Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

“Cơm” trong văn hóa truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-09-15

Âm điệu ngàn xưa

“Cơm” trong văn hóa truyền thống Hàn Quốc

Hình ảnh bữa cơm của người Hàn thời Joseon qua ống kính người nước ngoài

Dân tộc Hàn là một trong những dân tộc gắn liền với hạt cơm. Trong số những bức ảnh về bán đảo Hàn Quốc được người nước ngoài chụp vào cuối triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX), có cả những bức mô tả về bữa ăn. Trong ảnh, bát ăn cơm trông còn to hơn cả mặt người, cơm trong bát được xới đầy tới mức nhiều người còn nghĩ rằng đây chắc là hình ảnh được cường điệu hóa. Bức ảnh này phần nào đã chứng tỏ rằng người Hàn Quốc dưới thời Joseon ăn rất nhiều cơm. Theo sử ký, một quan văn có tên là Yi Geuk-don đã từng nói rằng: “Lượng cơm dân tộc Hàn ăn một bữa bằng lượng cơm người Trung Quốc ăn cả ngày”. Còn Yi Ik, một người theo đuổi chủ nghĩa thực dụng kiểu Hàn Quốc gọi là Silhak (Thực học), thì nói rằng có lẽ dân ta là dân tộc ăn nhiều nhất trên thế giới, ở những gia đình khá giả có khi còn ăn tới 7 bữa một ngày. Tới giờ ở Hàn Quốc, đa phần những cuộc gặp gỡ đều gắn liền với bữa ăn và trong những câu chào hỏi hàng ngày cũng có câu: “Hôm nào cùng ăn cơm nhé!”. Mong muốn được thiết đãi người khác những món ăn ngon là thực tâm của người dân Hàn. Trong trích đoạn Sarangga (Khúc hát tình yêu) của trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca) có đoạn tả rằng Xuân Hương không màng tới những miếng dưa hấu đỏ au bỏ hết hạt rưới thẫm mật ong quý, quýt khô tẩm đường hay kẹo mạch nha Hyehwadang. Có lẽ tình yêu của Xuân Hương và công tử Lý Mộng Long còn ngọt ngào hơn cả những của ngon vật lạ này. 


Bữa cơm của người Hàn trong âm nhạc truyền thống

Thường thì chúng ta sẽ thành tâm chuẩn bị thật nhiều món ngon của lạ khi tiếp khách quý. Nhưng cũng có khi chúng ta tận tâm chuẩn bị mâm cao cỗ đầy để thiết đãi những vị khách chẳng ưa, giống cảnh vợ người em Heungbo thiết đãi người anh chồng tham lam vô lối Nolbo khi anh ta hớt hải tìm đến nhà người em sau khi biết Heungbo đã trở thành người giàu có. Trong khi trước đó, vợ chồng người em Heungbo bị người anh Nolbo đuổi ra khỏi nhà giữa những ngày đông giá rét, không nơi nương tựa trú ngụ. Để kiếm hớp cháo loãng cho đàn con nheo nhóc, Heungbo đã phải đi chịu đòn thuê cho người khác. Lẽ đương nhiên là vợ Heungbo không thể có cảm tình với người anh chồng bạc nghĩa Nolbo. Nhưng để cho Nolbo thấy rằng gia đình mà hắn khinh rẻ coi thường xưa nay đã đổi đời thế nào, cô đã tất bật sửa soạn mâm cao cỗ đầy để đón tiếp cùng bộ đồ ăn vô cùng sang trọng như: Bát đồng thau Anseong, bàn ăn sơn mài Tongyeong, thìa đũa bạc, vỉ nướng đồng. Bàn ăn tre đen có khảm hoa, bát đĩa quý hiếm nhập khẩu từ nhà Đường. Các món ăn làm từ thịt cá, hải sản, rau củ được bày biện trên mâm bát đĩa quý. Phần cuối của trích đoạn chúng ta nghe thấy tiếng xèo xèo. Đó là âm thanh của miếng thịt đã tẩm ướp gia vị được đặt lên nắp nồi gang nóng để nướng. Được ăn một gắp thịt nướng thơm phức nghi ngút khói lúc đó thì còn gì bằng. “Han jan bueora” (Hãy rót một chén) là một trong những khúc tạp ca Hwimori Japga của dân ca vùng Gyeonggi. Khúc hát tả cảnh một người uống rượu, hưởng phong lưu giữa bầu không khí trầm lặng, được bắt đầu bằng câu “Hãy rót một chén! Hãy rót hai chén! Hãy rót đầy thật đầy”. Và nối tiếp bằng đoạn:


Bàn thủy tinh quý đầy ắp đồ nhắm ngon

Thi hào Liễu Vĩnh, Thái Bạch cùng uống rượu rồi ra đi

Rượu nửa bầu, đồ nhắm hết tiệt

Rượu còn đó, vầng trăng còn đó

Cùng người thương ta đi ngắm trăng


Thật là một viễn cảnh như mơ đối với những người ái tửu


* Trích đoạn Sarangga (Khúc hát tình yêu) / Lee Bong-geun và nhóm nhạc Mặt trăng thứ hai 

* Trích đoạn “Vợ người em Heungbo chuẩn bị cỗ bàn thiết đãi người anh chồng Nolbo”/ Kim Su-yeon

* Khúc hát “Han jan bueora” (Hãy rót một chén) / Audio Banana

Lựa chọn của ban biên tập