Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

“Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của danh họa Park Soo-geun”

2014-02-04

[Triển lãm tranh kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Park Soo-geun]Sinh ra và lớn lên trong thời đại xảy ra nhiều biến cố của dân tộc Hàn như từ thời thực dân Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc cho đến khi giải phóng dân tộc, rồi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), những tác phẩm của họa sĩ Park Soo-geun mang vẻ đẹp đơn sơ, giản dị và chứa đựng tâm tư, tình cảm của tầng lớp dân nghèo. Ông được đánh giá là họa sĩ vừa có phong cách sáng tác độc đáo, vừa thể hiện tính dân tộc sâu sắc nhất trong nền mỹ thuật cận hiện đại Hàn Quốc. Để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của danh họa, từ ngày 17 tháng 1, các tác phẩm tranh của ông được triển lãm tại Trung tâm nghệ thuật Ganainsa tại quận Jongno, thủ đô Seoul.



Triển lãm lần này giới thiệu với công chúng 90 bức tranh sơn dầu và 30 tác phẩm màu nước cũng như ký họa của họa sĩ Park Soo-geun. Đây là cuộc triển lãm các tác phẩm của danh họa này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Bà Kim Na-jeong, người phụ trách tổ chức triển lãm lần này cho biết:
“Cho tới nay, đã có các triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 10 năm, 20 năm ngày mất của họa sĩ Park Soo-geun nhưng triển lãm năm nay được coi là có quy mô lớn nhất với sự góp mặt của 120 tác phẩm. Bên cạnh đó, hầu như tất cả bức tranh tham dự triển lãm lần này đều là do nhiều nhà sưu tập cá nhân cho mượn nên về sau, khó có thể có một cuộc triển lãm thứ hai với quy mô như thế này.”


Tác phẩm của Park Soo-geun vốn có giá trị cao nên tổng giá trị các tác phẩm triển lãm lần này lên tới hơn 90 triệu USD. Những tác phẩm được trưng bày tại bốn tầng theo từng chủ đề khác nhau. Bà Kim Na-jeong giới thiệu: “Tranh của họa sĩ Park Soo-geun được trưng bày theo chủ đề ở cả bốn tầng của Trung tâm. Tầng một dành cho tranh phong cảnh màu nước, tầng hai giới thiệu các tác phẩm nói về những người làm ăn buôn bán ở chợ, một trong những chủ đề nổi bật thường thấy của họa sĩ, tầng ba là chủ đề chân dung những người hàng xóm, tầng bốn là những bức tranh theo chủ đề cây trụi lá.”



120 tác phẩm của Park Soo-geun quy tụ tại triển lãm lần lượt giới thiệu tới người xem về cuộc sống của những người rất đỗi bình thường. Đó là những người làm ăn buôn bán ở chợ, những thiếu phụ ở bến giặt, người đàn bà giã cối, người buôn dầu, thiếu nữ cõng em... Họa sĩ còn cố ý bỏ đi những gam màu sặc sỡ khiến người xem có cảm giác như đang chiêm ngưỡng các bức ảnh cũ. Những bức tranh sử dụng chất liệu sơn dầu được bồi nhiều lớp, bề mặt được chà xát, tạo cảm giác sần sùi để khắc họa một cách chân thực cuộc sống mộc mạc của những người hàng xóm.

Nói về các tác phẩm của danh họa này, nhà phê bình mỹ thuật Seo Seong-nok cho biết: “Nhắc tới họa sĩ Park Soo-geun là nhắc tới họa sĩ thành công nhất trong việc thể hiện mỹ học dân tộc là tính mộc mạc. Những nhân vật mặc áo truyền thống Hàn Quốc Hanbok trong tranh ông đem lại cảm giác gần gũi, thân quen. Nếu nhìn kỹ bề mặt các bức tranh, ta có thể thấy có một lớp chất liệu dày giống như bề mặt của đá. Đây là vật liệu đem lại cảm giác gần gũi.”

[Cuộc đời giản dị của danh họa Park Soo-geun]Bản thân cuộc đời của Park Soo-geun cũng gần gũi và chân thực giống như bề mặt những bức tranh sần sùi một cách tự nhiên, như không hề được trau chuốt. Nếu bỏ đi danh xưng “họa sĩ” thì ông hiện lên nguyên vẹn là hình ảnh một người chồng hay giúp vợ việc nhà, một người cha quan tâm chăm sóc các con, một người hàng xóm bình dị.

