Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Đi bộ 157km vòng quanh Seoul

2014-11-25

[Lễ khai trương con đường đi bộ vòng quanh Seoul]Nghe tiếng ghita thùng, ta cứ ngỡ đây là một buổi biểu diễn âm nhạc ngoài trời, nhưng phía hàng ghế khán giả lại nổi bật với những trang phục leo núi đủ sắc màu, có cả những vị khách tập thể dục tay không theo tiếng nhạc. Mọi người tiết lộ lý do tham gia lễ hội: "Tôi đến đây để chúc mừng lễ khai trương con đường đi bộ vòng quanh Seoul. Tôi chỉ mặc đơn giản hai ba lớp quần áo để tiện cho việc đi bộ, mặc nhiều quá thì sẽ nóng và ra nhiều mồ hôi."; "Tiếng nhạc khiến tâm trạng tôi cũng vui hơn và quãng đường đi bộ dường như cũng sinh động hơn."

Vào thứ Bảy, ngày 15 tháng 11 năm 2014, đã có hơn 1.400 người dân tham gia lễ hội đi bộ vòng quanh tường thành Seoul. Đây là lễ hội đầu tiên và được tổ chức trước cửa Trung tâm nghệ thuật Gangdong, quận Gangdong, thủ đô Seoul. Sự kiện này đánh dấu ngày khánh thành toàn bộ tuyến đường đi bộ vòng quanh tường thành Seoul dài tổng cộng 157km. Ông Park Won-sun, Thị trưởng thành phố Seoul phát biểu: "Xin kính chào tất cả quý vị. Chắc hẳn quý vị rất vui mừng vì hôm nay là ngày kỷ niệm hoàn thành và đưa vào sử dụng toàn bộ tuyến đường đi bộ vòng quanh tường thành thủ đô Seoul. Thưa quý vị, hôm nay cũng là ngày khai mạc lễ hội đi bộ quanh thủ đô Seoul lần thứ nhất. Tôi tin chắc rằng từ dấu mốc quan trọng này, sẽ có rất nhiều người đi trên tuyến đường mới dài 157km. Đường đi bộ Olle ở đảo Jeju hay đường đi bộ ở núi Jiri phía Nam Hàn Quốc vốn đã rất nổi tiếng, và trong tương lai, nhất định tuyến đường đi bộ quanh tường thành Seoul cũng sẽ trở thành một điểm du lịch đặc sắc."

Kể từ năm 2011, thành phố Seoul đã thực hiện nhiều dự án nối kết những tuyến đường rừng và đường làng ven sông, suối theo phương châm vì con người, vì tự nhiên, đường dạo bộ, đường tâm tình. Và tuyến đường đi bộ bao quanh tường thành thủ đô Seoul đã được khai thông sau suốt bốn năm xây dựng. Ông Kim Seung-ryeol thuộc Phòng sinh thái tự nhiên của Văn phòng chính quyền thành phố Seoul cho biết: "Đối với hoạt động leo núi thì thông thường phải lên tận đỉnh núi, rất khó khăn cho người già hay trẻ em. Bởi vậy chúng tôi đã xây dựng tuyến đường không phải dẫn lên đỉnh núi mà là đi men theo sườn núi để ai cũng có thể dễ dàng đi bộ. Người dân Seoul không cần phải đi đến các nơi xa xôi như đảo Jeju hay núi Jiri, mà vẫn có thể rèn luyện sức khỏe cũng như nghỉ ngơi, thư giãn trên những con đường đi bộ bao quanh thành phố."



