Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

"Đóa hoa không tàn"

2014-03-04

[Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême]Nằm cách thủ đô Paris (Pháp) 440 km về phía Tây Nam, Angoulême là một thành phố nhỏ bình yên với những bức tường thành bao quanh. Cứ vào tháng 1 hàng năm là thành phố lại náo nhiệt hẳn lên với bầu không khí rộn ràng của Liên hoan truyện tranh quốc tế.

Họa sĩ truyện tranh Shin Myeong-hwan cho biết: "Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1947 và năm nay là lần thứ 41 liên hoan này diễn ra. Angoulême vốn là một thành phố nhỏ với khoảng 40.000 dân, nhưng cứ đến dịp liên hoan này thì lại thu hút khoảng 200.000 khách. Liên hoan truyện tranh quốc tế là lễ hội lớn nhất trong lĩnh vực truyện tranh và là một trong năm lễ hội lớn nhất được tổ chức tại Pháp cùng Liên hoan phim quốc tế Cannes."



Năm nay, tác phẩm của Hàn Quốc đã nhận được nhiều sự quan tâm của thế giới tại liên hoan truyện tranh danh giá này. Ông Lee Hee-jae, Giám đốc Cơ quan Nội dung truyện tranh và hoạt hình Hàn Quốc chia sẻ: "Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême 2014 diễn ra đúng dịp kỉ niệm 100 năm Thế chiến thứ I bùng nổ vào năm 1914 nên chủ đề của liên hoan năm nay nói về những tổn thất mà chiến tranh gây ra cho nhân loại, những điều mà con người hiện đại ngày nay cần "khắc cốt ghi tâm". Hàn Quốc cũng bị Nhật Bản chiếm đóng từ năm 1910 và trở thành thuộc địa cho đến cuối Thế chiến thứ II. Cho đến tận ngày nay, vết thương của những nạn nhân là nô lệ tình dục vẫn chưa lành. Do đó, nhân dịp Liên hoan năm nay, chúng tôi đã quyết định khắc họa nỗi đau của những nạn nhân này để kêu gọi sự đồng tình của thế giới."

Chủ đề triển lãm của các tác giả truyện tranh Hàn Quốc tại liên hoan lần này có tên là "Đóa hoa không tàn". Đó là câu chuyện về cuộc đời những bà cụ đã từng là nô lệ tình dục cho quân Nhật được gửi gắm đến khán giả quốc tế qua những tác phẩm truyện tranh.

[ Các họa sĩ truyện tranh và chủ đề nô lệ tình dục]Vấn đề nô lệ tình dục là một trong những vết thương gây nhức nhối và day dứt trong lịch sử Hàn Quốc. Tiếc thay, vấn đề này lại chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng của cộng đồng quốc tế. Tội ác chiến tranh này chỉ gây được sự chú ý của công chúng khi bà Kim Hak-sun là nạn nhân đầu tiên công khai tố cáo những hành vi phi nhân đạo của Nhật Bản trong Thế chiến thứ II vào ngày 14 tháng 8 năm 1991. Tuy nhiên, năm 1997, bà đã từ trần trong khi vẫn chưa nhận được bất kỳ lời xin lỗi nào từ phía Chính phủ Nhật Bản. Cho đến nay, chỉ còn 55 nạn nhân còn sống tại Hàn Quốc. Tuy có nhân chứng rõ ràng, nhưng Nhật Bản vẫn mưu toan phủ nhận tội ác này và xuyên tạc lịch sử trong các sách giáo khoa.

Trong bối cảnh phức tạp đó, các công tác chuẩn bị và đem tác phẩm đi tham dự liên hoan đã gặp rất nhiều khó khăn và sức ép. Họa sĩ truyện tranh Shin Myeong-hwan chia sẻ: "Không biết có phải chúng tôi đã quá lo lắng hay không, nhưng quả thật tất cả các khâu chuẩn bị đều được triển khai hết sức thận trọng. Đây có lẽ là tâm lý chung khi đem tác phẩm đầu tay ra nước ngoài triển lãm. Hơn nữa, triển lãm này lại đề cập đến vấn đề lịch sử vô cùng nhạy cảm nên càng phải thận trọng hơn. Mặc dù tán đồng và ủng hộ chủ đề này, nhưng Ban tổ chức Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême cũng rất thận trọng về việc đảm bảo tính khách quan và chúng tôi cũng phải cẩn trọng trong từng câu, từng chữ."

