Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

“Diện mạo mới của thư viện ở Hàn Quốc”

2014-01-21

["Thư viện nhỏ của chị"]Trẻ em đang chạy nhảy, chơi đùa thoải thích tại một không gian nhỏ. Điều thú vị là không gian này chính là thư viện. “Thư viện nhỏ của chị” ở phường Daerim, quận Yeongdeungpo, Seoul vừa là nơi gặp mặt của dân cư trong vùng, vừa là địa điểm vui chơi lý tưởng cho trẻ em. “Thư viện nhỏ của chị” mở cửa từ ngày 22 tháng 12 năm 2013, tức mới chỉ được một tháng nhưng đã được sự yêu mến của đông đảo người dân sở tại. Đến thư viện, có thể bắt gặp cảnh cha mẹ đang đọc sách cho con hay cảnh tụm năm tụm ba ngồi chuyện phiếm. Trẻ em đến đây vừa được đọc sách vừa được tham gia nhiều trò chơi như chơi đồ hàng, chơi trốn tìm. Một bà mẹ tâm sự: "Tôi thường không dám đưa con đến thư viện là nơi cần giữ yên tĩnh nhưng đến đây, cháu nhà tôi được tự do đọc sách, chơi và thậm chí còn nhấm nháp đồ ăn nhẹ nữa."

Nhắc tới thư viện là ta liên tưởng ngay tới khung cảnh yên tĩnh nơi người ta thường nhón gót nhẹ nhàng để phát ra tiếng bước chân. Chỉnh bởi vậy mà ý tưởng độc đáo của thư viện tạo cho người ta cảm giác thoải mái tự do đã thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả. Gần đây, ngoài “Thư viện nhỏ của chị”, nhiều khu vực trên địa bàn thủ đô Seoul cũng đã lần lượt xây dựng các thư viện nhỏ nhưng độc đáo. Thư viện đã bắt kịp với xu thế thời đại và phát triển với những diện mạo mới.

[Thư viện "Giấc mơ rồng"]Âm thanh mà chúng ta đang nghe rõ ràng là tiếng đọc sách, nhưng không phải qua giọng đọc của con người mà là từ một thiết bị đặc biệt với tốc độ khá nhanh và nội dung đọc có cả những kí hiệu như dấu ngoặc kép, dấu chấm, dấu phẩy. Đây là chương trình gì vậy? Thủ thư Kim Min-ju ở thư viện "Giấc mơ rồng" tại Văn phòng chính quyền quận Gwangak, Seoul giới thiệu: "Đây là dịch vụ dành cho những người khiếm thị hoặc những độc giả có thị lực yếu. Chương trình hướng dẫn bằng âm thanh, chỉ cần quét sách qua máy thì thiết bị sẽ tự động đọc sách."

Máy đọc sách dành cho người khiếm thị là dự án chủ đạo của Thư viện Giấc mơ rồng của quận Gwanak. Đây không phải là hình thức đọc sách bằng chữ nổi hay tệp tin âm thanh có sẵn mà người khiếm thị sẽ chọn và quét sách qua máy đọc sách ngay tại chỗ để đổi sách thành tệp tin âm thanh. Thủ thư Kim Min-ju chia sẻ: "Nếu các thư viện khác phục vụ độc giả bình thường thì thư viện của chúng tôi có đặt máy đọc sách để phục vụ độc giả khiếm thị. Với người bình thường thì tốc độ đọc này có vẻ quá nhanh, nghe không rõ nhưng lại rất thích hợp và tiện lợi với độc giả khiếm thị. Chúng tôi hy vọng các độc giả khiếm thị sẽ tích cực sử dụng dịch vụ này."

