Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hàn Quốc siết chặt một số quy định với các tập đoàn công nghệ lớn

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-09-13

ⓒ YONHAP News

Tác động tiêu cực của các tập đoàn công nghệ lớn


Trong bối cảnh các dịch vụ không tiếp xúc trực tiếp lên ngôi do dịch COVID-19, các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng như Naver và Kakao tại Hàn Quốc đã và đang vươn lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, đằng sau đó cũng phát sinh nhiều vấn đề như tình trạng độc quyền hay lạm dụng quyền lực, chèn ép các doanh nghiệp nhỏ. Không thể tiếp tục “khoanh tay đứng nhìn”, Chính phủ và các cơ quan tài chính Hàn Quốc gần đây đã bắt đầu siết các hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ tài chính (Fintech). Theo các nhà chức trách, việc tư vấn các sản phẩm tài chính như bảo hiểm hay đầu tư chứng khoán qua nền tảng là hành vi “môi giới”, thu tiền hoa hồng từ giao dịch chứ không phải quảng cáo đơn thuần. Do đó, việc bán các sản phẩm tài chính trên các nền tảng mà chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh mảng tư vấn, môi giới rõ ràng là vi phạm pháp luật. 


Có thể nói, Luật kinh doanh viễn thông sửa đổi, một đạo luật được cho là nhằm ngăn chặn sự “lộng quyền” của hãng Google mới được Quốc hội Hàn Quốc thông qua vào 31/8, cũng có cùng bối cảnh. Và Hàn Quốc đã trở thành nước đầu tiên cấm các doanh nghiệp kinh doanh chợ ứng dụng như Google và Apple lợi dụng vị thế, áp đặt phương thức thanh toán nhất định đối với các công ty cung cấp ứng dụng, nội dung di động, từ đó tính phí hoa hồng 30% cho các giao dịch mua hàng trong ứng dụng. Vấn đề ở chỗ là các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng này chiếm tới 90% thị phần nên dù họ có tự ý tăng phí dịch vụ thì hầu như các doanh nghiệp nội dung đều buộc phải chấp nhận. Đó là lý do các cơ quan hữu quan đã bắt tay vào kiểm soát các công ty công nghệ độc quyền. Hôm nay, chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin sẽ phân tích các đối sách của Chính phủ đối với các doanh nghiệp này.


Có ba vấn đề chính liên quan đến các công ty nền tảng. Đầu tiên là vấn đề độc quyền. Các nhà khai thác nền tảng ban đầu cung cấp các dịch vụ tiện lợi, miễn phí, rồi sau đó chuyển sang hình thức thu phí khi chiếm lĩnh được thị trường. Thứ hai, việc mở rộng kinh doanh ồ ạt của các doanh nghiệp này có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp nhỏ. Thứ ba là vấn đề liên quan đến thuật toán, chẳng hạn các thuật toán đề xuất video của nền tảng Youtube có thể gợi ý các nội dung tương tự, từ đó Youtube quyết định nội dung hiển thị chứ không phải do người sử dụng lựa chọn. Không thể tiếp tục làm ngơ trước những vấn đề này, Chính phủ và các cơ quan tài chính đã phải đưa ra các quy chế để quản lý các công ty công nghệ lớn.


Sân chơi nghiêng về các doanh nghiệp công nghệ lớn


Các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng lớn bao gồm Kakao, Naver và Coupang đã bị chỉ trích vì lạm dụng quyền lực đối với thầu phụ, dẫn tới hàng loạt các thương vụ mua và sáp nhập. Số lượng công ty con của Kakao đã tăng từ 45 đơn vị năm 2015 lên con số 118 vào năm nay, thâm nhập vào cả lĩnh vực của hộ kinh doanh, công ty nhỏ như dịch vụ lái xe thay, giao hoa, thẩm mỹ viện. Thêm vào đó, các vụ việc về thương mại bất bình đẳng liên quan đến doanh nghiệp nền tảng, như đơn phương thay đổi các điều khoản kinh doanh và tăng phí hoa hồng quá mức hoặc ngăn thầu phụ giao dịch với đối thủ cạnh tranh, cũng phát sinh ngày càng nhiều. Một số ý kiến chỉ ra rằng Chính phủ phải chịu một phần trách nhiệm về sự bành trướng của các doanh nghiệp này, khi tạo ra sân chơi quá thân thiện cho các công ty công nghệ lớn trong quá trình mở rộng. Ông Chung Chul-jin lý giải.