Trong số 19 tác giả Hàn Quốc tham gia đóng góp tác phẩm vào cuộc triển lãm này, có người vốn đã quan tâm và thực hiện các tác phẩm về vấn đề nô lệ tình dục, có người phải nghiên cứu lại lịch sử để vẽ về chủ đề này. Tuy mỗi người có một hoàn cảnh và những khó khăn khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một tâm nguyện là muốn khắc họa sự thật lịch sử bằng truyện tranh.

Ông Shin Myeong-hwan cho biết: "Để vẽ về các cụ bà là nạn nhân bị ép buộc mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến thứ II, chúng tôi phải tìm hiểu về cuộc đời các cụ và phải nghiên cứu thêm về lịch sử. Trước khi bắt tay chuẩn bị cho triển lãm, hiểu biết của tôi về vấn đề này chỉ dừng lại ở những bài báo ngắn. Càng đi sâu tìm hiểu về cuộc đời các cụ, tôi nhận ra rằng chưa nói gì đến thế giới mà chính bản thân mình cũng như rất nhiều người Hàn Quốc còn có quá nhiều điều chưa biết về vấn đề này. Dùng những nét vẽ truyện tranh để khắc họa nỗi đau tinh thần của các cụ và để kêu gọi sự đồng cảm của các khán giả quốc tế tại Liên hoan Angoulême quả thực không phải là việc dễ dàng. Các tác giả truyện tranh đã phải họp lại và thảo luận rất nhiều với nhau. Tuy không hề dễ dàng, nhưng chúng tôi cảm thấy rất vui và ý nghĩa khi tham gia triển lãm này."

Triển lãm với chủ đề "Đóa hoa không tàn" của Hàn Quốc đã tái hiện câu chuyện về các nạn nhân của chế độ nô lệ tình dục trong Thế chiến thứ II dưới nhiều thể loại phong phú như biếm họa, truyện tranh dài tập, nghệ thuật sắp đặt, phim hoạt hình và phim tài liệu... Trong khuôn khổ của Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême lần thứ 41, 24 tác phẩm bao gồm 17 tranh vẽ, bốn phim hoạt hình, ba tác phẩm sắp đặt đã truyền tải một cách đầy đủ những nỗi đau và sự căm phẫn về vấn đề nô lệ tình dục tới các độc giả truyện tranh trên toàn thế giới.

[Sự ủng hộ của khán giả quốc tế]Bộ phim hoạt hình dài 11 phút mang tên "Chuyện về cô bé" của đạo diễn Kim Jun-ki đã sử dụng giọng nói thực của bà Jeong Seo-un khi bà trả lời phỏng vấn lúc sinh thời. Bà đã trực tiếp kể về cảnh mình bị bắt sang đảo Java của Indonesia và sống kiếp nô lệ tình dục trong vòng nhiều năm. Xem phim, tất cả các khách tham quan đã cùng phẫn nộ và khóc thương cho cuộc sống bị đầy ải như trong địa ngục của những phụ nữ bị ép buộc mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến thứ II.
Trong vòng bốn ngày diễn ra Liên hoan truyện tranh quốc tế, đã có 7.000 khách tới thăm gian triển lãm của Hàn Quốc. Con số này vượt xa khỏi dự đoán của những người thực hiện.

Họa sĩ truyện tranh Kim Kwang-seong chia sẻ: "Các khách tham quan đã hưởng ứng và thể hiện cảm xúc rất mãnh liệt hơn cả sự mong đợi của chúng tôi. Họ để lại những dòng tâm sự trên bức tường ghi ước nguyện như: lần đầu tiên chứng kiến những hành vi man rợ như thế này, rất bất ngờ, phẫn nộ và động viên các nạn nhân đừng từ bỏ dũng khí... Điều khiến khách quốc tế phẫn nộ nhất là những cô bé mới chỉ 14, 15 tuổi nhưng đã bị bắt và phải sống kiếp nô lệ trong nhiều năm liền. Chúng tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên khi chứng kiến những phụ nữ lớn tuổi nước mắt lưng tròng khi xem các tác phẩm triển lãm. Sự đồng cảm giữa những người phụ nữ khiến cảm nhận về nỗi đau cũng như sự phẫn nộ, căm tức trở nên rõ rệt và sâu lắng hơn."

