Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hàn Quốc và Australia đạt được thỏa thuận hợp tác chiến lược

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-12-20

ⓒ YONHAP News

Hàn Quốc và Australia ký biên bản ghi nhớ về hợp tác chuỗi cung ứng và trung hòa carbon


Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 60 năm Hàn Quốc và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao. Trước đó, năm 2014, hai nước đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA), đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Trong chuyến thăm Australia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từ 12-15/12 vừa qua, Seoul và Canberra đã nhất trí nâng mối quan hệ ngoại giao song phương lên mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Song, chuyến thăm lần này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Australia xung đột ở nhiều lĩnh vực, đặt ra bài toán cho Seoul về việc vừa duy trì chính sách ngoại giao cân bằng với Bắc Kinh và các đồng minh của Mỹ, vừa đảm bảo các lợi ích thiết thực. Chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin cho biết. 


Một thành quả đáng chú ý trong chuyến thăm Australia của Tổng thống Moon Jae-in là việc hai nước đạt thỏa thuận tăng cường hợp tác song phương ở lĩnh vực tài nguyên và năng lượng. Seoul hiện đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn cung dung dịch urê sử dụng cho động cơ diesel khi Trung Quốc, đối tác cung cấp hơn 95% urê nhập khẩu của Hàn Quốc, đã đưa ra hạn chế xuất khẩu sản phẩm này. Điều này cho thấy việc phụ thuộc vào một nước duy nhất về tài nguyên quan trọng là cực kỳ rủi ro. Trên thực tế, Australia là một nước giàu nguồn năng lượng, tài nguyên và khoáng sản, là nước xuất khẩu quặng sắt và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới. Đối với Hàn Quốc, hợp tác với các quốc gia giàu tài nguyên là rất quan trọng, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, và một số nước đang có dấu hiệu biến các tài nguyên quan trọng thành vũ khí. Ý nghĩa quan trọng nhất với Seoul trong thỏa thuận hợp tác với Canberra gần đây là đảm bảo chuỗi cung ứng cho các khoáng sản quan trọng.  


Hợp đồng xuất khẩu 30 xe pháo tự hành K-9, 15 xe tiếp tế đạn K-10


Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nhu cầu về các khoáng sản quan trọng cho công nghệ năng lượng sạch đến năm 2040 có thể tăng gấp 4 lần so với năm 2020, thì mới đáp ứng được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là giữ mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu trong khoảng 2 độ C. Cụ thể, nhu cầu của ngành năng lượng đối với các khoáng sản kim loại sẽ tăng 32 lần với lithium, 25 lần với than chì, 21 lần với coban và 19 lần với niken. Trong bối cảnh Chính phủ đang khuyến khích chuyển đổi sang xe điện, và ngành pin thứ cấp trở thành động lực tăng trưởng tương lai, vấn đề quan trọng là cần đảm bảo nguồn cung khoáng sản ổn định, để chuẩn bị cho tình huống bùng nổ nhu cầu. Australia là nước xuất khẩu lớn các khoáng sản quan trọng như niken, lithium và đất hiếm. Chính phủ nước này cam kết phát triển ngành công nghiệp liên quan như đưa ra “Chiến lược khoáng sản tối quan trọng” (Critical Minerals Strategy) năm 2019 và “Chiến lược sản xuất hiện đại” (Modern Manufactoring Strategy) năm 2020. Do vậy, việc đưa quan hệ hợp tác Hàn-Australia lên tầm chiến lược trên lĩnh vực nguyên liệu thô và khoảng sản thiết yếu thực sự là chính sách “đôi bên cùng có lợi”. Bên cạnh đó, hợp tác giữa hai nước về nền kinh tế hydro cũng có ý nghĩa to lớn khi Australia đặt mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu hydro lớn nhất thế giới vào năm 2050, còn Hàn Quốc cam kết xây dựng nền kinh tế hydro. 


Mặt khác, hai nước cũng đạt được thỏa thuận hợp tác ở lĩnh vực công nghiệp quốc phòng khi Australia đã chọn pháo tự hành K-9 do Hàn Quốc phát triển là mục tiêu mua sắm trong Dự án mua sắm pháo quốc phòng LAND 8116 vào tháng 9. Quân đội Australia sẽ được trang bị 30 khẩu pháo tự hành K-9 và 15 xe tiếp tế đạn được K-10 từ Hàn Quốc. Đây là đơn hàng lớn nhất đối với pháo tự hành K-9 với giá trị lên đến 1.000 tỷ won (842 triệu USD), đưa Hàn Quốc trở thành nước châu Á đầu tiên xuất khẩu vũ khí chính tới Australia. Chuyên gia Chung Chul-jin cho biết thêm.