Park Seong-nam, con trai của họa sĩ Park Soo-geun, nhớ lại:
“Bố tôi không khác gì so với những ông bố bình thường khác. Ông mặc áo ba lỗ trắng, đi giày cao su trắng. Buổi sáng sau khi tỉnh dậy, ông gấp chăn, dọn bô, lau sàn nhà, quét sân. Nếu quần áo mẹ phơi đã khô thì ông đem gấp và xếp theo đúng chỗ mẹ để. Đến 9 giờ, ông ăn sáng rồi vẽ tranh từ 9 giờ 30 cho đến tận 4 giờ chiều. Sau đó, ông đi ra ngoài gặp bạn hay đi xem triển lãm. Đi đâu ông cũng mang theo quyển nháp nhỏ để phác họa khi cần thiết. Vì nhà chỉ có một gian nên cả nhà ngủ chung và ông luôn ngủ ở ngoài cùng. Chúng tôi nằm mà nghe được hết những lời kể chuyện thủ thỉ của cha mẹ như hôm nay gặp ai, có chuyện vui hay chuyện buồn gì. Có thể nói, tình yêu thương ông dành cho gia đình sâu nặng tới mức khó có thể tưởng tượng trong cuộc sống ngày nay.”

Người xem có thể cảm nhận tình yêu thương gia đình của họa sĩ Park Soo-geun qua những bức tranh triển lãm tại tầng một. Đó là đôi giày cao su màu trắng của người vợ, chiếc ba lô màu tím của con gái, hay món thạch hayđĩa cá thường xuất hiện trong bữa ăn gia đình. Nhà phê bình mỹ thuật Seo Seong-nok giải thích: “Có những bức tranh tưởng như vẽ phong cảnh nhưng thực ra lại là vẽ người, vẽ gia đình. Ông cũng có vẽ con trai và con gái, nhưng nhiều nhất là tranh vẽ người vợ Kim Bok-sun. Hình ảnh của bà là nhân vật chính trong những bức tranh về người đàn bà giã gạo, xay cối hay giặt giũ ở ngoài bến nước. Chuyện kể rằng, khi cầu hôn, ông đã nói với vợ như thế này: “Tuy anh là người họa sĩ nghèo nhưng anh sẽ khiến em hạnh phúc bằng những bức tranh”. Có lẽ, chính những bức tranh này là bằng chứng cho việc họa sĩ đã giữ lời hứa với vợ trong suốt cuộc đời.”



[Chân dung con người trong tranh Park Soo-geun]Những bức tranh của họa sĩ Park Soo-geun thường không miêu tả rõ khuôn mặt con người. Ông không vẽ mắt, mũi, miệng nhưng vẫn tạo cho người xem cảm giác gần gũi với các nhân vật trong tranh. Đó là điều chỉ có thể thực hiện trong thế giới tạo hình của Park Soo-geun. Nhà phê bình Seo Seong-nok lý giải: “Họa sĩ không chú trọng vào việc làm rõ danh tính mà tập trung vào không gian nơi các nhân vật xuất hiện. Ví dụ như không gian làng quê giếng nước, phiên chợ hay những người phụ nữ hái rau... Tuy không có tính cụ thể nhưng các nhân vật trong tranh vẫn tạo được cảm giác thân quen, gần gũi, bởi đó không chỉ là những con người trong quá khứ mà cũng có thể là hình ảnh của gia đình, làng xóm và của con người trong xã hội hiện đại. Đây là thủ pháp có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng mối giao cảm, đồng điệu giữa quá khứ và hiện đại.”

Trong số các tác phẩm, có bức tranh họa sĩ Park Soo-geun vẽ chân dung con trai là họa sĩ Park Seong-nam hồi năm tuổi. Khác với các tác phẩm khác, trong bức tranh này, họa sĩ khắc họa rõ nét hình ảnh khuôn mặt của con trai.

