Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Truyện tranh trực tuyến, nguồn cảm hứng mới của phim ảnh Hàn Quốc

2014-12-09

[“Misaeng” - nguồn đồng cảm lớn lao của giới văn phòng Hàn Quốc]Gần đây, bộ phim nhiều tập chiếu trên kênh truyền hình cáp nhan đề “Misaeng” (Vị sinh), tạm dịch là “Mùi đời” hoặc “Cuộc đời không trọn vẹn” đang thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả Hàn Quốc. Nhân vật chính trong phim là Jang Geu-rae, chàng trai ấp ủ ước mơ trở thành một kì thủ cờ vây. Tuy nhiên sau khi trượt cuộc thi trở thành kì thủ cờ vây chuyên nghiệp, sự nghiệp đánh cờ của anh buộc phải dừng lại. Sau đó, anh đã chấp nhận vào làm nhân viên hợp đồng trong một công ty lớn. Qua từng tập phim, cuộc đấu tranh “sinh tồn” đầy khắc nghiệt của chàng nhân viên Jang Geu-rae trong công sở càng nhận được sự đồng cảm, hưởng ứng của giới văn phòng Hàn quốc. Các khán giả chia sẻ:"Phim “Misaeng” rất đúng với thực tiễn. Mỗi một nhân vật trong phim là một cảnh đời được khắc họa đầy sinh động và chân thực."; "Tôi đồng cảm nhất với chi tiết các đồng nghiệp bảo vệ nhau khi một người bị bậc tiền bối phòng khác khiển trách."; "Tôi cũng đang chuẩn bị tìm việc nên cảm thấy mình có nhiều điểm giống với nhân vật chính. Xem phim, tôi vừa thấy sự khắc nghiệt, lạnh lùng của hiện thực nhưng vẫn cảm nhận được tình người ấm áp và niềm an ủi."

Nguyên tác của phim truyền hình “Misaeng” là bộ truyện tranh trực tuyến cùng tên của tác giả Yoon Tae-ho được đăng tải trên mạng từ năm 2012. Ngay từ khi phát hành trên mạng, tác phẩm đã được giới công sở Hàn Quốc ưa thích theo dõi. Họa sĩ truyện tranh Yoon Tae-ho nói về ý tưởng tác phẩm của mình: "Thông thường nhiều người nghĩ rằng chỉ cần tốt nghiệp một trường đại học có tiếng, rồi tìm được một chỗ làm tốt là đã hoàn thành ước nguyện, mục tiêu của cả cuộc đời, nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Con người trong thực tế luôn phải từ bỏ và xa rời sở thích, ước mơ của mình để lo cơm áo gạo tiền. Tiêu đề của bộ truyện tranh - “misaeng” (vị sinh) có nghĩa là cuộc đời chưa hoàn hảo, chưa trọn vẹn. Cuộc đời mỗi con người đều có sự dở dang, nhưng nếu có chính kiến, có ước mơ và luôn thăng hoa sáng tạo, cũng như nỗ lực vì ước mơ đó thì sẽ đạt tới “wansaeng” (hoàn sinh), là mục tiêu đích thực của mỗi một đời người."

“Misaeng” hay “wansaeng” đều là những thuật ngữ chuyên dùng trong môn cờ vây. “Misaeng” miêu tả trạng thái bị mất “nhà” hay “đại mã”, nhưng chưa hẳn đã là quân cờ “chết”. Ngược lại với “misaeng”, “wansaeng” là tình thế có thể cứu vãn dù đi bất cứ nước cờ nào. Trong mỗi tập truyện tranh, tác giả Yoon Tae-ho đều đặt ra một bàn cờ và so sánh cuộc đời con người với từng thế cờ. Cuộc đời con người cũng giống như tình thế “misaeng” trên bàn cờ vây, và đang hướng tới sự hóa giải “wansaeng”. Được ủng hộ rộng rãi, bộ truyện tranh “Misaeng” được ghi nhận 100 triệu người xem trên mạng.



