Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Thưởng thức những giai điệu nhạc phổ thơ Hàn Quốc vào mùa thu

2014-11-11

["Một thế kỷ thanh nhạc - Giai điệu thơ trên khuông nhạc"]Vào ngày 28 tháng 10 năm 2014, Nhà văn hóa nghệ thuật Gwangjin đã tổ chức một buổi ca nhạc tưởng niệm 100 năm ngày sinh của cố nhạc sĩ Kim Yeon-jun, hiệu là Bạch Nam (1914-2008). Kim Yeon-jun vừa được biết đến như một nhà giáo dục, người sáng lập trường đại học Hanyang, vừa là một nhà soạn nhạc lẫy lừng với hơn 3.600 tác phẩm phổ thơ Hàn Quốc. Trong số đó, phải kể đến ca khúc nổi tiếng “Muốn sống ở thanh sơn”. Các khán giả chia sẻ về bài hát này:"Ca từ thật hay, từng lời, từng lời đều chứa đựng ý nghĩa sâu xa. Tôi rất thích và cũng hay hát ca khúc này."; "Đây là ca khúc vô cùng thích hợp để nghe vào mùa thu. Bản thân ca từ là những vần thơ lay động lòng người, khiến cho cả những người không hiểu về âm nhạc như tôi cũng thấy bâng khuâng, xúc động."

Cứ mỗi độ thu sang, khi cả đất trời ngập tràn trong sắc lá vàng, lá đỏ miên man, thì lòng người dường như cũng lắng lại, chìm đắm trong những suy tư, những nỗi nhớ thương da diết. Trong khoảnh khắc giao mùa này, các tác phẩm nhạc phổ thơ Hàn Quốc tựa như dòng suối xúc cảm dâng trào, đong đầy những trải nghiệm về mùa thu. Cũng bởi vậy mà cứ vào dịp này hàng năm là nhiều địa phương trên toàn quốc lại tổ chức các buổi biểu diễn dưới nhiều tên gọi khác nhau như: Đêm nhạc phổ thơ Hàn Quốc, Hương sắc thơ Hàn Quốc được phổ nhạc, Bữa tiệc ca khúc viết từ thơ Hàn Quốc.
Năm 2014 cũng là mốc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc Kim Yeon-jun. Nhân dịp này, Bảo tàng trường đại học Hanyang đã tổ chức buổi triển lãm đặc biệt mang tên: “Một thế kỷ thanh nhạc - Giai điệu thơ trên khuông nhạc”. Người phụ trách quản lý và tổ chức triển lãm của bảo tàng, bà Hwang Na-yeong cho biết:"Phần một của triển lãm mang chủ đề: Con đường phát triển của thanh nhạc Hàn Quốc, phần hai là Thế giới âm nhạc của cố nhạc sĩ Kim Yeon-jun với chủ đề mang tên ca khúc tiêu biểu của ông “Muốn sống ở thanh sơn”. Chủ đề thứ nhất được được chia thành bốn phần chính: “sự du nhập của âm nhạc phương Tây thời kỳ đầu”; “dòng chảy âm nhạc phổ thơ Hàn Quốc”, giới thiệu chặng đường lịch sử của thanh nhạc Hàn Quốc; “Những người có công hình thành, phát triển thanh nhạc Hàn Quốc”, giới thiệu về các nhà soạn nhạc, thi nhân, ca sĩ Hàn Quốc; và cuối cùng là “Những đêm không ngủ vì thanh nhạc”. Trước đây, các chương trình truyền hình giới thiệu nhạc phổ thơ vào ban đêm và dành được nhiều sự quan tâm của đông đảo khán giả. Bởi vậy mà phần “Những đêm không ngủ vì thanh nhạc” sẽ gợi lại giai đoạn quá khứ huy hoàng của nhạc phổ thơ Hàn Quốc trong dòng chảy lịch sử."