Tuy có máy đọc sách nhưng thư viện "Giấc mơ rồng" không phải là thư viện dành riêng cho người khiếm thị. Tầng một của Văn phòng chính quyền quận Gwanak được dùng làm thư viện dành cho người dân. Văn phòng quận Gwanak vốn là nơi rất nhiều người dân trong vùng lui tới để đăng ký cấp các giấy tờ và giải quyết những vấn đề trong khu vực. Thư viện đã trở thành địa điểm dừng chân và nghỉ ngơi lý tưởng cho cộng đồng. Ông Yoo Jong-pil, Chủ tịch Văn phòng quận Gwanak cho biết: "Trung bình mỗi ngày có khoảng một nghìn người lui tới thư viện. Đây là một con số khá lớn, phải không ạ? Tầng một của văn phòng có trần khá cao, do đó chúng tôi đã chia làm hai tầng và trang trí nội thất như một quán cà phê. Nhân dân trong quận đến giải quyết việc dân sự, trong thời gian chờ đợi không chỉ xem ti vi mà có thể tổ chức họp mặt hay đọc và mượn sách."

Đặc biệt, quận Gwanak còn thực hiện dự án xây dựng các "Thư viện có thể tìm đến chỉ bằng 10 phút đi bộ". Những không gian còn trống trong quận đều được tận dụng để lập thành thư viện, và "Giấc mơ rồng" chính là thư viện thứ 16 của quận Gwanak. Thư viện có trên 70 ghế với tổng diện tích 203m2 và 13.000 đầu sách. Mở cửa từ ngày 1 tháng 11 năm 2012, thư viện với hình thức quán cà phê sách này đã trở thành địa điểm ưa thích của cư dân sở tại và lúc nào cũng có khoảng 3.000 đầu sách được mượn.

Các độc giả đến thư viện chia sẻ: "Khi đến đây, bao giờ tôi cũng đọc báo trước và sau đó là đọc những cuốn sách mình ưa thích. Từ ngày đọc sách, tôi có cơ hội chiêm nghiệm về những việc đã xảy ra và cảm thấy những chuyện trước mắt được giải quyết suôn sẻ hơn và vì thế mà tôi ngủ cũng ngon hơn. Tôi thấy tên gọi "Giấc mơ rồng" quả là rất hợp, rất đúng cho thư viện." Một độc giả khác cho biết: "Tôi được biết có thư viện bên trong văn phòng quận nên nhân dịp nghỉ đông, sáng nào tôi cũng đến đây khoảng hai đến ba giờ. Có cơ hội được đọc sách, tôi thấy hứng thú hơn rất nhiều so với việc chơi game hay xem ti vi."

Thư viện "Giấc mơ rồng" không chỉ là nơi dành để đọc sách. Bốn phía thư viện được lắp tường kính, tạo nên một không gian nghỉ ngơi với kiến trúc mở. Bởi thế đây còn là địa điểm để tổ chức các lễ hội hay sự kiện trong khu vực. Ông Yoo Jong-pil, Chủ tịch Văn phòng quận Gwanak giới thiệu: "Thư viện luôn chật kín người mỗi khi chúng tôi tổ chức hòa nhạc kết hợp với đọc sách. Chúng tôi cũng có cả Phòng cho con bú dành cho các bà mẹ trẻ và Phòng họp nhỏ. Đây không chỉ đơn thuần là thư viện mà còn là không gian sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Ngày xưa, ở mỗi làng quê đều có một bến giặt để nhân dân trong làng tu tập dưới gốc cây du. Ngày nay, thư viện cũng chính là một bến giặt, một không gian văn hóa, không gian giao lưu, chia sẻ của nhân dân trong vùng."

["Thư viện nhỏ của chị" do các đoàn thể dân sự xây dựng]Thư viện có thể được chính quyền địa phương xây dựng nhưng cũng có thể được hình thành với sáng kiến của các đoàn thể dân sự. “Thư viện nhỏ của chị" ở quận Yeongdeungpo là thư viện do Hội phụ nữ Seoul, một tổ chức dân sự phi chính phủ thiết lập nên.