[Sự nở rộ của các tác phẩm phim ảnh chuyển thể từ truyện tranh mạng]Trừ những bộ phim cổ trang khai thác đề tài lịch sử, phim truyền hình Hàn Quốc từ trước tới nay đều xoay quanh một vài mô típ như: cuộc sống của đại gia đình đề cao tình nhân ái; tấm gương tự lập, thành công sau nhiều sóng gió thử thách; tâm lý tình cảm hài hước; sự đối đầu giữa thiện và ác; tình yêu lãng mạn nam nữ kiểu công chúa Lọ Lem; bí mật thân phận hay ngoại tình, các mối quan hệ vụng trộm... Giữa lúc phim truyền hình Hàn Quốc đang khát khao tìm kiếm nguồn tư liệu mới mẻ, chân thực hơn, thì sự xuất hiện của những tác phẩm truyện tranh như cơn mưa mùa hè mát mẻ sau chuỗi ngày oi bức, nắng hạn. Giáo sư Han Chang-wan, khoa Truyện tranh và phim hoạt hình thuộc trường Đại học Sejong, cho biết: "Bản thân đội ngũ biên kịch cho phim truyền hình hay điện ảnh tại Hàn Quốc cũng khá mỏng. Trong khi đó chất lượng về mặt kịch bản của truyện tranh trực tuyến ngày càng được cải thiện. Phim ảnh có hạn chế về mặt thể loại như tình cảm, viễn tưởng hay hành động. Đặc biệt là phim truyền hình thường chỉ khai thác lặp lại những đề tài về hoàn cảnh gia đình hay thân phận cá nhân, từ đó xây dựng mâu thuẫn, xung đột để tạo kịch tính hay gây bất ngờ cho người xem. Truyện tranh trên mạng xuất hiện như một làn gió lạ, và cuốn hút cả về thể loại lẫn nội dung, là nguồn tư liệu quý cho điện ảnh. Bởi thế mà có nhiều tác phẩm truyện tranh trực tuyến được sáng tác ngay từ đầu với mục đích chuyển thể thành phim."

Mấy năm gần đây, đã có rất nhiều tác phẩm truyện tranh trực tuyến được chuyển thể lên màn ảnh rộng Hàn Quốc. Bộ phim “Rêu” được trình chiếu năm 2010 cũng là một sản phẩm chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của tác giả Yoon Tae-ho. Năm 2012, một bộ phim khác được trình làng mang tên “26 năm” cũng lấy nguyên tác từ bộ truyện tranh cùng tên của tác giả Kang Full.

Bộ phim “Ngấm ngầm và vĩ đại” lấy nguyên tác từ bộ truyện tranh cùng tên của tác giả Hun được công chiếu vào tháng 6 năm 2013 đã thu hút 6.950.000 lượt người xem. Đây được đánh giá là một trong những bộ phim chuyển thể từ truyện tranh trực tuyến thành công nhất tại Hàn Quốc. Tiếp đó, phim “Vua thời trang” lấy nguyên tác từ bộ truyện tranh cùng tên của tác giả với bút danh Ki-an 84 cũng đã ra mắt vào tháng 11 năm 2014.

Không chỉ phim nhựa, các phim truyền hình Hàn Quốc lấy nguyên tác từ truyện tranh trên mạng cũng đang nhận được rất nhiều quan tâm của khán giả. Bộ phim truyền hình được chiếu trên đài KBS năm 2010 mang tên “Mary ơi, hãy cưới anh!” (Marry Me, Mary!), được phát sóng tại Việt Nam với tên gọi “Chuyện tình Mary” cũng là một sản phẩm chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của nữ tác giả Won Soo-yeon. Truyện tranh “Mary ơi, hãy cưới anh!” kể về chuyện tình tay ba giữa cô gái Wi Mary rụt rè, thơ ngây và hai anh chàng gồm Kang Mu-gyeol có giọng hát quyến rũ và Byeon Jeong-in, một người đàn ông hoàn hảo từ ngoại hình, gia thế đến tính cách.