Họa sĩ Park Seong-nam chia sẻ với câu chuyện cảm động về bức tranh này:
“Sau ngày 4 tháng 1 năm 1951, trước áp lực tấn công của quân đội Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, Chính phủ Hàn Quốc buộc phải tạm thời rút khỏi thủ đô Seoul. Cha tôi đi xuống phía Nam trước và sau nhiều gian nan, gia đình tôi mới lại được đoàn tụ ở nhà người cậu. Sau đó, có người cho mượn một căn phòng để tiện trông nhà cho họ. Đến năm 1952, lần đầu tiên cha vẽ tôi. Tôi còn nhớ khi đó, bên ngoài có bạn rủ đi chơi, nhưng cha thì cứ nhìn chằm chặp vào tôi trong suốt năm tiếng đồng hồ. Sau này tôi mới hiểu rằng trong bối cảnh cuộc chiến tranh Triều Tiên đó, cha sợ có thể sẽ lại mất tôi và không còn được đoàn tụ với gia đình nữa. Chính vì thế mà cha muốn khắc họa chân dung của thời đại qua khuôn mặt tôi.”

[Nỗi đau thời đại và góc nhìn chân chính của người nghệ sĩ]Park Soo-geun sinh năm 1914, tại huyện Yanggu, tỉnh Gangwon, trong gia đình một nhà kinh doanh khoáng sản. Năm Park Soo-geun lên bảy tuổi, công việc kinh doanh của cha bị thất bại, vậy nên ông chỉ học được hết tiểu học. Thế nhưng những ước mơ của Park Soo-geun với mỹ thuậthội họa thì không bao giờ nguội tắt. Nhà phê bình Seo Seong-nok cho biết: “Thường để vẽ được những bức tranh thì không chỉ học hết phổ thông mà cần phải tốt nghiệp đại học mỹ thuật. Mỹ thuật là môn nghệ thuật yêu cầu cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, phải có thời gian tập luyện lâu dài. Park Soo-geun là tấm gương tiêu biểu cho ý chí phấn đấu trong quá trình tự khai sáng và tự tìm con đường biểu hiện độc đáo. Ông cũng là niềm tự hào của nền hội họa Hàn Quốc khi tự mình vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để xây dựng và hoàn thiện thế giới sáng tác riêng.”

Năm 1932, ở tuổi 18, Park Soo-geun chính thức trở thành họa sĩ khi trình làng mỹ thuật với tác phẩm “Mùa xuân đến” tại Triển lãm mỹ thuật Joseon. Tuy luôn phải chật vật lo miếng cơm, manh áo nhưng cái nhìn của ông luôn hướng về những con ngõ nhỏ, những phiên chợ thân thương, cái cây của làng, những người hàng xóm nặng tình, nặng nghĩa. Đối với ông, những hình ảnh bình dị đó là hiện thân cho thiện ý và sự chân thực của con người.

Về điều này, nhà phê bình Seo Seong-nok giải thích:
“Con người trong tranh của Park Soo-geun đều là hiện thân của nỗi đau thời đại. Họa sĩ không quan sát họ bằng cái nhìn từ trên cao nhìn xuống mà ông đứng từ nơi thấp nhất, nghèo khổ nhất để thu về trong tranh mình cuộc sống cơ cực của tầng lớp dân thường. Tấm lòng bác ái của Park Soo-geun xuất phát từ chính cuộc đời họa sĩ, vốn đã trải qua nhiều cơ cực, nỗi đau và sự thống khổ của cái nghèo. Đứng từ nơi thấp nhất để quan sát, đó là góc nhìn chân chính của người nghệ sĩ, và cũng là tài sản vĩ đại nhất mà Park Soo-geun để lại cho thế hệ sau như chúng tôi.”

[Khát vọng sống trong những bức tranh về người phụ nữ]Các tác phẩm trưng bày ở tầng hai và tầng ba cho chúng ta thấy được tình yêu thương của họa sĩ Park Soo-geun dành cho những người hàng xóm láng giềng. Bức tranh “Cây cổ thụ và người phụ nữ” tả cảnh người phụ nữ đang đội hàng trên đầu, phía trên là cây cổ thụ khẳng khiu, xơ xác. Trong thời đại nghèo khó đó, người phụ nữ trong tranh Park Soo-geun vẫn rất cứng cỏi, vững vàng. Bức “Người phụ nữ ngồi” vẽ cảnh một phụ nữ trung niên bán hàng ven đường đang ngồi, hai bàn tay đan vào nhau, có tấm bạt trải phía trước. Đó là hình ảnh của người mẹ gánh trên vai trách nhiệm mưu sinh cho cả một gia đình. Có thể thấy tranh của Park Soo-geun dành nhiều ưu ái cho phụ nữ, thiếu nữ hơn nam giới. Bởi họa sĩ cảm nhận được sự ấm áp, hy vọng nơi những người phụ nữ tuy yếu đuối nhưng vẫn luôn âm thầm nỗ lực trong cuộc sống.

