Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Chú lùn yêu công chúa Bạch Tuyết" - vở kịch thiếu nhi làm rung động trái tim người lớn

2014-02-25

["Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" và những tác phẩm chuyển thể]"Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" là câu chuyện cổ tích vùng Bắc Âu được hai tác giả người Đức là anh em nhà Grimm tổng hợp và sáng tác lại. Vào năm 1973, câu chuyện cổ tích quen thuộc này được hãng Walt Disney của Mỹ chuyển thể thành bộ phim hoạt hình dài tập đầu tiên trên thế giới. Mặc dù truyện cổ tích do anh em nhà Grimm sáng tác đã có lịch sử gần 500 năm, bộ phim hoạt hình chuyển thể cũng đã có tuổi đời 77 năm, nhưng cho đến tận ngày nay, "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" vẫn chiếm trọn tình yêu của những khán giả nhỏ tuổi.

Vào năm 2012, truyện cổ tích "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" lại được chuyển thể thành phim với tiêu đề "Mirror, Mirror" (Gương thần), trong đó nữ diễn viên Julia Roberts hóa thân thành mẹ kế, hoàng hậu gian ác ghen tỵ với nàng công chúa Bạch Tuyết. Trong phim, nữ hoàng chỉ mải lo giữ gìn sắc đẹp khiến cho vương quốc trở nên tiêu điều, còn công chúa Bạch Tuyết bị đẩy vào rừng sâu nhưng phải quay trở về lâu đài cứu hoàng tử đang trúng bùa yêu của nữ hoàng.

Phim "Bạch Tuyết trong truyện cổ Grimm" (Grimm's Snow White) của đạo diễn Rachel Goldenberg, công chiếu năm 2013, lại khắc họa nổi bật hình ảnh nàng công chúa mạnh mẽ, dũng cảm quyết chiến với nữ hoàng độc ác. Có thể thấy, truyện cổ tích về nàng Bạch Tuyết liên tục được khoác những tấm áo mới dưới nhiều thể loại như điện ảnh, kịch nói hay nhạc kịch. Từ năm 2001, sân khấu kịch nói Hàn Quốc cũng trình làng vở kịch với tiêu đề "Chú lùn yêu công chúa Bạch Tuyết".



[Vở kịch "Chú lùn yêu công chúa Bạch Tuyết" của Hàn Quốc]Nếu như trong truyện "Nàng Bạch tuyết và bảy chú lùn", công chúa Bạch Tuyết là nhân vật chính, còn các chú lùn chỉ là nhân vật phụ, thì trong vở kịch được chuyển thể của Hàn Quốc, nhân vật chính lại là chú lùn Bandal. Bandal là chú lùn ít tuổi nhất và bị câm nhưng lại đem lòng yêu công chúa Bạch Tuyết say đắm.

Nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik cho biết: "Tôi cho rằng tình yêu cao thượng, đầy hy sinh của chú lùn Bandal dành cho công chúa Bạch Tuyết rất hài hòa với mạch tư tưởng, tình cảm của người Hàn Quốc. Nếu như người phương Tây có khuynh hướng bộc lộ trực tiếp tình cảm của bản thân, thì người Hàn Quốc lại rất dễ đồng cảm với những câu chuyện tình đơn phương không thể ngỏ lời. Từ tinh thần khuyến thiện, diệt ác trong câu chuyện cổ, vở kịch đã nâng tác phẩm lên một tầm cao mới khi hướng sự đồng cảm của khán giả về câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn và đau thương. Chính vì vậy, vở diễn đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các khán giả lớn tuổi."

Phát triển trên mô típ câu chuyện về nàng Bạch Tuyết, vở kịch "Chú lùn yêu công chúa Bạch Tuyết" đã được công diễn tới 2.800 lượt và thu hút hơn 800.000 lượt xem trong suốt 13 năm qua. Quả không sai khi khẳng định rằng tác phẩm này đã trở thành vở kịch của toàn dân.

Nhà phê bình Kim Heon-sik nói thêm: "Đây là vở kịch tiêu biểu cho sự thành công của kịch nói quy mô sân khấu nhỏ. Ra mắt công chúng với xuất phát điểm là vở kịch dành cho thiếu nhi, nhưng trong suốt 13 năm qua, nó đã có chỗ đứng phù hợp và trở thành tác phẩm thiếu nhi được cả người lớn yêu thích. Con số 800.000 lượt xem là con số khó đạt được ngay cả với phim điện ảnh nhưng đây lại là thành tích của một vở kịch thiếu nhi. Điều này đã chứng tỏ những giá trị chân chính của một tác phẩm kịch được người dân yêu mến."