[Quá trình hình thành nhạc phổ thơ Hàn Quốc]Lịch sử nhạc phổ thơ Hàn Quốc bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, cùng với sự hiện diện của những nhà truyền giáo nước ngoài và sự xâm nhập của nền văn minh phương Tây. Để phục vụ cho hoạt động truyền giáo, các linh mục đã dạy người dân Hàn Quốc hát thánh ca và qua đó, họ cũng đồng thời giới thiệu về các kiến thức thanh nhạc phương Tây. Do đặc điểm lịch sử này nên buổi triển lãm đặc biệt về nhạc phổ thơ Hàn Quốc cũng giới thiệu từ thời kỳ thai nghén ban đầu của lịch sử nhạc phổ thơ. Bà Hwang Na-yeong tiếp tục giới thiệu:"Theo ghi chép để lại, trong một lần đến thăm nhà thầy truyền giáo và nhìn thấy vị phu nhân ngồi chơi piano, những nghệ sĩ như Kim In-sik, Hong Nan-pa đã rất ngạc nhiên, hứng thú và xin học cách chơi các nhạc cụ như viô-lông, organ, piano. Về sau, các thầy truyền giáo chính thức mở trường đào tạo giảng dạy về âm nhạc và đào tạo các học sinh người Hàn Quốc. Tại nhà thờ Saemunan do Linh mục Horace Grant Underwood sáng lập, hay trường nữ sinh Ewha đều có môn học về âm nhạc phương Tây. Trường Ewha là cơ sở đầu tiên thành lập Khoa âm nhạc vào năm 1925. Vào thời đó, những người học xướng ca, thánh ca sau thời gian đi du học tại Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu đã trở về trường và đặt những viên gạch đầu tiên cho nền âm nhạc phổ thơ Hàn Quốc."

Buổi triển lãm đã trưng bày những tấm ảnh lưu lại các sự kiện âm nhạc và các bài thánh ca. Tập thánh ca đầu tiên tại Hàn Quốc do linh mục Underwood biên soạn xuất bản năm 1894 có 117 ca khúc và trong đó có 88 ca khúc được giới thiệu kèm bản nhạc. Vì đây là ấn phẩm âm nhạc đầu tiên tại Hàn Quốc có cả nhạc phổ nên vào tháng 8 năm 2011, Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc đã công nhận Tập thánh ca này là di sản văn hóa số 478. Do đặc điểm lịch sử, nên nhạc phổ thơ Hàn Quốc thời kỳ đầu hiển nhiên chịu nhiều ảnh hưởng của phong cách Tây phương. Bà Choi Yeong-sik, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu âm nhạc phổ thơ Hàn Quốc, cho biết:"Thể loại thanh nhạc Hàn Quốc thời kỳ đầu những năm 1920 phỏng theo âm nhạc phương Tây. Âm nhạc của phương Tây luôn được hình thành giai điệu trên ca từ. Khái niệm này hoàn toàn khác với khái niệm nhạc truyền thống Hàn Quốc Gukak (Quốc nhạc). “Nhạc phổ thơ” là một trong những loại hình âm nhạc phương Tây được hấp thụ và hình thành một cách tự nhiên tại Hàn Quốc. Nhạc phổ thơ của Hàn Quốc ngay từ thời kỳ đầu cũng thể hiện nhiều điểm khác biệt trong ngữ điệu ca từ cũng như hình thái âm nhạc."

Vậy nhạc phổ thơ của Hàn Quốc trong giai đoạn đầu có đặc điểm gì? Tác phẩm tiêu biểu cho thời kỳ này là khúc “Bongseonhwa” (Hoa Phụng tiên) do nhạc sĩ Hong Nan-pa sáng tác vào năm 1920. Giám đốc Choi Yeong-sik giải thích:"Thực ra nhà soạn nhạc Hong Nan-pa còn là tiểu thuyết gia. Trong phần đầu của truyện ngắn mang tên “Hồn trinh nữ”, ông có giới thiệu một bản viô-lông không lời mang tên “Ai sầu”. Sau đó ba năm, nhạc sĩ Kim Hyeon-jun đã dựa trên giai điệu này để viết lời và đặt tên cho ca khúc là “Hoa Phụng tiên”."