Một bộ phim khác mang tên “Người đàn ông đẹp” (hay được biết đến với tựa đề “Mỹ nam kế” tại Việt Nam) được công chiếu từ tháng 11 năm 2013, chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của nữ tác giả Cheon Kye-yeong. Bộ phim thu hút khán giả bởi cốt truyện hấp dẫn, kể về Dokgo Ma-te, một chàng trai có khuôn mặt đẹp, chuyên quyến rũ những phụ nữ thành đạt để tìm kiếm tiền bạc, danh vọng cho bản thân. Tuy nhiên, dần dần anh đã rút ra được những bài học đáng quý, nhận ra những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống và trở thành một người đàn ông đích thực.

Ngoài bộ phim “Misaeng” vừa giới thiệu, thì “Giáo sư Frost” (Doctor Frost), một bộ phim chuyển thể từ bộ truyện tranh mạng cùng tên của Lee Jong-beom đang chiếu trên một kênh truyền hình cáp khác, cũng được khán giả nhiệt tình đón nhận.



[Nguyên nhân sức thu hút của truyện tranh trực tuyến]Vậy, tại sao truyện tranh trực tuyến lại có sức lan tỏa rộng rãi và sức cuốn hút đặc biệt đến vậy? Để tìm lời đáp cho câu hỏi này, trước tiên chúng ta hãy cùng trò chuyện với tác giả Lee Jong-beom : "Nếu như trước đây đội ngũ tác giả truyện tranh trực tuyến phần lớn là các họa sĩ thì ngày nay có rất nhiều đối tượng khác như giáo viên, công nhân viên... cũng có thể tham gia sáng tác. Chính bởi vậy mà thể loại hay đề tài của truyện tranh trực tuyến không ngừng được mở rộng, có thể nói là vô tận. Và đó cũng là lý do truyện tranh trực tuyến dễ thâm nhập vào các loại hình văn hóa khác và dễ tìm được mối đồng cảm từ công chúng."

Tác giả Lee Jong-beom đã dựa vào các kiến thức chuyên ngành tâm lý mà ông học ở đại học để xây dựng nên nhân vật chính là giáo sư Frost, một nhà tâm lý học thiên tài, có khả năng đọc suy nghĩ tội phạm và phá án vô cùng siêu việt. Ông Lee Jong-beom nói tiếp: "Ngày nay có rất nhiều bộ truyện tranh khai thác đề tài rất chuyên môn. Tuy nhiên vào thời điểm tôi bắt tay thực hiện bộ truyện tranh này thì không có nhiều người vẽ truyện tranh và môi trường, khả năng sáng tác cũng như nghiên cứu mảng đề tài đòi hỏi tính chuyên môn còn nhiều hạn chế. Tùy thuộc vào nội dung muốn vẽ mà tác giả truyện tranh phải xây dựng cốt truyện và hình tượng nhân vật chính truyền tải ý tưởng của bản thân. Ví dụ, nếu ai hỏi tâm lý học là gì, tôi sẽ trả lời là một bộ môn giúp người ta hiểu được suy nghĩ, tình cảm của chính bản thân mình. Tuy nhiên khi xây dựng nhân vật chính thì tôi lại tạo nên một hình tượng hoàn toàn không biết, không hiểu gì về chính bản thân mình để tạo sự mới lạ và thu hút cho câu chuyện."

Các tác giả truyện tranh cũng phải đi thăm dò và kiểm chứng thực tế để đảm bảo độ chân thực và chính xác nhất. Cha đẻ của bộ truyện tranh “Giáo sư Frost”, tác giả Lee Jong-beom tuy đã học chuyên ngành tâm lý nhưng vẫn chăm chỉ đọc luận văn và tham khảo ý kiến các chuyên gia để có thể lĩnh hội bộ môn khoa học phức tạp này. Ông chia sẻ: "Tôi luôn có khoảng bốn, năm người tư vấn cố định. Họ là những bậc thầy hay những người có kiến thức uyên thâm liên quan đến lĩnh vực của mình. Tôi phỏng vấn, tìm kiếm luận văn, vừa học vừa tổng hợp lại các tài liệu. Ngoài ra, tôi cũng theo dõi các hiện tượng xã hội để tìm hiểu về thị hiếu hay tâm tư, tình cảm của độc giả ngày nay. Ví dụ như cảm giác căng thẳng, lo lắng trước sau kì thi của những sĩ tử chuẩn bị thi đại học, bệnh mất ngủ hay chứng trầm cảm của giới trẻ không tìm được việc làm. Khi phát hiện thấy đề tài nào thú vị, tôi liền phác họa ý tưởng rồi sau đó tham khảo các chuyên gia tư vấn."