Yoon Mi-yeong, Giám đốc “Thư viện nhỏ của chị” giải thích: "Vài năm trước, tại quận Yeongdeungpo đã xảy ra một vụ án quấy rối tình dục trẻ em nghiêm trọng. Một kẻ xấu đột nhập vào trường học vốn là nơi an toàn và bắt cóc học sinh. Sau sự việc này, chúng tôi đã vô cùng trăn trở về việc xây dựng một khu vực lành mạnh, an toàn cho cộng đồng. Song song với những chiến dịch phòng chống bạo lực tình dục trẻ em, tổ chức lớp học dành cho phụ huynh, chúng tôi cũng nhận thấy cần phải tạo ra một không gian an toàn, tiện lợi dành cho phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, phường Daerim cũng là địa bàn phức tạp với tỷ lệ tội phạm khá cao, cơ sở hạ tầng văn hóa cũng như những không gian sinh hoạt an toàn cho người dân còn rất thiếu thốn. Đó chính là bối cảnh và động cơ ra đời của “Thư viện nhỏ của chị"."

Hội phụ nữ Seoul đã kêu gọi sự tham gia của các cộng đồng làng xóm để tạo ra một không gian sinh hoạt an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Kết quả, đã có 612 người dân địa phương cùng đồng lòng tham gia dự án xây dựng thư viện của Hội phụ nữ Seoul. Nói cách khác, “Thư viện nhỏ của chị" chính là thành quả chung tay, chung sức của nhân dân trong vùng.

Giám đốc Yoon Mi-yeong chia sẻ: "Ban đầu, chúng tôi chiêu mộ người dân làm Ủy viên trù bị cho dự án. Chúng tôi gặp từng người, đến từng cửa hàng để giải thích về dự án xây dựng “Thư viện nhỏ của chị". Trong suốt thời gian vận động chiến dịch, đã có hơn 600 người, trong đó có khoảng 500 người dân quận Yeongdeungpo đồng lòng cùng chúng tôi. Vì người dân đã chung tay ngay từ những ngày đầu nên sau khi mở cửa, thư viện cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của họ. Có những người đếm từng ngày đợi đến lễ khánh thành thư viện và đến từ sáng sớm ngay từ lúc thư viện mới bắt đầu mở cửa. Có người đóng góp cho quá trình xây dựng, có người tặng sách, có người quyên góp các vật phẩm cần thiết cho thư viện."

Thế nhưng có phải “Thư viện nhỏ của chị" là thư viện chỉ dành riêng cho nữ giới không? Giám đốc thư viện Yoon Mi-yeong giải thích thêm: ""Chị" từ xưa vốn là cách gọi thân thiết đối với người bề trên, không phân biệt nam nữ. Chúng tôi coi những phụ nữ trong vùng như chị gái và tạo được mối liên kết thân tình với họ. Vì thế, thư viện của chúng tôi mới có tên là "Thư viện nhỏ của chị". Thư viện cũng có rất nhiều hội viên nam. Vào những ngày có tiết học dành cho các bậc phụ huynh, có gia đình cả bố cả mẹ cùng tham gia. Cũng có rất nhiều ông bố đưa con đến đây đọc sách."



Diện tích chỉ có 103m2 nhưng “Thư viện nhỏ của chị” luôn tiếp đón độc giả đầy thịnh tình, chu đáo. Thư viện phát đồ ăn nhẹ khi độc giả đói, tăng nhiệt độ sưởi khi độc giả lạnh. Quả đúng là cảm giác khi đến chơi nhà người chị em thân thiết. Sau đây là chia sẻ của một người dân trong vùng"Đây là nơi nghỉ ngơi, uống cà phê, mượn sách của các bà mẹ. Giám đốc thư viện cũng rất chiều chúng tôi. Đến đây, nhiều khi chúng tôi được phát cả quýt, khoai lang và nếu có trẻ con thì sẽ được thư viện điều chỉnh nhiệt độ phòng sao cho phù hợp với lũ trẻ. Chúng tôi cũng có thể đem các thức ăn chuẩn bị trước từ nhà đến đây ăn. Đúng là cảm giác khi đến chơi nhà người bạn thân. Lũ trẻ cũng coi việc đến thư viện như là đi chơi."


Vì là thư viện do người dân trong khu vực chung sức xây dựng nên hoạt động quyên góp sách cho thư viện vẫn đang diễn ra đều đặn. Chỉ vừa mở cửa được một tháng, nhưng thư viện đã có 4.000 đầu sách thiếu nhi, 1.000 đầu sách người lớn. Với rất nhiều nguồn động viên, ủng hộ, “Thư viện nhỏ của chị" đang chuẩn bị cho những kế hoạch thiết thực trong năm mới 2014.