Thông qua sự thành công của cuộc triển lãm năm nay, các tác giả truyện tranh cũng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm và vai trò của người nghệ sĩ sáng tác. Họa sĩ Shin Myeong-hwan chia sẻ: "Bản thân những người sáng tác như chúng tôi cũng không thể ngờ cuộc triển lãm sẽ thành công đến như vậy. Thông qua thành công này, chúng tôi phát hiện rằng truyện tranh cũng có thể tạo ra sức ảnh hưởng lớn. Tuy trong quá trình chuẩn bị triển lãm cũng có nhiều khó khăn và ý kiến trái chiều, nhưng có rất nhiều người đã thể hiện quyết tâm sẽ tham gia vào những dịp tiếp theo."

[Triển lãm "Đóa hóa không tàn" tại Bảo tàng truyện tranh Bucheon]Tiếp nối thành công tại Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême, các tác phẩm được tiếp tục trình bày tại Bảo tàng truyện tranh Bucheon vào ngày 18 tháng 2 vừa qua.

Buổi triển lãm tại Bucheon giới thiệu những tấm ảnh ghi lại khung cảnh của Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême và tất cả các tác phẩm mà Hàn Quốc đã mang tham dự liên hoan.

Bước chân vào phòng trưng bày tác phẩm sắp đặt, khách tham quan đều nhìn thấy ngay tác phẩm trùng tên với chủ đề của cuộc triển lãm - "Đóa hoa không tàn". Đây là tác phẩm của họa sĩ Shin Myeong-hwan. Ông sử dụng chiếc đồng hồ cát không thể lật ngược để gửi gắm tới người xem thông điệp: không thể đảo ngược lịch sử về những nạn nhân bị ép buộc mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến thứ II.

Ông Shin Myeong-hwan giải thích: "Đồng hồ cát mang hình ảnh dòng sông bị thắt khúc ở giữa trước bạo lực chiến tranh. Những hạt cát tượng trưng cho thời gian lịch sử bị dồn lại tại khúc thắt. Giữa đụn cát xếp chồng, hiện lên hình ảnh khuôn mặt trẻ trung, nhưng khuôn mặt ấy dần trở nên già nua, khắc khổ với những nếp nhăn và dấu ấn khổ đau do bị vũ khí, gót giày quân Nhật giày xéo, chà đạp và bị bạo hành tình dục. Tôi đã thể hiện việc những hạt cát chảy xuống nửa dưới của chiếc đồng hồ cát như các bà cụ ra đi. Đồng hồ cát bình thường có thể dốc ngược lại để lặp lại quá trình đếm thời gian, nhưng chiếc đồng hồ cát đặc biệt này là hiện thân của lịch sử nên không thể đảo ngược. Cát trong đồng hồ không quay trở lại mà sẽ nở thành hoa."

Đi qua phòng trưng bày sắp đặt, quan khách bắt gặp bức tranh với tiêu đề "Nếu ngày đó đến" của tác giả Cha Seong-jin. Bức tranh có viền băng tang vẽ hình một bà cụ nhân từ với những nếp nhăn sâu khắc khổ. Đây là hình ảnh biểu tượng cho những cụ bà là nạn nhân bị cưỡng ép mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến thứ II.

