Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

“Lễ hội mùa đông Seoul ASSITEJ dành cho thanh thiếu niên”

2014-01-14

Vở kịch đầu tiên dành cho các khán giả trẻ tuổi là vở “Con hổ có lông mày trắng”. Trước buổi diễn, các diễn viên đã giới thiệu tỉ mỉ cho khán giả về những nhạc cụ và đạo cụ bày trên sân khấu. Không chỉ thế, đoàn diễn còn giao lưu cùng khán giả qua những màn đố vui với các câu hỏi liên quan tới buổi biểu diễn. Bên cạnh vở nhạc kịch “Con hổ có lông mày trắng”, từ ngày 3 đến ngày 12 tháng 1, đã có bảy vở kịch và nhạc kịch của các đoàn nghệ thuật thanh thiếu niên tiêu biểu của Hàn Quốc dàn dựng được lần lượt biểu diễn tại đường Daehak, Seoul.

[Hiệp hội sâu khấu dành cho Thanh niên và Thiếu nhi quốc tế (ASSITEJ)]Tất cả các vở diễn trên nằm trong khuôn khổ của “Lễ hội mùa đông ASSITEJ lần thứ 10”. Bà Kim Sook-hee, Chủ tịch chi hội Hàn Quốc của Hiệp hội ASSITEJ Hàn Quốc cho biết. "ASSITEJ là viết tắt của Hiệp hội sân khấu dành cho Thanh niên và Thiếu nhi quốc tế với tên gọi đầy đủ là “Association Internationale du Théâtre pour I’Enfance et la jeunesse” được thành lập vào năm 1965 tại Paris. Sở dĩ lấy tên viết tắt theo tiếng Pháp là do ASSITEJ trực thuộc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) có trụ sở chính tại Pháp. Lễ hội mùa đông ASSITEJ là dịp để chúng tôi lựa chọn những tác phẩm hay nhất trong cả năm và tổ thức biểu diễn theo hình thức một cuộc thi. Giải thưởng “Tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi xuất sắc nhất” sẽ được trao cho đoàn kịch có vở diễn được dàn dựng tốt nhất.”

Hiện nay, ASSITEJ có gần 3.000 thành viên là nghệ sĩ và các đoàn kịch thanh thiếu niên hoạt động tại 86 nước. Gia nhập Hiệp hội từ 30 năm trước, Hàn Quốc là nước duy nhất trên thế giới tổ chức hai đợt lễ hội ASSITEJ vào mùa hè và mùa đông với mục đích đẩy mạnh hoạt động sân khấu dành cho tuổi trẻ.

Bà Kim Sook-hee giới thiệu. "
Lễ hội không phải do Trụ sở chính của ASSITEJ thực hiện mà do các nước thành viên tự đứng ra tổ chức. Hàn Quốc đã tổ chức lễ hội mùa hè được 23 năm và lễ hội mùa đông được 10 năm. Lễ hội mùa hè là lễ hội mang tính chất quốc tế với sự tham gia của các đoàn kịch nước ngoài. Đây chính là cơ hội để lớp trẻ được giao lưu, học tập và thể hiện sự nhất trí, đồng lòng trên không gian sân khấu."

Về lễ hội ASSITEJ mùa đông lần thứ 10 năm nay Do Sang-won, Chánh văn phòng chi hội ASSITEJ Hàn Quốc giới thiệu: "Để kỉ niệm 10 năm hoạt động, năm nay, chúng tôi đã cải tổ lại lễ hội mùa đông. Những năm trước đây, lễ hội chỉ được tổ chức đơn giản với vài tác phẩm mang tính thử nghiệm trong nước và một số các tác phẩm nước ngoài xuất sắc. Nhưng năm nay, chúng tôi tuyển chọn những tác phẩm xuất sắc nhất trên toàn quốc trong vòng một năm qua. Theo quan điểm của chúng tôi, những điều tốt đẹp, hạnh phúc, thú vị đối với tuổi trẻ rất quan trọng nhưng việc hiểu một cách đúng đắn, chính xác và thiết thực những nội dung mang tính chất giáo dục về những sự kiện nổi bật trong xã hội cũng là điều chúng ta phải mang đến cho thanh thiếu niên. Vì thế, các tác phẩm năm nay hướng về những chủ đề như bạo lực học đường, vấn đề nô lệ tình dục của binh lính Nhật trong Thế chiến thứ II, khu phi quân sự liên Triều."

Điểm qua một vài tác phẩm được biểu diễn trong khuôn khổ lễ hội, có thể kể đến "Gaettong, bên kia núi" là tác phẩm nói về hiện thực đất nước bị chia cắt; "Câu chuyện mặt đất chân không" nói về hòa bình thông qua hai nhân vật chính là Dori và Tori; "Những bà lão hoa" là những cảnh đời của nhiều nạn nhân tình dục của quân đội Nhật trong Thế chiến thứ II; trong khi "Tuổi thanh xuân dữ dội" lại tái hiện nạn bạo lực học đường, một trong những hiện tượng xã hội gây trăn trở trên nền nhạc rock, khiến cho nội dung trở nên sống động và dễ hiểu hơn.