[Những điểm đặc sắc của tuyến đường đi bộ vòng quanh Seoul]Tuyến đường đi bộ bao quanh tường thành của thủ đô Seoul có tổng cộng tám chặng. Đi men theo triền núi, đường rừng và dọc theo bờ sông, du khách có thể thư thái khám phá môi trường tự nhiên sinh thái cũng như lịch sử và văn hóa của thủ đô giàu truyền thống. Ông Kim Seung-ryeol giới thiệu chi tiết: "Điều quan trọng nhất là phải tạo ra những tuyến đường đi bộ để mọi người dân có thể sử dụng dễ dàng, thuận tiện. Những con đường xuyên rừng giúp mở ra không gian nghỉ ngơi trong lành, thoáng đãng, giao hòa với thiên nhiên. Xung quanh tường thành Seoul cũng có rất nhiều tài nguyên văn hóa đa dạng. Bởi thế chúng tôi đã cố gắng xây dựng các đoạn đường đi bộ nhằm quảng bá các giá trị này. Ở đây có sự kết hợp hài hòa giữa các giá trị sinh thái, tự nhiên và văn hóa, lịch sử."

Khi dạo bước trên con đường bao quanh thành phố Seoul, du khách sẽ khám phá ra muôn vàn vẻ đẹp khác nhau từ con dốc lên núi, đến con đường rừng yên tĩnh, xanh rợp bóng cây hay đường ven sông lộng gió, ngút ngàn. Ông Kim Seung-ryeol nói tiếp: "Đường đi bộ quanh Seoul không chỉ có đường núi mà còn nối kết tự nhiên với đường sông hay đường làng. 157km toàn tuyến bao gồm 85km đường rừng, 40km đường bờ sông và 32km đường làng. Tuyến đường này có ưu điểm lớn nhất là vừa đi bộ, rèn luyện sức khỏe, lại vừa quan sát được toàn cảnh thủ đô Seoul."

Địa điểm tổ chức lễ hội đi bộ vòng quanh tường thành Seoul lần thứ nhất nằm trên chặng số ba dài tổng cộng 26km, nối từ núi Godeok đến núi Ilja. Từ Trung tâm nghệ thuật Gangdong, du khách sẽ đi bộ 7.6km đến quảng trường “Tiếng nước” của công viên Olympic. Ông Kang In-ho, cán bộ phụ trách của Ban thành phố xanh, chuyên quản lý núi và công viên của thành phố Seoul, cho biết: "Chặng đi qua quận Gangdong vừa dễ đi lại vừa ấm cúng, thanh bình. Ngoài ra còn có sáu địa điểm khác để người dân có thể chọn những chặng đường đi bộ phù hợp với địa bàn sinh sống như người dân ở quận Nowon có thể đi đường qua núi Surak, núi Buram; người ở quận Gwanak hay quận Geumcheon có thể đi đường núi Gwanak."

Ngoài quận Gangdong, cùng ngày tổ chức lễ hội đi bộ còn có năm địa điểm khác cũng đồng loạt khởi hành trên những chặng đường được quy định sẵn. “Cùng đi bộ nào, cùng đi trên con đường quanh thành Seoul”. Du khách lòng phơi phơi, ai ai cũng hứng khởi rảo bước theo giai điệu của lời hát. Mọi người chia sẻ: "Tôi vui lắm khi được đi bộ trên con đường thơ mộng này. Tôi sẽ chăm chỉ đi bộ hơn nữa."; "Tôi sẽ tham gia đi bộ thật vui và đầy nhiệt huyết như từ trước đến nay."; "Phải đi đến hết chặng chứ! Sẽ kết thúc nhanh thôi. Mong tuyến đường đi bộ quanh thành Seoul sẽ ngày một xanh tươi."; "Đi bộ chính là bí quyết rèn luyện sức khỏe của tôi."; "Hãy đi bộ với tinh thần khỏe mạnh, an toàn. Cố lên! Cố lên!"

Đi trên con đường rừng, bước chân du khách dẫm lên thảm lá khô mùa thu, phát ra những âm thanh lạo xạo thật vui tai. Chỉ mới ra khỏi trung tâm thủ đô một chút thôi mà không khí đã hoàn toàn khác hẳn. Lá vàng như đang trải một tấm thảm mềm mại trên mặt đất khiến các em nhỏ cũng rất thích thú. Một cậu bé nói: "Tuy hơi mệt nhưng cháu leo núi giỏi lắm. Cháu có thể chịu mệt, chịu mỏi mà đi đến hết đường được." Một người đi bộ khác cho biết: "Tuy chưa đi bộ được bao lâu nhưng tôi rất vui khi được hít thở bầu không khí trong lành. Ngoài không gian tốt cho sức khỏe như rừng và công viên nhỏ, thì những con đường xuyên núi thế này quả là một trải nghiệm thú vị cho những người bận rộn nơi công sở như tôi."