Vở kịch "Chú lùn yêu công chúa Bạch Tuyết" bắt đầu công chiếu từ tháng 5 năm 2001 với ý nghĩa là món quà dành cho các em thiếu nhi trong tháng 5, vốn được coi là tháng của gia đình tại Hàn Quốc do có ngày Trẻ em 5/5 và ngày Cha mẹ 8/5. Vào thời điểm đó, bảy diễn viên đã ra mắt khán giả trên một sân khấu vô cùng chật hẹp.

Ông Park Tul, nhà biên kịch vở “Chú lùn yêu công chúa Bạch Tuyết” chia sẻ: "Vở kịch xuất phát từ câu chuyện của chính bản thân tôi. Tôi đã từng yêu đơn phương một cô gái trong suốt bảy năm. Hồi đó, mỗi ngày, tôi gửi cho cô gái ấy ba mẩu chuyện hài hước tìm từ mục chuyện hài trên mạng. Một hôm, tôi tình cờ đọc một câu chuyện cảm động trong mục chuyện hài mà đáng lẽ phải nằm mục những bài viết cảm động. Chuyện đó dường như nói lên chính nỗi lòng tôi, nên khi tôi đọc toàn bộ câu chuyện cho bạn gái nghe, cô ấy đã khóc vì cảm động. Vì thế tôi đã hứa sẽ dựng một vở kịch cảm động làm món quà tặng cô ấy. Hồi đó là năm 1998."

Sau đó, nhà biên kịch Park Tul đã gấp rút bắt tay vào viết kịch. Cốt truyện và nhân vật nàng Bạch Tuyết cũng như bảy chú lùn được giữ nguyên như trong truyện cổ tích, nhưng nội dung vở kịch được xây dựng xoay quanh mối tình dành cho công chúa của chú lùn nhỏ nhất, ít tuổi nhất và bị câm. Đến năm 2014, vở kịch tái ngộ khán giả dưới hình thức nhạc kịch.

Vở nhạc kịch bắt đầu giống như trong truyện cổ tích, công chúa trốn mẹ kế, chạy vào rừng sâu và gặp bảy chú lùn. Mặc dù mở màn giống với truyện cổ tích nhưng nội dung bắt đầu thay đổi từ sau khi công chúa gặp và quyết định sống cùng bảy chú lùn. Trong số bảy chú lùn, có chú út Bandal từ khi sinh ra đã không biết nói. Bandal là chú lùn ít tuổi nhất, nhỏ bé và yếu đuối nhất. Chú bị câm và lại rất hay xấu hổ. Mới gặp công chúa lần đầu, nhưng Bandal đã đem lòng yêu thương nàng. Từ đó, mỗi khi công chúa phải đương đầu với hiểm nguy do mưu mô của mụ dì ghẻ, thì Bandal lại bất chấp tính mạng để cứu nàng. Một tình huống trong vở kịch là cảnh mụ dì ghẻ gây ra cảnh sóng to gió lớn khiến công chúa ngã xuống hồ. Bandal đã nhảy xuống hồ để cứu công chúa.
Một lần khác, công chúa lại bất tỉnh do bị gai hoa hồng độc của dì ghẻ đâm vào người. Bandal lại đương đầu với nguy hiểm để cứu nàng.

Nhà biên kịch Park Tul giải thích:"Để đi tìm thuốc giải độc do gai hoa hồng đâm vào người công chúa, chú lùn Bandal phải trải qua hành trình nguy hiểm trong suốt một tháng trời. Chú vượt núi, vượt sông, vượt biển, đi qua khu rừng ma quỷ, và thậm chí suýt phải đánh đổi cả tính mạng. Cuối cùng, chú đã lấy được những giọt nước mắt giải độc của các vị thần tiên và nghe các thần giảng về ý nghĩa của tình yêu."