[“Bút cầu được ước thấy”]Nhân vật chính trong vở “Bút cầu được ước thấy” là Dae-seong, cậu bé cứ khăng khăng đòi mẹ phải đẻ em bé cho mình. Dae-seong luôn cảm thấy cô đơn vì không có em. Đặc điểm của “Bút cầu được ước thấy” là vở kịch này có sử dụng phương pháp hội họa. Trong suốt vở kịch, những khối màu đa dạng kết hợp hội họa phương Đông và phương Tây lần lượt được trình diễn và phối hợp nhịp nhàng với từng tình huống của vở kịch. Các đạo cụ hội họa được lần lượt thể hiện trên mỗi bước đường phiêu lưu mạo hiểm vào rừng sâu để tìm bí quyết có em của cậu bé Dae-seong. Cậu bé Dae-seong trong vở "Bút cầu được ước thấy” do cầu nguyện thành tâm nên cuối cùng đã có tới ba đứa em. "Bút cầu được ước thấy” đã cho chúng ta thấy sự kỳ diệu của những ước mơ. Nếu thành tâm và tha thiết với ước mơ thì ước mơ sẽ trở thành hiện thực.

[“Con hổ có lông mày trắng”]Tiếp theo, vở diễn “Con hổ có lông mày trắng” sử dụng nền nhạc hát kể chuyện Pansori truyền thống của Hàn Quốc, kể về câu chuyện xa xưa với nhân vật chính thường chỉ xuất hiện trong chuyện cổ tích là chú hổ nghìn tuổi. Trong vở kịch, khi chú hổ nghìn tuổi chạm đám lông mày trắng, vào con người sẽ đọc được suy nghĩ của họ. Bản thân sự giả định đó cũng đủ để kích thích trí tưởng tượng của trẻ thơ. Chú hổ vô cùng thất vọng khi nhìn thấu tâm can của người lớn, nhưng lần này, chú nhìn vào suy nghĩ của trẻ thơ...Dù có nhìn theo cách nào thì hổ vẫn thấy tâm hồn trẻ ngây thơ, trong sáng. Chỉ khi đó, hổ mới thôi vẻ hung hăng.

Con hổ dữ tợn trước người lớn bất chợt trở nên hiền lành trước trẻ em. Hổ đã nhận ra tâm hồn trong sáng, thánh thiện của các em. Đạo diễn vở “Con hổ có lông mày trắng” Kim Mi-jeong, thuộc đoàn kịch Taru, chia sẻ.
"Vở kịch kể về một con hổ ngàn năm tuổi có cặp lông mày trắng phát hiện ra tâm hồn ngây thơ, trong sáng của trẻ em. Người lớn chúng ta phải học tập sự trung thực và hồn nhiên của trẻ em. Đây cũng có thể coi là thông điệp của tác phẩm. Vở kịch không dạy các em phải sống như thế nào mà muốn nhắn nhủ với trẻ thơ rằng: Sự chân thật và hồn nhiên của các em chính là nét đẹp mà người lớn phải học tập. Vở kịch khuyến khích các em có cái nhìn tích cực về chính bản thân mình."

Để tái hiện lại không khí của chuyện cổ tích, trong vở kịch “Con hổ có lông mày trắng” có sự xuất hiện của ca sỹ hát kể chuyện pansori. Người hát pansori có vai trò giúp các khán giả nhỏ tuổi hiểu rõ về câu chuyện ngày xưa. Đạo diễn Kim Mi-jeong có đôi lời giải thích: "Trong vở kịch “Con hổ có lông mày trắng”, ca sỹ hát pansori cũng là người kể chuyện để dẫn dắt câu chuyện. Những khán giả trẻ sẽ vừa nghe lời kể chuyện vừa cùng tưởng tượng để tự mình vẽ nên những hình ảnh đang mở ra trên sân khấu."

Những lời kể dìu dặt của người hát pansori kết hợp với chú hổ ngàn năm tuổi vốn chỉ xuất hiện trong tưởng tượng khiến những khán giả trẻ say mê theo dõi đến mức không phút nào rời mắt khỏi sân khấu. Sau đây là chia sẻ của một khán giả nhỏ tuổi: "Cháu rất thích vì vừa được nghe nhạc hay, vừa được xem những nhạc cụ mới." Còn đây là chia sẻ của một khán giả nữ: "Con hổ chỉ nhìn thấy điều xấu trên đời nên nó không thể nghỉ trên núi. Giờ nó có thể nghỉ ngơi vì đã nhìn thấy tâm hồn trong sáng của trẻ con. Tôi thấy cảm động nhất với cảnh con hổ cảm thấy yên lòng, trao quà cho em bé và ra đi." Một khán giả khác cho biết: "Cốt truyện đơn giản nhưng khi các diễn viên xuất hiện, vừa hát vừa kể chuyện khiến cho vở kịch trở nên thú vị hơn. Tôi còn được phát cả bản nhạc để hát theo diễn viên. Khi về nhà, tôi cùng con có thể hát và suy nghĩ lại về nội dung của vở kịch.