Giám đốc thư viện “Thư viện nhỏ của chị” Yoon Mi-yeong chia sẻ: "Một trong những chương trình được chúng tôi ấp ủ nhất là "Trường học trong nhà chị". Trên thực tế, đại đa số các chị em phụ nữ hoặc ở nhà chăm con, hoặc đi làm dạng hợp đồng, tuy nhiều người trong số họ có bằng cấp và trình độ học vấn cao. Bởi vậy, chúng tôi tổ chức chương trình "Trường học trong nhà chị" để vừa phát hiện, khai thác khả năng của các chị em phụ nữ, vừa tạo cơ hội để họ chia sẻ những khả năng đó cho hàng xóm láng giềng xung quanh. Xa hơn nữa, chúng tôi muốn xây dựng một đội ngũ tình nguyện viên luôn duy trì các hoạt động cộng đồng, nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó và sẻ chia trong khu vực."

[Thư viện truyện tranh phường Nokbeon]Sách có rất nhiều thể loại phong phú như tiểu thuyết, thơ, truyện cổ tích, từ điển bách khoa... nhưng nếu bầu chọn ra thể loại mà trẻ em ưa thích nhất thì đó chính là truyện tranh. Thư viện truyện tranh phường Nokbeon, quận Eunpyeong, Seoul mở cửa vào ngày 20 tháng 12 năm 2013. Thủ thư Kim Chae-won giới thiệu: "Trước đây, nơi này vốn là đồn cảnh sát của quận Eunpyeong. Vì tòa nhà đã cũ, đặc biệt là mặt tiền trông tồi tàn, nên Văn phòng quận đã cho phá tòa nhà cũ và xây dựng một tòa nhà có quy mô nhỏ hơn rồi ủy thác cho Thư viện quận Eunpyeong. Nhìn vào cơ cấu phân loại đầu sách, có thể thấy chúng tôi nhập nhiều các thể loại sách báo chuyên đề thể thao, tiểu thuyết và có cả phim hoạt hình mà các em ưa thích. Hiện nay, chúng tôi đang có khoảng 1.500-1.600 đầu sách."

Mới mở cửa được không lâu nhưng thư viện truyện tranh Nokbeon đã được thiếu nhi vô cùng mến mộ. Diện tích thư viện chỉ bó hẹp trong khoảng 60 m2 nên có những lúc độc giả phải xếp hàng để chờ đến lượt mượn sách. Các học sinh đến thư viện cho biết:"Nhà cháu không có truyện tranh. Cháu đã đến đây lần này là lần thứ năm rồi. Ở đây có rất nhiều truyện tranh và lại có thể đọc miễn phí trong những lúc rảnh rỗi nên cháu rất thích. Một độc giả nhỏ tuổi khác tâm sự: "Các thư viện bình thường khác chỉ có vài cuốn truyện tranh giáo dục nhưng khi đến đây cháu rất ngạc nhiên vì có nhiều truyện tranh và có cả những cuốn vừa mới được xuất bản."

Thư viện truyện tranh Nokbeon được xây dựng với hệ thống sưởi ondol truyền thống của Hàn Quốc. Trong thời tiết mùa đông giá lạnh hiện nay thì đây quả là địa điểm vui chơi, đọc sách lý tưởng cho thiếu nhi. Những tưởng chỉ trẻ em mới hứng thú với truyện tranh, nhưng độc giả lớn tuổi cũng tìm đến thư viện như để tìm lại cho mình một góc ký ức về những quán truyện tranh trong quá khứ.



Những quan niệm như thư viện chỉ là nơi mượn sách hay học tập giờ đã là chuyện trong quá khứ. Thư viện ngày nay không chỉ là nơi tổ chức những bài giảng, các buổi triển lãm mà còn là không gian kết nối cộng đồng, không gian vui chơi nhộn nhịp dành cho thiếu nhi. Sự tái sinh của thư viện trong dòng chảy bắt nhịp với xu thế mới của thời đại đang ngày càng thu hẹp khoảng cách giữa sách và con người.

Lựa chọn của ban biên tập