Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Kỳ vọng phục hồi kinh tế với kế hoạch “Trang trải cuộc sống cùng COVID-19”

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-11-08

ⓒ YONHAP News

“With COVID-19” - chìa khóa phục hồi tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu tăng trưởng


Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn triển khai kế hoạch “With COVID-19”, còn gọi là “Trang trải cuộc sống cùng COVID-19”, đưa cuộc sống dần trở lại bình thường sau 22 tháng kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào tháng 1 năm ngoái. Các biện pháp cách ly xã hội sẽ dần được nới lỏng, nhiều nhân viên làm việc tại nhà sẽ trở lại công sở theo từng giai đoạn. Các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ được kỳ vọng sẽ phục hồi tiêu dùng, còn xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro cả trong và ngoài nước như lạm phát, động thái bình thường hóa chính sách tiền tệ của Mỹ, có thể cản trở đà phục hồi kinh tế của Seoul. Thêm vào đó, kế hoạch từng bước khôi phục đời sống thường nhật cũng có thể khiến tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin sẽ phân tích liệu kinh tế Hàn Quốc có cần quá trình “hạ cánh mềm” để đưa cuộc sống trở lại bình thường trong kế hoạch “With COVID-19” hay không. 


Xuất khẩu đã dẫn dắt nền kinh tế Hàn Quốc kể từ năm ngoái, khi các ngành sản xuất truyền thống như chíp bán dẫn, ô tô, thép, và hóa dầu hoạt động tích cực. Song nhìn xa hơn, đây sẽ là thách thức lớn nếu nền kinh tế chỉ phụ thuộc vào ngành chế tạo. Do đó, nếu chính sách “Trang trải cuộc sống cùng COVID-19” được thực thi, và xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, thì nhu cầu trong nước sẽ được hồi sinh, kỳ vọng tiêu dùng sẽ bùng nổ sau một thời gian dài bị dồn nén. 


Xúc tiến các chương trình kích thích tiêu dùng 


Thông qua các chỉ số kinh tế có thể thấy tiêu dùng đang có dấu hiệu hồi phục. Theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK), chỉ số lòng tin của người tiêu dùng (CSI) trong tháng 10 đã đạt 106,8 điểm, tăng 3 điểm so với tháng trước. Chỉ số CSI vượt 100 điểm cho thấy tỷ lệ người lạc quan về tình hình kinh tế nhiều hơn tỷ lệ người bi quan. Trong tháng 10, chỉ số lòng tin doanh nghiệp (BSI), chỉ số CSI tổng hợp và chỉ số lòng tin về tin tức (NSI) đều tăng. Tương tự chỉ số CSI, chỉ số NSI trên 100 điểm cho thấy nội dung các bài báo, tin tức có chiều hướng tích cực hơn tiêu cực, phản ánh sự cải thiện tâm lý hộ gia đình và doanh nghiệp. Do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch thứ 4, chỉ số này đã giảm xuống mức 110 điểm vào nửa sau tháng 9, nhưng đã tăng lên ngưỡng 120 điểm trong tháng 10 và vượt qua 130 điểm vào tháng 11. Để duy trì tâm lý tích cực, Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện nhiều chương trình kích thích tiêu dùng. Ông Chung Chul-jin cho biết. 


Bước vào giai đoạn từng bước khôi phục đời sống thường nhật, Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế như triển khai chương trình phát phiếu giảm giá mua hàng với quy mô tới 23 tỷ won (200 triệu USD), tổ chức lễ hội mua sắm thường niên lớn nhất trong năm “Korea Sale Festa” từ 1-15/11 với nhiều chương trình giảm giá, khuyến khích người tiêu dùng mở hầu bao. Rõ ràng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 4% của cả năm, cải thiện tiêu dùng là một yếu tố quan trọng. 


Chỉ số CPI tăng 3,2% trong tháng 10


Bất chấp đại dịch, xuất khẩu đã thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 của Seoul đã vượt mốc 55,5 tỷ USD, con số cao thứ hai trong lịch sử kể từ khi bắt đầu thực hiện thống kê liên quan vào năm 1956. Xuất khẩu đã tăng trưởng trong 12 tháng liên tiếp kể từ tháng 11 năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến tháng 10 vừa qua đạt 523,2 tỷ USD, vượt qua con số của cả năm ngoái. Nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, xuất khẩu của năm 2021 có thể chạm cột mốc cao nhất mọi thời đại. Dư luận đang kỳ vọng nhu cầu nội địa và xuất khẩu sẽ góp phần phục hồi nền kinh tế. Song vẫn còn quá sớm để ăn mừng khi còn nhiều rủi ro trước mắt như lạm phát. Chuyên gia Chung Chul-jin cho biết thêm.


