoản dồi dào sẽ làm phục hồi kinh tế nhanh chóng, và điều này sẽ giúp thu được nhiều thuế hơn, từ đó giảm thâm hụt ngân sách. Trên thực tế, dù tiền thuế năm nay có tăng song nguyên nhân không đến từ sự phục hồi kinh tế do các biện pháp tài chính chủ động của Chính phủ mà đến từ sự phát triển quá nóng của các thị trường tài sản như bất động sản và chứng khoán. Trong bối cảnh lo ngại về tình hình tài chính xấu đi ngày càng tăng, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục thực thi chính sách mở rộng tài khóa cho tới năm 2022; rồi sau đó sẽ giới hạn tăng ngân sách ở mức 5% kể từ năm 2023. Giám đốc Kim Gwang-seok nhận định.


Chính phủ đương nhiệm sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào nửa đầu năm sau, do đó có nhiều lo ngại liệu kế hoạch ngân sách năm 2023 và 2024 có thực sự được thực thi hay không. Để thúc đẩy vòng tuần hoàn kinh tế, cần tích cực đầu tư vào các ngành công nghiệp cũng như nghiên cứu và phát triển. Chính phủ cũng cần tập trung hỗ trợ các tầng lớp yếu thế và một số ngành nghề đang vật lộn với suy thoái kinh tế từ dịch COVID-19. 


Nợ quốc gia tăng mạnh là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của quốc gia và tạo ra gánh nặng lên sinh kế của người dân. Tuy nhiên, cũng không thể chỉ trích hoàn toàn chính sách của Chính phủ bởi đây là biện pháp gần như không thể tránh khỏi trong bối cảnh đại dịch như hiện nay. Thay vào đó, các bên cần thảo luận phương án phân bổ và sử dụng hiệu quả, tối đa hóa lợi ích của dự thảo ngân sách.

Lựa chọn của ban biên tập