Không chỉ dừng lại ở đó, các tác giả truyện tranh còn tìm kiếm tài liệu qua mạng xã hội. Tác giả Yoon Tae-ho của bộ truyện tranh “Misaeng” về giới văn phòng cho biết ông đã tiếp xúc với những nhân viên công sở qua mạng xã hội.
Từ thế giới truyện tranh trực tuyến, các nhân vật lại được “tái sinh” thành người thật, việc thật trên phim truyền hình. Bản thân tác giả Lee Jong-beom cũng rất kì vọng vào bộ phim chuyển thể từ chính tác phẩm của mình: "Sau khi đã bán bản quyền bộ truyện tranh thì giờ đây tôi chờ đợi mỗi một tập phim với tư cách một khán giả xem truyền hình. Tôi vừa vui mừng lại vừa rất hồi hộp khi cảm nhận tác phẩm của mình ở một thể loại hoàn toàn khác. Nguyên tác thông qua quan điểm, cảm nhận của người sáng tác tiếp theo lại hiện lên với những diện mạo mới. Đồng thời, tôi cũng có một chút lo lắng, không biết là tác phẩm mới có giữ lại được những thông điệp quan trọng mà tôi muốn gửi gắm hay không."

Sẽ càng thú vị hơn khi vừa xem phim, vừa liên tưởng và đối chiếu các nhân vật với truyện tranh nguyên tác. Bởi vậy mà gần đây, các bộ phim truyền hình chuyển thể rất quan tâm đến việc lựa chọn diễn viên cũng như khâu hóa trang để tạo sự tương đồng cao nhất giữa vai diễn và nhân vật truyện tranh. Các khán giả luôn thích thú và quan tâm theo dõi xem diễn viên nào được chọn vai, hoặc các diễn viên có đóng đạt đúng theo đặc điểm của nhân vật hay không. Một khán giả chia sẻ:
"Tôi rất ủng hộ việc chuyển thể truyện tranh sang phim ảnh. Và các bộ phim chuyển thể cũng được đón nhận nồng nhiệt bởi các diễn viên đã hóa thân xuất sắc, làm nổi bật tính cách và hành động của các nhân vật trong truyện tranh. Khi xem phim, tôi thấy những nội dung mà mình đã đọc trong truyện tranh được thể hiện một cách mới lạ, sinh động và truyền cảm hơn." Một nữ khán giả khác nói: "Tôi hay so sánh xem các diễn viên có giống với nhân vật trong truyện tranh hay không. Và tôi rất khâm phục khi các diễn viên giống hết kể cả diện mạo lẫn tính cách."

Qua mỗi tập phim, khản giả như được trải nghiệm về câu chuyện của chính cuộc đời mình, có lúc vui, lúc buồn, có lúc lại thấy như được an ủi, vỗ về. Giáo sư Han Chang-wan, khoa Truyện tranh và phim hoạt hình thuộc trường Đại học Sejong, nhận xét: "Nguyên nhân dẫn đến thành công của “Misaeng” là vì bộ phim đã khai thác đề tài đặc biệt về cuộc sống của lớp người độ tuổi từ 30 đến 50, đang mải mê làm việc. Đó là trụ cột xã hội của một quốc gia. Thông qua phim ai cũng thấy như chính cuộc sống, chính câu chuyện của mình ở trong đó."

Đã qua rồi cái thời vừa bấm chuột, vừa xem truyện tranh trên máy tính, sự phổ cập của smartphone đã mở ra thời đại mới cho truyện tranh trực tuyến Hàn Quốc. Truyện tranh trực tuyến thể hiện sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng lớn lên phim ảnh bằng nhiều chủ đề đa dạng, chân thực của cuộc sống. Truyện tranh trực tuyến sẽ còn phát triển và trở thành một trong những loại hình văn hóa tiên phong trong thời đại kỹ thuật số mới.

Lựa chọn của ban biên tập