Bà Kim Na-jeong, người phụ trách tổ chức triển lãm lần này, giới thiệu một trong những tác phẩm như vậy:
“Bức tranh “Thiếu nữ cõng em” vẽ một bé gái chừng 10 tuổi đang cõng em. Chủ đề này không chỉ được tái hiện trong một mà trong rất nhiều bức tranh khác của Park Soo-geun. Bản thân họa sĩ cũng có bốn con trai và hai con gái. Con gái đầu lòng của họa sĩ là Park In-suk cũng đã cõng và nuôi các em. Hình ảnh bé gái trong “Thiếu nữ cõng em” không chỉ khắc họa hình ảnh của con gái họa sĩ mà còn là hình ảnh tiêu biểu cho các thiếu nữ nói chung thời đó. Bức “Người buôn dầu” lấy hình mẫu từ chính người hàng xóm sống ở phường Changshin cạnh nhà họa sĩ. Theo lời kể lại, ông hàng xóm làm nghề buôn dầu vốn không biết chữ nên vẫn hay đến nhờ vợ họa sĩ là bà Kim Bok-sun đọc hay viết hộ và trả ơn bà bằng mấy lọ kem. Vì là tác phẩm lấy hình mẫu từ người hàng xóm trong đời sống thực nên đây là bức tranh đem lại nhiều cảm xúc chân thực cho người xem.”

Ngoài các bức tranh tiêu biểu trên, còn có các bức “Những người ở chợ”, “Đường về”, “Cổ thụ và lữ khách”, “Thiếu phụ giã cối”, “Thiếu phụ và thiếu nữ”, “Người già và lũ trẻ”, “Đứa trẻ nắm đuôi váy mẹ”... Những bức tranh tái hiện cuộc sống nghèo của những người dân thường, nhưng ta không đọc thấy trong đó có nỗi vất vả, khổ sở mà thấy toát ra từ những con người đó một tấm tình chan chứa.

Con trai của Park Soo-geun, họa sĩ Park Seong-nam kể lại: “Câu cửa miệng của cha lúc nào cũng là:”Không sao, không sao...” Cậu nhà đằng ngoại nhà tôi hay đến lấy gạo mỗi khi thấy cha bán được tranh. Mẹ áy náy nói xin lỗi thì cha cũng chỉ bảo “Không sao, không sao! Yeong-geun còn trẻ nên mới vậy”. Hoặc khi có người lấy mất tranh triển lãm, đáng ra phải đến đòi lại thì cha cũng lại chỉ nói “Không sao, đó là vinh hạnh vì có người mến mộ tác phẩm”.”

Dù trong hoàn cảnh nào, họa sĩ Park Soo-geun cũng luôn lạc quan. Thậm chí, sau khi bị mất một bên thần kinh thị giác do đục thủy tinh thể thì họa sĩ vẫn luôn cảm thấy biết ơn cuộc đời. Họa sĩ Park Seong-nam cho biết: “Khoảng năm 62, 63 tuổi, cha bị đau dây thần kinh thị giác và phải phẫu thuật tới hai lần. Lần thứ nhất phẫu thuật không thành công nên phải cắt dây thần kinh thị giác và lắp một bên mắt giả. Từ sau khi phẫu thuật, ông thường ngồi nghe nhạc cổ điển và nói chuyện cùng tôi. Ngày mùa đông, cha nói thấy hạnh phúc vì được ngồi vẽ tranh trong phòng ấm áp, trong khi ngoài kia có bao nhiêu người lao động phải làm việc khổ cực trong giá rét.”

