Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Cú sốc COVID-19 làm giảm tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-09-20

ⓒ Getty Images Bank

“Tốc độ tăng trưởng tiềm năng giai đoạn 2020-2021 giảm còn 2% do dịch COVID-19”


Chúng ta đang bước vào kỳ nghỉ lễ Tết Trung thu (Chuseok) thứ hai trong mùa dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm ngoái. Mới đầu, không ai nghĩ rằng đại dịch sẽ kéo dài lâu như vậy. Vậy dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến xu hướng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc thế nào? Đáp án phần nào được đưa ra trong báo cáo điều chỉnh dự đoán về tốc độ tăng trưởng tiềm năng của kinh tế Hàn Quốc được Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố vào ngày 13/9, phân tích ảnh hưởng của đại dịch đến tình hình việc làm và năng suất lao động trong nước. Tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc vốn đang giảm do tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ sinh thấp. Cộng thêm cú sốc từ dịch COVID-19, các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Hàn Quốc được cho là sẽ suy yếu thêm. Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc giai đoạn 2019-2020 là 2,2%, giảm 0,3-0,4% so với con số dự đoán 2,5-2,6% đưa ra vào tháng 8/2019. Tốc độ tăng trưởng trung bình của năm 2020-2021 cũng giảm xuống mức 2%, mức khá thấp. 


“Chuỗi cung ứng yếu kém, việc làm và năng suất lao động giảm”


Tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng vốn chỉ mức tăng của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế một nước có thể đạt được mà không có bất cứ tác dụng phụ nào như lạm phát thông qua việc tận dụng tối đa nguồn tài nguyên vốn và lao động. Tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng giảm đồng nghĩa với khả năng sản xuất của nền kinh tế chậm lại. Mặc dù dịch COVID-19 là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng giảm, nhưng khác với các cuộc khủng hoảng kinh tế mà Hàn Quốc từng đối mặt trước đây, đại dịch lần này được coi là tình trạng khẩn cấp tạm thời. Hôm nay, nhà nghiên cứu Bae Min-geun sẽ phân tích bối cảnh tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc chậm lại và một số nhiệm vụ trong tương lai. Trước hết là nguyên nhân đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến các nền tảng kinh tế cơ bản. 


Tỷ lệ vận hành của các nhà máy giảm, doanh nghiệp bán lẻ rút ngắn thời gian hoạt động là những thay đổi trước mắt làm giảm tốc độ tăng trưởng, song đây không phải yếu tố được tính đến trong tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng. Chính sự mở rộng của ngành tự động hóa, các hệ thống không người lái và dịch vụ không tiếp xúc trực tiếp trong đại địch mới làm giảm tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng, ảnh hưởng đến cơ cấu việc làm, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên gia tăng. Các chuyên gia nhận định những thay đổi vốn dự đoán sẽ diễn ra trong vòng 10 năm giờ đây được cho là có thể đẩy mạnh trong hai ba năm tới trước sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu. Tôi cho rằng những thay đổi nêu trên sẽ làm giảm tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc. 


Tốc độ tăng trưởng tiềm năng giảm còn 1/3 của 30 năm trước do tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa


Trước cú sốc từ dịch COVID-19, nhiều nước đã hạ tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng trong giai đoạn 2020-2021 như New Zealand giảm 2,6%, Anh 2,1%, Nhật Bản 0,6% và Mỹ 0,1%. Rõ ràng, đại dịch đã tác động tiêu cực đến các nền kinh tế trên thế giới. Trong khi đó, Hàn Quốc lại vốn đang mất dần sức hút đầu tư và tốc độ tăng trưởng tiềm năng giảm trong những năm gần đây. Do đó, đại dịch như “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc càng giảm mạnh hơn. Ông Bae Min-geun lý giải.


Tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc là hơn 6% vào những năm 1990, đã giảm xuống 4% trong những năm 2000 và 2% trong những năm 2010. Nguyên nhân chính là tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa, dù kinh tế Hàn Quốc cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á cuối những năm 1990, và cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Đáng lo ngại hơn, dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu kết thúc. Một số nhà phân tích lo ngại tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc có thể giảm sâu hơn dự đoán của BOK khi làn sóng lây nhiễm lần thứ tư kéo dài. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc giai đoạn 2020-2022 là 1,8%.   


Chính sách tiền tệ phản ánh xu thế tăng trưởng tiềm năng


Tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng có thể hồi phục phần nào khi dịch lắng xuống, song Hàn Quốc chắc chắn vẫn phải đối mặt với vấn đề “bờ vực dân số”. Theo Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc, dân số trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 tuổi năm 2025 dự kiến đạt 34,1 triệu người, giảm 1,6 triệu người so với con số 35,7 triệu người của năm ngoái. Viện nghiên cứu tài chính Hàn Quốc dự đoán tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc sẽ giảm xuống 1,57% vào năm 2025 và 0% năm 2030. Chính sách tiền tệ của BOK cũng phản ảnh xu hướng này. Nhà nghiên cứu Bae Min-geun lý giải.


Căn cứ để hoạch định chính sách tiền tệ là nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì cấu trúc kinh tế hợp lý. Khi GDP thực tế thấp hơn GDP tiềm năng, chúng ta nói đó là nền kinh tế suy thoái; ngược lại, nếu tỷ lệ tăng trưởng thực tế cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng, thì nền kinh tế sẽ phát triển bùng nổ. Thực tế, quyết định tăng hay giảm lãi suất cơ bản của các ngân hàng trung ương đều dựa vào tình hình kinh tế. Do đó, theo BOK, xét theo tình hình Hàn Quốc, mức tăng trưởng kinh tế đạt 2% hoặc thấp hơn cũng không đồng nghĩa là nền kinh tế Hàn Quốc đang đối mặt với suy thoái. Đó là lý do BOK đã tăng lãi suất cơ bản bất chấp còn ý kiến cho rằng nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch. 


Tăng cường hỗ trợ các ngành kinh tế tăng trưởng mới, phục hồi tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng


Một số ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 chỉ tác động tạm thời đến nền kinh tế, không phải yếu tố dẫn tới sự thay đổi trung và dài hạn tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, khối hành chính công được mở rộng trong quá trình ứng phó dịch COVID-19 đã trở thành một trong các yếu tố làm giảm tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng. Nếu mở rộng khu vực công, vốn hoạt động kém hiệu quả hơn khu vực tư nhân, sẽ làm sai lệch việc phân bổ lao động, giảm năng suất của nền kinh tế nói chung. Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp đối phó kịp thời. Ông Bae Min-geun nhận định.  


Về dài hạn, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng là xu thế tất yếu, song điều quan trọng là giữ tốc độ giảm ở mức độ hợp lý. Với Hàn Quốc, vấn đề cấp bách là đối phó hiệu quả với thay đổi cơ cấu dân số, tăng tỷ lệ sinh với các chính sách phù hợp. Các nước tiên tiến như Mỹ có xu hướng cải thiện tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng thông qua tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới công nghệ thay vì bơm tiền, hay tạo thêm việc làm từ ngân sách. Về đổi mới, không chỉ cải tiến công nghệ mà còn thay đổi các cơ cấu và chính sách xã hội, tăng năng suất lao động. Cùng với đó, doanh nghiệp cần đảm bảo nguồn nhân lực, ứng phó linh hoạt với mọi biến động; hệ thống xã hội nên được vận hành hiệu quả, thu hút nhân lực và vốn vào các ngành công nghiệp mới. Tóm lại, Chính phủ cần tiến hành cải thiện cả hệ thống kinh tế và xã hội. 

Lựa chọn của ban biên tập