Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Sự xuất hiện của biến thể Omicron và những tác động tới nền kinh tế

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-12-06

ⓒ YONHAP News

Kinh tế thế giới bấp bênh trước sự xuất hiện của biến thể Omicron


Biến thể Omicron của COVID-19 hiện đang lan rộng trên toàn cầu, khiến tâm lý căng thẳng leo thang. Theo các hãng truyền thông quốc tế lớn, biến thể mới này đã xuất hiện ở cả 6 châu lục chỉ một tuần sau khi nhận được báo cáo lần đầu hôm 24/11 vừa qua. Mặc dù chưa rõ liệu biến thể Omicron có sức lây lan mạnh hay khiến bệnh trở nên nặng hơn hay không, nhưng rõ ràng kinh tế toàn cầu đã trở nên biến động và bất ổn hơn. 


Ngày 27/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến thể mới của virus COVID-19 là Omicron và chỉ định là “biến thể đáng lo ngại”. Các chuyên gia cho biết Omicron có tới 32 đột biến tại protein gai (thành phần giúp virus bám vào tế bào cơ thể), nhiều gấp đôi so với biến thể Delta nên có sức lây lan mạnh hơn. Hơn nữa, biến thể mới này còn có thể làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Sau khi chiến dịch tiêm chủng được triển khai trên toàn cầu, nền kinh tế đã từng bước thoát khỏi “đường hầm tăm tối”, nhưng sự xuất hiện của Omicron đã phủ bóng đen vào viễn cảnh màu hồng đó. Theo một số dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm 0,4% so với mức dự báo 4,6% trước đó nếu Omicron lây lan mạnh hơn Delta. Sau đây, chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin phân tích tác động tiềm ẩn của biến thể Omicron. 


Biến thể Omicron “đe dọa tăng trưởng” hay chỉ “tác động nhỏ”?


Trong kịch bản tốt nhất, đó là Omicron dù dễ lây lan hơn song ít khiến bệnh trở nặng, cộng với không xảy ra lạm phát, thì theo ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, kinh tế toàn cầu ngược lại sẽ được thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lớn như Moody’s và Fitch lại cho rằng Omicron làm gia tăng rủi ro lạm phát, bất kể mức độ nghiêm trọng của các ca nhiễm. Nếu biến thể mới này gây ra nhiều ca bệnh nặng hơn, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị phá hủy, làm thiếu hụt nguồn cung và lạm phát tăng. Còn trong trường hợp các ca nhiễm ít nghiêm trọng hơn, dẫn tới “miễn dịch cộng đồng” và mọi người ra đường nhiều hơn, cũng đẩy nhu cầu và lạm phát tăng. Chúng ta có thể đánh giá tác động của biến thể Omicron tới nền kinh tế từ ba yếu tố bao gồm sức lây lan, mức độ nghiêm trọng của các ca nhiễm và lạm phát. 


Sản lượng công nghiệp tháng 10 giảm lớn nhất trong 18 tháng 


Trong bối cảnh này, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell để ngỏ khả năng sẽ tăng tốc chính sách cắt giảm mua trái phiếu. Bất chấp những lo ngại từ biến thể mới, Mỹ đang thắt chặt chính sách nới lỏng định lượng, với nhận định kiềm chế lạm phát là vấn đề cấp bách. Giữa lo ngại Mỹ có thể vỡ nợ, kinh tế toàn cầu đang chứng kiến nhiều biến động. Đối với Hàn Quốc, tổng sản lượng công nghiệp tháng 10 đã ghi nhận mức giảm lớn nhất trong vòng 18 tháng. Các ngành công nghiệp chủ chốt như chíp bán dẫn và ô tô dường như bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch kéo dài. Chuyên gia Chung Chul-jin cho biết thêm.