Ngoài ra, các tác phẩm đều mang tính tố cáo sâu sắc như tác phẩm "Nhẫn hoa" của họa sĩ Tak Yeong-ho lấy mô-típ từ bức tượng thiếu nữ đặt trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc mang tên “thiếu nữ hòa bình”, tác phẩm "Vô đề" của họa sĩ Go Kyeong-il vẽ cảnh những nô lệ tình dục bị máy bay chiến đấu của quân đội Nhật thả xuống chiến trường...Các tác phẩm gây xúc động mạnh và như chất vấn sự vô tâm của lịch sử trước nỗi đau của những nạn nhân bị cưỡng ép mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến thứ II. Một khách tham quan chia sẻ: "Khi xem những hình ảnh này, tôi vừa thấy xót xa, vừa thấy căm phẫn và không thể chấp nhận được thái độ thờ ơ, phủ nhận lịch sử của Nhật Bản."
Một khách tham quan khác nói: "Trước đây tôi cứ nghĩ mình đã hiểu về vấn đề này. Nhưng khi xem những bức tranh và các hình thức thể hiện phong phú, tôi thấy lịch sử được khắc họa một cách cụ thể và chân thực hơn, gây xúc động mạnh mẽ hơn."

Bức tranh của tác giả Park Je-dong vẽ thiếu nữ đang chắp hai tay vào nhau khóc khiến tất cả khách tham quan nghẹn ngào. Họa sĩ truyện tranh Shin Myeong-hwan giải thích: "Khi trưng bày ở Angoulême, tác phẩm này có chiều dài 2 mét 25 và mang tiêu đề "Con đường vô tận". Thực ra, tác giả Park Je-dong muốn kéo dài bức tranh lên 10 mét, nhưng vì diện tích phòng triển lãm ở Angoulême hạn chế nên chúng tôi chỉ bày bức tranh trong khoảng 2,25 mét. Khi thưởng thức tác phẩm từ trái qua phải, ban đầu khách sẽ bắt gặp hình ảnh thiếu nữ đang lấy tay che mặt. Khách tham quan sẽ tò mò cô gái này có đang khóc hay không và tiếp tục đi theo con đường để xem tận cuối bức tranh nơi họ sẽ thấy ngôi làng quê hương của thiếu nữ. Tác phẩm đã khắc họa một phần nỗi lòng nhớ quê của những nô lệ tình dục bị đầy ải từ khi còn rất nhỏ."



Nếu tác phẩm “Thiếu nữ khóc” của họa sĩ Park Je-dong gửi gắm nỗi niềm nhớ quê đầy uẩn ức thì tác phẩm "Nhật Bản làm ngơ" của họa sĩ truyện tranh Lee Hyeon-se lại khắc họa sự căm phẫn, vùng lên của những nô lệ tình dục. Họa sĩ Shin Myeong-hwan nói: "Bức tranh vẽ cảnh cô bé bẻ đôi thanh kiếm và đánh ngã võ sĩ Samurai nằm sóng soài trên đất. Bức tranh còn có lời thoại mang đậm phương vị thổ ngữ và thời đại như: “Không, ta không thể chết oan như thế này được. Ta mới chỉ 13 tuổi, bị bắt đi khi đang đào khoai tây...”

Bên cạnh các tác phẩm sắp đặt và tranh, còn có nhiều tác phẩm truyện tranh dài tập kể về cuộc đời các nạn nhân như tác phẩm "Bài ca của bướm" của họa sĩ Kim Kwang-seong. Tác giả đã thu thập các tài liệu được kể lại từ nhân chứng cụ thể và thể hiện đầy chân thực nỗi đau, sự thống khổ của những cụ bà đã từng là nô lệ tình dục cho quân Nhật trong thế chiến thứ II. Ông Kim Kwang-seong chia sẻ: "Hiện nay, Hội đồng chính sách về vấn đề phụ nữ bị ép buộc mua vui trong thời chiến lấy hình ảnh con bướm vàng làm biểu tượng của những nạn nhân này. Nội dung tác phẩm “Bài ca của bướm” kể về một cụ bà cũng là nạn nhân nô lệ tình dục nhưng đã giấu đi quá khứ này trong suốt 70 năm. Sau này, cụ tình cờ gặp người bạn cùng cảnh ngộ trong cuộc biểu tình tố cáo tội ác quân Nhật diễn ra vào thứ Tư hàng tuần tại đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul. Sau đó, cụ đã can đảm chia sẻ về quá khứ đau thương cho gia đình và người thân. Sau khi giãi bày và trút bỏ được gánh nặng suốt hàng chục năm, cụ hóa thân thành những cánh bướm bay đi tìm hy vọng... Quả thật quân Nhật có rất nhiều hành vi man rợ gây căm phẫn và bất bình. Tôi đã phải trăn trở rất nhiều để vừa hạn chế lòng thù hận dân tộc, vừa khắc họa rõ nét nỗi đau của những nạn nhân."