Những lời thơ khắc khoải được thể hiện trên giai điệu viô-lông bi thương của khúc “Ai sầu” đã lột tả tâm trạng buồn đau, mất nước của người dân trên bán đảo Hàn Quốc trong thời kỳ bị thực dân Nhật chiếm đóng (1910-1945).

[Quá trình phát triển của nhạc phổ thơ Hàn Quốc]Phần thứ hai của triển lãm “Một thế kỷ thanh nhạc - Giai điệu thơ trên khuông nhạc” đưa người xem trở về quá trình hình thành và phát triển của nhạc phổ thơ Hàn Quốc. Vì giai điệu âm nhạc được phổ trên những vần thơ mang hơi thở và tâm tư của thời đại nên các ca khúc cũng thay đổi theo từng thời kỳ khác nhau. Trong giai đoạn bị thực dân Nhật xâm lăng, phần lớn những bài hát đều phản ánh nỗi đau mất nước, khát khao độc lập, hy vọng về tương lai. Trong số này, phải kể đến ca khúc “Người tiên phong” được nhà soạn nhạc Cho Du-nam phổ từ thơ của Yun Hae-yeong vào năm 1933.

Bối cảnh của ca khúc “Người tiên phong” không phải là Hàn Quốc mà là thành phố Long Tỉnh thuộc Khu tự trị Duyên Biên (Trung Quốc). Long Tỉnh là nơi hoạt động sôi nổi của các nhà vận động đòi độc lập và ngay trên đỉnh núi Phi Nham cách thành phố 3 km có một cây thông, chính là cây thông Ilsongjeong (Nhất tùng đình) xuất hiện trong ca khúc “Người tiên phong”

Dù Nhất tùng đình có già đi, già nữa
Nhưng dòng sông một nhánh Hải Lan vẫn trôi mãi ngàn năm
Người tiên phong cưỡi ngựa chạy dọc triền sông
Chí vẫy vùng giờ này sâu nơi nao?


Nhất tùng đình là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần đấu tranh bất khuất của những nhà hoạt động độc lập thời bấy giờ. Sau khi ca khúc được lan truyền rộng rãi trong quần chúng, thực dân Nhật đã cố tình để cho cây thông chết khô vào năm 1938. Đến năm 1991, với sự hợp tác, hỗ trợ của thành phố Long Tỉnh và người Hàn Quốc, một cây thông khác đã được trồng lại đúng vị trí năm xưa trên ngọn núi Phi Nham.

Chưa kịp hưởng trọn niềm vui giải phóng, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ năm 1950 lại đưa cả dân tộc vào cảnh lầm than, tăm tối. Nhưng đó cũng chính là thời kỳ nở rộ của nhạc phổ thơ Hàn Quốc. Người phụ trách quản lý và tổ chức triển lãm của Bảo tàng trường đại học Hanyang, bà Hwang Na-yeong cho biết: "Đã có rất nhiều tác phẩm nhạc phổ thơ Hàn Quốc được sáng tác trong hoàn cảnh đen tối, mờ mịt của chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Đặc biệt, những cuộc hội ngộ đầy “nhân duyên” giữa nhà thơ và nhạc sĩ trên đường lánh nạn, đi xuống các thành phố Busan, Daegu đã tạo ra chất xúc tác và những thăng hoa về nghệ thuật trong từng ca khúc. Những tác phẩm nổi tiếng như “Cánh đồng lúa mạch”, “Cá Minh Thái”...đều được ra đời trong thời kỳ chiến tranh này."

Sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, đất nước chỉ còn lại là đống tro tàn ngổn ngang đầy thương tích, các gia đình bị ly tán và nhiều tử sĩ vẫn nằm lại nơi chiến trường. Năm 1969, với tư cách là một nhà sản xuất truyền hình, ông Han Myeong-hee đã mục kích hình ảnh những bộ xương trắng nơi chiến trường thê lương và nấm mộ của người chiến sĩ vô danh. Hình ảnh tang thương này đã thôi thúc ông viết bài thơ “Bia gỗ” và nhạc sĩ Jang Il-nam đã phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Đây cũng là một trong những sáng tác mang tính lịch sử của nhạc phổ thơ Hàn Quốc. Trong triển lãm đặc biệt này, nghệ sĩ Han Myeong-hee đã kể lại những ký ức năm xưa.

Chiến tranh Triều Tiên đã chia cắt hai miền Nam-Bắc và Bắc Triều Tiên trở thành mảnh đất xa vời với người dân Hàn Quốc. Những người dân bỏ gia đình lánh nạn từ Bắc xuống Nam giờ chỉ còn biết rơi lệ nghẹn ngào, thương nhớ. Lấy bối cảnh chia ly đó, ca khúc “Núi Geumgang thương nhớ” do Han Seong-eok viết lời và Choi Yeong-seop phổ nhạc năm 1961 đã gửi gắm những nỗi niềm thời đại.



[Những gương mặt làm nên lịch sử nhạc phổ thơ Hàn Quốc]Có thể coi nhạc phổ thơ giống như một người bạn tri kỷ luôn song hành cùng dân tộc Hàn Quốc qua các thời kỳ lịch sử. Trong những giai đoạn khó khăn, đau thương nhất, người bạn ấy đã chủ động tìm đến để giãy bày những nỗi niềm tâm sự và an ủi, động viên mỗi cảnh đời cơ cực, lầm than. Phần thứ ba của triển lãm nêu bật những gương mặt đã làm nên lịch sử nhạc phổ thơ Hàn Quốc, đó là những nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ cùng câu chuyện cuộc đời của họ. Người phụ trách quản lý và tổ chức triển lãm của Bảo tàng trường đại học Hanyang, bà Hwang Na-yeong giới thiệu tiếp: "Loại hình nhạc phổ thơ đòi hỏi phải có sự kết hợp hài hòa của ba yếu tố: lời thơ mang tính văn học được thể hiện trên giai điệu phù hợp và giọng ca, lối biểu hiện giàu cảm xúc. Bởi vậy mà phần thứ ba của triển lãm là phần giới thiệu và tôn vinh những thi sĩ, nhà soạn nhạc và ca sĩ tiêu biểu, đã cống hiến cho nền âm nhạc phổ thơ nước nhà. Gian giới thiệu những nhà soạn nhạc có bày các nhạc cụ, đồ vật, những bản nhạc của các nhạc sĩ cùng những ấn phẩm như tạp chí âm nhạc. Chiếc máy hát đĩa than mượn của nghệ sĩ Na Un-yeong; chiếc gạt tàn, ống bút, nhẫn tốt nghiệp tại Học viện âm nhạc Sherwood (Mỹ) là của nhà soạn nhạc Hong Nan-pa."

Trong nhạc phổ thơ Hàn Quốc, ta còn dễ dàng bắt gặp hiện tượng nhiều bài thơ khác nhau được phổ trên cùng một bản nhạc. Tiêu biểu là ba ca khúc khác lời nhưng cùng giai điệu “Quê hương”, “Nỗi nhớ” và “Vọng hương” của nhà soạn nhạc Chae Dong-seon. Bà Hwang Na-yeong chia sẻ: "Nhà soạn nhạc Chae Dong-seon ban đầu đã phổ nhạc bài thơ “Quê hương” của thi sĩ Jeong Ji-yong. Nhưng bài hát này đã bị cấm sau khi thi sĩ Jeong Ji-yong bỏ sang Bắc Triều Tiên vào những năm 1950. Sau đó, nhà soạn nhạc đã tiếp tục phổ nhạc bài thơ “Nỗi nhớ” của thi sĩ Lee Eun-sang và bài “Vọng hương” của thi sĩ Park Hwa-mok. Quả không sai khi nói ba ca khúc với ba phần lời này là sản phẩm được hình thành từ tấn bi kịch chia cách hai miền Nam-Bắc trong lịch sử dân tộc."

