Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Khủng hoảng thiếu điện tồi tệ tại Trung Quốc và hệ lụy

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-10-04

ⓒ YONHAP News

Hệ quả từ chính sách giảm phát thải carbon, cấm nhập khẩu than từ Australia của Bắc Kinh


Mặc dù mệt mỏi với các biện pháp phòng dịch COVID-19 chặt chẽ của Chính phủ, song nhiều người Hàn Quốc vẫn cảm thấy sảng khoái khi nhìn lên bầu trời thu trong xanh. Một trong số nguyên nhân được cho là do tình trạng thiếu điện diễn ra tại Trung Quốc, khiến nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động, và vì thế mà lượng bụi mịn giảm theo đáng kể. Một số ý kiến cho rằng tình trạng thiếu điện mới thực sự là cuộc khủng hoảng rình rập nền kinh tế Trung Quốc hơn là cuộc khủng hoảng nợ của Tập đoàn bất động sản Evergrande (còn được biết đến với tên gọi Hengda). Tình hình này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Kim Dae-ho, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu, sẽ phân tích bối cảnh và tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ chưa từng có ở Trung Quốc. 


Tình trạng thiếu điện đã gây hoang mang cả về mặt kinh tế lẫn xã hội tại Trung Quốc. Có nhiều lý do, trong đó đáng chú ý là cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Australia kể từ tháng 5 năm ngoái do xung đột chính trị và kinh tế giữa hai nước. Cụ thể, Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu than từ Canberra. Song trái với kỳ vọng, Australia đã tìm được thị trường xuất khẩu than khác như Ấn Độ, trong khi giá than nhập khẩu tại Trung Quốc lại tăng vọt. Bắc Kinh dự định nhập than từ châu Phi nhưng không thành do những bất ổn chính trị khu vực này, rồi tăng cường nhập khẩu than từ Indonesia, nhưng chất lượng than từ quốc gia vạn đảo chỉ bằng 50% của Australia. Thêm vào đó, miền Bắc Trung Quốc bắt đầu bước vào thời tiết se lạnh, khiến nhu cầu sưởi và nhiên liệu tăng. Trong bối cảnh nguồn cung than bị thắt chặt và chất lượng than thấp, các nhà máy nhiệt điện ở đất nước tỷ dân đã bắt buộc phải cắt giảm công suất.


“Thiếu điện mới là cuộc khủng hoảng thực sự ở Trung Quốc”


Một nguyên nhân khác là chính sách thắt chặt tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc. Trước đây, Bắc Kinh từng hạn chế cung cấp điện cho các nhà máy sản xuất tiêu thụ nhiều điện khi thiếu điện, nhưng không quá nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch trung hòa carbon đến năm 2060, chính quyền các địa phương bắt đầu siết chặt các biện pháp về tiêu thụ điện. Hơn nữa, Trung Quốc có tham vọng cho thế giới thấy một bầu không khí trong lành ở thủ đô Bắc Kinh trong Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022, thoát khỏi cái mác là thủ phạm gây ô nhiễm toàn cầu. Cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc có thể tồi tệ hơn sự sụp đổ của Tập đoàn bất động sản Evergrande. Giám đốc Kim Dae-ho cho biết. 


Theo các ngân hàng đầu tư toàn cầu và thị trường chứng khoán, cuộc khủng hoảng nợ của Tập đoàn Evergrande đã bị phóng đại, và Bắc Kinh có thể giải quyết một cách hợp lý. Trái lại, cuộc khủng hoảng năng lượng không thể được xử lý tức thời, toàn ngành sản xuất sẽ bị ảnh hưởng, và các nhà máy ở Trung Quốc tạm dừng hoạt động có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh cần nghiêm túc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hơn cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande. Theo dự đoán của một số ngân hàng đầu tư, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống mức 6-7% thay vì 7-8% như dự đoán.


Tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu


Từ năm 2013 đến 2018, kinh tế Trung Quốc chiếm tới 28% tăng trưởng kinh tế toàn cầu, gấp đôi của Mỹ, đóng vai trò to lớn với nền kinh tế thế giới. Tình trạng thiếu điện đang đẩy các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc vào tình thế khó khăn, và doanh nghiệp Hàn Quốc cũng không phải ngoại lệ. Tập đoàn thép Posco đã tạm dừng một số dây chuyền sản xuất thép không gỉ đặt tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) từ ngày 17/9; nhà sản xuất bánh kẹo Orion cũng phải tạm đóng cửa nhà máy tại tỉnh Liêu Ninh từ ngày 27/9. Trên thực tế, Trung Quốc vẫn được xem là “công xưởng của thế giới”, và một số ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng lần này có thể gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến lạm phát gia tăng. Ông Kim Dae-ho lý giải.


Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Một sản phẩm có thể phải tạm dừng sản xuất chỉ vì thiếu một hay hai linh kiện. Một số nhà sản xuất ô tô hay điện thoại thông minh hiện đang rơi vào tình trạng thiếu linh kiện, trong đó nhiều linh kiện được sản xuất tại Trung Quốc. Không chỉ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Bắc Kinh, tình trạng thiếu điện có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, dẫn tới thiếu nguồn cung. Cộng hưởng với xu hướng thanh khoản dồi dào trên thị trường do Chính phủ các nước bơm tiền để cứu vãn nền kinh tế trong đại dịch, toàn thế giới có thể lâm vào lạm phát kèm suy thoái (stagflation). 


Cuộc khủng hoảng “liên hoàn”, “cơn bão toàn diện” đang đổ bộ


Từ nửa cuối năm ngoái, kinh tế Trung Quốc đã có những dấu hiệu phục hồi rõ ràng nhờ các biện pháp mạnh tay của Chính phủ. Song đến cuối năm nay, tốc độ tăng trưởng của nước này đã chững lại với nhiều nguyên nhân như Bắc Kinh siết chặt quy định đối với doanh nghiệp tư nhân địa phương, sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 và giá nguyên liệu thô tăng vọt. Các chuyên gia nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm hơn nữa nếu Hengda phá sản và nhu cầu nội địa không được phục hồi trong cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất từ trước đến nay. Nếu kịch bản này thành hiện thực, nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu một cú sốc lớn. 


Lãnh đạo các cơ quan tài chính Hàn Quốc cảnh báo về một “cơn bão toàn diện”, ám chỉ một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn do hàng loạt yếu tố tiêu cực diễn ra đồng thời như Mỹ tăng lãi suất cơ bản và cắt giảm mua tài sản, khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc, cá yếu tố bất lợi từ việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, nên xuất khẩu và tỷ giá hối đoái giữa hai nước thường có cùng xu hướng biến động. Xuất khẩu hàng hóa trung gian hiện chiếm tới 60-70% xuất khẩu của Seoul sang Bắc Kinh. Nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, đồng won Hàn Quốc có thể biến động mạnh hơn. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc cần chuẩn bị các đối sách phù hợp. Ông Kim Dae-ho nhận định.


Rủi ro với doanh nghiệp Trung Quốc, khả năng di dời nhà máy


Hàn Quốc đã và đang củng cố các nền tảng kinh tế cơ bản, ứng phó hiệu quả với các yếu tố tiêu cực trong và ngoài nước. Để chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng có thể xảy ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc cần đảm bảo nguồn cung cấp linh kiện thay thế. Chính phủ Seoul cần nhanh chóng cung cấp tin tức liên quan, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc ngăn chặn tình trạng thiếu hụt một số linh kiện. Trong quá trình tái thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu, việc phụ thuộc quá lớn vào một quốc gia là cực kỳ rủi ro. Do đó, Hàn Quốc cần đa dạng hóa nguồn nhập khẩu linh kiện. 

Lựa chọn của ban biên tập