Tám chặng của tuyến đường đi bộ vòng quanh thành Seoul, mỗi chặng đều có những điểm cuốn hút riêng. Chặng núi Godeok - núi Ilja dành cho những người muốn di chuyển, vận động nhẹ nhàng, chặng số 4 núi Daemo- núi Umyeon hay chặng 5 núi Gwanak dành cho ai muốn nghỉ ngơi giữa thiên nhiên trong lành, chặng số 6 suối Anyang lại mở ra khung cảnh nước non bát ngát. Nếu muốn ngắm cảnh Seoul từ trên cao, du khách có thể đi chặng số 2 từ núi Yongma đến núi Achan. Dù chọn chặng nào thì các phương tiện giao thông cơ giới cũng rất thuận tiện để phục vụ mọi nhu cầu của du khách. Ông Kim Seung-ryeol thuộc Phòng sinh thái tự nhiên của văn phòng chính quyền thành phố Seoul cho biết:"Một trong những điểm đáng tự hào nữa là mọi người dân đều có thể sử dụng tàu điện ngầm đến các chặng của tuyến đường đi bộ bao quanh thành Seoul. Khi xây dựng tuyến đường, thành phố đã chủ ý nối kết các điểm xuất phát và đích đến với các ga tàu điện ngầm, các điểm giữa chặng đi cũng được bố trí gần với ga tàu điện. Bởi vậy mà tuyến đường đi bộ quanh Seoul đi qua 23 ga tàu điện. Đây quả là niềm tự hào lớn nhất của con đường đi bộ thủ đô."

[Tám chặng đi bộ của tuyến đường vòng quanh Seoul]Chặng đi bộ số 1 nối từ núi Surak đến núi Buram xuất phát từ ga tàu điện núi Dobong có tổng chiều dài toàn chặng là 14.3km với thời gian đi bộ cần thiết là 6 tiếng 30 phút. Đường được thông từ núi Surak đến núi Buram, nhưng không phải là thông lên đỉnh núi mà là dưới chân núi để du khách có thể hoàn toàn tận hưởng không gian sinh thái, trong lành, thư thái nhất. Ông Kim Seung-ryeol tiếp tục giới thiệu: "Đặc biệt đường qua núi Surak còn đi qua mỏ đá, đứng từ đỉnh mỏ đá này có thể quan sát được toàn bộ phía Bắc Seoul. Khách tham quan hoàn toàn có thể thảnh thơi dạo bước trên con đường thấp thoai thoải ven triền núi Buram và giao hòa cùng cảnh vật thiên nhiên xung quanh."

Chặng số 2 là chặng dọc theo suối Mokdong, đi qua núi Mangu, núi Yongma và kết thúc ở núi Acha. Toàn chặng dài 12.6km với tổng thời gian đi bộ dự kiến là 5 tiếng 10 phút. Du khách có thể dừng chân tại ga Hwarangdae. Ông Kim Seung-ryeol nói:"Trên núi Mangu có công viên mộ chí Mangu, là nơi yên nghỉ của các chí sĩ ái quốc nên khi đi bộ trên chặng đường này du khách có thể đồng cảm cùng những nỗi niềm lịch sử. Đoạn đường chạy qua lưng núi Acha dài 3-4km, là địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn toàn cảnh sông Hàn hay thủ đô Seoul. Vì vậy đây là một trong những chặng có cảnh trí đẹp nhất mà chúng tôi muốn giới thiệu tới du khách."