Hiện tại, áp lực lạm phát gia tăng là một trong các yếu tố bất lợi chính ảnh hưởng đến kinh tế Hàn Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung. Giá cả tăng cao khiến người tiêu dùng dè dặt chi tiêu, giá nguyên liệu thô tăng trở thành gánh nặng tài chính lớn cho doanh nghiệp. Lạm phát làm suy yếu tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu mục tiêu của Hàn Quốc, từ đó tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Seoul. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 9 năm 9 tháng. Giá các mặt hàng nhu yếu phẩm thậm chí tăng hơn 4,6%, hàng tạp hóa tăng hơn 5% so với một năm trước. Giá cả tăng kìm hãm tiêu dùng, do đó lạm phát chính là vấn đề lớn nhất đối với quá trình chuyển đổi sang giai đoạn “sống chung với COVID-19”. 


Giảm thuế nhiên liệu, kích thích tiêu dùng - các biện pháp mâu thuẫn


Ngoài ra, có những yếu tố tiêu cực từ bên ngoài. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã công bố quyết định siết chặt tốc độ thu mua tài sản từ cuối tháng 11, báo hiệu Washington sẽ chuyển sang chính sách thắt chặt tiền tệ, và các chính sách này chắc chắn sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu. Một yếu tố bất lợi khác là đà tăng trưởng của Trung Quốc suy yếu, khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III của nước này chỉ tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đối mặt với nguy cơ gián đoạn. Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ một mặt đưa ra các biện pháp kích thích tiêu dùng như cắt giảm 20% thuế xăng dầu để kiểm soát lạm phát, mặt khác lại nỗ lực khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn thông qua các phiếu mua hàng giảm giá và các sự kiện mua sắm lớn. Hai chính sách này đang có xu hướng đối lập, có thể nói Chính phủ rơi vào thế “tiến thoái lương nan”.

 

Ngày 31/10 vừa qua, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã công bố một báo cáo phân tích xu hướng tiêu dùng ở một số nền kinh tế lớn triển khai chính sách “With COVID-19” trước Hàn Quốc. Theo đó, chính sách này đã giúp cải thiện đáng kể mức độ vận động của các thành phần kinh tế, góp phần phục hồi tiêu dùng ở các quốc gia. Đặc biệt, số lượng khách sử dụng các dịch vụ tiếp xúc trực tiếp đã tăng 5%. Đây cũng là nguyên nhân Chính phủ chủ trương kế hoạch “trang trải cuộc sống cùng đại dịch” dù đối mặt với nhiều rủi ro liên quan. Chuyên gia Chung Chul-jin nhận định.  


Thực hiện các chính sách tài chính và tiền tệ linh hoạt, kết hợp cách ly hiệu quả


Chính phủ và BOK cần phối hợp để xây dựng đường lối chính sách phù hợp. Trong khi Ngân hàng trung ương Hàn Quốc hy vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ so với dự kiến, Bộ Kế hoạch và tài chính lại nhấn mạnh vào việc vực dậy nền kinh tế. Với các quan điểm trái chiều của các nhà hoạch định chính sách, thật khó để các chính sách đạt được hiệu quả như mong muốn. Do đó, các chính sách liên quan cần được điều chỉnh một cách linh hoạt. Về giá cả, rủi ro lạm phát sẽ còn kéo dài trong một thời gian, và các hộ gia đình mắc nợ cần quản lý tài chính hợp lý.  


Quá trình thoát khỏi đại dịch và đưa cuộc sống trở lại bình thường chắc chắn là “con đường không không hoàn toàn bằng phẳng”. Song nền kinh tế Hàn Quốc đã trở nên vững chắc hơn so với thời điểm mới bùng dịch, và được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn trong thời kỳ hậu COVID-19.   

Lựa chọn của ban biên tập