[“Bến giặt” và mối tình lãng mạn của họa sĩ Park Soo-geun]Không chỉ có tinh thần lạc quan, Park Soo-geun còn là người đàn ông vô cùng lãng mạn trong tình yêu. Ông có mối tình “sét đánh” từ cái nhìn đầu tiên với người vợ là bà Kim Bok-sun tại bến giặt. Bởi vậy mà đối với họa sĩ, bến giặt đã trở thành địa điểm lãng mạn và được ông tái hiện trong rất nhiều bức tranh. Nhà phê bình mỹ thuật Seo Seong-nok cho biết thêm: ““Bến giặt” là bức tranh có giá bán đấu giá cao nhất tại Hàn Quốc. Lý do quan trọng nhất là bởi bức tranh gắn với câu chuyện về đời tư của họa sĩ Park Soo-geun. Bến giặt lấy chủ đề là bến nước hay bờ suối, địa điểm Park Soo-geun đã gặp và bắt đầu mối lương duyên đầy lãng mạn với bà Kim Bok-sun. Cũng bởi vậy mà đây là bức tranh được họa sĩ dồn nhiều tâm huyết, ông đã vẽ liên tiếp sáu bức tranh về chủ đề này.”

Trong triển lãm lần này có hai bức tranh về bến giặt được trưng bày tại tầng ba. Vào tháng 5 năm 2007, bức “Bến giặt” đã gây xôn xao dư luận khi trở thành tác phẩm của họa sĩ trong nước có mức bán đấu giá cao nhất là 4 tỷ 520 triệu won (tương đương hơn 4 triệu USD). Vì là tác phẩm chứa đựng câu chuyện tình lãng mạn của họa sĩ Park Soo-geun nên tác phẩm không chỉ có giá bán cao nhất mà còn là tác phẩm níu giữ bước chân người xem lâu nhất.

[Chủ đề cây trụi lá và thông điệp về cuộc sống]Lên tới tầng bốn, người xem có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm lấy chủ đề về cây của họa sĩ Park Soo-geun. Tiêu biểu cho chủ đề này có thể kể đến chuỗi các bức tranh “Cây và thiếu phụ” đã trở thành nguồn cảm hứng và hình mẫu của tiểu thuyết gia Park Wan-seo trong tác phẩm đầu tay “Cây trụi lá “. Hình ảnh cái cây đóng vai trò chống đỡ cả không gian bức tranh, nhưng thân cây khẳng khiu, đơn độc và trơ trụi lá trông như đã chết. Tuy nhiên, giống như với bức “Cổ thụ và cây con”, tái hiện hình ảnh một gốc cổ thụ trơ trụi lá và bên cạnh là một cây con đang nhú mầm, trong bức tranh “Cây và thiếu phụ”, người xem vẫn cảm thấy niềm khát khao, hy vọng bên trong sự tuyệt vọng. Tuy cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng đừng bao giờ từ bỏ sợi dây hy vọng, đó chính là thông điệp ấm áp mà những tác phẩm của họa sĩ Park Soo-geun muốn gửi gắm tới người xem.

Bà Kim Na-jeong, người phụ trách tổ chức triển lãm lần này, chia sẻ:
“Có một giai thoại do bà Kim Bok-sun kể lại rằng, vào một ngày mưa xối xả, bà có đi đón họa sĩ Park Soo-geun. Trên đường trở về nhà, có ba người bán hàng rong, ông ghé qua và mua mỗi hàng một ít. Bà có hỏi tại sao lại mua ở cả ba hàng trong khi trời mưa như thế, thì họa sĩ trả lời rằng nếu chỉ mua cho một người thì hai người kia chẳng phải sẽ buồn hay sao. Tấm lòng nhân ái đó của họa sĩ được thể hiện nguyên vẹn trong tranh, nên cho đến ngày nay, những tác phẩm này vẫn nhận được sự yêu mến của người xem.”
Cầm bút với tâm nguyện muốn truyền tải tính thiện và tính chân thực của nhân loại, họa sĩ Park Soo-geun đã tái hiện hình ảnh cả một dân tộc sống trong đói nghèo nhưng giàu ý chí và nghĩa tình. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, người dân Hàn Quốc tìm đến với ông để cảm nhận được sự tinh tế trong nghệ thuật và vẻ đẹp trong sự mộc mạc, chan chứa tình người.

Lựa chọn của ban biên tập