Chặng số 3 trong tuyến đường đi bộ bao quanh thành Seoul kéo dài từ núi Godeok đến núi Ilja với tổng khoảng cách 26,1km và đi trong 9 tiếng. Đây là chặng thích hợp cho những người dân thích đi dạo ngắm cảnh nhẹ nhàng, thư thái. Chặng số 4 là chặng núi Daemo- núi Umyeon với 8 tiếng đi bộ trên quãng đường dài 17.9km. Ông Kim Seung-ryeol tiếp lời: "Khi xuất phát từ ga Suseo, đi qua núi Daemo, núi Guryong và đến rừng Yangjae, du khách có thể dừng lại để tham quan đài tưởng niệm nhà chí sĩ yêu nước Yun Bong-kil. Tiếp theo, sau khi đi bộ qua núi Umyeon, du khách sẽ kết thúc hành trình tại ga tàu điện Sadang. Núi Daemo và núi Umyeon có nhiều cây cối hùng vĩ, um tùm của khu vực Gangnam nên khi tham gia chặng này, du khách sẽ không chỉ được nghỉ ngơi, thư giãn mà còn có cơ hội ngắm nhìn khung cảnh phồn hoa, nhộp nhịp của một trong những vùng giàu có nhất nhì Seoul này."

Chặng số 5 núi Gwanak có tổng chiều dài 12.7km và để chinh phục hết quãng đường này phải cần 5 tiếng 50 phút. So với các chặng khác, chặng này có phần khó đi hơn nên đây thường là lựa chọn dành cho những ai muốn chinh phục quả núi Gwanak. Ông Kim Seung-ryeol giải thích:"Núi Bukhan và núi Gwanak là hai ngọn núi tiêu biểu của Seoul. Chặng đường qua núi Gwanak xuất phát từ ga tàu điện Sadang và kết thúc tại ga Seoksu. Núi Gwanak không chỉ có rừng cây đẹp mà còn là địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn Seoul từ trên cao. Ngoài ra nơi đây còn có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa như đền Nakseong (Lạc tinh), vùng thánh địa Samseongsan (Tam thánh sơn, ba quả núi linh thiêng) của đạo Công giáo, chùa Hoap (Hổ áp)... Đi qua chặng đường này và dừng chân tham quan, tìm hiểu về các di tích tôn giáo này cũng vô cùng thú vị, bổ ích."

Chặng số 6 đi qua suối Anyang dài 18km và tổng thời gian hành trình là 4 giờ 30 phút. Từ ga Seoksu, du khách đi dọc theo suối Anyang, sông Hàn và kết thúc ở ga Gayang. Tuy đường đi dài nhưng giữa quãng đường đều được liên kết với các trạm giao thông công cộng, rất tiện lợi cho việc di chuyển. Đặc biệt, khác với các chặng đường rừng, đường núi khác, đây là hành trình đi qua những con sông suối tiêu biểu của Seoul như sông Hàn và suối Anyang. Vào mùa xuân, hoa anh đào nở trắng muốt dọc theo cả tuyến đường, thu hút đông đảo du khách bốn phương.

Chặng số 7 của tuyến đường đi bộ bao quanh thành Seoul nối từ núi Bong đến núi Engbong, dài 16.6km và có tổng thời gian hành trình 6 giờ 10 phút. Chặng này bắt đầu từ ga Gayang, đi qua công viên Noeul (Hoàng hôn), công viên Haneul (Bầu trời), sân vận động Worldcup, núi Bong, núi Engbong rồi kết thúc tại ga tàu điện ngầm Gupabal. Ông Kim Seung-ryeol cho biết: "Chặng đường này đi qua công viên World Cup, công viên được xây dựng để chuẩn bị cho Giải vô địch bóng đá thế giới năm 2002. Mọc lên từ núi rác trước đây, công viên ngày nay là biểu tượng cho quá trình cải tạo môi trường và xây dựng, phát triển hệ sinh thái thành công. Núi Engbong có bầu không khí trong lành và cũng là một địa điểm ngắm cảnh Seoul từ trên cao lý tưởng. Ở đây còn có một di tích lịch sử nữa là đài Bongsu (Phong toại), nơi quan sát và báo tin giặc xâm nhập vào lãnh thổ đất nước xưa kia."