Tổng sản lượng công nghiệp của Hàn Quốc trong tháng 10 đã giảm 1,9% so với một tháng trước, trong đó sản lượng khai khoáng giảm tới 3%. Lượng hàng tồn kho đã tăng 3,4% vào tháng 9 và 7,2% trong tháng 10. Dường như ngành công nghiệp đang rơi vào tình trạng “tụt dốc”. Kịch bản lý tưởng là tiêu dùng tư nhân hồi phục, song đáng tiếc là chi tiêu vẫn chậm chạp dù Chính phủ đã đưa ra chính sách phiếu giảm giá. Do đó bài toán đặt ra là phải tìm cách để tiêu dùng tư nhân có thể tiếp sức cho nền kinh tế, vốn phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu và sản xuất. 


Rủi ro biến thể Omicron gây gián đoạn chuỗi cung ứng


Xuất khẩu của Hàn Quốc đã đạt thành tích khá tốt trong năm nay, giúp kinh tế tăng trưởng 0,3% trong quý III. Xuất khẩu tháng 11 đã tăng 32,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 60,44 tỷ USD, đánh dấu cột mốc xuất khẩu theo tháng lần đầu tiên vượt 60 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 dự kiến sẽ đạt con số kỷ lục. Song, bất chấp thành tích này, triển vọng kinh tế vẫn không mấy khả quan trước những bất ổn về môi trường xuất khẩu thời gian tới. Nếu biến thể Omicron lây lan mạnh, các nước có thể phải đóng cửa một lần nữa, giáng đòn đau vào chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang bị gián đoạn, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Hàn Quốc. Ông Chung Chul-jin lý giải.


Kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Muốn xuất khẩu tăng thì điều kiện tiên quyết là thị trường nước ngoài phải tiêu thụ mạnh mẽ. Nhưng châu Âu hiện đã đóng cửa, còn bang New York của Mỹ cũng ban bố tình trạng khẩn cấp. Nếu các quốc gia áp dụng biện pháp đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron thì giá dầu sẽ tăng mạnh, áp lực lạm phát sẽ phần nào được giảm bớt. Song kịch bản lý tưởng là biến thể mới ít gây ra các ca bệnh nặng và nền kinh tế tiếp tục duy trì sự ổn định, thì xuất khẩu Hàn Quốc sẽ vẫn giữ được đà tăng trưởng. 


Cú sốc lớn với nền kinh tế, càn đối sách khẩn cấp 


Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) tin tưởng kinh tế Hàn Quốc có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm 2021. Để đạt được mục tiêu đó, kinh tế cần tăng trưởng 1,03% trong quý IV. Hiện chưa thể xác định mức độ ảnh hưởng của biến thể Omicron. Thêm vào đó, số ca nhiễm COVID-19 mới tại Hàn Quốc đã vượt con số 5.000 ca mỗi ngày, trong khi các biện pháp kiểm dịch mới của Chính phủ có thể hạn chế người dân di chuyển, giảm tiêu dùng cá nhân. Một vấn đề khác là lạm phát. Sau khi giá tiêu dùng tháng 11 tăng 3,7%, BOK đã nâng dự báo tỷ lệ tăng giá tiêu dùng năm nay từ 2,1% lên 2,3% trong báo cáo triển vọng kinh tế công bố ngày 25/11. Nhiều chuyên gia nhận định đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy lạm phát tăng. Trước tình hình này, mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron có thể trở thành yếu tố quyết định cho các chính sách kinh tế của Hàn Quốc trong tương lai. Chuyên gia Chung Chul-jin nhận định.  


Trước khi Chính phủ đưa ra bất kỳ đối sách nào, chuyên gia y tế cần tìm ra bản chất của biến thể Omicron. Dù biến thể mới lần này nghiêm trọng như thế nào đi nữa, tôi cho rằng các biện pháp kiểm dịch của Chính phủ như trước đây sẽ không còn phát huy được hiệu quả. Nếu Chính phủ lại đặt ra các hạn chế đối với hoạt động kinh tế và giải phóng lượng thanh khoản dồi dào trên thị trường để giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển, thì người dân có thể đổ tiền vào thị trường cổ phiếu và bất động sản, tạo ra bong bóng tài sản. Tôi cho rằng Chính phủ nên tìm ra đối sách kiểm soát biến thể Omiron mới mà không cần đóng cửa kinh tế. 

Lựa chọn của ban biên tập