Google, Apple và các công ty công nghệ kinh doanh mạng xã hội (SNS) như Facebook và Twitter là hình mẫu “đổi mới, sáng tạo” cho Hàn Quốc. Do đó, Chính phủ rất muốn nhanh chóng nuôi dưỡng các công ty nền tảng “cây nhà lá vườn”, tạo điều kiện thuận lợi quá mức như nới lỏng các quy định liên quan, trong khi các doanh nghiệp truyền thống vẫn phải chịu những quy định chặt chẽ. Ví dụ, các ngân hàng truyền thống vẫn phải tuân thủ quy định như “tách biệt giữa vốn công nghiệp và vốn tài chính”, song quy định này lại được miễn trừ với các ngân hàng trực tuyến như Kakao Bank và K-Bank. Chính phủ cũng ưu ái cho các công ty công nghệ lớn thực hiện mua lại và sáp nhập trong khi cơ hội này cho các doanh nghiệp sản xuất là rất khó. Lập trường của Chính phủ là cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp nền tảng trong nước thông qua các chính sách ưu đãi nhất định, để bắt kịp xu hướng toàn cầu, ngăn chặn sự thống trị của các công ty toàn cầu tại thị trường nội địa.


Mỹ, EU chuẩn bị siết chặt quy định với các công ty công nghệ lớn


Các công ty công nghệ Hàn Quốc đã tăng trưởng không phanh, nhưng giờ đây đang trước nguy cơ bị áp đặt các quy chế. Đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành đã chọn “nền kinh tế nền tảng” là một trong các vấn đề hàng đầu sẽ được thảo luận trong đợt thanh tra các cơ quan Nhà nước tại Quốc hội, dự kiến sẽ bắt đầu trong tháng tới. Đề xuất thông qua “Luật công bằng nền tảng trực tuyến” để ngăn chặn các nhà khai thác nền tảng lớn lạm dụng quyền lực đang dần nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Giám đốc của các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn có thể bị triệu tập trong các đợt thanh tra tại Quốc hội sắp tới. Trên thực tế, áp dụng quy chế cho các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng đang là xu hướng toàn cầu. Chuyên gia Chung Chul-jin lý giải.


Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đang tìm cách kiểm soát các công ty công nghệ lớn. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức đề cập đến các quy định ngăn sự độc quyền của các hãng công nghệ lớn. Washington yêu cầu các công ty nền tảng chia sẻ tất cả dữ liệu, bao gồm dữ liệu liên quan đến các hành vi và xu hướng của người tiêu dùng. Ngoài ra, có nhiều lo ngại về vấn đề mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp nền tảng. Tại Mỹ, có một kiến nghị đối với gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon, yêu cầu tách biệt quản lý hoạt động kinh doanh các sản phẩm riêng của hãng, để đối thủ cạnh tranh không bị phân biệt đối xử. Nền kinh tế nền tảng là một xu thế toàn cầu, song nhiều ý kiến chỉ ra rằng kẻ đang được hưởng lợi nhiều nhất lại là “môi giới”, tức các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng, chứ không phải nhà sản xuất nội dung.  


Cân bằng giữa bài toán đổi mới và các quy định của Chính phủ


Nhiều lo ngại cho rằng các quy định mới này có thể “bóp nghẹt” các doanh nghiệp công nghệ trong nước, khiến họ khó có thể phát triển và vươn ra thế giới, khó đối đầu với gã khổng lồ công nghệ như Google. Mặc dù vậy, đã đến lúc Chính phủ cần cân nhắc các biện pháp thúc đẩy đổi mới, siết chặt những động thái quá mức của các doanh nghiệp công nghệ lớn. Chuyên gia Chung Chul-jin nhận định.  


Cũng có ý kiến chỉ ra rằng các công ty nền tảng đã cung cấp sự tiện lợi và hiệu quả tuyệt vời cho người dùng. Từ góc độ công nghiệp, các quy định có thể kìm hãm sự đổi mới, sáng tạo, vốn giúp cuộc sống thuận tiện hơn. Song chúng ta cần đánh giá vấn đề này một cách rõ ràng. Chẳng hạn, với một ứng dụng giao hàng, các nhà hàng phải là người chơi chính, cung cấp các món ăn ngon và là đối tượng cần nhận đánh giá từ khách hàng; thay vì trở thành thầu phụ, phục vụ cho nền tảng phân phối. Giờ là thời điểm cần xem xét lại hình thức kinh doanh nền tảng, vượt ra điểm mù, hướng đến sự đổi mới và sáng tạo.

Lựa chọn của ban biên tập