Chặng số 8 đi qua núi Bukhan là chặng cuối cùng của tuyến đường đi bộ quanh Seoul. Đây là chặng đường dài nhất với tổng hành trình dài 34.8km và mất tới 17 tiếng để chinh phục. Bởi vậy không thể đi hết chặng trong một ngày mà phải chia thành nhiều chặng nhỏ hơn với những quãng nghỉ giữa chừng. Chặng núi Bukhan chứa đựng rất nhiều điều thú vị khi đi qua nhiều thắng cảnh tham quan như công viên sinh thái Bukhan, cửa Seongam (Linh am) của đài Tangchun (Đãng xuân), bến giặt, mộ của liệt sĩ Yijun (Lý Tuấn)...



[Đi bộ để kết nối và sẻ chia]Được thiết kế xây dựng từ năm 2011, tuyến đường đi bộ bao quanh thành Seoul đã dần dần lộ diện qua từng giai đoạn, và sau bốn năm, cùng với việc khai thông chặng núi Godeok-núi Ilja, toàn bộ tám chặng đã được liên kết hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động chính thức. Có rất nhiều “Trạm bưu điện du lịch” đã được mở ra để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu và chinh phục các tuyến đường này.

Các trạm bưu điện ngày xưa được tái sử dụng trên các tuyến đường đi bộ, là nơi khách đi bộ dừng chân để đóng dấu chứng nhận hành trình. Trước khi xuất phát, khách cũng không quên công đoạn đóng dấu. Khi chinh phục toàn bộ tuyến đường đi bộ bao quanh thành Seoul, du khách sẽ nhận được toàn bộ 28 chiếc dấu chứng nhận, ngoài ra còn có cả “Bằng chứng nhận hoàn thành quãng đường đi bộ quanh Seoul”. Bởi vậy mà có rất nhiều người dân nung nấu quyết tâm đi bộ hết quãng đường 157km để lấy cho được chứng nhận này. Một nữ du khách cho biết:"Tôi thích đi bộ lắm. Trước đây tôi đã đi bộ trên đường này một lần rồi. Nhân dịp khai thông toàn bộ tuyến đường, nhất định tôi sẽ dành khoảng hai tháng để chinh phục và đóng cho đủ 28 con dấu chứng nhận.". Một du khách khác nói: "Từ trước đến nay tôi không có cơ hội leo núi. Nhưng sau khi chinh phục tuyến đường đi bộ ở Seoul, tôi còn muốn leo thử núi Jiri, núi Halla, núi Beakdu"

Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người càng có xu hướng tìm đến với tự nhiên như lên núi, rừng hay ra bờ sông, suối để nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng tâm hồn. Bởi vậy mà sự kiện khai thông toàn bộ tuyến đường bao quanh thành Seoul đang rất được chào đón. Còn gì vui bằng khi được đồng hành cùng những người bạn tốt, cùng nhau tâm sự, tìm hiểu di tích văn hóa lịch sử và cùng ngắm nhìn từ trên cao khung cảnh tươi đẹp, diễm lệ của thủ đô Seoul. Quả không sai khi nói rằng đây là tuyến đường “nhất cử lưỡng tiện”, vừa thư giãn, rèn luyện sức khỏe lại vừa được tham quan và học hỏi. Những người dân chia sẻ: "Tôi rất hài lòng với tuyến đường đi bộ này. Thật là thích khi nhìn các đôi tình nhân, thậm chí cả những vị cao tuổi cũng nắm tay nhau đi bộ trên con đường thuộc quận Gangdong này. Đây là con đường khỏe mạnh, con đường hạnh phúc."; "Cùng với quá trình công nghiệp hóa, thủ đô Seoul giờ đây chỉ toàn tòa nhà cao tầng. Thật là may mắn khi giữa lòng thành phố lại có những con đường đất gần gũi, trong lành, đem lại nhiều trải nghiệm thú vị như thế này."; "Tôi rất tự hào khi Seoul cũng có đường đi bộ giống như con đường Olle nổi tiếng ở đảo Jeju. Mệt thì đã có cảnh đẹp hai bên đường, có rừng cây, sông, suối. Tôi thích nhất là được bước trên những con đường đất gần gũi, bình dị."

Lựa chọn của ban biên tập