Australia là một thành viên trong liên minh tình báo Five Eyes (Ngũ nhãn) do Mỹ dẫn đầu. Do đó, đơn hàng nhập vũ khí lần này có ý nghĩa quan trọng, cho thấy Canberra hoàn toàn tin tưởng Seoul về vấn đề an ninh, và các thành viên khác của liên minh quân sự này cũng vậy. Australia là nước thứ 7 nhập khẩu pháo tự hành K-9 và đơn hàng lần này là đơn hàng pháo K-9 thứ ba trong năm nay của Seoul. 


Công ty công nghiệp nặng Doosan I&C giành đơn hàng 110 tỷ won về ESS 


Trước đó, Seoul đã xuất khẩu khoảng 600 pháo tự hành K-9 sang 6 nước gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Ấn Độ, Phần Lan, Na Uy và Estonia. Pháo K-9 lần đầu tiên được xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2001, và khoảng 1.700 khẩu K-9 đang hoạt động ở các quốc gia, bao gồm Hàn Quốc. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế đặt tại Stockholm, Thụy Điển, pháo K-9 chiếm 48% thị trường pháo tự hành toàn cầu từ năm 2000-2017. K-9 nổi tiếng với khả năng hoạt động tuyệt vời trên mọi địa hình từ đồi núi, đồng bằng cho tới những cánh đồng tuyết, rừng rậm hay sa mạc. Giá của pháo K-9 dao động từ 3,3-4,2 triệu USD, rẻ hơn nhiều so với các loại pháo của Đức có giá lên tới 8 triệu USD, nên không có gì ngạc nhiên khi sản phẩm này có tính cạnh tranh cao. Seoul hiện cũng đang xúc tiến xuất khẩu xe bọc thép Redback sang Australia. Bên lề chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã bày tỏ mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ở Australia. Ông Chung Chul-jin 정철진 lý giải.


Công ty POSCO International, một chi nhánh của nhà sản xuất thép số một Hàn Quốc POSCO, đã mua lại một công ty khí đốt thiên nhiên của Australia. Công ty công nghiệp nặng và xây dựng Doosan I&C cũng ký được dự án hợp tác trị giá 110 tỷ won (93 triệu USD), hợp tác với công ty con Doosan Gridtech có trụ sở tại Mỹ, xây dựng hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS) tại Australia. Tôi cho rằng việc Chính phủ hai nước xây dựng phương hướng mới trong quan hệ song phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước hợp tác kinh doanh, thì sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho hai bên. 


Cân bằng ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc 


Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc đã tái khẳng định sự ủng hộ của Australia về sáng kiến hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, một trong những thành quả quan trọng trong chuyến thăm Australia của Tổng thống Moon Jae-in. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc và Australia xung đột trên nhiều lĩnh vực, chuyến thăm Australia của Tổng thống Moon Jae-in cho thấy Hàn Quốc đang tiến gần hơn tới liên minh ngoại giao do Mỹ dẫn đầu. Do đó, Seoul có thể đối mặt với áp lực ngoại giao từ Bắc Kinh. Chuyên gia Chung Chul-jin nhận định.  


Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia đang bị đóng băng. Thêm vào đó, Australia đã theo Mỹ và Anh tuyên bố “tẩy chay ngoại giao” Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, khiến căng thẳng với Trung Quốc càng leo thang. Đối với Seoul, Canberra là một đồng minh quan trọng, còn Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất. Về mặt ngoại giao, Trung Quốc cũng có vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc cũng như tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Seoul đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” để cân bằng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, Hàn Quốc đang bắt đầu quy trình gia nhập của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và cần nhận được sự nhất trí của tất cả các thành viên bao gồm Nhật Bản, nước đang giữ vai trò chủ tịch của CPTPP, để hoàn tất quy trình. Củng cố quan hệ hợp tác chiến lược với Australia sẽ giúp Hàn Quốc thuận lợi hơn trong quá trình gia nhập CPTPP, đồng thời củng cố được vị thế trong khối. 


Hàn Quốc và Australia là đồng minh lâu năm. Trong chiến tranh Triều Tiên, Australia đã điều động quân đội hỗ trợ Hàn Quốc. Hai quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1961, và thúc đẩy tình hữu nghị hơn 6 thập kỷ qua. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, hai nước hy vọng đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới, tăng cường hợp tác, nâng cao khả năng cạnh tranh để vượt qua khủng hoảng. 

Lựa chọn của ban biên tập