[“Chú chim xanh”]Vở "Chú chim xanh" của đoàn kịch Nuri là tác phẩm dựa trên nguyên tác của nhà soạn kịch Maurice Maeterlinck, nhưng đã được chuyển thể dưới dạng kịch thám hiểm phiêu lưu tưởng tượng. Vào một ngày trằn trọc vì khó ngủ, nhân vật chính Mitil bước qua cánh cửa nhỏ. Và thế là sân khấu lúc trở thành đoàn tàu hỏa, lúc trở thành chiếc thuyền dẫn cậu đi tới xứ sở thần tiên. Cậu gặp nữ hoàng bóng đêm và vượt qua những thử thách của cánh cửa chiến tranh, của lòng tham. Thông qua vở kịch này, trẻ thơ sẽ tự nhiên phát hiện ra hạnh phúc xung quanh mình.

Trang trí sân khấu vô cùng sáng tạo đã biến câu chuyện cổ tích quen thuộc biến thành chuyến du lịch đến xứ sở thần tiên. Đạo diễn Lee Kuk-hee thuộc đoàn kịch Nuri chia sẻ rằng chính những khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc của khán giả nhỏ tuổi khi xem kịch đã khiến ông không thể nào rời bỏ được sân khấu trẻ. Ông cho biết: "Cuộc sống nhiều khi nghiệt ngã và đầy rẫy những khó khăn. Nhưng tôi mong các em sẽ không bao giờ từ bỏ giấc mơ, hy vọng. Thông qua những vở diễn này, tôi mong các em sẽ ấp ủ thêm nhiều hy vọng. Lý do tôi theo đuổi sân khấu trẻ chính là muốn khích lệ các em tự mình giang đôi cánh ước mơ để bay tới xứ sở của những điều kì diệu."



Cùng với việc tổ chức hai kỳ lễ hội hàng năm, chất lượng vở diễn của các đoàn kịch ngày càng được nâng cao. Kĩ thuật thể hiện, triển khai mạch kịch cũng như bài trí sân khấu mới mẻ hơn theo từng năm. Chính bởi những tiến bộ đó mà Chủ tịch chi hộiASSITEJ Hàn Quốc Kim Sook-hee cảm thấy những lễ hội trở nên có ý nghĩa hơn. Bà nói: "Thực ra, sân khấu kịch dành cho thanh thiếu niên ở khu vực châu Á vẫn chưa được phát triển do những định kiến xem thường giá trị trẻ em trong lịch sử. Bởi thế, khi tổ chức lễ hội này, chúng tôi rất chú ý tới sự nỗ lực của các đoàn kịch để xây dựng và đưa tác phẩm của mình vào vòng tuyển chọn sâu hơn. Các đoàn kịch tham dự lễ hội này không vì mục đích thương mại mà cùng chung sức vì những tác phẩm thật sự có chất lượng."

Chính vì vậy mà các đạo diễn, người dàn dựng vở kịch khi tham gia lễ hội cũng cảm thấy có trách nhiệm hơn. Đạo diễn kiêm Trưởng đoàn kịch Nuri Lee Kuk-hee cho biết: "ASSITEJ có vai trò tiên phong trong việc mở rộng khán giả của sân khấu kịch. Sau 10 năm nữa, những đứa trẻ sẽ tham gia vào công cuộc phát triển xã hội. Vì thế, ASSITEJ có vai trò tạo nên điểm xuất phát với những giá trị đúng đắn cho thế hệ trẻ. Với vai trò đó, hoạt động biểu diễn do ASSITEJ thực hiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng."

Là thành viên của Hiệp hội sân khấu dành cho Thanh niên và Thiếu nhi quốc tế, trong vòng 30 năm qua, ASSITEJ Hàn Quốc tự hào là chi hội có các hoạt động sân khấu dành cho thiếu nhi sôi động nhất trong khu vực châu Á. Các tác phẩm của ASSITEJ không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí mà còn là những món quà đầy sáng tạo dành cho thế hệ tương lai. Thanh thiếu niên Hàn Quốc đang trưởng thành thông qua những món ăn văn hóa, tinh thần phong phú và đầy ý nghĩa tại đường Daehak, trung tâm của sân khấu kịch.

Lựa chọn của ban biên tập