Truyện tranh "Bài ca của bướm" dài 90 trang và chỉ được giới thiệu một phần trong khuôn khổ cuộc triển lãm. Dự kiến sắp tới, tác phẩm này sẽ được xuất bản thành ấn phẩm chính thức.
Trong các tác phẩm, có truyện tranh "Chuyến tàu hung bạo” do Ahn Cheol-soo viết và họa sĩ Kang Hyo-suk vẽ, được triển lãm bằng mô hình tự chuyển động. “Chuyến tàu hung bạo” được thể hiện bằng mô hình đoàn tàu đồ chơi, chạy bằng dây cót. Đoàn tàu dừng lại giữa đường, nơi có cây hoa anh đào và thiếu nữ bị quân đội Nhật cưỡng hiếp tập thể. Khi được lên dây cót, đoàn tàu chở quân Nhật chạy vòng quanh cây hoa anh đào và mỗi lần tàu đi qua, hoa anh đào lại nhuộm màu đỏ rực như dòng máu oan khiên của người thiếu nữ.

Hiện nay, độ tuổi trung bình của những cụ bà là nạn nhân bị ép buộc mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến thứ II là 88 tuổi. Tuy thời gian không còn nhiều, nhưng các cụ đã an tâm và vững tin hơn khi có nhiều người cùng chia sẻ và sát cánh trong cuộc đấu tranh đòi lại sự công bằng. Tác phẩm "Còn lại đó niềm tin" của tác giả Kim Shin đã gửi gắm hy vọng đó. Truyện tranh khắc họa lại bức tượng thiếu nữ đặt trước cửa Đại sứ quán Nhật Bản và hình ảnh bà cụ là nạn nhân bị ép buộc mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến thứ II đang ngồi cạnh nhau, xung quanh là những cánh bướm vàng tượng trưng cho niềm hy vọng. Bức tranh đã gửi gắm tâm nguyện của tác giả rằng tuy đã trải qua quá khứ đau thương, nhưng các cụ vẫn có quyền được ước mơ và hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.

Từ thành phố Angoulême nhỏ bé của nước Pháp, những câu chuyện về cuộc đời các nạn nhân bị ép buộc mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến thứ II đã lặng lẽ lan tỏa đi khắp thế giới. Giờ đây, vấn đề nô lệ tình dục không còn là chuyện phân xử đúng sai giữa hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản mà đã trở thành mối quan tâm của toàn thế giới. Triển lãm truyện tranh Hàn Quốc "Đóa hoa không tàn" đã nhận được sự đồng cảm và ủng hộ của nhân dân quốc tế. Thông qua triển lãm lần này, vai trò và tầm quan trọng của truyện tranh lại càng được khẳng định hơn nữa.

Giám đốc Cơ quan Nội dung truyện tranh và hoạt hình Hàn Quốc Lee Hee-jae nói: "Truyện tranh vốn thường được xem là thể loại mang tính giải trí nhẹ nhàng. Tuy nhiên, thông qua triển lãm lần này, chúng tôi đã nhận ra được vai trò và khả năng truyền tải những thông điệp xã hội của truyện tranh. Khi sử dụng truyện tranh để kể những câu chuyện này trên vũ đài quốc tế, chúng ta không phải đấu tranh đơn độc mà sẽ nhận được sự đánh giá công tâm, khách quan của một bên thứ ba. Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême lần này cũng đã trở thành cơ hội để nhân dân toàn thế giới nhận ra đâu là sự thật, đâu là lịch sử được che đậy để phục vụ cho mục đích chính trị. Trên phương diện này, triển lãm "Đóa hoa không tàn" của Hàn Quốc mang giá trị cũng như ý nghĩa sâu sắc và trở thành nguồn động viên lớn lao đối với các nạn nhân bị ép buộc mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến thứ II."

Lựa chọn của ban biên tập