Vượt qua hai thử thách gian nguy, công chúa Bạch Tuyết và chú lùn Bandal ngày càng thân thiết. Bandal vô cùng hạnh. Tuy nhiên, hạnh phúc thật ngắn ngủi. Mụ dì ghẻ lại tiếp tục đầu độc công chúa bằng quả táo độc, khiến nàng chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng. Chỉ có nụ hôn của vị hoàng tử nước láng giềng mới có thể cứu sống công chúa. Đó là một chuyến đi vô cùng nguy hiểm do phải đi qua thế giới của loài người. Song, chú lùn Bandal không hề do dự mà lập tức lên đường tìm lại sự sống cho công chúa. Sau bao nhiêu gian nguy, cuối cùng Bandal cũng đưa được hoàng tử về tới khu rừng để hôn công chúa đúng lúc.

Công chúa đã tỉnh dậy. Bandal sung sướng, lâng lâng trong niềm hạnh phúc. Đây chính là cơ hội để chú tỏ tình với nàng bằng điệu múa của riêng mình. Thế nhưng, hoàng tử nước láng giềng đã cầu hôn công chúa trước Bandal. Tình yêu đơn phương của Bandal đã kết thúc như thế. Chú cứ dần dần kiệt sức sau khi công chúa ra đi. Bandal đã trút hơi thở cuối cùng trong rừng sương mù, trên cánh đồng hoa bibi.

Thời gian trôi đi, công chúa Bạch Tuyết giờ đã trở thành bà mẹ của ba đứa trẻ. Tình cờ, công chúa phát hiện ra chiếc gương thần...Trước câu hỏi ai là người yêu mình nhất trên đời của công chúa, gương thần đã trả lời đó chính là Bandal. Ngay sau câu trả lời của gương thần, toàn bộ phông nền sân khấu biến thành cánh đồng hoa bi bi. Chú lùn Bandal xuất hiện giữa cánh đồng hoa và múa điệu tỏ tình với công chúa trong niềm hạnh phúc trào dâng. Mối tình thiết tha và đau khổ của chú lùn Bandal đã chạm tới đáy sâu trái tim khán giả. Một khán giả nữ chia sẻ: "Tôi đã nghẹn ngào trong suốt buổi diễn. Yếu tố âm nhạc hòa quyện cùng nội dung cảm động đã đem đến cho tôi những giây phút đắm chìm trong nghệ thuật." Một nam khán giả nói: "Truyện cổ tích kết thúc có hậu với đám cưới của hoàng tử và công chúa, trong khi vở kịch này để lại dư âm tiếc nuối với kết thúc buồn về câu chuyện tình yêu của chú lùn. Tôi cảm nhận được trong tình yêu đơn phương đó sự ngây thơ, trong sáng. Phải chăng, tất cả chúng ta cũng đều đang khao khát một tình yêu thánh thiện như thế?"



Nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik chia sẻ: "Trong cuộc sống ngày nay, có nhiều khi, mặc dù chúng ta đã nỗ lực hết mình để đạt được một điều gì đó với tình yêu và sự chân thành, nhưng kết quả có được lại không như ý muốn. Điều này cũng tương tự như mối tình đơn phương thiết tha mà đầy tuyệt vọng của chú lùn Bandal. Con người hiện đại cảm nhận rõ sự tổn thương, nỗi oan ức tiềm ẩn trong tâm hồn mình trước mối tình tuyệt vọng của Bandal. Vở kịch dường như là một liều thuốc tâm hồn, xóa bỏ những tổn thương cho con người hiện đại."

"Chú lùn yêu công chúa Bạch Tuyết", vở nhạc kịch với xuất phát điểm dành cho thiếu nhi, nhưng đã làm rung động trái tim những khán giả trưởng thành. Với các động tác múa uyển chuyển trên nền nhạc lãng mạn, tấm tình của chú lùn Bandal đã vượt qua giới hạn về không gian, thời gian để tìm truyền tải tới khản giả những cảm xúc chân thực của hiện tại. Tấm tình của Bandal có sức lan truyền, an ủi những trái tim bị tổn thương và đẩy lùi cái ác.
Câu chuyện về công chúa Bạch Tuyết của Hàn Quốc để lại dư âm đầy lắng đọng và dường như nhắn nhủ mỗi chúng ta rằng tình yêu cao thượng nhất lại bắt nguồn từ chính những con người nhỏ bé nhất.

Lựa chọn của ban biên tập