Ngoài các ca khúc khác lời nhưng cùng giai điệu, lại có trường hợp một bài thơ được phổ trên nhiều bản nhạc khác nhau. Bà Hwang Na-yeong tiếp tục giải thích: "Những bài thơ hay thường thu hút sự quan tâm của nhiều nhà soạn nhạc. Đặc biệt thi sĩ dân tộc Kim So-wol có nhiều bài thơ được phổ nhạc nhất tại Hàn Quốc bởi bản thân những vần thơ của ông đã là những lời ca. Những bài thơ tiêu biểu hay được phổ nhạc như bài “Hoa đỗ quyên Jindallae”, “Không thể quên”... Đặc biệt bài thơ “Hoa đỗ quyên Jindallae” được người dân Hàn Quốc yêu thích nhất nên đã có tới 15 nhà soạn nhạc phổ giai điệu mới cho lời thơ, tiêu biểu có Kim Sun-nam, Kim Seong-tae, Kim Dong-jin..."

[Những đêm hội nhạc phổ thơ Hàn Quốc]Phần bốn của triển lãm đặc biệt giới thiệu những đêm hội nhạc phổ thơ tại Hàn Quốc. Trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm của lịch sử, từ thời Nhật trị (1910-1945), giải phóng dân tộc rồi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và quá trình khôi phục sau chiến tranh, nhạc phổ thơ đã tôi luyện nên nhiều sáng tác tinh túy với ca từ thấm đượm tinh thần dân tộc và giai điệu mượt mà, tinh tế. Có thể coi những thập niên 1960, 1970 là giai đoạn phát triển đỉnh cao của nhạc phổ thơ Hàn Quốc. Bà Hwang Na-yeong tiếp lời: "Trong thời kỳ này, nhạc phổ thơ trở thành thể loại được công chúng ưa chuộng rộng rãi và được giới thiệu nhiều trong các chương trình phát thanh, truyền hình suốt những năm 1980. Nghệ sĩ Han Myeong-hee, người sáng tác bài thơ “Bia gỗ” khi đó công tác tại đài TBC, nên sau nhiều nỗ lực vận động của ông, một đêm nhạc phổ thơ đầu tiên đã được tổ chức tại Nhà văn hóa nhân dân vào năm 1969. Được biết đã có rất nhiều ý kiến lo ngại trong quá trình tổ chức chương trình, nhưng đêm nhạc đã kết thúc thành công vang dội với hội trường đông nghịt khán giả và thậm chí nhiều người phải vào xem bằng vé chợ đen."

Ngày nay, nhạc phổ thơ Hàn Quốc ngậm ngùi nhường chỗ cho những thể loại âm nhạc ngày càng thịnh hành hơn như Pop hay các thể loại nhạc đại chúng khác. Tuy nhiên, nhạc phổ thơ vẫn đang bền bỉ tìm tòi những phương thức thể hiện phù hợp với dòng chảy thời đại. Đặc biệt, thể nghiệm mới như phổ nhạc cho dân ca Arirang càng nâng cao giá trị của nhạc phổ thơ Hàn Quốc.

Kể từ ca khúc “Hoa Phụng tiên” do cố nhạc sĩ Hong Nan-pa biên soạn vào năm 1920 cho đến nay, nhạc phổ thơ Hàn Quốc đã trải qua 94 năm lịch sử. Loại hình âm nhạc này đã gần gũi, gắn bó và thể hiện đời sống tâm tư, tình cảm dân tộc trong suốt gần 100 năm qua. Trong cơn bĩ cực, những lời ca đã trở thành sức mạnh, là nguồn động viên cổ vũ lớn lao cho mỗi một người dân Hàn Quốc. Nhạc phổ thơ sẽ tiếp tục viết tiếp nhưng trang sử mới và tạo nên nhiều sản phẩm thăng hoa từ vần thơ dân tộc, mượt mà, truyền cảm.

Lựa chọn của ban biên tập